Mại dâm nam: Khó xử lý hình sự vì vướng luật

Thời sựThứ Năm, 02/12/2010 02:08:00 +07:00

Hoạt động mại dâm đồng tính diễn ra ngày càng nhiều, kín kẽ và trá hình tại các câu lạc bộ, spa, điểm tập thể hình, massage, hớt tóc máy lạnh, điểm bán mỹ phẩm.

Tệ nạn mại dâm đồng tính nam diễn ra ngày càng phức tạp, tính chất nguy hiểm không thua kém mại dâm thông thường. Thế nhưng đến nay chưa có vụ môi giới, tổ chức mua bán dâm đồng tính nào bị xử lý hình sự.

Hoạt động mại dâm đồng tính diễn ra ngày càng nhiều, kín kẽ và trá hình tại các câu lạc bộ, spa, điểm tập thể hình, massage, hớt tóc máy lạnh, điểm bán mỹ phẩm chăm sóc da… Mới đây, cơ sở xông hơi massage Nụ Cười Vàng (Sư Vạn Hạnh, phường 12, quận 10, TP.HCM) đã bị xử phạt vi phạm hành chính 20 triệu đồng vì để hành vi kích dục xảy ra trong cơ sở.

Chưa xử lý hình sự vụ nào

Công an quận 10 cho biết chỉ từ đầu năm đến nay, ngoài cơ sở Nụ Cười Vàng, cơ quan này đã bắt quả tang hai cơ sở tổ chức “mại dâm” cho người đồng tính nam. Tại dịch vụ xông hơi Hoàng Minh (ADAM SPA), số 573/12 Sư Vạn Hạnh, một nhân viên nam và khách nam thừa nhận việc mua bán dâm với giá 300.000 đồng. Tuy nhiên, cả chủ cơ sở và nhân viên đều không thừa nhận việc tổ chức “mại dâm” mà chỉ do các nhân viên và khách hàng do “thấy thích” nhau nên tự thỏa thuận việc “quan hệ”.

Tại các quyết định xử phạt các cơ sở trên của cơ quan chức năng đều có ghi nhận nguyên nhân của việc xử phạt là do chủ cơ sở “thiếu tinh thần, trách nhiệm trong quản lý để hoạt động mại dâm xảy ra ở cơ sở kinh doanh”, hoặc “có dấu hiệu mại dâm đồng tính nam”.

Ảnh minh hoạ 
Cuối tháng10 vừa qua, tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu ba giảm, UBND TP có báo cáo, trong đó nêu hiện tượng mại dâm nam, đồng tính nam ngày càng phổ biến, nếu không kiên quyết ngăn chặn sẽ ảnh hưởng xấu đến đạo đức và văn hóa xã hội của dân tộc. Đại diện UBND TP cho rằng Pháp lệnh Phòng chống mại dâm được áp dụng từ năm 2003 đã trở nên lạc hậu. Đã có không ít cơ sở mại đâm đồng tính trá hình bị triệt phá, tuy nhiên không thể xử lý hình sự vụ nào cả. UBND TP kiến nghị Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm bổ sung quy định xử lý mại dâm đồng tính trong Pháp lệnh Phòng chống mại dâm.

Rối vì định nghĩa “giao cấu”

Theo định nghĩa của Pháp lệnh Phòng chống mại dâm thì: “Bán dâm là hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác; mua dâm là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu”.

Theo Đại tá Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, ngay từ khi xây dựng pháp lệnh, nhiều chuyên gia đã góp ý rằng với quy định như vậy thì không thể xử lý mại dâm đồng tính. Cụ thể, theo quy định tại pháp lệnh thì mua bán dâm được hiểu là việc thỏa thuận trao đổi tiền hoặc lợi ích vật chất khác để giao cấu. Trong khi đó, giao cấu được hiểu là việc quan hệ giữa nam và nữ, còn giữa nam với nam thì không thuộc phạm vi điều chỉnh.

