Mắc SXH lần thứ 2 nặng và dễ tử vong hơn lần đầu

Sức khỏeThứ Ba, 05/10/2010 06:48:00 +07:00

(VTC News) - "Cần lưu ý rằng bệnh nhân SXH ở lần mắc thứ 2 thường rất nặng và dễ gây tử vong hơn lần 1", Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cảnh báo.

(VTC News) - Dịch sốt xuất huyết (SXH) bùng phát mạnh tại 48 tỉnh thành trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh  miền Trung và Tây Nguyên. Hiện chưa đủ cơ sở khoa học chứng minh có virus gây bệnh SXH type mới hay biến chủng, song xét nghiệm trên bệnh nhân SXH, các nhà dịch tễ học của VN đã phân lập được 15 trường hợp sốt do virus Chikungunya. Trên thế giới, virus này đã gây tử vong nhiều người và là tác nhân gây ra dịch ở các nước Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Indonesia.

Dưới đây là trao đổi của PV VTC News với PGS.TS Vũ Sinh Nam, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) xung quanh vấn đề này.

Một người có thể mắc SXH 4 lần

- Thưa ông, tại sao SXH năm nay lại di chuyển từ Hà Nội, miền Nam đến miền Trung Tây Nguyên?

PGS.TS Vũ Sinh Nam, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng

PGS.TS Vũ Sinh Nam, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế): SXH xảy ra khi đảm bảo ba yếu tố: Con người, muỗi và virus. Năm 2009, dịch bùng phát mạnh tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc nhưng năm nay lại giảm 74% so với cùng kỳ năm 2009. Nguyên nhân do nhiều người bị bệnh đã miễn nhiễm với virus và người dân, cấp chính quyền có ý thức tiêu diệt muỗi, loang quăng, nói chung công tác phòng dịch tốt nên số người mắc SXH giảm.

Trong khi đó, ở miền Trung Tây Nguyên, nhiều năm không có dịch lớn, tỉ lệ người có miễn dịch thấp dẫn đến số người nhạy cảm với SXH rất cao, khi có muỗi nhiễm virus truyền bệnh là dịch bùng phát. Tính đến hết tháng 9 đã có gần 22.000 ca bệnh, tăng 168% so với cùng kỳ.

- Như vậy có nghĩa là khi đã bị SXH rồi sẽ không bị lại thưa ông?

Hiện tại VN đang lưu hành cả 4 type virus gây SXH là D1, D2, D3 và D4. Từ năm 1995 trở về trước, type D1, D2 chiếm ưu thế, sau đó là D3, D4. Năm nay xuất hiện nhiều ca bệnh mang type D1, D2. Trong năm 2010, hơn 50% các ca mắc được xác định do virus D1, đặc biệt đáng lưu ý số bệnh nhân mắc SHX ở trẻ em dưới 15 tuổi chiếm tỷ lệ khoảng 40%, so với tỷ lệ chung là 70-75%. Như vậy, so sánh với các vụ dịch lớn trước đây tỷ lệ mắc SXH ở người lớn đã tăng lên, cho thấy sự phát triển trở lại của virus và thực tế, một người đã mắc SXH vẫn có thể mắc lại và có thể mắc SXH đến 4 lần do 4  type virus khác nhau. 

- Ông có thể lý giải vì sao bệnh nhân SXH bị sốc, trụy tim mạch và tử vong năm nay lại tăng cao hơn so với trước?

Năm 2010 dịch bùng phát mạnh tại những nơi lâu nay ít xuất hiện ca bệnh, gia tăng nhiều bệnh nhân có bệnh cảnh lâm sàng khác những năm trước. Bệnh có diễn biến nặng, tiểu cầu xuống rất thấp dưới 15 – 20.000, gây nguy hiểm và khó khăn cho điều trị. Một số nơi có bệnh nhân nặng chiếm tỷ lệ cao hơn mức trung bình. Đặc biệt tại Thanh Hoá, tỷ lệ  này chiếm 13-20%. Nhiều người lo lắng về sự biến chủng của virus hay do một loại type mới gây nên nhưng đến nay vẫn chưa có bằng chứng cụ thể. Bốn Viện Paster trong cả nước vẫn đang tiếp tục nghiên cứu.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, đối với bệnh nhân SXH ở lần mắc thứ 2, bệnh cảnh thường rất nặng và dễ gây tử vong hơn lần 1. Bởi lần mắc đầu bệnh nhân thường mắc type D1 là type cổ điển, biểu hiện lâm sàng nhẹ như mệt mỏi đau cơ, nhức đầu mệt mỏi, xuất huyết ít, nhanh khỏi. Sau lần mắc này, trong người bệnh nhân sẽ có kháng thể với huyết thanh D1, nhưng bệnh nhân vẫn có thể mắc SXH do type huyết thanh khác. Lúc này, trong cơ thể tồn tại song song 2 loại kháng thể, có thể xảy ra sự xung đột giữa 2 kháng thể, nên gây phản ứng tăng xuất huyết thành mạch, tăng cô đặc máu, bệnh nhân choáng, xuất huyết, trụy tim mạch...

