Lý do gì khiến Trung Quốc tổ chức duyệt binh lớn nhất nhân Quốc khánh?

Thế giớiThứ Tư, 02/10/2019 06:29:00 +07:00

Chuyên gia phân tích lý do Trung Quốc tổ chức cuộc duyệt binh lớn nhất lịch sử nhân 70 Quốc khánh nước này.

Ngày 1/10, Trung Quốc tổ chức buổi lễ kỷ niệm 70 năm Quốc khánh với quy mô lớn nhất trong lịch sử, trong đó bao gồm một cuộc duyệt binh hoành tráng kéo dài 80 phút với sự tham gia của 115.000 người, hơn 160 máy bay và 580 vũ khí, khí tài quân sự.

Trong một cuộc họp báo về công tác tổ chức lễ kỷ niệm Quốc khánh, Thiếu tướng Tan Min, Phó giám đốc điều hành Văn phòng chỉ huy chung Diễu binh quân đội, tuyên bố tất cả các vũ khí trong lễ diễu binh đều đang nằm trong biên chế của quân đội và do chính Trung Quốc sản xuất.

Điều đáng chú ý là thông thường, vào những năm trước đây, Quốc khánh Trung Quốc thường chỉ diễn ra bằng những bài phát biểu, cờ, pháo hoa, chứ chưa bao giờ có chuyện duyệt binh với quy mô lớn đến như thế.

Theo tờ Bloomberg, ngày 1/10 năm nay là ngày lễ kỷ niệm đặc biệt quan trọng với Trung Quốc nói chung và Chủ tịch Tập Cận Bình nói riêng, bởi đây là dấu mốc 70 năm cầm quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

1

Chủ tịch Tập Cận Bình kiểm tra đội hình lực lượng vũ trang trên quảng trường Thiên An Môn sáng 1/10. (Ảnh: Reuters). 

Bản thân Sách trắng, được Văn phòng Thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc ban hành trước thềm kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, cũng xác định rằng những thành tựu đất nước có được như ngày nay là nhờ vào sự lãnh đạo của đảng Cộng sản nước này.

Chuyên gia bình luận quốc tế Phạm Phú Phúc đưa ra 3 lý do cho việc tổ chức một lễ Quốc khánh “đặc biệt” vào năm 2019 của Trung Quốc.

Theo ông Phúc, hiện tại, Trung Quốc đang bị cô lập hơn lúc nào hết trên trường quốc tế. Do đó, Bắc Kinh hiểu rằng cần phải có một sự hội nhập, tái hòa đồng với thế giới, nhất là trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump và một số nước châu Âu đang muốn Trung Quốc ra khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới WTO.

Khi Trung Quốc gia nhập WTO năm 2001, đã có những hy vọng rằng WTO sẽ ngày càng mạnh lên và sân chơi của thế giới sẽ bình đẳng hơn, tốt hơn, mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia thành viên. Nhưng khi Trung Quốc góp mặt, họ lại chơi những trò bất công bằng.

Thứ hai, Trung Quốc tỏ ra mình chỉ “phòng thủ”. Trong cuộc diễu binh ngày 1/10 này, Trung Quốc sẽ tranh thủ phô trương những loại vũ khí không phải là vũ khí tấn công, mà là vũ khí phòng thủ.

Thông qua cuộc diễu binh, Bắc Kinh muốn tỏ ra với thế giới rằng nền quốc phòng của Trung Quốc là quốc phòng phòng thủ, chứ không phải quốc phòng tấn công, và rằng: “Tôi yêu hòa bình. Tôi không phải là người tấn công”.

Rõ ràng, với ý đồ tổ chức diễu binh như vậy, Trung Quốc càng cho thấy mình nói một đằng, làm một nẻo, chuyên đi bắt nạt và gây hấn với các nước láng giềng, đặc biệt là ở Biển Đông nhưng lại tỏ ra mình chỉ “phòng thủ”, là nạn nhân.

Cũng như trong Sách trắng mới được công bố trước thềm lễ Quốc khánh này, Bắc Kinh vỗ ngực khẳng định “chỉ mưu cầu hòa bình”, theo đuổi phương châm “thân thiện với láng giềng”, nhưng trong suốt 3 tháng qua, tàu thuyền Trung Quốc liên tục xâm phạm trái phép vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, khiến Việt Nam nhiều lần phải lên tiếng yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt ngay hành vi vi phạm nghiêm trọng này, rút toàn bộ tàu thuyền ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Hành động của Trung Quốc cũng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của Mỹ, Nhật Bản, châu Âu và nhiều nước khác.

Lý do thứ ba, theo chuyên gia Phạm Phú Phúc, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đang bị nhìn nhận là một người hiếu chiến với tham vọng “Giấc mộng Trung Hoa”. Thông qua một cuộc diễu binh quy mô lớn, ông Tập Cận Bình muốn nói với thế giới rằng mục tiêu đầu tiên của “Giấc mộng Trung Hoa” ấy là làm cho Trung Quốc mạnh lên, chứ không phải làm cho thế giới, cho các nước lân cận phải “khốn đốn”.

Buổi duyệt binh hoành tráng ngày 1/10 này sẽ là dịp để Bắc Kinh phô diễn sức mạnh, thể hiện những thành tựu mà Trung Quốc đã đạt được với “Giấc mộng Trung Hoa”.

Cùng chung nhận định trên, Thiếu tướng, GS. Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an, khẳng định buổi lễ kỷ niệm Quốc khánh năm nay được Trung Quốc tổ chức với quy mô lớn nhất chưa từng có. “Tất nhiên là có những nhu cầu từ trong và ngoài nước” - Thiếu tướng Cương nhấn mạnh.

Theo GS. Lê Văn Cương, việc tổ chức một buổi lễ diễu binh hoành tráng như vậy là nhằm củng cố lòng tin của 1 tỷ 450 triệu người Trung Quốc hiện đang còn lo lắng, phân tâm về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và nhiều vấn đề khác. Bắc Kinh làm vậy để củng cố lòng tin của người dân, quy tụ lòng tự hào dân tộc xung quanh Đảng Cộng sản Trung Quốc, mà hạt nhân là nhà lãnh đạo Tập Cận Bình.

Thứ hai, đây cũng là những thông điệp để tới cộng động quốc tế nói chung, Mỹ nói riêng. “Đối với Mỹ - vật cản lớn nhất của Trung Quốc, Trung Quốc muốn nói rằng: cho dù khó khăn về kinh tế liên quan đến cuộc chiến thương mại, nhưng con đường Trung Quốc đi lên thì không ai có thể cản được cả. Đồng thời, thông điệp cũng được gửi tới các quốc gia khác trên thế giới: hãy tin tưởng Trung Quốc; Trung Quốc không có khó khăn gì cả; Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển và hợp tác cùng có lợi cho tất cả mọi người” - Thiếu tướng Lê Văn Cương nhận định.

Bên cạnh đó, việc tổ chức hoành tráng cột mốc 70 năm lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng là để củng cố vai trò của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình. “2 năm nay, kể từ sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XIX, uy tín của ông Tập Cận Bình đang bị giảm sút nghiêm trọng do bị va chạm với nhiều vấn đề.

Lý do thứ ba Trung Quốc muốn tổ chức buổi lễ Quốc khánh hoành tráng như vậy là để củng cố lòng tin của người dân Trung Quốc, củng cố vai trò, vị thế của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình ở trong nước, cũng như trong nội bộ Đảng” - GS. Lê Văn Cương nhận định.

Văn Đức
Bình luận
vtcnews.vn