Mâm cỗ sạch ngày ông Công ông Táo

Sức khỏeThứ Năm, 23/01/2014 06:40:00 +07:00

(VTC News) - Mâm cỗ cúng ông Công, ông Táo ngày 23 tháng Chạp âm lịch không thể thiếu trong mỗi gia đình. Hàng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp âm lịch, người Việt tin rằng, vị Táo quân coi sóc bếp lửa sẽ cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng. Vì thế mà theo tục lệ cổ truyền, người Việt sẽ sắp mâm cỗ&

“Lễ vật" cúng Táo công gồm hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà. Mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn, mũ Táo bà thì không có. Để đơn giản hơn, cũng có khi người ta chỉ cúng tượng trưng một cỗ mũ ông Công (có hai cánh chuồn) kèm theo một chiếc áo và một đôi hia bằng giấy.

Ở miền Trung, người ta cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Còn ở miền Nam thì đơn giản hơn, chỉ cúng mũ, áo và đôi hia bằng giấy.

Mâm cỗ cúng

Người Việt chuẩn bị mâm cỗ cũng Táo quân khá cầy kỳ, bao giờ cũng có các món ăn và tiền vàng mã.
Mâm cỗ cúng Táo quân trong truyền thống bao gồm rất nhiều món. Một mâm cỗ đầy đủ nhất thường có: 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối, 5 lạng thịt vai luộc, 1 bát canh mọc, 1 đĩa xào thập cẩm, 1 đĩa giò, 1 con cá chép rán (hoặc cá chép sống), 1 đĩa xôi gấc, 1 đĩa chè kho, 1 đĩa hoa quả, 1 ấm trà sen, 3 chén rượu, 1 quả bưởi, 1 quả cau, lá trầu, 1 lọ hoa đào nhỏ, 1 lọ hoa cúc, 1 tập giấy tiền, vàng mã. Trong đó, không thể thiếu món cá chép (sống hoặc rán), vì theo quan niệm, cá chép chính là phương tiện để Ông Táo đi lên trời.

 

Mâm cỗ đầy đủ trong ngày 23 tháng Chạp.

 

Đôi khi, người ta có thể thay thịt lợn luộc bằng gà trống luộc, miệng có ngậm một bông hoa hồng.  Người Việt quan niệm gà trống là biểu tượng của ngũ đức: văn, võ, dũng, nhân, tín. Đó là những đức tính rất cần có của một bậc dũng sĩ. Bông hoa hồng đỏ trên miệng gà là hình ảnh tượng trưng cho ông mặt trời.

Ngoài ra, món canh mọc còn có thể được thay thế bằng canh măng khô móng giò hoặc canh măng tươi lòng gà, canh nấm bóng bì.

Lựa chọn thực phẩm an toàn mà vẫn truyền thống

Ngày nay, do công việc quá bận bịu, chị em nội trợ không thể dành nhiều thời gian để sửa soạn một mâm cỗ cầu kì như truyền thống. Nhiều món ăn được rút bớt và thời gian chế biến mỗi món ăn cũng giảm đi bởi đồ bán sẵn khá nhiều.
Chẳng hạn như bánh chứng, xôi, nem đông lạnh, gà mổ… Chị em chỉ việc mua về, chế biến cho chín rồi sắp cỗ.

Nhưng dù lựa chọn thực phẩm tươi sống hay đông lạnh, các bà nội trợ vẫn nên chú ý đến cách bảo quản, lựa chọn thực phẩm an toàn:

1. Cân nhắc nguồn thực phẩm

Thực tế, nhiều người tiêu dùng tin tưởng độ an toàn của thực phẩm trong các siêu thị, cửa hàng rau thịt sạch nhưng điều này không có nghĩa rằng chúng an toàn hơn các thực phẩm bày bán ở chợ. Quan trọng là bạn biết rõ xuất xứ của thực phẩm đó.

2. "Kén cá chọn canh"

Hãy lựa chọn các thực phẩm tươi, không có vết (sứt sẹo, méo mó, bầm dập...) nếu là rau củ, hoa quả. Khi mua trứng, chọn quả có vỏ sáng, không nứt, vỡ.

Chọn mua thịt tại các cửa hàng thịt sạch uy tín. Không mua các loại đồ hộp đã bị phồng rộp, móp méo, mất nắp. Với các sản phẩm đông lạnh, chọn những thực phẩm được để trong khu vực lạnh và đóng tuyết trắng.

Thức ăn phải được bảo quản trong tủ lạnh và đúng cách mới đảm bảo an toàn.

3. Tính quãng đường đi chợ

Điều này nghe có vẻ lạ nhưng thực tế nếu bạn mua các thực phẩm đông lạnh thì một quãng đường ngắn sẽ đảm bảo được độ tươi ngon cũng như hạn chế được sự xâm nhập của các vi khuẩn khi các thực phẩm này giảm độ lạnh.

4. Giữ lạnh cho thực phẩm

Khi mua các loại rau quả và thịt cá, hãy đựng mỗi loại trong một túi riêng biệt. Nếu là đồ đông lạnh thì nên bảo quản trong hộp nhựa và để ngăn đá.

5. Rửa rau quả dưới vòi nước chảy

Một bàn chải nhỏ sẽ rất hữu ích cho việc rửa sạch rau quả hoặc bạn có thể rửa rau quả trực tiếp dưới vòi nước chảy liên tục là cách rửa hiệu quả, an toàn và rẻ nhất.

 

6. Vệ sinh bếp

Rửa sạch thớt, dao, vệ sinh tủ lạnh, giặt phơi khăn lau bát, lau bàn cũng như vệ sinh dụng cụ nhà bếp bằng xà phòng hoặc nước nóng. Nên sửa dụng 2 loại thớt cho đồ ăn sống và chín riêng biệt.

7. Tích trữ vừa phải

Không nên tích trữ quá nhiều thực phẩm trong tủ lạnh vì khi để lâu chúng cũng bị hỏng. Một số loại thực phẩm như hành và khoai tây không cần phải cất trong tủ lạnh nhưng cũng không nên cất chúng ở dưới gần chậu rửa bởi chúng có thể nhiễm vi khuẩn từ các lỗ rò trên đường ống nước thải.

 8. Nấu chín kỹ

Để có một mâm cỗ an toàn và đảm bảo vệ sinh bạn phải đảm bảo là các thức ăn phải được nấu chín hoàn toàn, không còn màu đỏ của thịt sống.


Bình luận
vtcnews.vn