Ly kỳ chuyện cây sưa gần 50 tỷ đồng khiến dân làng 'đổ máu' ở Bắc Ninh

Thời sựThứ Tư, 14/12/2016 07:55:00 +07:00

PV VTC News đã về đình làng Đông Cốc để mục sở thị cây sưa có giá trị "khủng" và tìm hiểu nguyên do tại sao nó lại khiến người dân nơi đây xảy ra cuộc "đổ máu" hôm 7/12.

Ngày 7/12, trên mạng xã hội đăng tải video "Dân hỗn chiến trong ngày hạ giải cây sưa trị giá 50 tỷ" thu hút rất nhiều sự quan tâm của bạn đọc.

Qua xác minh của PV, địa điểm mà người dân nhắc đến trong video chính là đình làng Đông Cốc, xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh.

Ngày 12/12, PV VTC News đã về đình làng Đông Cốc để mục sở thị cây sưa có giá trị "khủng" và tìm hiểu nguyên do tại sao nó lại khiến người dân nơi đây xảy ra cuộc hỗn chiến kinh hoàng như vậy.

Video: Mục sở thị cây sưa 50 tỷ khiến dân làng "đổ máu" ở Bắc Ninh

Đình làng Đông Cốc là nơi thờ các vị thần từ thời Đinh và được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích lịch sử năm 1992. Theo quan sát của PV, trong khuôn viên của đình làng Đông Cốc hiện có 3 cây sưa có giá trị nhất. Trong đó, cây hơn 400 năm tuổi nằm ngay cạnh mái đình, cành lá xanh tốt và tán khá rộng. Tuy nhiên, cây này không được rao bán.

Cây rao bán với giá 50 tỷ đồng nằm sát cổng đình và đường đi lại của người dân. Hiện thân cây đã bị mối mọt khoảng 30% và một số cành lớn đã chết khô.

Được biết, kế hoạch bán cây sưa này nhận được sự đồng thuận của nhân dân từ khoảng năm 2012. Sau nhiều cuộc họp, đầu tháng 1 năm 2016, UBND tỉnh Bắc Ninh đã có công văn cho phép hạ giải cây sưa, tiền bán cây sẽ dùng để xây dựng nông thôn mới và trùng tu di tích đình làng Đông Cốc.

Đứng dưới gốc cây sưa hơn 200 năm tuổi, ông Nguyễn Văn Hận - Trưởng ban trông coi di tích đình làng Đông Cốc cho biết: "Cây này có một ông tên là Hải trả 45 tỷ, một bà tên Hợp về đây trả 49 tỷ đồng nhưng chưa đưa tiền. Bà Hợp nói là 49 tỷ sẽ chia cho nhân dân một nửa và để lại xây dựng thôn 1 nửa, nhưng thực tế bây giờ bà ấy trốn đi đâu không tìm thấy".

IMG20161212165400

 Cây sưa hơn 200 tuổi được trả giá gần 50 tỷ tại đình làng Đông Cốc - Ảnh: Kim Thược

Theo ông Hận, 100% người dân ở đây đồng tình với việc hạ bán cây sưa để xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, ngày 7/12, trong cuộc họp triển khai phương án chặt hạ, đấu giá cây sưa 200 năm tuổi tại đình thôn Đông Cốc đã xảy ra cuộc ẩu đả khiến một người bị thương, chảy máu đầu.

 
Một số người dân ở đây nghĩ là họ trả 49 tỷ không bán mà bán 24,5 tỷ nên xảy ra xô xát.

Ông Nguyễn Văn Hận

Theo tìm hiểu của PV, nguyên nhân sâu xa dẫn đến vụ ẩu đả là do người dân trong thôn không chấp nhận bán cây sưa với giá 24,5 tỷ đồng mà UBND xã Hà Mãn đã đấu giá thành công trước đó.

"Một số người dân ở đây nghĩ là họ trả 49 tỷ không bán mà bán 24,5 tỷ nên xảy ra xô xát", ông Hận nói.

Ông Nguyễn Văn Tuyến - một người dân làng Đông Cốc chứng kiến vụ việc kể lại: "Trong buổi họp, sau khi chủ tịch UBND xã lên chủ trì mới thông qua được quy chế làm việc với buổi tiếp dân, cử một người lên làm tổ trưởng thư kí hội đồng thì một số phần tử đã xông lên phản đối".

"Dân chúng tôi muốn tự bầu ra thư kí cuộc họp chứ không phải cán bộ xã nên phản đối. Trong lúc phản đối, lời qua tiếng lại bên dưới rồi lao vào đánh nhau. Họ cầm ghế phang vào đầu nhau khiến một người dân trong thôn tham gia xô xát bị chảy máu.

