Lý do thực sự khiến Australia ‘bẻ kèo’ thương vụ tàu ngầm với Pháp?

Tư liệuThứ Hai, 27/09/2021 10:04:20 +07:00
(VTC News) -

Có rất nhiều giả thuyết được cho việc Australia quyết định dừng thỏa thuận đóng tàu ngầm với Pháp, quay sang ký kết với Mỹ và Anh, song đâu là lý do thực sự?

Giới chức và dư luận Pháp phản ứng gay gắt, liên tục sử dụng những cụm từ “phản bội”, “gian dối”, “cú đâm sau lưng”, “bội tín”… để chỉ trích Australia sau khi Australia bất ngờ hủy bỏ hợp đồng đóng 12 tàu ngầm với Pháp, quay sang ký kết hợp đồng đóng 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với Anh và Mỹ hôm 15/9.

Sự phẫn nộ của Pháp đã lên đến đỉnh điểm khi nước này đưa ra quyết định chưa từng có tiền lệ - Tổng thống Emmanuel Macron triệu hồi các đại sứ của Pháp ở Australia và Mỹ về nước. Quan chức Pháp cũng hủy loạt cuộc gặp với phía Mỹ, Anh và Australia.

Loạt lý do được đưa ra

Tuy nhiên, nếu nhìn sâu ra thì có thể thấy vấn đề không chỉ theo một chiều như Paris nói đến. Có hàng loạt lý do khiến cho dự án tàu ngầm này thất bại ngay từ đầu. Theo đó, chi phí bị đội giá 30 tỷ USD, nhiều lần trễ hẹn, và các cam kết không rõ ràng để đáp ứng các yêu cầu về nội địa hóa…

Lý do thực sự khiến Australia ‘bẻ kèo’ thương vụ tàu ngầm với Pháp? - 1

Mô hình tàu ngầm mà Australia ký kết với Pháp được cho là không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay. (Ẩnh: Hải quân Pháp)

Có những mâu thuẫn phát sinh giữa nhân viên Pháp và Australia làm việc tại Adelaide - nơi các tàu ngầm sẽ được thiết kế và chế tạo. Người Australia không khỏi bất ngờ trước việc người Pháp xin nghỉ phép hưởng nguyên lương cả tháng 8, trong khi người Pháp cũng hết sức ngạc nhiên trước việc người Australia khăng khăng yêu cầu họ phải đi họp đúng giờ.

Điều này khiến việc triển khai hợp đồng bị chậm trễ liên tục. Năm ngoái, Pháp yêu cầu gia hạn thêm 15 tháng bàn giao thiết kế tàu ngầm, khiến Chính phủ Australia gặp khó trong việc đưa ra lời giải thích chính đáng về việc chậm trễ cho công chúng. Trong khi đó, tỷ lệ thiết bị do Australia sản xuất trên tàu ngầm cũng phải bị giảm xuống để tránh tình trạng chậm trễ kéo dài.

Thủ tướng Australia Scott Morrison đã bác các tuyên bố rằng người Pháp bị sốc với việc Australia quyết định hủy thỏa thuận tàu ngầm năm 2016.

“Tôi nghĩ rằng, Pháp biết rõ chúng tôi có những quan ngại nghiêm trọng và sâu sắc. Năng lực tàu ngầm Pháp cung cấp không đáp ứng được các lợi ích chiến lược của chúng tôi”, Thủ tướng Scott Morrison cho hay.

Những phản ứng hiện nay của Pháp được xem như một đứa trẻ ăn vạ, tiến hành trả thù, tranh thủ sự ủng hộ của các nước láng giềng để hủy thỏa thuận thương mại tự do được lên kế hoạch từ trước giữa EU và Australia. Paris tuyên bố, Canberra không đáng tin cậy.

Ngoài ra, Trung Quốc được xem là nhân tố có vai trò quan trọng khiến Australia “bẻ kèo” thương vụ tàu ngầm với Pháp. Điều này được thể hiện rõ nét qua phản ứng của Trung Quốc trước việc Anh, Mỹ và Australia thông qua thỏa thuận an ninh - quốc phòng AUKUS.

Trên thực tế, Trung Quốc không muốn Australia sở hữu tàu ngầm hạt nhân, vốn có thể ẩn mình dưới nước gần như vô hạn. Các tàu ngầm mà Australia ký hợp đồng với Pháp không còn phù hợp với mục đích bảo vệ Australia trước sự bành trướng quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở châu Á – Thái Bình Dương.

Lý do thực sự khiến Australia ‘bẻ kèo’ thương vụ tàu ngầm với Pháp? - 2

Thủ tướng Australia Scott Morrison bảo vệ quyết định hủy hợp đồng đóng tàu ngầm với Pháp. (Ảnh: AP)

Câu chuyện từ lịch sử

Trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, 295.000 người Australia đã tình nguyện lên đường và chiến đấu ở Mặt trận phía Tây. Một phần năm trong số đó đã không bao giờ trở về nhà, trong đó có 53.000 người đã bỏ mạng trên đất Pháp và Bỉ, và 152.171 người đã bị thương.

Theo Đại học Flinders tại Adelaide, đến nay, chương trình sách giáo khoa lịch sử quốc gia của Pháp cũng không hề đề cập đến sự tham chiến của lính Australia trên đất Pháp trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất.

Trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, 40.500 người Australia đã hy sinh mạng sống của mình để bảo vệ Pháp và các đồng minh châu Âu chống lại cỗ máy chiến tranh của Đức Quốc xã. Thế nhưng, chưa binh sĩ nào của Pháp hy sinh để bảo vệ Australia.

Đến năm 1973, Australia và New Zealand - nước cũng đã mất 16.000 binh sĩ tại Pháp trong Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất, đã buộc phải tiến hành các thủ tục tố tụng tốn kém tại Tòa án Công lý quốc tế nhằm ngăn Pháp tiến hành các vụ thử hạt nhân ở Nam Thái Bình Dương. Nhưng, điều đó cũng không ngăn được Pháp tiến hành thêm các vụ thử hạt nhân ở Thái Bình Dương thêm 22 năm nữa.

Cũng trong năm 1973, việc Anh gia nhập thị trường chung châu Âu đã cướp đi thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của nông dân Australia vì thuế quan và hạn ngạch chống lại các nước không phải thành viên EU. Hàng tỷ USD bị tước đoạt khỏi tay nông dân Australia thông qua các khoản trợ cấp nông nghiệp của châu Âu phần lớn do Pháp thúc đẩy.

Theo đó, sản phẩm bơ, pho mát và thịt bò Australia đã biến mất khỏi các kệ hàng siêu thị của Anh, và được thay thế chủ yếu bằng các sản phẩm của Pháp.

"Tôi phải nói rằng, điều đó quá tàn khốc đối với rất nhiều nông dân Australia. Một số người đã phải tự sát, khi đối mặt với những gì đã xảy ra đối với nền nông nghiệp Australia vào những năm 1970”, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết vào tháng 6 sau khi Australia và Anh ký hiệp định thương mại tự do nhằm sửa chữa sai lầm lịch sử này.

Kông Anh(Nguồn: Nikkei Asia)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp