Lương 3,9 triệu đồng/tháng, tiến sĩ y học về nước 6 tháng phải bỏ việc để ra nước ngoài

Giáo dụcThứ Tư, 11/12/2019 11:42:00 +07:00

Nhiều nhà khoa học chia sẻ lý do họ chưa muốn về Việt Nam làm việc vì mức lương quá thấp, chế độ đãi ngộ không cao, khó lòng chuyên tâm nghiên cứu.

Tiến sĩ lương 3,9 triệu đồng/tháng

Tiến sĩ, bác sỹ Trương An Định đang làm việc và nghiên cứu tại Đại học British Columbia (Canada) nhớ lại, cách đây 11 năm, khi vừa tốt nghiệp bậc học tiến sĩ y đa khoa, chuyên về tim mạch, bác sĩ Định từng có ý định về Việt Nam giảng dạy và tiếp tục nghiên cứu thêm chuyên môn của mình.

Có 3 lý do thuyết phục một du học sinh trẻ quay về nước làm việc: Nơi đó có gia đình họ; những kỹ thuật tiên tiến trong y khoa của Việt Nam chưa nhiều; hứa hẹn sẽ là nơi nghiên cứu rất tốt cho những mô hình, tiểu phẫu trên cơ thể người.

FB_IMG_1575956761360

Tiến sĩ, bác sĩ Trương An Định, đại học British Columbia (Canada).

Do đó, tiến sĩ, bác sĩ Định quyết định nộp đơn xin làm việc vào một trường Y nổi tiếng miền Bắc. Dĩ nhiên nhà trường lập tức đồng ý và ký hợp đồng với anh. Mức lương khởi điểm 3,9 triệu đồng/tháng .

Sau khoảng 6 tháng cống hiến, làm việc và nghiên cứu, tiến sĩ Định nhận thấy mức lương quá thấp so với chi tiêu hàng ngày. Và câu chuyện cơm áo gạo tiền là vấn đề lớn với anh.

Ngoài mức lương theo hợp đồng, anh nhận được 500 ngàn đồng tiền phụ cấp và khoảng hơn 1 triệu đồng tiền giảng dạy hướng dẫn sinh viên. Tiến sĩ Định cho biết, lương thực nhận về 5,4 triệu đồng/tháng (thời điểm năm 2008).

Thời điểm đó nếu ở Canada, một tiến sĩ, bác sĩ vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu trung bình một tháng từ 1.500- 2.000 CAD, tương đương khoảng 28 triệu đồng tiền Việt Nam.

“Sau một năm kết thúc hợp đồng ở Việt Nam, nhà trường đề nghị ký thêm 3 năm với mức lương tăng thêm hơn 100 ngàn đồng/tháng. Dù rất muốn cống hiến trí tuệ và sức trẻ cho quê hương, nhưng vấn đề tài chính của gia đình khiến tôi áp lực. Vì thế tôi buộc lòng quay trở lại Canada để làm việc và nghiên cứu”, tiến sĩ Định chia sẻ.

Lương PGS thua phụ cấp học sinh cấp 2

PGS. TS Lê Hoàng Phương, giảng viên khối ngành kỹ thuật cơ khí, từng tốt nghiệp cử nhân và bảo vệ luận án tại Đại học Bách khoa Tomsk (Nga) tâm sự, năm 2011 sau khi hoàn thành chương trình học và về nước, mức lương đãi ngộ cho tân tiến sĩ là 4,2 triệu đồng/tháng, đúng theo quy định ngạch viên chức ở các trường đại học.

Tiến sĩ Phương cho biết bản thân thấy rất hụt hẫng vì không nghĩ rằng lương giảng viên có trình độ tiến sỹ lại thấp đến như vậy. Nếu chỉ làm công tác nghiên cứu đơn thuần thì không đủ trang trải cho bản thân, chưa nói gì đến gia đình. Vì thế, anh phải vừa nghiên cứu vừa dạy học (lương dạy được tính 25 ngàn đồng/1 tiết dạy). "Mỗi tháng cũng tích cóp thêm được khoảng 1-2 triệu đồng”, anh Phương nói.

p1 3

Nhiều nhà nghiên cứu khoa học chia sẻ lý do họ chưa muốn về Việt Nam làm việc vì mức lương quá thấp, chế độ đãi ngộ không cao, khó lòng chuyên tâm nghiên cứu. (Ảnh minh họa)

Khi anh kể về công việc của mình với những người bạn học ở Nga, mọi người đều thốt lên khi lương quá thấp, không bằng phụ cấp của học sinh trung học. Một số bang ở Nga, ngoài tiền lương, các giảng viên sẽ được phụ cấp thêm nhà ở, phương tiện đi lại, bảo hiểm y tế. Thậm chí có những địa phương, miễn toàn bộ học phí, chi phí khám sức khỏe và phí vui chơi ngoại khóa cho con của các nhà nghiên cứu.

Biết rằng, sự so sánh ấy là khập khiễng vì nền kinh tế và tốc độ phát triển mỗi nước khác nhau. Nhưng điều PGS Phương muốn nói đến ở đây là chế độ đãi ngộ của các trường đại học, viện nghiên cứu còn quá thấp. Trả lương 5 triệu nhưng muốn các nhà khoa học phát minh ra những mô hình trị giá 5 tỷ đồng. 

Cùng nỗi niềm với PGS Phương, TS Trần Minh Hải, giảng viên Đại học Bách khoa Tomsk (Nga) cho biết, bản thân rất thích về sống và làm việc ở Việt Nam. Bởi đất nước đang phát triển nên có rất nhiều vấn đề mới đáng được nghiên cứu, đó là lý do vì sao Việt Nam ngày càng thu hút được nhiều các nhà khoa học đến làm việc.

Tuy nhiên, hầu hết các nhà khoa học đều không chọn các trường đại học công lập, viện nghiên cứu để làm việc. Họ thường làm việc độc lập hoặc trong các tổ chức phi chính phủ, đảm bảo về mặt tài chính, đời sống và hỗ trợ tối đa cho nghiên cứu.

FB_IMG_1575956720278

TS Trần Minh Hải, giảng viên Đại học Bách khoa Tomsk (Nga).

TS Hải bộc bạch: "Cũng như các nhà khoa học nước ngoài, tôi chọn Việt Nam để làm một vài dự án trong nghiên cứu của mình, thay vì nơi làm việc lâu dài.

Có thể nhiều người thấy chúng tôi ích kỷ chỉ nghĩ đến lợi ích của cá nhân, nhưng chúng tôi hiểu được rằng gánh nặng về kinh tế nếu làm nghiên cứu khoa học ở Việt Nam lớn hơn ở nước ngoài rất nhiều lần".

Dù vậy, tiến sĩ Hải hy vọng đất nước sẽ có chế độ đãi ngộ hơn nữa cho các nhà khoa học, để anh có thể quay về quê hương cống hiến.

Minh Khôi
Bình luận
vtcnews.vn