Mách chọn thực phẩm tươi ngon, an toàn cho Tết

An toàn thực phẩmThứ Năm, 04/02/2016 08:18:00 +07:00

Trong dịp tết cách chọn thực phẩm tươi ngon - an toàn thực phẩm vẫn là vấn đề đáng lo ngại, và không phải ai cũng biết cách lựa chọn những thực phẩm tươi mới

(VTC News) - Trong dịp Tết chọn thực phẩm tươi ngon - an toàn thực phẩm vẫn là vấn đề đáng lo ngại, và không phải ai cũng biết cách lựa chọn những thực phẩm tươi mới.

Dưới đây là những cách chọn thực phẩm tươi ngon giúp bạn lựa chọn được thực phẩm sạch cho gia đình mình để có một cái Tết ngon, đầm ấm và an toàn.

1. Đối với rau, quả:

- Không mua rau đã héo úa, dập nát hay có mùi lạ, có dấu hiệu bất thường như "quá mập", "quá phồng" hoặc dính các hạt bụi nhỏ.
 

- Thận trọng với những loại rau: rau muống, xà lách sonn, xà lách, tần ô, cải bẹ xanh, cải ngọt, rau má, đậu đũa, khổ qua, táo Thái Lan...

2. Đối với thịt và sản phẩm từ động vật:

Đối với các loại thịt: Trước tiên cần tìm hiểu nguồn gốc cung cấp thịt hay người kinh doanh buôn bán, thịt và các sản phẩm từ động vật.

Dấu hiệu nhận biết là dấu chứng nhận của cơ quan thú y trên sản phẩm và nhãn mác sản phẩm. Ngoài ra, cũng cần quan tâm đến vệ sinh của quầy bán thịt vì đây cũng là yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng thịt và sự an toàn khi sử dụng.
 

Đối với thịt, nếu thịt tươi thì bề mặt khô mịn, không bị nhớt, khối thịt rắn chắc, có độ đàn hồi cao, ấn ngón tay vào thịt tạo thành vết lõm nhưng không để lại dấu vết khi nhấc ngón tay ra.

Nếu thấy mặt thịt thô ráp, ngửi không có mùi thơm của thịt, đề nghị người bán rạch một lằn dao vào thớ thịt, xem bên trong có màu tươi hồng của thịt (thịt lợn) hoặc màu đỏ tươi (thịt bò) thì thịt đó vẫn còn tươi.


Lưu  ý:

• Nếu thịt có màu sẫm, hoặc có vết bầm ở cơ hoặc các nốt hoặc đám xuất huyết trên da thì không nên mua vì đó là các dấu hiệu nghi thịt gia súc, gia cầm đã chết hoặc mắc bệnh hoặc do nhuộm màu.

• Không nên mua thịt có màu nhợt nhạt hoặc có các bọc trắng trong thớ thịt, đối với thịt lợn không nên mua thịt khi mỡ có màu vàng và mùi khét.

• Đối với thịt đông lạnh cần xem kỹ nhãn mác xuất xứ và hạn sử dụng ghi trên bao bì và thiết bị bảo quản.

• Đối với trứng: Khi mua nên chọn những quả vỏ sạch, màu tươi sáng, vỏ dày không nứt vỡ, cầm trứng đưa lên gần tai lắc nhẹ nếu không nghe thấy tiếng kêu là trứng tươi, hoặc dùng ngón trỏ và ngón cái cầm vào hai đầu của quả trứng giơ về phía ánh sáng, nhìn phía đầu to của quả trứng nếu thấy kích thước bóng khí càng nhỏ thì trứng càng tươi.

Trước khi chế biến, để biết trứng còn dùng được không thì có thể ngâm trứng vào nước, nếu thấy trứng chìm là trứng vẫn còn tươi, trứng lơ lửng trong nước là trứng không còn tươi nữa. Nếu trứng nổi hẳn lên mặt nước thì không nên sử dụng để chế biến thức ăn.

Chọn các loại gia cầm làm thực phẩm: Nên chọn các loại gà, vịt, ngan, chim cút…đã được xác nhận kiểm dịch của cơ quan Thú y để làm thịt. Không mua các loại gà, vịt, ngan, ngỗng… trong vùng đang có dịch gia cầm.

