Tư liệu

Lưỡng đảng Mỹ đối xử thế nào với Ukraine hậu bầu cử?

Thứ Ba, 15/11/2022 09:30:00 +07:00

(VTC News) - Cách hành xử của Quốc hội Mỹ đối với Kiev thời gian tới sẽ nhận được sự quan tâm đặc biệt không chỉ của cử tri Mỹ mà còn cả Ukraine và Nga.

Xung đột Nga - Ukraine trải qua gần 9 tháng, khoản viện trợ về quân sự và kinh tế của Mỹ được cho là nguồn lực quan trọng, giúp Ukraine cầm cự, đối đầu với Nga trên chiến trường. Tuy nhiên, đó là câu chuyện của nước Mỹ trong 2 năm qua dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden, khi đảng Dân chủ kiểm soát lưỡng viện (Hạ viện và Thượng viện). 
Giờ đây, khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ diễn ra, với việc nhiều khả năng đảng Dân chủ khó kiểm soát được hai viện như 2 năm qua, câu hỏi lúc này là Nhà Trắng sẽ hành xử thế nào trong việc thực thi chính sách viện trợ cho Ukraine. Vấn đề này nhận được sự quan tâm không chỉ của cử tri Mỹ, mà còn cả Moskva và Kiev, bởi điều đó sẽ tác động, ảnh hưởng mang tính quyết định đến cục diện xung đột Nga - Ukraine.

Mỹ tiếp tục hào phóng với Ukraine?

Xung đột bùng phát tại Ukraine, Tổng thống Joe Biden thuận lợi trong thực thi chính sách hỗ trợ cho Kiev khi đảng Dân chủ kiểm soát lưỡng viện. Phe Cộng hòa cũng có sự đồng thuận hiếm hoi với họ trong vấn đề này. Đến nay, Mỹ là bên viện trợ nhiều nhất cho Ukraine cả về kinh tế, quân sự và ngoại giao.

Thế nhưng, các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy, sự ủng hộ của người Mỹ đối với Ukraine đang suy yếu dần, đặc biệt là cử tri Cộng hòa. Theo khảo sát của trung tâm nghiên cứu Pew hồi tháng 9, tỉ lệ lớn cử tri đảng Cộng hòa cho rằng Mỹ đang viện trợ quá nhiều cho Ukraine.

Thành viên đảng Cộng hòa liên tục đưa ra những tuyên bố làm dấy lên mối lo nguồn viện trợ tài chính và quân sự cho Ukraine có nguy cơ bị cắt giảm trong thời gian tới, nhất là nếu đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát một trong hai viện Quốc hội Mỹ.  

Nghị sĩ Cộng hòa Kevin McCarthy, lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện, từng nhấn mạnh, nếu đảng này chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, họ sẽ không tiếp tục "viết ngân phiếu vô tội vạ" cho Ukraine.

Một khi Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát, hạ nghị sĩ McCarthy được cho sẽ trở thành Chủ tịch Hạ viện. Vị trí này đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định dự luật nào sẽ được đưa ra bỏ phiếu. Nếu không nhận được sự chấp thuận của Hạ viện, những đề xuất về chính sách của Nhà Trắng, trong đó có viện trợ cho Ukraine, khó tiếp diễn.

Trong khi đó, ứng viên đảng Cộng hòa tranh cử tại bang Georgia Marjorie Taylor Greene từng đưa ra cảnh báo đanh thép: “Nếu đảng Cộng hòa giành thắng lợi, không một xu nào được gửi đến Ukraine”. 

Nội bộ đảng Cộng hòa cũng có sự chia rẽ trong vấn đề viện trợ cho Ukraine, thể hiện qua quan điểm khác biệt giữa lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện - Mitch McConnell - và lãnh đạo thiểu số tại Hạ viện - Kevin McCarthy. Ông Mitch McConnell từng đến thăm Kiev hồi tháng 5.

Cùng đó, nhiều thành viên có ảnh hưởng trong đảng Cộng hòa như Thượng nghị sĩ Lindsey Graham tiếp tục bày tỏ sự ủng hộ Ukraine. Tuy nhiên, 57 thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện phản đối gói viện trợ 40 tỷ USD Mỹ dành cho Ukraine tại cuộc bỏ phiếu hồi tháng 5. 

