Mạc Ngôn giải tỏa 'mặc cảm Nobel' cho Trung Quốc

Văn hóa - Giải tríThứ Bảy, 13/10/2012 01:00:00 +07:00

(VTC News) - Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho rằng, giải Nobel văn chương của Mạc Ngôn đã giải tỏa được “mặc cảm Nobel” của Trung Quốc.

(VTC News) - Chủ tịch Hội Nhà Văn Hà Nội, Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên cho rằng, giải Nobel văn chương của Mạc Ngôn đã giải tỏa được “mặc cảm Nobel” của Trung Quốc.

Chủ tịch Hội Nhà Văn Hà Nội, nhà phê bình Văn học Phạm Xuân Nguyên.
- Trước khi giải Nobel được trao, đã có những dự đoán cho hai tác giả người châu Á là Mạc Ngôn và Haruki Murakami, dường như với độc giả Việt, cái tên nào không đạt giải cũng đễ lại nhiều tiếc nuối?

- Đúng vậy, trước khi giải Nobel văn chương 2012 được trao, hai cái tên được dự đoán cao nhất chính là Haruki Murakami và Mạc Ngôn.

Murakami là tác giả có nhiều tác phẩm được dịch sang nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, trong đó cuốn mới nhất là IQ 84 đã được dịch tập đầu. Tỉ lệ cá cược cho Murakami rất cao. Người đứng thứ hai là Mạc Ngôn, ông cũng là tác gia có những tác phẩm xuất sắc được đông đảo bạn đọc trên thế giới biết đến.

Nếu tính riêng ở Việt Nam thì Murakami vào Việt Nam sớm hơn Mạc Ngôn. Năm 1997, cuốn Rừng Na Uy do tôi và một số dịch giả nữa cùng dịch. Nhưng do sự tiếp thị và hoàn cảnh mà tác phẩm chưa được phổ biến, sau này khi nhiều công ty tham gia xuất bản, dịch và quảng bá rộng rãi, những tác phẩm của Murakami đã được dịch rất nhiều, như Biên niên kí chim vặn dây cót; Kafka bên bờ biển; Phía nam biên giới, phía tây mặt trời…

Còn Mạc Ngôn vào Việt Nam muộn hơn vài năm, năm 2000 tác phẩm đầu tiên của Mạc Ngôn được dịch sang tiếng Việt là Báu vật của đời. Đây là một trong những tác phẩm quan trọng của Mạc Ngôn. Sau đó là hàng loạt tác phẩm như Đàn hương hình, Sống đọa thác đầy, Cây tỏi nổi giận…đi vào đời sống đọc của độc giả Việt Nam.

Nói như thế để thấy mùa Nobel văn chương năm nay, hai nhà văn được đánh giá cao nhất là hai tác giả đều quen thuộc với độc giả Việt Nam.

Hai tác giả đều gây được sự chú ý, gây được dư luận, tác phẩm của họ được dịch nhiều, được tìm đọc và gây được trao đổi trên văn đàn. Nên người không đoạt giải, chắc chắn sẽ để lại nhiều tiếc nuối.

- Bản thân ông có dự đoán ai là người vinh dự nhận giải thưởng cao quý này trước khi nó được công bố?


Dù Murakami là cái tên được dự đoán hàng đầu, bản thân tôi cũng có dịch một cuốn của Murakami nhưng tôi lại không chắc lắm là Murakami sẽ đoạt giải Nobel lần này.

Bởi vì Murakami hình như là vẫn bị coi là tác giả thuộc văn học đại chúng, một văn học phổ cập chứ chưa phải văn học đỉnh cao.

Nhà văn Nhật Bản Murakami để lại nhiều tiếc nuối 

Bản thân nhà văn Nhật Bản Kenzaburo Oe, người từng đoạt giải Nobel vào năm 1994 cũng không đánh giá cao Murakami.

 Ở Nhật Bản, họ chia ra làm hai dòng văn chương rõ rệt là văn chương bác học, văn chương nghiêm túc và văn chương giải trí, văn chương đại chúng. Nhà văn Kenzaburo Oe xếp Murakami vào dòng văn học đại chúng.

Đứng về góc độ giá trị hiện thực, giá trị nhân văn, thì có thể văn chương Mạc Ngôn được đánh giá cao hơn, mặc dù đứng về tầm trên các phương tiện đại chúng, trên phương diện bạn đọc, dư luận thì Murakami lại gây được những hiệu ứng tốt hơn.

