'Ma thuật' nào giúp ngân hàng biến con tàu từ không thành có?

Kinh tếThứ Năm, 26/07/2018 17:13:00 +07:00

Một con tàu dầu không được đóng vì không có quyết định đóng mới, không có bản vẽ thiết kế bỗng dưng được Ngân hàng Agribank tỉnh Bình Thuận ‘hô biến’ thành hiện vật thế chấp trong một hợp đồng tín dụng trị giá 3 tỷ đồng.

Con tàu từ không thành có

Liên quan đến sự việc tàu Nghị định 67 (tàu dịch vụ hậu cần nghề cá BTh – 97679 - TS) nằm bờ gần 2 năm vì không được vay vốn theo Nghị định 67, vừa qua Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Thuận đã lập tổ công tác để thanh tra toàn diện sau khi nhận được phản ánh.

Sau đó, thanh tra Ngân hàng Nhà nước cho biết con tàu dịch vụ hậu cần nghề cá BTh – 97679 - TS của Công ty EU Thanh Lâm được hình thành từ vốn vay tại Agribank Phú Quý (trực thuộc Agribank Bình Thuận) theo hợp đồng tín dụng số CTYTLAM.08 ngày 29/4/2009 (vay 3 tỷ đồng).

Tuy nhiên, trước đó Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bình Thuận trình lên ban chỉ đạo 48 và 67 của tỉnh Bình Thuận khẳng định hợp đồng tín dụng số CTYTLAM.08 ngày 29/4/2009 là để đóng tàu dầu BTh - 97679.

Agribank Bình Thuận cũng lấy lý do tàu dịch vụ hậu cần nghề cá BTh – 97679 - TS chính là tàu dầu BTh - 97679 để từ chối việc vay vốn theo Nghị định 67 của Công ty EU Thanh Lâm.

36656596_271556590258886_2376288397082755072_n

 Tàu BTh - 97679 - TS vốn được đóng để làm dịch vụ hậu cần, nay bỗng dưng được hô biến thành tàu 'ma' BTh - 97679.

Tuy nhiên, tại mục 2.2 trong hợp đồng 238 thì tàu dầu Bth – 97679 được “thi công dưới sự giám sát kỹ thuật của chi cục Đăng kiểm 6”. Được biết, đăng kiểm 6 là đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải và không liên quan gì đến Nghị định 67.

Làm việc với PV, ông Nguyễn Văn Chiến, phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Thuận khẳng định, chỉ tàu làm thủy sản mới có đuôi “TS” phía sau, còn những loại tàu khác không hề có.

Như vậy, không hiểu vì lý do gì Ngân hàng Agribank và Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bình Thuận lại nhập nhằng giữa 2 con tàu không liên quan đến nhau vào thành một để từ chối nguyện vọng chính đáng của ngư dân.

Ngoài ra, theo tìm hiểu của PV, con tàu dầu BTh - 97697 cũng không được đóng vì không có quyết định đóng mới, không có bản vẽ thiết kế và không được sự giám sát theo luật của Chi cục Đăng kiểm 6.

Nhưng ngay sau khi có hợp đồng 238, 3 tỷ đồng (theo hợp đồng tín dụng CTYTLAM.08) đã nhanh chóng được Ngân hàng Agribank tỉnh Bình Thuận chuyển thẳng vào Công ty đóng tàu An Phú, không hề thông qua đơn vị đứng tên vay là Công ty EU Thanh Lâm.

Đồng thời, Sở GTVT tỉnh Bình Thuận cũng cho biết, theo số liệu từ năm 2005 đến tháng 6/2018 do đơn vị quản lý không có tên đăng ký con tàu BTh - 97679.

Để làm rõ lý do vì sao đã thành lập một đoàn thanh tra nhưng vẫn không phát hiện ra sai sót này, PV liên hệ với ông Bùi Xuân Chỉnh – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Thuận. Ông Chỉnh cho biết sẽ cho kiểm tra, rà soát lại.

37218027_281819462565932_4183640377888079872_n 4

 Từ hợp đồng hết hạn, Agribank Bình Thuận tạo ra con tàu 'ma' BTh - 97679.

Trong khi đó, dù nhiều lần liên hệ để làm việc trực tiếp với Ngân hàng Agribank tỉnh Bình Thuận nhưng PV vẫn không thể tiếp cận được lãnh đạo ngân hàng này.

Bí ẩn phía sau tờ giấy đăng kiểm

Trong kết luận thanh tra, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bình Thuận cho rằng con tàu BTh - 97679 - TS của Công ty Cổ phần EU Thanh Lâm đã hoàn thành trước khi Nghị định 67 hoàn thành.

Cụ thể, ngày 18/12/2014, Trung tâm đăng kiểm và tư vấn nghề cá phía Nam (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã cấp chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá (thường gọi là đăng kiểm tàu) số 272/14/ĐKTC cho tàu BTh-97679 TS thuộc sở hữu của Công ty Cổ phần Quốc tế EU Thanh Lâm (giấy phép cấp ngày 31/10/2011; MST: 3400957102).

Lạ kỳ, vào ngày 29/1/2016, cùng số 272/14/ĐKTC, Trung tâm đăng kiểm lại có một Chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá cho chính con tàu này, nhưng thuộc sở hữu của một công ty có mã số thuế hoàn toàn khác là Công ty Cổ phần EU Thanh Lâm (giấy phép cấp ngày 6/10/2009; MST: 3400827960).

Làm việc việc với PV, đại diện Trung tâm đăng kiểm phía Nam cho biết do ông Ngô Thanh Lâm – Giám đốc Công ty EU Thanh Lâm nói đăng kiểm cũ bị sai tên công ty nên Trung tâm đăng kiểm đã sửa lại.

dk 3

 Cùng một con tàu nhưng có đến 2 công ty sở hữu.

Ngoài ra, chủ tàu cũng tố cáo tại thời điểm cấp đăng kiểm, con tàu BTh - 97679 -TS khi chưa hoàn thiện và ra khơi. Về nghi vấn này, ông Nguyễn Công Phương, Phó GĐ phụ trách phía Nam của Trung tâm đăng kiểm phủ nhận và khẳng định tàu đã đóng xong.

Khi PV thắc mắc cơ sở nào khẳng định tàu đóng xong khi không có hợp đồng giám sát, biên bản thử nghiệm đường dài thiếu chữ ký 3 bên, ông Phương cho rằng “nhìn bằng mắt thường sẽ thấy” và “sợ chủ tàu tự vẫn” nên mới cấp.

Một con tàu vỏ thép cực lớn, dùng để hoạt động ngoài khơi xa nhưng chỉ cần “nhìn bằng mắt” mà có thể khẳng định đã hoàn thành, đảm bảo an toàn kỹ thuật thì chỉ có Trung tâm đăng kiểm phía Nam mới làm được điều này.

Nhật Linh
Bình luận
vtcnews.vn