Theo luật sư Phạm Quốc Hưng (Đoàn Luật sư TP.HCM), việc bổ sung, sửa đổi quy định trong pháp lệnh để xử lý mại dâm đồng tính trong pháp lệnh thì sẽ ảnh hưởng đến cả các quy định trong Bộ luật Hình sự về một số tội danh có liên quan đến việc tổ chức, môi giới mại dâm, mua dâm người chưa thành niên và cả tội hiếp dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em… Vì sự thay đổi, bổ sung xử lý mại dâm đồng tính sẽ kéo theo việc thay đổi đường lối và nhận thức trong xây dựng quy định pháp luật với việc xác định chủ thể của hành vi mua bán dâm là giữa người đồng tính với nhau. Nếu trong trường hợp người “gay” mua dâm người chưa thành niên, mua dâm với trẻ em nam, có hành vi kích dục, sờ soạng… trẻ em nam thì có thể đủ cấu thành của các tội tương ứng trong Bộ luật Hình sự.

Thực tiễn sinh động của đời sống đang đặt các cơ quan có thẩm quyền xây dựng và ban hành pháp luật trước một thách thức. Sự phát triển phức tạp của tệ nạn mại dâm đồng tính kéo theo các hậu quả về đạo đức, sức khỏe cộng đồng, lan truyền các căn bệnh xã hội và đại dịch HIV/AIDS không kém gì mại dâm khác giới. Trong khi đó, không thể xử lý hình sự các hành vi tổ chức, môi giới… với tệ nạn này.

Phải sửa cả luật hình sự và Pháp lệnh Phòng chống mại dâm

 
Trong thực tế xét xử cho đến nay chưa hề có tiền lệ cho việc xử lý hình sự mại dâm đồng tính. Mặc dù trong luật hình sự của ta không có quy định chủ thể của các tội danh liên quan đến mại dâm là chủ thể đặc biệt. Tuy nhiên, chúng ta ngầm hiểu rằng chủ thể chỉ có thể là nữ bán dâm cho nam. Đó cũng là chính sách, đường lối xử lý trong quy định pháp luật hiện hành của ta dựa trên quan niệm về đạo đức, văn hóa dân tộc… Vì thế mại dâm đồng tính chỉ có thể bị xử lý hành chính.

Đã đến lúc cần xem xét việc phải bổ sung quy định trong pháp lệnh và xem xét đến sự thống nhất tại các quy định liên quan trong luật hình sự để về lâu dài có thể xử lý được tệ nạn ngày càng gia tăng này của xã hội.

Ông Võ Văn Thêm,
kiểm sát viên cao cấp VKSND Tối cao tại TP.HCM

Chỉ cần thay đổi định nghĩa là xử được

 
Không nên cầu toàn trong việc bổ sung, thay đổi quy định tại pháp lệnh và luật hình sự. Trước mắt cần phải bổ sung sớm quy định tại pháp lệnh để có cơ sở xử lý nghiêm các cơ sở, đối tượng tổ chức, môi giới mại dâm đồng tính như xử lý mại dâm thông thường.

Hiện nay chỉ cần thay đổi quy định trong pháp lệnh bằng cách đổi định nghĩa về mua bán dâm là việc thỏa thuận trao đổi tiền hoặc lợi ích vật chất khác để quan hệ tình dục là có thể xử lý được.

Đại tá Phan Anh Minh,Phó Giám đốc Công an TP.HCM

Hàng loạt tụ điểm mại dâm đồng tính

Trung tá Phan Chí Hùng - Đội trưởng Đội 5 Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Công an TP.HCM cho biết thực hiện chỉ đạo Công an TP, đơn vị này đang theo sát tình hình, diễn biến của tệ nạn mại dâm đồng tính. Được biết, hiện nay địa bàn TP có một số địa điểm nhạy cảm về mại dâm đồng tính như đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh); đường Nguyễn Kim, khu Thuận Kiều Plaza (quận 5), đường Hoàng Minh Giám, Công viên Gia Định (quận Gò Vấp), khu Bình Triệu (quận Thủ Đức) và Tên Lửa (quận Bình Tân)… Một điều tra viên cho biết hành vi “quan hệ” của các đối tượng trong tệ nạn này không giống như tệ nạn mại dâm truyền thống được quy định trong Pháp lệnh Phòng chống mại dâm và những văn bản hướng dẫn thực hiện pháp lệnh, vì thế rất khó xử lý hình sự. Khi đấu tranh với chủ chứa, chủ cơ sở, thông thường họ sẽ chối bỏ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tổ chức, môi giới nên không thể xử lý hình sự họ được. Trong khi đó, hành vi “quan hệ” của nhân viên và khách tại cơ sở thì công an khó có thể dùng căn cứ pháp luật mà cho rằng đó là hành vi “mại dâm”.

Theo Pháp luật TPHCM

Bình luận
vtcnews.vn