Tuyệt đối không sử dụng gia cầm và các sản phẩm của gia cầm ốm, gia cầm chết làm thực phẩm. Kiên quyết không dùng các loại gia cầm không rõ nguồn gốc làm thực phẩm nhằm phòng tránh dịch Cúm gia cầm lây sang người.

 Hạn chế sử dụng các loại gia cầm đã giết mổ sẵn mà không có dấu kiểm dịch vì rất khó phân biệt giữa thịt gia cầm khỏe và gia cầm bị bệnh nhưng được giết mổ sớm.

3. Cách chọn cá tươi:

Cá có màu trắng hoặc vàng thì thịt mới ngon. Cá có màu đen thường là cá ở ao rãnh, thịt ăn dở. Khi mua cá hãy vạch mang cá ra xem, nếu mang còn đỏ là cá tươi nhưng nếu nó trắng bệch hoặc thâm là cá ươn.

Tốt nhất là bạn hãy mua những con cá đang bơi lội tung tăng, nếu mua cá chết thì phải hết sức cẩn thận.

Bạn hãy nhìn bề ngoài cá, nếu còn nhớt bóng, mắt cá còn trong suốt, vảy cá không rời ra, mang cá còn hồng, bỏ con cá vào nước thì cá chìm xuống, đó là con cá tươi. Còn nếu bề ngoài cá có dịch dính, mắt lõm xuống, vảy cá dễ rơi ra, có màu nhợt nhạt, thịt cá không còn đàn hồi, bụng cá và hậu môn cá trương ra, bỏ vào nước cá nổi, thì con cá đó đã bị ươn.


Còn một cách phân biệt cá tươi và ươn nữa là: hậu môn cá trắng bệch và co vào trong bụng là cá tươi còn nếu lồi ra và bầm tím là cá ươn.

4. Với các loại hải sản:

- Hải sản thường được các bà nội trợ lựa chọn làm thực phẩm chính trong các món ăn gia đình, bữa tiệc tân niên, gặp gỡ đầu năm mới… .
 

- Mực tươi có rất nhiều loại như mực nang, mực ống, mực sim… Nếu bạn muốn chọn mực tươi thì nên chọn con to, dày mình, trắng đục như cùi dừa, thịt chắc không bị nát, lớp màng màu nâu bao quanh đều bên ngoài đối với mực nang còn mực ống thì chọn con có lớp thịt màu sáng hơi hồng, dầu vẫn dính chặt vào thân, túi mực chưa bị vỡ.

- Mực kém tươi là mực đã chuyển sang màu hơi xanh ngà, thịt nhão, đầu không dính chặt với thân, mùi rất tanh.

- Sò ngon là khi bạn chọn con phải lớn vừa ăn vì nếu nhỏ lúc luộc sò sẽ bị teo lại, còn to quá thì dễ bị dai. Sò còn tươi khi nhìn trên rổ thấy nhiều con đang thò lưỡi ra ngoài. Nếu sò ngậm miệng, bạn lên ngửi sò vì sẽ có mùi hôi không nên mua.

- Cua gạch và cua thịt đều rất ngon và bổ dưỡng. Bạn muốn chọn cua ngon bằng cách lấy tay ấn vào yếm cua, nếu cứng là cua có nhiều thịt. Ngoài ra nếu mua quen rồi bạn chỉ cần nhìn que càng của nó, nếu thấy mọng nước là cua xốp, không ngon. Cua ngon nhìn bên ngoài thấy lớp vỏ màu xám đục, yếm to.

- Khác với cua, ghẹ có gạch có màu hơi ngả vàng, các chân của ghẹ khi bóp rất chắc chứ không mềm. Còn ghẹ thịt thì khi bạn bấm tay vào sát phần yếm phía dưới ức, gần chân mái chèo nếu lõm là ghẹ óp. Nếu bạn ngại sờ vào ghẹ mà chỉ cần nhìn thì nên chọn ghẹ có yếm màu đỏ, chân ghẹ tươi sẽ co chứ không duỗi.

- Tôm ngon thân phải săn chắc, vỏ còn cứng, màu trắng trong chứ không đục hay ngả sang đỏ, vàng. Phần đầu dính chặt vào thân, các càng vẫn còn nguyên, không có mùi tanh, ươn.


Tuấn Phong (tổng hợp)



Bình luận
vtcnews.vn