- Vậy có nghĩa việc trao giải Nobel cho Mạc Ngôn là chính xác?


Tôi thấy việc trao giải Nobel cho Mạc Ngôn là chính xác. Nếu so sánh giữa hai tác giả Mạc Ngôn và Murakami thì nhận thấy, Mạc Ngôn là “nhà văn chân đất”, bước ra từ nông thôn, văn chương của ông bám chắc rễ vào hiện thực đời sống nông thôn Trung Quốc.

Cái tài của ông là lấy vùng nông thôn Cao Mật, nơi sinh ra ông, để biến nó từ một vùng quê địa lý thành một vùng quê văn chương.

Đúng như lời đánh giá của Ủy ban trao giải Nobel, là ông đã kết hợp cái hiện thực với cái huyền ảo, kết hợp những câu chuyện thực tại với truyền thuyết dân gian, để tạo nên một thứ mà người ta gọi là chủ nghĩa hiện thực huyền ảo.

Có thể nói sự trao giải này, đối với Mạc Ngôn cũng là sự đánh giá công bằng.

Nhà văn Mạc Ngôn đoạt giải Nobel văn chương danh giá 

- Khi cái tên Mạc Ngôn được xướng lên cho giải Nobel, ngoài sự hân hoan tự hào của đại bộ phận người dân Trung Quốc, cũng có không ít ý kiến cho rằng Mạc Ngôn không phải là cái tên xứng đáng với giải thưởng này, thậm chí có nhà văn trẻ còn gay gắt mỉa mai khi Mạc Ngôn được giải. Có vẻ như Mạc Ngôn không “lấy lòng” được hết độc giả của chính đất nước mình?


- Một giải thưởng được trao bao giờ cũng gây nên tranh cãi, nhưng Nobel là một giải thưởng danh giá và uy tín, ngay cả khi họ trao cho một tác giả ít người biết đến nhưng khi đọc vào tác phẩm, người ta vẫn cảm thấy đây là tác phẩm xứng đáng đoạt giải Nobel. Huống hồ, Mạc Ngôn là cái tên đã được thừa nhận với những tác phẩm đỉnh cao.

Tôi nghĩ rằng những ý kiến đó chỉ là một phần rất rất nhỏ, vì tôi thấy người dân Trung Quốc, họ hân hoan về giải thưởng này.

 

Giải thưởng này trở thành một vinh dự, một niềm vui, giải tỏa được cái “mặc cảm Nobel” của Trung Quốc.
 
 Khi lướt qua một loạt báo chí nước ngoài, tôi đã được đọc những nhận xét hết sức khách quan. Người ta nói rằng, giải thưởng Nobel văn chương năm nay ôn hòa về mặt chính trị. Còn nhớ giải Nobel văn chương năm 2000 được trao cho Cao Hành Kiện, một người đã rời bỏ đất nước và không còn mang quốc tịch Trung Quốc. Giải Nobel Hòa bình năm 2010 trao cho một người bị cầm tù là Lưu Hiểu Ba.


 Giải Nobel văn chương 2012 này, có vẻ như Ủy ban giải thưởng Nobel tìm đến một giải thưởng ôn hòa.Trung Quốc đã trở thành một đất nước phát triển, một cường quốc cả về tiềm lực kinh tế và chính trị, vì thế họ khát khao một giải thưởng Nobel của chính người Trung Quốc đang sống tại Trung Quốc. Và giải thưởng này trở thành một vinh dự, một niềm vui, giải tỏa được cái “mặc cảm Nobel” của Trung Quốc.

- Nhắc đến Mạc Ngôn là nhắc đến những tác phẩm trở nên quen thuộc với bạn đọc Việt Nam như Báu vật của đời, Đàn hương hình…nhưng tác gia này còn gây tranh cãi trong dư luận Việt Nam khi cuốn Ma chiến hữu được viết ra?

- Mạc Ngôn có hai cao trào được giới thiệu ở Việt Nam. Cao trào thứ nhất là khi dịch giả Trần Đình Hiến chuyển ngữ hàng loạt tác phẩm sang tiếng Việt như Báu vật của đời, Tửu quốc, Cây tỏi nổi giận, Đàn hương hình…Cao trào thứ hai là với bộ 7 cuốn, gồm những tiểu thuyết nhỏ và một tiểu thuyết lớn là Sống đọa thác đày do Tiến sĩ Trần Trung Hỷ dịch. Trong cao trào thứ hai có cuốn Ma chiến hữu từng gây nên tranh cãi cho dư luận.

