Lương 'chết đói', giáo viên ở Mỹ phải bán máu để sống

Giáo dụcThứ Ba, 12/03/2019 15:41:00 +07:00

Cô giáo lịch sử Mỹ Hope Brown ở tuổi 52 chia sẻ cô phải bán máu để có thể trang trải cuộc sống vì lương không đủ.

Cô giáo Hope Brown có thể kiếm được 60 USD từ việc bán máu hai lần một tuần. Cô giáo 52 tuổi cũng có thể kiếm thêm ít tiền từ việc rao bán quần áo, các đồ dùng cũ tại một cửa hàng ký gửi. Số tiền này đủ để cô trang trải hóa đơn tiền điện, thanh toán các chi phí liên quan đến xe hơi.

Một phóng sự của tạp chí Time cho biết đã từ lâu nay, tính toán đau đầu về tiền bạc trở thành công việc thường ngày của cô Hope Brown. Hơn 20 năm trước, cô không bao giờ nghĩ sẽ phải đối diện khi ra trường với tấm bằng thạc sĩ và sớm trở thành giáo viên lịch sử một trường trung học.

“16 năm kinh nghiệm, có bằng thạc sĩ nhưng phải làm thêm và bán máu

Cô Hope Brown hiện làm việc tại trường Woodford County ở Versailles. Mỗi ngày, cô phải làm từ 5h sáng đến 16h tại trường. Ở nơi này, cô xuất hiện trong bộ trang phục chỉn chu và nói về lịch sử nước Mỹ. Kết thúc ngày dạy, cô Hope Brown thay trang phục, chọn cho mình chiếc áo phông vàng đơn giản và đứng làm việc cùng các công nhân khác ở Rupp Arena, tại Lexington. Những công việc này mang lại nguồn thu nhập 55.000 USD hàng năm cho nữ giáo viên.

“Tôi yêu nghề giáo viên, tôi mong được đứng lớp”, cô giáo 52 tuổi nói.

“Tôi có 16 năm trong nghề, sở hữu bằng thạc sĩ nhưng nghề này không thể giúp tôi đủ trang trải cuộc sống”, cô nói.

nghe-giao-vien-o-my-luong-chet-doi-va-phai-ban-mau-de-song-1

 Kết thúc ngày dạy, cô Hope Brown thay trang phục, chọn cho mình chiếc áo phông vàng đơn giản và đứng làm việc cùng các công nhân khác.

Cô giáo NaShonda Cooke của một trường trung học ở Raleigh, North Carolina cũng không khác hoàn cảnh với Hope Brown: “Tôi có 20 năm kinh nghiệm giảng dạy. Nhưng tôi thậm chí còn không đủ tiền sửa xe, không có tiền gặp bác sĩ hay tiết kiệm tiền cho các con”.

Giáo viên ở Mỹ không đủ sống, nhận lương bèo bọt đã thành điều ám ảnh với ngành giáo dục quốc gia này. Các giáo viên đã kêu ca rất nhiều về điều này. Giáo viên ở Mỹ đã tổ chức các cuộc đi bộ diễu hành trên khắp các tiểu bang. Từ Arizona đến Oklahoma, các bang màu xanh, màu đỏ và tím đều diễn ra tình trạng biểu tình tương tự. Giáo viên yêu cầu tăng lương.

Câu hỏi được đặt ra là vai trò của giáo viên và tương lai giáo dục công.

nghe-giao-vien-o-my-luong-chet-doi-va-phai-ban-mau-de-song-3 3

Giáo viên ở Mỹ không đủ sống, nhận lương bèo bọt đã thành điều ám ảnh với ngành giáo dục quốc gia này. 

Bất công cho giáo viên ngành giáo dục công

Time cho biết khoảng cách về lương giữa giáo viên và các chuyên gia khác ngành có trình độ tương đương ngày càng lớn ở Mỹ. Năm 1994, giáo viên tại các trường công có lương thấp hơn 1,8% mỗi tuần. Theo Viện Chính sách Kinh tế, con số này chênh lệch đến 18,7% vào năm 2018.

Khoảng cách chênh lệch này càng lớn ở các bang như Oklhahoma. Giáo viên ở bang này giảm khoảng 8.000 USD tiền lương hàng năm. Mức lương trung bình của các giáo viên hiện là 45.000 USD. Còn bang Arizona, lương giáo viên giảm khoảng 5.000 USD.

nghe-giao-vien-o-my-luong-chet-doi-va-phai-ban-mau-de-song 4

 Time cho biết khoảng cách về lương giữa giáo viên và các chuyên gia khác ngành có trình độ tương đương ngày càng lớn ở Mỹ.

Ở cả nước, mức lương trung bình ước tính khoảng 59.000 USD mỗi năm. Tất nhiên, số tiền này chênh lệch khác nhau ở các địa phương. Con số này thấp hơn 38.000 USD so với các lao động có bằng đại học ở ngành nghề khác. 59.000 USD một năm không đủ giúp trang trải các chi phí với giá trên trời ở Mỹ.

Các nguồn tài trợ giáo dục giảm sút là nguyên nhân dẫn đến việc lương giáo viên công lập ngày càng thấp. Sự tranh cãi về việc ngân sách có nên tài trợ kéo dài cho hệ thống trường công lập là một vấn đề trong các cuộc họp của cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ. Việc mở rộng hệ thống trường bán công, dân lập càng khiến các nhà làm luật thắt chặt quỹ lương với hệ thống công lập.

Năm 2018, các nhà lập pháp ở Colorado đã bỏ phiếu tăng tuổi nghỉ hưu của giáo viên, đồng thời cắt giảm lương.

May mắn cho các giáo viên, công chúng đang đứng về phía họ. Cuộc bỏ phiếu gần đây cho thấy 60% số người được hỏi trong cuộc khảo sát của một tổ chức có tên Ipsos tin rằng giáo viên đang bị đối xử tệ hại, nhận mức lương không xứng đáng. Nhiều người của thuộc cả phe Dân chủ và Cộng hòa cho rằng giáo viên có quyền đình công.

“Khi công chúng đứng về phía giáo viên, tôi hiểu họ đang đứng ở lập trường những đứa trẻ”, cô giáo Hope Brown nói.

“Cuộc chiến chống lại sự bất công cần phải diễn ra ngay bây giờ hoặc không bao giờ. Nếu cắt giảm ngân sách lương và đẩy mạnh tư nhân hóa ngành giáo dục, nghề giáo sẽ không còn là sự lựa chọn của những người có học thức và yêu nghề”, cô Brown nói thêm.

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn