Mặc phản cảm: Chỉ vài 'con sâu làm rầu nồi canh'?

Văn hóa - Giải tríThứ Sáu, 11/01/2013 08:26:00 +07:00

(VTC News) - "Tôi khẳng định chuyện nghệ sĩ ăn mặc phản cảm là có, nhưng đến mức rầm rộ như thế thì chỉ có vài “con sâu làm rầu nồi canh", ông Nguyễn Thành Nhân

(VTC News) - "Tôi khẳng định chuyện nghệ sĩ ăn mặc phản cảm là có nhưng không phải rầm rộ như cảm giác mà các báo, mạng gây ra cho người ta" - phát biểu của ông Nguyễn Thành Nhân - Trưởng phòng quản lý biểu diễn - Cục NTBD.

Nghị định 79 về nghệ thuật biểu diễn có hiệu lực từ ngày 1/1/2013 được kỳ vọng sẽ thay đổi được tình trạng vi phạm trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và trình diễn thời trang.

Nhân dịp này, VTC News có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thành Nhân - Trưởng phòng quản lý biểu diễn - Cục NTBD về những tồn tại trong công tác quản lý nghệ thuật biểu diễn những năm qua và những hy vọng mới cho năm 2013.

Không có chuyện mặc phản cảm càng ngày càng tăng

- Năm 2012 vừa qua là một năm khá nóng với lĩnh vực quản lý nghệ thuật biểu diễn. Bộ VHTTDL đã phải ra Chỉ thị 65 về chấn chỉnh quản lý hoạt động nghệ thuật biểu diễn và trình diễn thời trang sau khi vấn nạn ăn mặc phản cảm của các nghệ sĩ. Câu chuyện về quản lý trang phục biểu diễn đã từng được đề cập từ năm 2004 khi xảy ra vụ ca sĩ Hồ Quỳnh Hưởng hở ngực trên sân khấu đêm Chung kết Siêu mẫu VN. Suốt 9 năm qua, có vẻ như tình trạng nghệ sĩ ăn mặc phản cảm lại đang tăng lên, theo ông nguyên nhân từ đâu?

Ông Nguyễn Thành Nhân - Trưởng phòng quản lý biểu diễn - Cục NTBD. 
Theo quan điểm của tôi thì không có chuyện nghệ sĩ ăn mặc phản cảm càng ngày càng tăng lên. Nếu điểm lại mấy năm vừa qua thì chỉ có dăm bảy gương mặt ăn mặc phản cảm. Tôi xin miễn nêu tên.

Nên nhớ chúng ta đang có hàng nghìn nghệ sĩ biểu diễn, chứ không phải có vài người hở hang đó đâu. Quanh đi quẩn lại vẫn chỉ có vài người mà nói đó là trào lưu thì chúng tôi không đồng tình.

Tôi khẳng định chuyện nghệ sĩ ăn mặc phản cảm có chứ không phải là không có. Nhưng do công tác quản lý sát sao hơn, giám sát của xã hội, của các cơ quan truyền thông cũng rốt ráo hơn nên hiện tượng này được thông báo đến quần chúng. Và vô tình quần chúng thấy rằng như thế là phát triển nhưng thực ra không phải vậy.

Trong năm bảy trường hợp trên, đã có vài ba trường hợp tiếp thu những góp ý của cơ quan quản lý và người ta đã thay đổi. Cụ thể như Minh Hằng, trong Đêm Mỹ nhân đã mặc quần ren, cô ấy đã xin lỗi công chúng và gần đây cô ấy đã ăn mặc rất kín đáo và lịch sự.

Trường hợp nữa là ca sĩ Thu Minh cũng vậy, Hồ Quỳnh Hương cũng thay đổi rất tốt. Gần đây có nổi lên một số cô người mẫu như Hồng Quế, Hoàng Yến,…

Cả một giới showbiz hoạt động rầm rộ như thế chỉ có vài “con sâu làm rầu nồi canh”  nên cơ quan quản lý phải ráo riết phát hiện để kịp thời uốn nắn.

- Theo góc nhìn của ông thì phải chăng trong các cuộc hội nghị xin ý kiến về chấn chỉnh hoạt động nghệ thuật biểu diễn và trình diễn thời trang suốt năm 2012 vừa qua chúng ta đã làm hơi quá khi nói nhiều về chuyện nghệ sĩ ăn mặc phản cảm khiến xã hội cảm thấy đây là nhức nhối của ngành văn hoá?

Làm quá lên không phải là ý kiến chủ quan của Bộ VHTTDL, nó còn phụ thuộc vào thông tin truyền thông. Theo tôi thì báo chí thời gian qua đúng là có làm quá lên. Một hiện tượng mà ta cứ đưa tin chằng chịt những cảnh nóng thì vô hình chung lại đi quảng cáo cho một số những cá nhân muốn dùng scandal để nổi tiếng.

Xã hội nào cũng tồn tại cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Có những người chỉ chờ trục lợi bằng mặt tiêu cực. So với xã hội thì lĩnh vực văn hoá làm khá chặt chẽ, chỉ là những vụ xử phạt hành chính.