Không chỉ đảng Cộng hòa đe doạ cắt giảm nguồn tài trợ đối với Ukraine, sự ủng hộ ngay trong chính nội bộ đảng Dân chủ cũng cho thấy dấu hiệu lung lay. Một số người cho rằng các biện pháp trừng phạt do Mỹ dẫn đầu nhằm vào Nga và sự ủng hộ của Washington dành cho Kiev là một trong những nguyên nhân gây tổn hại đến kinh tế Mỹ.

Hôm 24/10, 30 thành viên của nhóm cấp tiến tại Hạ viện Mỹ đã gửi thư cho Tổng thống Joe Biden, hối thúc người đứng đầu Nhà Trắng tiến hành các cuộc đàm phán trực tiếp với Nga để chấm dứt xung đột tại Ukraine.

Một cuộc thăm dò khác của Trung tâm nghiên cứu Pew từ tháng 10 cho thấy, kinh tế là mối quan tâm hàng đầu đối với các cử tri Mỹ trước cuộc bầu cử giữa kỳ. Nếu xung đột Nga - Ukraine kéo dài sang năm 2023, sự ủng hộ của dân chúng và các đảng phái chính trị ở Mỹ dành cho Ukraine có thể sẽ sụt giảm mạnh hơn. Washington sẽ khó lòng cung cấp cho Ukraine nhiều gói viện trợ lớn cho đến khi tình hình kinh tế trong nước được cải thiện.

Xung đột Ukraine đã gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với nền kinh tế Mỹ, khiến giá năng lượng tăng vọt, lạm phát liên tục lập các cột mốc kỷ lục và khiến nhiều cử tri Mỹ bị tổn thương. Khi nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, phe Cộng hòa được cho sẽ viện dẫn đây là lý do cản trở những nỗ lực của Tổng thống Joe Biden và đảng Dân chủ trong việc viện trợ Ukraine.

Theo ông Andrew Bennett, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Georgetown, Washington, một số thành viên đảng Dân chủ đã lên tiếng chỉ trích về quy mô viện trợ của Mỹ cho Ukraine, cho rằng đảng Cộng hòa sẽ sử dụng vấn đề viện trợ cho Kiev để "mặc cả" với chính quyền Biden.

“Nếu đảng Cộng hòa giành được đa số tại một trong hai viện, họ có thể bắt đầu hạn chế viện trợ cho Ukraine hoặc sử dụng khoản viện trợ như con bài thương lượng với chính quyền Biden cho những mục tiêu trong nước”, ông Andrew Bennetcho hay.

Một khi Mỹ cắt giảm sự hỗ trợ dành cho Ukraine, điều này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến khả năng phòng thủ của Kiev trong năm 2023. Bất chấp lời kêu gọi mạnh mẽ của Mỹ, song trên thực tế chỉ có một số ít đồng minh, đối tác thân cận của Washington từ châu Âu, cũng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Canada và New Zealand tham gia trừng phạt Nga và viện trợ cho Ukraine.

Sau khi bầu cử giữa nhiệm kỳ kết thúc, Quốc hội mới được bầu của Mỹ sẽ chưa nhậm chức cho đến tháng 1/2023. Chính quyền Tổng thống Joe Biden có thể tận dụng khoảng thời gian này để lôi kéo, tranh thủ sự ủng hộ đối với Kiev. Các nhà lập pháp Mỹ đã bắt đầu thảo luận về gói viện trợ 50 tỷ USD cho Ukraine, dự kiến ​​hoàn tất vào đầu năm sau.

Cử tri và chính quyền Mỹ đều nhận thấy có nhiều lý do phải tiếp tục ủng hộ Ukraine bởi điều này không chỉ liên quan lợi ích của Mỹ, mà còn là uy tín của nước này trên trường quốc tế. Do đó, chính sách đối với Ukraine của chính quyền Biden có thể tiếp tục được duy trì ít nhất là trong ngắn hạn.

Scott Anderson, cựu quan chức ngoại giao Mỹ, nghiên cứu viên tại Viện Brookings, nói rằng, việc phản đối các gói viện trợ lớn cho Ukraine có thể diễn ra tại Hạ viện nếu đảng Cộng hòa kiểm soát, song điều đó khó có thể xảy ra trong “một sớm một chiều”.

Việc thay đổi chính sách viện trợ của Washington đối với Kiev có lẽ sẽ phụ thuộc vào mức độ đối phó lạm phát, cuộc “so găng” trên thực địa giữa Nga và Ukraine hơn là việc đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ kiểm soát bao nhiêu quyền lực tại Quốc hội Mỹ.

