Lý giải hiện tượng nhiều sản phụ tử vong do thuyên tắc mạch ối

Sức khỏeThứ Tư, 16/11/2016 07:19:00 +07:00

Theo các chuyên gia về sản phụ khoa, tắc mạch ối là một biến chứng sản khoa rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao, không thể đoán trước và không thể dự phòng được.

Trong những năm gần đây, nhiều trường sản phụ tử vong do nguyên nhân “tắc mạch ối”. Đây là một biến chứng cực kỳ nguy hiểm, tỷ lệ tử vong rất cao.

Trường hợp mới nhất vừa xảy ra là 2 mẹ con sản phụ tử vong ở Bệnh viện Sản-Nhi Yên Bái, với nguyên nhân tử vong ban đầu được phía bệnh viện đưa ra có thể là do “tắc mạch ối”.

Hay trường hợp khác như sản phụ Nguyễn Thị Xuyến, 40 tuổi, tử vong tại BVĐK tư nhân Hòa Bình, Hải Dương vào ngày 3/6 vừa qua cũng với lý do là “tắc mạch ối”.

Theo các chuyên gia về sản phụ khoa, tắc mạch ối là một biến chứng sản khoa rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao, không thể đoán trước và không thể dự phòng được. Tắc mạch ối là do nước ối, tế bào của thai nhi, chất gây, tóc, lông tơ hoặc các mảnh mô khác lọt vào tuần hoàn của người mẹ, gây ra suy hô hấp và suy tuần hoàn cấp tính.

tac-mach-oi4(3)

Tắc mạch ối là một biến chứng sản khoa rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao, không thể đoán trước và không thể dự phòng được.

Tắc mạch ối có các yếu tố nguy cơ như: Sản phụ trên 35 tuổi, con rạ nguy cơ cao hơn con so. Mổ lấy thai, đẻ có can thiệp thủ thuật Forcep, giác hút, chọc ối.  Đa ối, đa thai, rau tiền đạo, rau bong non, sản giật…Tổn thương tử cung hoặc cổ tử cung.

Thời điểm tắc mạch ối: rất khác nhau 12% số trường hợp xảy ra tắc mạch ối khi màng ối còn nguyên, 70% xảy ra trong chuyển dạ, 11% xảy ra sau đẻ qua đường âm đạo. 19% xảy ra trong mổ lấy thai khi đã có chuyển dạ hay khi chưa có chuyển dạ.

Những khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, cứ 20.000 đến 30.000 ca sinh nở thì có 1 ca bị thuyên tắc ối, tỉ lệ tử vong của mẹ từ 70 đến 90%. Nếu qua khỏi, hơn 85% bà mẹ bị chấn thương thần kinh do tình trạng thiếu oxy não. Riêng thai nhi, con số tử vong dao động từ 20 đến 60% và nếu may mắn sống sót, 50% trẻ bị những di chứng thần kinh nặng nề.

Hội sản phụ khoa Hoa Kỳ và Anh khuyến cáo 4 tiêu chuẩn chẩn đoán tắc mạch ối như sau (phải đồng thời có đủ cả 4 tiêu chuẩn): tụt huyết áp hay ngừng tim. Thiếu ô xy cấp tính. Bệnh lý đông máu hay chảy máu nặng mà không có các lý giải khác. Tất cả xảy ra trong chuyển dạ, mổ lấy thai hay trong vòng 30 phút sau đẻ mà không có các lý giải khác cho các dấu hiệu này.

Cận lâm sàng: xét nghiệm khí trong máu; công thức máu; đông máu. X quang phổi: thường không thấy dấu hiệu đặc hiệu, có thể có dấu hiệu phù phổi. Điện tâm đồ: có thể thấy nhịp tim nhanh, phần ST và sóng T thay đổi.

Chẩn đoán phân biệt: chẩn đoán phân biệt với rất nhiều hội chứng khác: tắc mạch do huyết khối, tắc mạch do khí, choáng nhiễm khuẩn, nhồi máu cơ tim cấp tính, choáng phản vệ do các nguyên nhân khác nhau, rau bong non hay phản ứng của gây tê vùng.

Chẩn đoán xác định: dựa vào kết quả mổ tử thi tìm thấy tế bào của thai và thành phần nước ối trong động mạch phổi mẹ.

Cũng theo các chuyên gia về sản phụ khoa, khi gặp những trường hợp tắc mạch ối phải nhanh chóng duy trì cung cấp oxy cho sản phụ (đặt nội khí quản, thở máy). Đặt hơn 2 đường truyền tĩnh mạch, nâng huyết áp bằng dung dịch cao phân tử.

Hồi sức tim nếu ngừng tim: Adrénaline tiêm tĩnh mạch 1 mg, hoặc qua đường nội khí quản 3 mg, hoặc Xylocaine 1 mg/kg tiêm tĩnh mạch chậm (trong 2 phút). Có thể tiêm nhắc lại sau mỗi 3 – 5 phút.

Tuy nhiên, liều tổng cộng của xylocaine không được quá 3 mg/kg. Làm các xét nghiệm cấp cứu: khí trong máu, công thức máu, đông máu. Truyền máu và các chế phẩm của máu nếu kết quả đông máu không tốt kèm chảy máu dữ dội: truyền máu toàn phần hay khối hồng cầu và huyết tương,…

Tuy vậy, đa số khi gặp những trường hợp này đều tử vong cả mẹ và con. Ngoài ra, hội chứng Sheehan: chảy máu nặng có thể dẫn tới hoại tử một phần hoặc toàn bộ thùy trước tuyến yên gây suy tuyến yên, biểu hiện bằng dấu hiệu vô kinh, rụng lông, rụng tóc, suy tuyến giáp, suy tuyến thượng thận, mất sữa.

Biến chứng khác như mất máu nhiều gây ảnh hưởng tới sức khỏe và tinh thần của sản phụ, có thể gây suy gan, suy thận, suy đa tạng, rối loạn đông máu và dễ nhiễm khuẩn hậu sản. Bên cạnh đó việc truyền máu điều trị chảy máu sau đẻ làm tăng các nguy cơ và biến chứng của truyền máu.

Ngọc An
Bình luận
vtcnews.vn