- Theo ông những năm vừa qua các cơ quan quản lý văn hoá đã làm tốt nhiệm vụ của mình?

Thời gian vừa rồi khi Chỉ thị 65 của Bộ về chấn chỉnh quản lý trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và trình diễn thời trang ra thì cả xã hội đã vào cuộc.

Không chỉ cơ quan Bộ và các Sở địa phương mà cả các cơ quan thông tin truyền thông cũng vào cuộc nên hiệu quả xã hội là trông thấy. Nhưng không thể tránh hết các hiện tượng xấu. Xã hội nào cũng vậy thôi.

Toàn quốc hàng ngày diễn ra các hoạt động nghệ thuật biểu diễn như cơm ăn áo mặc mà quanh đi quẩn lại cũng lại chỉ rơi vào vài trường hợp. Còn lại thì đến 99% nghệ sĩ của chúng ta ăn mặc chuẩn, phục vụ công chúng tốt.

Để có một mặt bằng showbiz như hiện nay thì Bộ VHTTDL và các cơ quan cấp địa phương đã có những đóng góp rất tích cực, rất kịp thời và sát sao nên tình trạng mới được hạn chế chỉ còn xảy ra ở một vài trường hợp.

Thu Minh là một trong số ít nghệ sĩ tiếp thu ý kiến từ báo chí trong cách ăn mặc. Thời gian gần đây cô thay đổi hẳn với những bộ đầm kín đáo hơn. Nhưng để có được thay đổi này, báo chí đã mất 5 năm lên án cô. 
Xử phạt vừa phải để nghệ sĩ thay đổi vẫn hơn

- Ngay từ năm 2004 khi xảy ra vụ việc của Hồ Quỳnh Hương, đã có rất nhiều ý kiến bàn thảo về quản lý trang phục của nghệ sĩ trên sân khấu. Vì đâu mà câu chuyện này đến nay vẫn là đề tài nóng thưa ông?

Không phải vụ Hồ Quỳnh Hương là khởi nguồn của câu chuyện quản lý trang phục biểu diễn nghệ sĩ. Từ những thập kỷ 70 của thế kỷ trước, xã hội chúng ta đã có những điều chỉnh về cách ăn mặc nói chung cho thanh niên và đặc biệt là các nghệ sĩ.

Thí dụ như giai đoạn đó chúng ta điều chỉnh về ăn mặc quần loe, tóc rối. Để tóc dài phải cắt, mặc quần loe phải cấm. Bây giờ người ta không cấm những thứ đó nữa. Trào lưu xã hội phát triển dần lên, có những thứ của những năm 70 không phù hợp giờ nó lại phù hợp.

Xã hội ta đang mở cửa, trong xu hướng hội nhập người ta mang theo cả xu hướng của các nước phát triển về chúng ta là chưa phù hợp. Xã hội ta vốn có nền văn hoá phương Đông, luôn bảo vệ quan điểm trang phục phải kín đáo. Do đó chúng ta quá trình điều chỉnh trang phục vẫn luôn tiếp diễn.

- Nghệ sĩ thường có cá tính riêng khá lớn, cập nhật xu hướng cũng mới mẻ. Theo ông để làm tốt công tác định hướng về quản lý trang phục biểu diễn trong thời gian tới thì các cơ quan quản lý văn hoá cần làm những gì?

Cá tính của nghệ sĩ là rất lớn, rất mạnh. Nếu không có cá tính lớn, mạnh thì không làm nghệ sĩ được. Do đó khi họ tiếp thu những xu hướng thời trang của thế giới vào lĩnh vực biểu diễn nếu không có sự sàng lọc, không có sự phân tích nhận định một cách chu đáo của giới showbiz thì họ sẽ ăn mặc sao chép một cách thụ động. Vậy nên thành ra có nhiều trang phục không phù hợp với văn hoá Việt Nam.

Nhưng nhiệm vụ của người nghệ sĩ sẽ là phải san bằng khoảng cách đó. Với phông văn hoá của mình, họ phải biết được xã hội đang cần gì. Mặt khác, những người làm quản lý văn hoá phải cung cấp cho nghệ sĩ những định hướng để họ ăn mặc phục trang như thế nào là đẹp, là vừa phải.

- Rất nhiều ý kiến cho rằng mức xử phạt hành chính từ 3 - 5 triệu đồng cho các vi phạm trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn theo Nghị định 75 không đủ răn đe. Do đó mới có chuyện nghệ sĩ không sợ?

Quả thật là cũng hơi thấp. Chính vì thế nên Bộ VHTTDL đã sửa lại để có một mức cao hơn cho phù hợp với sự phát triển của xã hội và có hiệu lực răn đe hơn. Thế nhưng tôi có thể khẳng định  là không phải cứ xử phạt cao là nghệ sĩ người ta thay đổi. Xử phạt 3,5 triệu cho Minh Hằng, Thu Minh hay mới nhất là Hoàng Yến là không cao nhưng người ta vẫn có những biến chuyển.

Theo quan điểm của riêng tôi thì dù anh xử phạt bao nhiêu chăng nữa mà anh không định hướng tốt, không làm công tác tuyên truyền giáo dục nghệ sĩ tốt thì những lỗi như trên vẫn xảy ra.