Chưa nói đến việc đồng ý hay không, chỉ mới cử thư kí lên để ghi chép cho hội nghị thôi đã đánh nhau rồi", ông Tuyến nói.

IMG20161212162637

 Đình Đông Cốc còn một cây sưa hơn 400 năm tuổi - Ảnh: Kim Thược.

Trao đổi với PV VTC News, ông Nguyễn Văn Hiếu - Chủ tịch UBND xã Hà Mãn thông tin: "Trước đó, ngày 22/9, UBND xã được phép của huyện tổ chức triển khai họp để chuẩn bị hạ giải cây thì bà Nguyễn Thị Hợp - người ở TP Bắc Ninh về cùng một số người dân lên xã ý kiến. Tại cuộc họp này, bà Hợp ở bên ngoài và đưa ra cái hợp đồng là 49 tỷ đã kí với thôn. Sau đó, hội nghị phải hoãn để xử lý việc này".

"Nếu bà Hợp có nhu cầu mua với giá cao hơn thì phải tiến hành đặt cọc tiền. Chúng tôi đã thông báo cho bà ấy thời gian, bà ấy cam kết là ngày 13/10 sẽ đặt cọc 2 tỷ, sau đấy 1 tháng sẽ hoàn thiện nốt số còn lại. Nhưng cho đến ngày 19/10 bà ấy cũng không có mặt tại địa phương để đặt cọc.

Chúng tôi cũng đã đôn đốc bằng văn bản mời nhưng bà Hợp không về. Vì vậy, UBND xã đã chỉ đạo ban quản lý thôn thanh lý hợp đồng đối với bà Hợp", ông Hiếu nói.

Cũng theo vị Phó chủ tịch UBND xã Hà Mãn, sau khi có 1 đơn vị trúng thầu với giá 24,5 tỷ thì không có đơn vị nào khác liên hệ với UBND xã. Ngoài bà Hợp, có rất nhiều người về thăm nom và trả giá ảo với người dân chứ không làm việc với UBND xã.

IMG20161212154833

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó chủ tịch UBND xã Hà Mãn (Thuận Thành - Bắc Ninh).  

Ông Hiếu cho biết: "Sau khi có thông tin trúng thầu 24,5 tỷ, họ có những cách chống đối bằng rải truyền đơn thì chúng tôi cũng cho công an theo dõi và xử lý nhưng chưa bắt được đối tượng nào.

Trong truyền đơn có những nội dung kích động là bán rẻ để cán bộ tham ô, hoặc là tham nhũng trong việc bán cây sưa của dân Đông Cốc. Đây là việc kích động rất nguy hiểm. Nếu như chúng tôi làm sai quy trình thì các cơ quan chức năng họ đã xử lý chúng tôi rồi".

 
Theo tôi, khả năng là vì mất quyền lợi cho nên một số phần tử lợi dụng cái việc này để kích động nhân dân, dẫn đến vụ xô xát hôm 7/12.

Ông Nguyễn Văn Hiếu

"Từ khi có quyết định bán cây sưa, một số cư dân Đông Cốc người ta dẫn mối về, người nói giá này, người nói giá kia. Theo tôi, khả năng là vì mất quyền lợi cho nên một số phần tử lợi dụng cái việc này để kích động nhân dân, dẫn đến vụ xô xát hôm 7/12", vị Phó chủ tịch UBND xã nói.

Ông Hiếu thẳng thắn cho rằng, người kích động nhân dân gây rối trong cuộc họp chính là những người dẫn mối cho bà Hợp.

"Chúng tôi cũng nói rõ với cán bộ, nhân dân Đông Cốc là việc bán 24,5 tỷ thì chỉ dùng vào mục đích xây dựng nông thôn mới ở Đông Cốc thôi chứ không chi sang đơn vị khác. Và việc này dân có quyền bàn và được thống nhất làm sao quy trình nó đúng pháp luật.

Nếu dân không đồng tình thì cây sưa cũng để đó thôi. Thế nhưng, nếu như cây nó xanh tốt thì không nói làm gì nhưng bây giờ nó đang xuống cấp nghiêm trọng rồi. Mà chính cách đây vài năm, 1 số người dẫn mối đã để cho một số đối tượng vào khoan cây sưa, bây giờ cây sưa đã xuống cấp rất nghiêm trọng", ông Hiếu thông tin thêm.

Theo thông tin mới nhất mà PV VTC News nhận được từ UBND huyện Thuận Thành, hiện huyện đã chỉ đạo xã tạm dừng khai thác cây gỗ sưa tại Đông Cốc để ổn định tình hình và có những biện pháp xử lý đối với những người tham gia gây rối.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng sẽ xem xét việc bà Hợp trưng ra cái giá 49 tỷ để gây nhiễu dư luận, gây mất đoàn kết ở địa phương.

Kim Thược
Bình luận
vtcnews.vn