Lưỡng đảng Mỹ đối xử thế nào với Ukraine hậu bầu cử? - 1

Một người Mỹ trong cuộc tuần hành ủng hộ Ukraine tại thành phố Warren, bang Ohio ngày 24/2/2022. (Ảnh: Detroit Free Press)

Mỹ đã chi 52 tỷ USD cho Ukraine

Mỹ đang là quốc gia viện trợ nhiều nhất cho Ukraine từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại quốc gia láng giềng. Trên thực tế, nếu không có vũ khí của Washington cung cấp, Kiev khó có thể cầm cự được đến thời điểm này, còn việc tổ chức phản đòn mạnh mẽ như hiện nay có lẽ là điều khó xảy ra.

Theo ước tính của Viện Kinh tế thế giới Kiel, đến ngày 11/10, Mỹ viện trợ cho Ukraine là 52 tỷ USD, trong đó bao gồm hơn 27 tỷ USD hỗ trợ quân sự và gần 25 tỷ USD hỗ trợ kinh tế và nhân đạo. Hồi đầu tháng 9, Nhà Trắng đề nghị quốc hội phân bổ thêm 11,7 tỷ USD để hỗ trợ quân sự cho Ukraine vào đầu năm 2023.

Tuy nhiên, viện trợ của Mỹ đối với Ukraine cũng có những điểm giới hạn. Bởi Washington hiểu rằng, nếu vượt quá ranh giới sẽ vấp phải phản ứng “không thể lường trước” từ Moskva. Do đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng cân nhắc về chủng loại, số lượng… các loại vũ khí có thể cấp cho Kiev.

Tổng thống Mỹ Joe Biden mới đây cho biết, Washington từ chối cung cấp cho Ukraine các loại đạn tên lửa tấn công tầm xa dành cho hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS), bởi những vũ khí như vậy có khả năng tấn công vào lãnh thổ Nga.

Ông Biden nhấn mạnh: "Có rất nhiều điều Ukraine muốn mà chúng tôi không làm. HIMARS có hai loại đạn tên lửa, một loại có tầm bắn khoảng 965 km và một loại 275 km. Chúng tôi không cung cấp cho Ukraine tên lửa có tầm bắn 965 km vì loại này có thể tấn công vào lãnh thổ của Nga".

Trong nhiều tháng qua, Ukraine kêu gọi Mỹ hỗ trợ UAV Gray Eagle MQ-1C (còn gọi là đại bàng xám), loại vũ khí tiên tiến có năng lực tấn công và gây sát thương mạnh. UAV này có thể bay với vận tốc tối đa lên tới 309 km/h. Trần bay của UAV đạt hơn 8.839 m. MQ-1C được lắp radar An/Zpy-1 Starlite có khả năng phát hiện mục tiêu di động như người đi bộ trên mặt đất ở khoảng cách 8 km.

Tuy nhiên, Washington từ chối yêu cầu do lo ngại việc cung cấp UAV cho Kiev. Lý do Washington đưa ra là việc cung cấp vũ khí trên có thể khiến xung đột thêm leo thang. Hơn nữa, giới chức Mỹ cũng lo ngại, công nghệ vũ khí UAV có thể bị đánh cắp trên chiến trường. Hệ thống camera gắn trên các UAV có thể bị đánh cắp nếu các UAV này bị bắn hạ.

Lưỡng đảng Mỹ đối xử thế nào với Ukraine hậu bầu cử? - 2

Mỹ có còn tiếp tục "chi khủng" cho Ukraine hậu bầu cử là vấn đề được cho là ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Vì sao Mỹ liên tục "bơm" khí tài cho Ukraine?

Giới quan sát nhận định Washington có nhiều lý do để liên tục "bơm" vũ khí cho Kiev. Một trong những lý do được đưa ra để lý giải cho việc Mỹ liên tục chuyển giao khí tài cho Ukraine là Washington muốn duy trì sức chiến đấu cho Kiev.

Trên tờ Task & Purpose, chuyên gia Lindsey Neas cho rằng, Mỹ không ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine vì không muốn Kiev thất bại do thất thế về hỏa lực trên chiến trường trước lực lượng Nga. 