Quan trọng là người làm quản lý và nghệ sĩ phải tìm được tiếng nói chung để tìm được thẩm mỹ của xã hội ở giai đoạn này. Từ đó để xác định chúng ta nên ăn mặc, biểu diễn ra sao cho phù hợp với thẩm mỹ chung.

Mọi người hay dùng cụm từ “thế giới phẳng” để nói văn hoá địa chúng, văn hoá điểm sáng nó không còn khoảng cách nữa. Nhưng thực ra không phải như vậy. Rõ ràng vẫn có khoảng cách giữa văn hoá đại chúng và văn hoá điểm sáng.

Cho nên nghệ sĩ phải thể như thế nào cho hài hoà với khoảng cách đó, và bất di bất dịch phải tuân thủ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật mà xã hội chúng ta ban hành, đặc biệt là Nghị định 79 mà Chính phủ đã ký.

Chúng ta xử phạt cao để nghệ sĩ cay cú hay là chúng ta xử phạt vừa phải, đi kèm biện pháp cảnh tỉnh để nghệ sĩ thay đổi thì hơn? Xử phạt thấp và định hướng cho người ta thay đổi là tốt hơn chứ.

Xử phạt cao đi kèm bổ sung cấm diễn chỉ là biện pháp triệt hạ nghệ sĩ. Vô hình chung chúng ta đã dập tắt một sự nghiệp nghệ thuật của người ta trong một giai đoạn nào đó. Thà rằng anh cứ để người ta sáng tạo nghệ thuật cho công chúng được hưởng thụ và anh hướng người ta vẫn đi đúng quỹ đạo. Vậy có phải hơn không?

Hồ Quỳnh Hương giờ đã qua thời mặc hở sau sự cố phải làm kiểm điểm do hở 3/3 ngực trên sân khấu. 
- Ý kiến của ông rất nhân văn và bảo vệ quyền lợi cho nghệ sĩ. Nhưng có không ít những nghệ sĩ lại lợi dụng mức xử phạt nhẹ này để tạo scandal. Chỉ đến khi có những bàn thảo về việc sẽ tăng mức phạt hành chính và bổ sung cấm diễn trong Nghị định 79 có hiệu lực t ngày 1/1/2013 thì nghệ sĩ mới sợ?

Đối với những người cố tình vi phạm thì sợ là một điều tốt. Còn đối với những nghệ sĩ không cố tình mà chỉ do bản năng sáng tạo của người ta quá mạnh thì giờ ta chỉ cần điều chỉnh lại bản năng đó cho tốt.

Còn chuyện xử phạt nặng hơn thì mới chỉ là chuyện lãnh đạo Bộ trao đổi ở hội nghị thôi. Để hình thành một khung xử phạt không đơn giản. Cả Bộ sẽ phải soạn thảo vì liên quan đến Vụ này, Vụ khác rồi trình Chính phủ. Chính phủ có ký rồi mới được ban hành chứ không phải cứ một ý kiến của lãnh đạo trong hội nghị mà báo chí tưởng sắp thay đổi đến nơi rồi.

- Cá nhân ông hy vọng gì khi Nghị định 79 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2013?

Trước hết nó có ba thành công cơ bản. Thứ nhất Nghị định 79 đã gom tất cả các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn về một mối. Vì thế những người làm công tác quản lý cũng như các nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực này dễ tìm kiếm và dễ xem các thủ tục hành chính hơn trước.

Thành công thứ hai là đã thay đổi, đã bỏ và cải cách các thủ tục hành chính hết sức cơ bản. Ví dụ như là phân cấp giải quyết vấn đề cấp phép và tem nhãn băng đĩa về địa phương chứ không tập trung tất cả về Bộ như trước đây. Tiếp nữa là bỏ thủ tục tiếp nhận cho giấy phép biểu diễn và thời gian giải quyết các thủ tục hành chính cũng được rút gọn.

Thành công thứ ba của Nghị định 79 là phân cấp rõ ràng ai được làm đến đâu, ai được làm cái gì. Nhưng tôi vẫn phải khẳng định là Nghị định dù chặt chẽ đến đâu đi chăng nữa mà công tác quản lý mà không quán xuyến đến nơi đến chốn từ Trung ương đến địa phương, rồi báo chí cứ phản ảnh một cách thiên kiến theo đánh giá của cá nhân mình thì nó sẽ gây một khuynh hướng khác. Khuynh hướng giả, khuynh hướng ảo. Như bây giờ chúng ta cứ nghĩ có rất nhiều nghệ sĩ ăn mặc phản cảm nhưng mà đâu có phải.

Nói vậy để thấy Nghị định có chặt chẽ đến đâu nếu không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý văn hoá và truyền thông thì không thể phát huy hết hiệu lực. Chưa kể đến một giai đoạn xã hội phát triển lên chúng ta sẽ lại phải sửa đổi Nghị định này. Tôi tin là không xa nữa đâu chúng ta sẽ phải xây dựng Luật nghệ thuật biểu diễn. Tôi cho là nếu được như vậy thì văn minh.

Việt Anh (thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn