Ly kỳ chuyện “cụ” cá gần trăm tuổi ở Hà Giang

Phóng sự - Khám pháChủ Nhật, 29/07/2012 03:01:00 +07:00

Trong chuyến công tác Hà Giang, chúng tôi được nghe kể nhiều về một loài cá giống như "cá thần" ở Thanh Hóa, có những con cá đã gần 100 năm tuổi.

Trong chuyến công tác Hà Giang, thật thú vị khi chúng tôi được nghe kể nhiều về một loài cá giống như "cá thần" ở Thanh Hóa, có những con cá đã gần 100 năm tuổi.

Người dân địa phương cho biết, loài cá có tên là Bỗng, được cha ông nuôi từ rất lâu đời, truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, có nguồn gốc từ sông Lô, sông Gâm và sông Miện (Hà Giang)…

Ly kỳ “cụ” cá huyền thoại

Khi chúng tôi hỏi về loài cá Bỗng được nuôi tại xã Phương Đô (TP. Hà Giang, tỉnh Hà Giang), ông Nguyễn Xuân Diệu, bí thư kiêm chủ tịch UBND xã cho biết: Đây là loài cá giống với "cá thần" ở huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) nhưng cá ở đây được người dân nuôi để làm thức ăn.

Hầu như nhà nào ở Phương Độ cũng có từ 1- 2 ao thả nhiều loại cá, trong đó có loài cá Bỗng. Riêng nhà ông Nguyễn Văn Giằng, thôn Hạ Thành có những con cá có trọng lượng tới 12 - 15 kg và có tuổi thọ cũng lên tới gần 100 tuổi”.

Con cá bống gần 5 kg được các nhà khoa học làm mẫu nghiên cứu. 

Theo sự giới thiệu của ông Diệu, chúng tôi tìm đến gia đình ông Nguyễn Văn Giằng để mục sở thị loài cá đặc biệt này. Tiếp chúng tôi là cụ ông tuổi đã ngót bát tuần nhưng trông rắn rỏi, khỏe mạnh với điệu cười sang sảng: “Làm gì có cá trăm tuổi hả các cháu!”.

Nói rồi, ông tiếp tục công việc thái rau nấu cám lợn, làm thức ăn cho cá, mặc những vị khách không mời đi đứng loanh quanh dưới gầm ngôi nhà sàn năm gian bề thế.

Phải mất một buổi chiều để “làm quen” với cả người nuôi cá và đàn cá dưới ao, chúng tôi mới được chủ nhân mời lên nhà. Như để giải thích cho thái độ cảnh giác không “mến khách” của mình, ông Giằng nói, do nhà ông ở gần khu vực biên giới, thời gian gần đây tình hình an ninh trật tự trên địa bàn có nhiều bất ổn. Bản thân ông có thời gian lâu năm làm cán bộ xã Phương Độ, hai con trai của ông, một người thì làm trong quân đội, một người làm công an viên trong xã nên tinh thần cảnh giác của cả gia đình khá cao.

Ông Giằng cho biết, tất cả những hộ dân trong xã đều là dân tộc Tày, mọi người vẫn giữ những thói quen sinh hoạt, nét văn hóa và phong tục tập quán cha ông truyền lại. Gia đình ông là một trong những hộ ở Phương Độ còn giữ được 4 con cá Bỗng có trọng lượng trên 10kg. Ao cá của gia đình ông thuộc loại cổ nhất ở Phương Độ.

Ông Giằng cho biết, ngày trước khi ông còn nhỏ thường thấy ông nội và bố ra sông Lô, sông Miện bắt cá về làm thức ăn. Ngày đó, nước sông Lô trong xanh chứ không đục ngầu và ô nhiễm như bây giờ nên có rất nhiều loại cá như cá Anh Vũ, cá Chiên, cá Lăng, cá Bỗng…

Mỗi khi đánh bắt được nhiều, ông nội và bố ông thường mang cá to ra mổ cho cả nhà cùng ăn, những con nhỏ thì được thả vào ao, nuôi cho lớn. Ao cá của gia đình ông đã có từ rất lâu, khi ông sinh ra, cái ao đã có rồi.

Ông nhớ, khoảng những năm 50 của thế kỷ trước, lúc đó ông vẫn còn nhỏ, khoảng 12 – 13 tuổi, đã chứng kiến bố mẹ bắt một con cá rất to trong ao lên mổ thịt. Con cá đó khoảng 13kg, gia đình nuôi từ lâu, khi mẹ mang thai ông thì con cá đã có rồi. Lúc đó, vì quý và thương cá quá, ông đã khóc suốt cả buổi và giận bố mẹ đến mức không chịu ăn cơm.

Ông Giằng lớn lên cùng ruộng đồng sông suối, đến tuổi trưởng thành, ông cũng ra sông đánh cá giống cha. Ngày đó, ông nổi tiếng nhất làng vì tài đánh cá. Lần nào đi chài lưới, ông cũng mang về ăm ắp thuyền cá.

Ông Giằng kể rằng, ông đã đánh được rất nhiều cá Chiên, cá Bỗng nặng tới 20 – 30 kg. Theo truyền thống của gia đình, ông cũng bắt nhiều cá Bỗng nhỏ ở sông về nuôi tại ao nhà.

Ông kể, có lần ông xúc được cả đàn cá Bỗng, chỉ nhỏ bằng que tăm. Cách nhận biết loài cá này đó là trên sống lưng cá có một chấm đen và cá thường sống ở tầng đáy sông, trong vùng nước chảy.

Ông mang toàn bộ số cá Bỗng vừa bắt được về thả vào ao. Đó cũng là lứa cá thứ 2 của gia đình, kể từ ngày ông trưởng thành (khoảng năm 1977 – 1978). Hiện lứa cá này vẫn còn 4 con ở trong ao của gia đình ông.

Để giữ được bốn con cá này, theo ông Giằng, đó là cả một “kỳ tích”. Những năm 1984 - 1989, khi chiến tranh biên giới nổ ra, xã Phương Độ nằm trên trục đường huyết mạch chuyển quân và lương thực lên biên giới Thanh Thủy, Vị Xuyên nên thường xuyên bị câu pháo ác liệt.

Ngày đó cả thôn, bản đều đi sơ tán, xuống những vùng thấp hơn, cách xa biên giới. Để vợ con đi, một mình ông xung phong ở lại, vừa vì công việc của cán bộ chủ chốt (lúc đó ông làm chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã) vừa bám trụ giữ nhà, trông cá. Lúc này, trong ao cá nhà ông có khoảng vài chục con cá to 5 – 6kg và đã được nuôi hàng chục năm.

Linh thiêng dùng cá Bỗng cúng lễ tết

Rồi sau đó, khi cả làng quay về, hầu như tất cả mọi nhà đều không còn giữ được cá, riêng nhà ông Giằng, toàn bộ số cá trong ao vẫn còn nguyên vẹn.

Rồi khi các con lấy vợ, ông chia đều những con cá to cho các con. Đến đầu những năm 2000, khi có một đoàn các giáo sư, tiến sỹ ở Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản Trung ương lên thăm mô hình nuôi cá của gia đình, ông đã tặng các nhà khoa học năm con cá to để phục vụ công tác nghiên cứu. Một số con còn lại được dùng để cúng trong các ngày lễ tết của dân tộc.

Theo chị Nguyễn Thị Chuyên, con dâu ông Giằng, tục lệ dùng cá Bỗng để cúng trong những ngày lễ của người Tày Phương Độ đã có từ rất lâu đời. Vào ngày 5/5 và ngày 12/11 âm lịch hàng năm, người dân Phương Độ thường làm thịt cá Bỗng để cúng tạ trời đất và tổ tiên vì một vụ mùa bội thu, cuộc sống sung túc.

Cá Bỗng là loài vật được người dân rất coi trọng và nâng niu như một thứ của cải có giá trị nên không thể thiếu khi dâng lên trời đất, tổ tiên để tỏ lòng kính trọng.

Ngày 5/5 âm lịch, bà con dân tộc thường nấu xôi nếp và cá nướng để cúng. Tất cả các nhà trong thôn bản đều cúng như vậy và loài cá dùng để cúng này nhất thiết phải là cá Bỗng. Còn ngày 12/11 âm lịch, đồng bào thường có phong tục làm bánh cá, cũng là để cúng lễ thần linh, tổ tiên, ông bà, cha mẹ.

Chị Chuyên cho biết, bánh cá được làm bằng bột gạo nếp và nhân cá. Cá được bắt từ dưới ao, còn tươi sống, chọn những con to nhất trong đàn.

Sau khi mổ cá, róc vẩy, thái thành từng miếng khoảng ba đầu ngón tay, vuông vắn, ướp bột (bột gạo nếp được nghiền nhỏ, trộn nước cho nhuyễn) lấy lá rau cải cay gói lượt bên trong, rồi lấy lá dong gói lượt bên ngoài, gói bánh hình vuông hoặc hình chữ nhật, có chiều dài, chiều rộng khoảng 12 x 18 cm. Sau khi gói xong, xếp bánh lên chõ đồ (cách thủy), đến chín vớt ra.

Đặc biệt, trước khi làm loại bánh này cần ngâm gạo với gia vị, muối... Riêng cá thì phải ngâm bằng nước măng chua. Măng phải lấy giống măng Giang trên rừng, vì ngon hơn măng tre, nứa.

Bên cạnh đó, các gia đình còn làm món bún, nhà nào trong thôn cũng tự biết làm bún cho ngày lễ này. Phần thịt cá được lấy làm nhân bánh, còn phần xương, đầu cá được dùng để nấu canh chua, ăn cùng với bún. Đây là truyền thống có từ rất lâu đời, đến nay người dân Phương Độ vẫn còn lưu giữ.

TheoHoàng Sa ĐS&PL

Bình luận
vtcnews.vn