Tác phẩm Ma chiến hữu từng gây tranh cãi chỉ đơn giản bởi lời đề khá “nhạy cảm” của nhà xuất bản ở ngoài bìa gây nên những hiểu lầm cho độc giả.

Nhưng những ai đọc cuốn này có thể thấy, nó hoàn toàn nhất quán với mạch viết của Mạc Ngôn. Ông lấy bối cảnh là một người lính, tham gia cuộc chiến tranh biên giới đã bị chết và giờ hồn ma trở về, gặp lại bạn bè thuở đó, thấy những bạn bè đồng lứa với mình sau chiến tranh cuộc sống khổ cực.

Trong tác phẩm chỉ có một đoạn rất ngắn nói về chiến sự, còn lại là tâm sự của nhân vật. Bản thân Mạc Ngôn tạo ra hình tượng ma, người lính đã chết trở về được xem là một sáng tạo nghệ thuật, một phương thức mà nhà văn tìm lại để phản ánh hiện thực.

Do sự tế nhị trong quan hệ hai nước, nên có những ý kiến gây tranh cãi, chứ tác giả không viết trực tiếp về cuộc chiến tranh biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc như một số người nhận xét.

Tôi thấy đây là một tác phẩm nằm chung trong mạch tác phẩm của Mạc Ngôn, nói về những thân phận thấp kém, nói về những con người bình thường, những số phận chân đất, những trầm luân, khổ ải, khó khăn, cơ cực.

Một cảnh trong phim Cao lương đỏ, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Mạc Ngôn

- Liệu có thể nói rằng văn chương của Mạc Ngôn là một dòng chảy xuyên suốt đại diện cho nền văn học Trung Quốc đương đại, từ “văn học thương tích” đến “văn học tầm căn”?


- Mạc Ngôn sinh năm 1955, năm nay 57 tuổi, thuộc lớp nhà văn đương đại của Trung Quốc.

Mạc Ngôn khác với nhà văn cách đây 12 năm được trao giải Nobel Cao Hành Kiện. Nếu như Cao Hành Kiện từng có những tác phẩm bị cấm xuất bản ở trong nước và đến khi nhận giải Nobel danh giá này, ông đã mang quốc tịch Pháp thì Mạc Ngôn lại được thừa nhận rộng rãi ở Trung Quốc.

Mặc dù ông cũng bị phê phán, cũng rời quân đội về quê, nhưng Mạc Ngôn có một nội lực lớn đến mức ông về quê, ông rời các trung tâm văn hóa, văn học, và để tài năng nảy lên từ chính trên quê hương mình.

Sức khái quát nghệ thuật của Mạc Ngôn lớn tới mức, ông biến làng Cao Mật từ một địa danh địa lý trở thành một địa danh văn học. Tất cả các số phận, các nhân vật của ông đều quanh quẩn quanh cái làng Cao Mật. Nhưng những số phận, những con người ấy được ông chưng cất từ hiện thực đất nước Trung Hoa suốt mấy chục năm.

- Nhiều người vẫn cho rằng những tác phẩm đoạt giải Nobel thuộc thể loại văn chương bác học, văn chương hàn lâm, nên đọc rất “khó vào”, hiếm khi trở thành best - seller, nhưng đến với văn chương của Mạc Ngôn, người ta thấy nó gần gũi với độc giả Việt Nam hơn rất nhiều, liệu điều đó có phải vì những nét tương đồng giữa nền văn hóa hai nước?

Tất cả các tác phẩm văn chương đều mang đến giá trị đồng đẳng, nên chúng ta không thể nói rằng những tác phẩm đoạt giải Nobel là thuộc thể loại văn chương bác học, văn chương hàn lâm.

Giải thưởng Nobel căn cứ vào tác phẩm, có những năm giải thưởng được trao cho những tác phẩm được giới thiệu rộng rãi trên thế giới, nhưng có những năm, giải Nobel mang tính phát hiện, mà nhờ giải này người ta mới chú ý đến tác giả đó.

Tất nhiên văn của Mạc Ngôn là một thứ văn hiện thực, một thứ văn đi thẳng vào vấn đề, không cầu kì rắc rối. Nó khác với Linh Sơn của Cao Hành Kiện, một tác phẩm khó đọc hơn rất nhiều. Nhưng có thể nhận thấy, cả hai đều mang đến những giá trị văn chương đồng đẳng.

Xin cảm ơn ông.


An My (thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn