Mắm và thạch "bẩn" có đường hóa học cyclamate

Kinh tếThứ Ba, 09/08/2011 07:15:00 +07:00

(VTC News)- Vừa qua, hàng loạt thực phẩm bị phát hiện chứa đường hóa học cyclamate như kem, sữa đậu nành, thạch, cà phê và mắm.

(VTC News) – Hiện, đường hóa học cyclamate bị cấm sử dụng trong thực phẩm. Tuy nhiên, gần đây hàng loạt vụ việc bị khui ra, người tiêu dùng mới ngã ngửa hóa ra mình vẫn ăn chất độc hại này mà không biết.

LTS: Đường hóa học không rõ nguồn gốc xuất xứ đang được sử dụng khá phổ biến trong chế biến thực phẩm để tạo độ ngọt như nước phở, mắm, thạch, chè…

Ngày 8/8, VTC News đã đăng tải bài viết “Khi nước phở được chế bằng đường hóa học Trung Quốc”.

Hôm nay, chúng tôi thông tin đến độc giả những vụ việc liên quan tới thực phẩm chứa đường cyclamate bị các cơ quan chức năng phát hiện trong thời gian gần đây.

Thời gian qua, hàng loạt thực phẩm bị phát hiện chứa đường hóa học sodium cycalmate (cycalmate) như kem, sữa đậu nành, thạch, thậm chí cà phê và mắm cũng được "nhồi" hóa chất này.

Kem, sữa đậu nành, thạch “dính” cyclamate

Sáng 17/5, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Cà Mau qua kiểm tra điểm bán kem ký số 41, ấp Cây Trâm, xã Định Bình, TP Cà Mau (Cà Mau) đã phát hiện nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc, không nhãn mác.

Kết quả xét nghiệm cho thấy số kem trên có sử dụng đường hóa học cyclamat. Hóa chất này hiện cấm sử dụng tại Việt Nam. Ngoài ra, sản phẩm kem không đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Y tế.

Bác sĩ Trần Bé Ngoan, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Cà Mau cho biết, căn nhà số 41, ấp Cây Trâm được ông Nguyễn Thanh Phong thuê làm đại lý phân phối kem cho những người bán dạo trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Ông Phong khai kem được mua từ một đại lý ở Tiền Giang.

Sữa đậu nành chứa đường hóa học cyclamate 
Không chỉ kem, mà sữa đậu nành cũng bị phát hiện chứa đường hóa học cyclamate. Ngày 15/4, phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm (CSPCTP) về môi trường, Công an tỉnh Thái Bình đã tiến hành kiểm tra cửa hàng của anh Đoàn Văn Thức ở thôn Mỹ Am, Vũ Hội, Vũ Thư.

Tại thời điểm này, cửa hàng đang bày bán 6 thùng sữa đậu nành (loại 40 gói/thùng, mỗi gói khoảng 200ml) thương hiệu 199 Hoàng Hà có chứa đường cyclamate.

Mở rộng điều tra, Phòng CSPCTP về môi trường phát hiện tại kho hàng của anh Phạm Văn Long, 36 tuổi, trú tại 245, tổ 22, phường Bồ Xuyên, TP Thái Bình cất giữ 563 thùng sữa đậu nành cùng loại như trên.

Sữa đậu nành thương hiệu 199 Hoàng Hà là của Công ty TNHH Chế biến thực phẩm Hoàng Hà ở Trịnh Nguyễn, phường Châu Khê, Từ Sơn, Bắc Ninh.

Trả lời cơ quan chức năng, đại diện công ty cho biết: Do công ty sơ suất, thiếu trách nhiệm đã để cho công nhân chế biến, sử dụng đường hoá học cyclamate vào lô hàng sữa đậu nành 199 Hoàng Hà và bán cho anh Phạm Văn Long.

Cơ quan Công an đã xử lý hành vi vi phạm đối với Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Hà và anh Phạm Văn Long đồng thời tiến hành tiêu hủy toàn bộ số sữa đậu nành trên.

Thạch chứa cyclamate cũng bị phanh phui.(Ảnh minh họa: Internet)
Trước đó, một vụ việc dùng đường hóa học cyclamate cũng bị phanh phui. Tại Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Hà Thành (109 phố Trường Lâm, quận Long Biên, Hà Nội), đoàn kiểm tra vệ sinh liên ngành đã niêm phong, thu giữ hơn 2 tấn thạch các loại cùng 12 kg đường.

Đoàn kiểm tra phát hiện dây chuyền sản xuất, đóng gói các sản phẩm thạch trên được bố trí sát nhà vệ sinh. Công ty có dấu hiệu đã sử dụng đường cyclamate. Đoàn đã lấy mẫu gửi cơ quan chức năng giám định.

Đến mắm và cà phê cũng dùng cyclamate

Một cơ sở chuyên rang cà phê ở Cần Thơ đã sử dụng đường hoá học cyclamate để chế biến cà phê. Điều này khiến nhiều người thích uống cà phê thấy lo lắng, bởi đây là loại đường đã từng được cảnh báo tiềm ẩn nhiều độc hại cho sức khoẻ.

Ngày 15/5, đoàn kiểm tra liên ngành của trung tâm y tế dự phòng quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ đã đề nghị UBND quận Ninh Kiều xử phạt hành chính cơ sở chuyên rang cà phê Thái Dương (khu vực 4, phường An Bình, quận Ninh Kiều). Mức phạt là 12,5 triệu đồng, về hành vi sử dụng phụ gia trái quy định.

1 kg cyclamate cho 600 kg cà phê. 
Đoàn kiểm tra cũng đề nghị tiêu huỷ toàn bộ 198 kg đường cyclamate và 6 kg đường viên không rõ nguồn gốc phát hiện tại cơ sở này vào ngày 9/5. Chủ cơ sở thừa nhận, đã sử dụng đường cyclamate để chế biến cà phê với tỷ lệ 1 kg đường cyclamate pha chế, chế biến với 600 kg cà phê.

Một sản phẩm mà không ai nghĩ dùng đường hóa học, hóa ra lại bị “nhồi” cyclamate. Cách đây ít lâu, cơ quan quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm sở Y tế TP.HCM đã thanh tra một cơ sở sản xuất nước mắm ở quận Bình Tân. Đoàn thanh tra phát hiện 120 chai nước mắm loại 20ml; 168 chai siêu hạng loại 350ml; sáu chai loại 720ml... đều được chế biến bằng đường hóa học cyclamate.

Cơ quan chức năng đã niêm phong, yêu cầu cơ sở vi phạm tiến hành thu hồi sản phẩm cùng loại ngoài thị trường, tiêu huỷ toàn bộ.

Cyclamate – nguy cơ gây ung thư bàng quang

GS.TS Lưu Duẫn, trưởng khoa công nghệ thực phẩm, đại học Công nghệ Sài Gòn cho biết ông đã có quá trình nghiên cứu kỹ về đường cyclamate. Theo đó, sodium cyclamate, tên gọi tắt cyclamate, là một chất làm ngọt, màu trắng, không mùi, dạng bột tinh thể, tan nhiều trong nước, có thể tạo vị ngọt gấp 30 lần đường sucrose (đường mía).

Năm 1969, chất này đã bị cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cấm sử dụng trên toàn quốc, sau khi có một số nghiên cứu trên động vật cho thấy nhiều tác dụng phụ có hại.

Cụ thể, các nhà nghiên cứu đã cho chuột ăn cyclamate với liều lượng từ 500mg đến 2.500mg (500mg tương đương với 30 lon nước ngọt). Sau hai năm, 12/70 con chuột thí nghiệm bắt đầu bị ung thư bàng quang. Tuy nhiên, chất này hiện vẫn được một số nước sử dụng để làm chất tạo ngọt, đánh lừa cảm giác thèm ngọt của bệnh nhân tiểu đường.

Nghiên cứu trên cơ thể người ở những nước còn sử dụng cyclamate chưa thấy công bố tác dụng xấu nào. Tuy nhiên đa số chỉ dùng ở lượng nhỏ hơn nhiều lần lượng đã dùng trong thí nghiệm trên chuột. “Tóm lại, đến nay vẫn chưa có kết quả nghiên cứu khoa học nào được công nhận về khả năng gây ung thư của sodium cyclamate trên con người. Nhưng không nên vì thế mà thiếu thận trọng với loại phụ gia đã gây nhiều tranh cãi ở Mỹ này”, GS.TS Lưu Duẫn nói.

Trên thế giới, xung quanh việc sử dụng đường hóa học cyclamate có hại như thế nào đến sức khỏe con người hiện vẫn còn nhiều tranh cãi.

Đường cyclamate có thành phần chính là aspartame, một chất làm ngọt nhân tạo, bị Bộ Y tế Việt Nam cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm do ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

Bộ Y tế khuyến cáo, cyclamate có thể là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh nguy hiểm, trong đó có ung thư và tiểu đường.

Theo PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức, giảng viên chính bộ môn dược, đại học Y dược TP.HCM, tại Việt Nam, chất cyclamate hiện không có mặt trong danh sách những phụ gia thực phẩm an toàn của bộ Y tế.

Một bác sĩ, nguyên là cán bộ viện Vệ sinh y tế công cộng, TP.HCM chia sẻ thêm, chất cyclamate khi vào cơ thể sẽ được vi khuẩn trong ruột chuyển thành mono hay dicyclohexylamine, là chất có thể gây ung thư gan, thận, phổi… dị dạng bào thai trên nghiên cứu thực nghiệm ở động vật.

Hơn nữa, ngay cả ăn nhiều đường mía cũng không tốt cho sức khoẻ, huống gì đường hoá học. Khi vào cơ thể, các chất tạo ngọt không sinh năng lượng, không mang lại giá trị dinh dưỡng nào mà còn có thể tích luỹ gây độc cho gan, thận...

BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chi cục phó chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, cho biết chất này còn thường thấy dùng trong các túi đường cát lọc, ở các quán cà phê. “Việc sử dụng vì bất cứ mục đích nào, có liên quan đến sức khoẻ con người, đều cần có sự cho phép của cơ quan quản lý”, BS Mai nói.

Tra cứu kết quả tuyển sinh Đại học – Cao đẳng 2011 nhanh nhất tại: http://diemthi.vtc.vn

Mời độc giả đón đọc bài 3 của loạt bài này với nội dung: Các nước trên thế giới nhìn nhận thế nào về đường hóa học cyclamate, liệu chất này có gây ung thư cho con người hay không?

Nam Anh

Bình luận
vtcnews.vn