Đã có 15 bệnh nhân dương tính với virus Chikungunya

Hiện VN có khoảng 170 loài muỗi, trong đó 16 loài thuộc giống Aedes nhưng chỉ có 2 loài truyền bệnh SXH là Aedes aegypti và Aedes albopictus. Tuy nhiên, rất khó xác định muỗi nào mang virus gây SXH, muỗi nào mang virus Chikungunya. Chỉ có thể xác định bệnh trên người bệnh. Trường hợp có bệnh cảnh tương tự SXH, nhưng thử huyết thanh không xác định được là SXH thì có thể nghĩ đến căn bệnh do Chikungunya.

- Nhiều gia đình tại Huế và Đà Nẵng cả nhà đều mắc nhưng điều tra dịch tễ cho thấy, tỷ lệ muỗi rất thấp... Vì vậy, người ta nghi ngờ liệu có phải do virus biến chủng hay một loại type mới gây nên? 

Hiện VN có khoảng 170 loài muỗi, trong đó 16 loài thuộc giống Aedes nhưng chỉ có 2 loài truyền bệnh SXH là Aedes aegypti và Aedes albopictus. Tại một số nơi điều tra tuy số lượng muỗi ít nhưng cần lưu ý rằng muỗi gây bệnh SXH thường hoạt động vào ban ngày, khoảng 5-6 giờ chiều và vào lúc sáng sớm nên có thể người dân bị đốt tại các quán cà phê, khu chợ.

Đặc biệt, qua sàng lọc các bệnh nhân SXH, chỉ có 30% bệnh nhân dương tính với SXH. Nguyên nhân cũng có thể do thời điểm lấy mẫu huyết thanh. Đến nay vẫn chưa có bằng chứng cụ thể về sự biến đổi của virus, các Viện Paster trong cả nước vẫn đang tiếp tục nghiên cứu. Tuy nhiên, Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ cũng đã xác định được 15 bệnh nhân SXH, mẫu xét nghiệm âm tính SXH song lại dương tính với bệnh sốt virus Chikungunya.

Muỗi Aedes albopictus truyền bệnh sốt xuất huyết và virus Chikungunya. 

- Bệnh sốt virus Chikungunya có phải nguyên nhân gây dịch lớn như hiện nay?

Sốt do virus Chikungunya là loại bệnh cũng do muỗi Aedes albopictus truyền, gây loại bệnh cảnh tương tự SXH nhưng nhẹ hơn. Tuy nhiên, việc phân lập virus Chikungunya trên các mẫu huyết thanh chưa được coi là bằng chứng đầy đủ để có thể kết luận virus này đang gây ra dịch ở VN, bởi thực tế là chưa bắt được muỗi Aedes albopictus mang virus gây bệnh cảnh giống SXH. Việc điều tra xác minh sự tồn tại của virus này vẫn đang được các viện Pasteur, Vệ sinh dịch tễ khu vực tiến hành. Tuy nhiên, bệnh này đã từng bùng phát ở châu Âu, châu Phi, Đông Nam Á, Nam Á và các đảo Ấn Độ Dương, giết chết nhiều người và hiện tại cũng đang lưu hành tại Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Indonesia...

- Người dân có nên lo lắng về loại bệnh này? Ông có thể đưa ra lời khuyên gì để người dân có thể phòng tránh nó?

Về mặt lý thuyết thì virus Chikungunya không quá nguy hiểm so với virus gây ra bệnh SXH, nhưng lại có nhiều triệu chứng như sẩn đỏ, ho, đau đầu, viêm kết mạc, đau cơ, khớp… khá nặng. Bệnh có triệu chứng lâm sàng như SXH nên nhiều khi bị… chẩn đoán nhầm. Tuy nhiên, điều đáng lo là sốt virus Chikungunya đã vắng mặt khá lâu tại Việt Nam nên nên số người miễn nhiễm với loại virus này rất thấp, cộng với các biểu hiện không nguy hiểm bằng SXH nên mọi người chủ quan dẫn tới tình trạng mức độ lây nhiễm sẽ rất cao.

Bệnh lan truyền bởi trung gian là muỗi, loài này phát triển quanh năm, nhiều nhất vào mùa mưa nên tình trạng mưa lụt ở miền Trung cũng là cơ hội để bệnh SXH và sốt virus Chikungunya tiếp tục bùng phát và diễn biến phức tạp. Vì vậy, người dân cần chú ý phòng bệnh, ngủ màn kể cả ban ngày vì muỗi gây bệnh SXH và Chikungunya thường hoạt động vào khoảng 5-6 giờ chiều và vào lúc sáng sớm. 

59 người tử vong do SXH

Tính đến hết tháng 9/2010, cả nước có  gần 80.000 ca mắc SXH tại 48/63 tỉnh thành, trong đó có 59 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ 2009, số mắc giảm 6,3%, số tử vong tăng 9 trường hợp. Điều đáng nói, trong khi miền Bắc số bệnh nhân giảm 74% so với cùng kỳ 2009; miền Nam ghi nhận 43.844 trường hợp mắc (giảm 26%) thì miền Trung tăng mạnh với 21638 ca mắc, tăng 168%. 
 



Nga Hiền

Bình luận
vtcnews.vn