"Việc Mỹ hỗ trợ lượng lớn trang thiết bị quân sự sẽ giúp Ukraine bổ sung khí tài hao hụt và duy trì năng lực chiến đấu", Lindsey Neas nói và cho rằng nếu thua trận vì thất thế về hỏa lực, Ukraine sẽ phải đồng ý nhượng bộ lãnh thổ cho Nga. Ông cũng nhận định Washington và Kiev khó mà chấp nhận.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng muốn tránh bị nghi ngờ là quay lưng với Ukraine và mất uy tín với các đồng minh, nhất là trong bối cảnh Washington từng nhiều lần bị cáo buộc bỏ rơi đối tác như dân quân người Kurd tại Trung Đông và chính phủ Afghanistan trước đà tiến của Taliban.

Theo tờ The Hill, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang trang bị cho Ukraine những vũ khí có thể gây tổn thất nặng nề cho lực lượng Nga. Giờ đây, Washington không còn tỏ ra dè dặt, hay lo lắng về phản ứng của Moskva khi cung cấp khí tài cho Kiev.

Vào thời điểm phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố bất kỳ quốc gia phương Tây nào cung cấp vũ khí cho Ukraine, bao gồm cả máy bay và hệ thống phòng thủ tên lửa, đều có thể bị xem là đã tham chiến.

Thậm chí, giới chức Nga từng cảnh báo họ sẽ coi những đoàn xe vũ khí của phương Tây là mục tiêu quân sự hợp pháp, nhất là khi những đoàn xe đó đến lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, đến nay, chưa có đoàn xe nào bị bắn trúng, dù quân đội Nga từng tuyên bố tấn công các cơ sở quân sự của Ukraine chứa những thiết bị quân sự phương Tây.

Điều này khiến Mỹ mạnh tay “bơm” vũ khí cho Ukraine. Washington công khai danh mục gói viện trợ quân sự trị giá hàng tỷ USD dành cho Kiev, trong đó gồm máy bay không người lái mới, tên lửa bắn xa và mạnh hơn, hệ thống pháo phản lực uy lực hơn.

Sự ủng hộ của Mỹ rõ ràng khác xa với những ngày đầu khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bùng phát. Thời điểm đó, Chính phủ Mỹ cho thấy sự do dự, không liệt kê chi tiết những gì nước này gửi cho Ukraine. Washington muốn giữ bí mật vũ khí, cũng như tránh khiến Moskva phản ứng.

Chính Đại sứ Mỹ tại Ukraine William Taylor từng cho biết: "Theo thời gian, chính quyền Tổng thống Biden nhận ra rằng họ có thể cung cấp vũ khí hạng nặng hơn, có tầm xa, khả năng và lớn hơn cho người Ukraine và người Nga đã không phản ứng".

Theo Đại sứ William Taylor, trong những ngày đầu chiến sự, chính quyền Tổng thống Biden lo ngại việc cung cấp vũ khí cho Ukraine có thể khiêu khích Nga, song nỗi sợ về việc kích động người Nga đã giảm dần theo thời gian.

Trong khi đó, đề cập lý do Mỹ muốn kéo dài xung đột Ukraine, Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cho rằng, Washington đang tìm cách kéo dài xung đột ở Ukraine vì những lợi ích kinh tế. Ông nói, Mỹ mong muốn tiếp tục thu lợi từ việc bán hàng loạt thiết bị quân sự và xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ xung đột Nga - Ukraine hiện nay.

"Nhà Trắng có trách nhiệm trong việc kéo dài cuộc xung đột hiện nay. Mỹ vẫn kiên trì thực hiện chiến thuật chiến tranh tiêu hao, bằng cách làm kiệt quệ các quốc gia, từ Ukraine, Nga đến châu Âu”, ông Antonov nói.

X
Lưỡng đảng Mỹ đối xử thế nào với Ukraine hậu bầu cử? - 3

Mỹ chuyển giao vũ khí hỗ trợ Ukraine.

X
Lưỡng đảng Mỹ đối xử thế nào với Ukraine hậu bầu cử? - 4

Binh lính Ukraine triển khai vũ khí trên chiến trường.

X
Lưỡng đảng Mỹ đối xử thế nào với Ukraine hậu bầu cử? - 5

Hệ thống pháo phản lực cơ động cao HIMARS.

X
Lưỡng đảng Mỹ đối xử thế nào với Ukraine hậu bầu cử? - 6

Pháo tự hành Caesar.

X
Lưỡng đảng Mỹ đối xử thế nào với Ukraine hậu bầu cử? - 7

Hệ thống phòng không NASAMS.

Kông Anh
Bình luận
vtcnews.vn