Ly kỳ chuyện phá án trong rừng thẳm

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 15/07/2012 11:34:00 +07:00

(VTC News) - Quần áo rách mướp, hình hài biến dạng, mắt, mũi môi và toàn bộ da thịt mặt đã bị cá rỉa sạch. Các ngón tay chỉ còn trơ các mẩu xương.

(VTC News) - Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân (20/7/1962 - 20/7/2012), tác giả xin kể mấy mẩu chuyện nhỏ để độc giả biết được một phần sự thật công việc của các điều tra viên thuộc Công an tỉnh Đắk Lắk.

Kỳ 1: Xác chết thối rữa lềnh bềnh trên sông bị cá rỉa biến dạng

Trong mỗi vụ án, đặc biệt là những vụ án nghiêm trọng không thể thiếu được sự tham gia của người điều tra viên. Từ một phần ngàn giọt máu, từ sợi tóc, từ dấu vân tay, hay sự sắp xếp đồ vật ở hiện trường đều nói lên một phần sự thật của vụ án.

Công việc của người điều tra viên tỉ mỉ như những nhà khoa học. Công việc của các điều tra viên trong những khu rừng nguyên sinh rậm rạp là sự hy sinh thầm lặng, sự khó nhọc vô cùng mà không phải ai cũng biết được.

Cảnh sát Khoa học kỹ thuật hình sự sử dụng kỹ thuật cao để điều tra, phá án. 

Khi chưa chia tách thì Đắk Lắk là tỉnh rộng nhất Việt Nam, với diện tích 19.599 km2, dân số 2,23 triệu người, vùng núi cao từ 1.000 đến 1.800 mét chiếm 35% diện tích toàn tỉnh và cũng xấp xỉ từng đó là diện tích rừng.

Đắk Lắk là vùng đất khai hoang của dân tứ xứ khắp cả nước, gồm 31 tộc người như Dao, Tày, Nùng, Thái, Kinh, Ê Đê, M'Nông... sống xen kẽ trong rừng thẳm, cùng khai hoang, phục hóa. Chính vì dân cư phức tạp như vậy, lại là tỉnh có đường biên giới dài tới 192 km, nên thường xuyên bị các thế lực thù địch bên ngoài như Fulrô, Đê Gar lợi dụng xuyên tạc, kích động thù hằn dân tộc đã tạo ra tình hình an ninh trật tự vô cùng phức tạp.

Không kể những thành phố lớn, Đắk Lắk là tỉnh miền núi xảy ra nhiều trọng án nhất nước. Mỗi năm Phòng CAĐTTP về TTXH, Công an tỉnh Đắk Lắk phải thụ lý cả trăm vụ trọng án, trong đó có rất nhiều vụ án giết người do mâu thuẫn, trộm cắp xảy ra trong rừng thẳm.

Dựng lại hiện trường vụ giết người trong rừng ở Đắk Lắk. 

Không kể ngày đêm, không kể đường sá hiểm trở, không kể thời tiết sớm nắng chiều mưa, khi nhận được thông tin, người điều tra viên phải lập tức lên đường đến hiện trường vụ án để thu thập chứng cứ, tiến hành điều tra, truy lùng thủ phạm.

Những cuộc truy đuổi, lần theo dấu vết tội phạm trong rừng không những vô cùng vất vả, gian khổ mà những mối nguy đến tính mạng luôn rình rập, bủa vây người cảnh sát điều tra.

Anh Phạm Thanh Tùng, cán bộ Đội điều tra, Phòng PC14, Công an tỉnh Đắk Lắk, nếu không mặc bộ quân phục màu xanh lá cỏ thì không ai nghĩ anh là một đồng chí cảnh sát. Dáng người gầy gò, khuôn mặt xương xương, khắc khổ, đôi mắt hõm sâu là kết quả của những ngày ăn rừng ngủ thác lần theo dấu vết tội phạm.

Lực lượng cảnh sát Công an tỉnh Đắk Lắk. 

Đồng đội ở phòng thường gọi anh là... người rừng, vì công việc của anh thường xuyên ở một góc rừng, một xó núi nào đó, chứ chẳng mấy khi thấy đầu tóc bóng lộn, trang phục gọn gàng ngồi bàn giấy.

Cũng chính vì cái bộ dạng ấy mà phòng giao phó cả cho anh những "vai diễn" lâm tặc khét tiếng, gã thất nghiệp đi bốc vác thuê, khai thác vàng sa khoáng, thậm chí cả một tay trộm vặt, một kẻ bần hàn phải đi cuốc đất, làm nương làm rẫy thuê, mà "trường quay" là những cánh rừng thâm u tưởng chừng như bất tận với đôi chân người.

Anh đã đóng tất cả những vai đó, và cho đến lúc người làm thuê hiền lành, dáng vẻ khổ hạnh nọ bất ngờ quật ngã một tên giết người máu lạnh, dong hắn đi trước mắt mọi người thì người ta mới nhận ra anh là một chiến sĩ công an giả dạng.

Chuẩn bị lên đường phá án. 

Khi tôi hỏi anh về công việc của người điều tra viên phá những vụ án trong rừng, anh cứ lóng nga lóng ngóng không biết bắt đầu từ đâu. Anh mở hai cánh cửa của chiếc tủ cao chất ngất đến trần nhà và bảo: "Cả núi hồ sơ thế này không biết bắt đầu từ đâu".

"Núi" hồ sơ ấy là mồ hôi, công sức, là nước mắt, là máu của cả đội. Chiến công của họ lặng lẽ như những bộ hồ sơ được cất kỹ trong chiếc tủ được khóa rất cẩn thận đó.

Người điều tra viên ở Công an tỉnh Đắk Lắk là vậy đấy, cả đời họ chỉ lầm lũi với những vụ án mạng, truy tìm thủ phạm trong rừng thẳm chứ có phát biểu trước chỗ này, chỗ nọ để kể về mình, tự ca ngợi mình bao giờ đâu mà trả lời hay ho, trôi chảy cho được.

Tôi bảo anh rút bừa một bộ hồ sơ. Bộ hồ sơ ấy lật mở, từ những cái tên đối tượng, tên người bị hại, những địa danh, những cánh rừng thâm u không một dấu chân người như thước phim hiện về từ ký ức. Đôi chân người cảnh sát điều tra đã lội đến bợt bạt qua vạn dặm đường rừng.

Cảnh sát giúp dân dựng nhà. 

Một ngày mùa thua, dân đi rừng phát hiện một xác chết trương nổi lềnh phềnh, kẹt trong những lùm cây ngả xuống con suối Ea Drăng giữa những cánh rừng già Ea Khăi, Ea Wy thăm thẳm, hoang sơ.

Nhận được tin báo, cảnh sát điều tra và bác sĩ pháp y của Phòng Khoa học kỹ thuật hình sự vội vã lên đường.

Chiếc U-oát phóng băng băng trên đoạn đường dài 120 km từ Buôn Mê Thuột đến trung tâm huyện Ea H'Leo phải dừng lại dưới chân núi Cư Mốt hùng vĩ. Những cánh rừng hoang sơ hiện ra trước mắt. Các anh cứ lần dọc con suối Ea Drăng mà cuốc bộ theo những dấu chân người sơn tràng.

Cứ đi như vậy từ sáng đến chiều thì cũng đến được nơi có xác chết. Một đồng chí công an xã đã mắc lều ở cách xác chết 50 mét, có nhiệm vụ trông coi xác chờ công an tỉnh vào. Anh bắt tay vội vã các cán bộ điều tra, tặng lại túp lều đó cho các điều tra viên và... chuồn thẳng.

 

Từ sau hôm đó không thấy anh ta quay lại nữa. Cũng không thể trách anh ta được, vì anh đã hoàn thành nhiệm vụ với một đêm và một ngày nhai mì tôm sống, uống nước lọc để... trông xác chết thối giữa rừng hoang. Nhiệm vụ lúc này là của bác sĩ pháp y, của các điều tra viên thuộc công an tỉnh.

Điều tra viên Phạm Thanh Tùng cùng vị bác sĩ pháp y nhảy xuống dòng nước chảy xiết kéo cái thây người trương phềnh đó lên. Vật ngửa cái xác ấy ra. Ôi trời, không còn nhận ra đây là hình hài một con người nữa.

Quần áo rách mướp, hình hài biến dạng, mắt, mũi môi và toàn bộ da thịt mặt đã bị cá rỉa sạch. Các ngón tay cũng đã rụng, rữa ra hoặc bị cá rỉa, chỉ còn trơ các mẩu xương, không thể lấy được vân tay. Chính vì thế không thể xác định được những đặc điểm cụ thể của nạn nhân.

Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Giang cùng bộ đội Biên phòng giải cứu cháu bé trong chuyên án bắt cóc trẻ em bán sang Trung Quốc. 

Trong hồ sơ vụ trọng án, nạn nhân chỉ được mô tả bằng vài dòng đơn giản: giới tính nam, chiều cao... cân nặng khoảng... độ tuổi khoảng... chết vào thời gian... chết do bị đánh đập...

Khu vực này toàn là rừng nguyên sinh, con suối Ea Drăng nước chảy xiết, mấy ngày trước lại có lũ nên không thể xác định được xác chết trôi từ đâu đến. Cũng có thể xác chết trôi về từ mãi huyện Chư Sê của Gia Lai, hoặc huyện biên giới Ea Súp, hoặc bị dòng Ia H'Leo đẩy về tự tận Campuchia.

Thông tin mù mịt như vậy nên thật khó tiến hành điều tra và không biết phải bắt đầu từ đâu. Chẳng lẽ cái chết của một con người lại oan trái đến vậy?

Còn tiếp…


Quân Lê - Thụy Bình

Bình luận
vtcnews.vn