Lươn nuôi bằng thuốc tránh thai: Giải độc thế nào?

Sức khỏeThứ Hai, 12/10/2015 10:05:00 +07:00

Lươn ‘dùng’ thuốc tránh thai, thuốc kháng sinh ảnh hưởng đến sức khỏe người ăn, vậy nhận biết lươn sạch và giải độc thịt lươn thế nào?

 Lươn ‘dùng’ thuốc tránh thai, thuốc kháng sinh ảnh hưởng đến sức khỏe người ăn, vậy nhận biết lươn sạch và giải độc thịt lươn thế nào?

Lươn giàu canxi, vốn là món cháo khoái khẩu mà các bà mẹ thường xuyên cho bé ăn. Tuy nhiên, thông tin lươn dùng thuốc tránh thai lại đang khiến các mẹ vô cùng lo lắng.

Lươn dùng thuốc tránh thai có thể dùng nhiệt độ cao để giải độc.
Thịt lươn dùng thuốc tránh thai có thể dùng nhiệt độ cao để giải độc. 
Từ trước đến nay, người nuôi lươn của Trung Quốc xem thuốc tránh thai như một "thực phẩm" bố sung hooc-mon cho loài động vật dưới nước này.

Tại Việt Nam, theo Thông tư 15/2009/TTBNN ngày 17.3.2009 của Bộ NNPTNT thì trong quá trình nuôi lươn không được sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh nhưng thực tế này vẫn xảy ra tại Nghệ An. Người nuôi cho lươn dùng thuốc tránh thai và kháng sinh để nhanh lớn và chống lại bệnh tật.

Thực tế, chưa có một nghiên cứu lâm sàng nào cho hay, phụ nữ dùng thuốc tránh thai có ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, nhiều chị em phụ nữ vẫn "cạch" loại thuốc này vì cho rằng thuốc tránh thai thường mang lại tác dụng phụ không mong muốn như rong huyết (trong 1-2 chu kỳ kinh đầu), buồn nôn, nhức đầu, trầm cảm, thay đổi mức độ ham muốn và đáp ứng tình dục, viêm âm đạo, thay đổi về lượng kinh, đau ngực, có vấn đề ở da, viêm lợi…

Một số loại thuốc tránh thai đặc biệt hay còn gọi là khẩn cấp sử dụng quá 4 viên trong cùng chu kỳ và không nên lạm dụng vì có thể dẫn tới vô sinh nếu dùng quá nhiều.

Hiện nay, chưa có một chỉ số về việc bao nhiêu gram thực phẩm có tồn dư lượng hooc-mon từ thuốc tránh thai ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng, và ảnh hưởng như thế nào, nên về mặt chuyên môn, chỉ có thể khẳng định một phần ảnh hưởng đến sinh lý nội tiết tố của người tiêu dùng.

Một chuyên gia cho biết cũng chưa có báo cáo nào nói đến sự liên quan giữa uống thuốc tránh thai và con bị dị tật. Tuy nhiên, thuốc tránh thai với mục đích là tránh thai mà được đem sử dụng tẩm béo cho lươn, người dùng ăn phải có thể sẽ rối loạn hooc-mon oestrogen.

Để chọn được các loại lươn đảm bảo an toàn, người dân nên lựa chọn lươn nhỏ, không nên tham lươn to, béo.
Những con lươn đồng và lươn nuôi có sự khác biệt rất lớn. Những con lươn đồng có màu da vàng óng nhưng lươn trong bể có màu đen trắng.

Lượng bùn trong bể ít, lại bị nhiễm nhiều chất độc, trong đó có lượng thức ăn thừa làm cho lươn bị biến đổi màu da.

Thạc sỹ Nguyễn Thức Tuấn, giảng viên khoa Nông Lâm Ngư, ĐH Vinh (hiện đang nghiên cứu sinh tại Ba Lan) cho biết: Lươn là một loài động vật đặc biệt, có sự biến đổi giới tính trong vòng đời, lúc nhỏ là con cái, khi lớn lên chuyển thành lươn đực (thường là sau khi sinh sản).

Nuôi lươn đực thường có năng suất cao hơn lươn cái vì chúng không phải chia sẻ năng lượng cho việc thành thục và không bị gián đoạn tăng trưởng do sinh sản.

 
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng một số hoóc môn có tác dụng tăng cường đồng hóa, tích lũy protein và lipit trên động vật chỉ bằng một liều lượng rất nhỏ. Đây chính là cơ sở khoa học để sản xuất các hoóc môn tăng trọng dùng trong ngành chăn nuôi nói chung.


Hiện nay, thuốc tránh thai hàng ngày trên thị trường chủ yếu gồm hai nhóm. Nhóm thứ nhất là sự kết hợp của 2 loại hoóc-môn: Progestin và estrogen nhân tạo (viên kết hợp); nhóm thứ 2 chỉ chứa progestin. Chúng đều là các hoóc môn thuộc họ steroids.

“Rất có thể thuốc tránh thai được sử dụng trong nuôi lươn ở Nghệ An cũng thuộc một trong hai nhóm này”, thạc sỹ Tuấn nhận định, “Có lẽ vì thuốc tránh thai có giá rẻ, lại khá an toàn nên một số người nuôi đã bất chấp các quy định về đảm bảo an toàn VSTP trong nuôi trồng thủy sản, sử dụng chúng để làm chất kích thích tăng trưởng, đồng thời gây rối loạn sự biệt hóa giới tính hoặc ngăn chặn lươn sinh sản để tăng năng suất trong quá trình nuôi. Tuy nhiên, điều này cũng cần nghiên cứu để xác minh”.

Mặc dù có những hệ lụy nhất định, nhưng việc sử dụng các hoóc môn tăng trưởng không phải là điều mới lạ trong ngành chăn nuôi. Hơn nữa, các sản phẩm tươi từ động vật, nhất là ở giai đoạn trưởng thành, hầu như ít nhiều đều có chứa các hoóc môn tự nhiên dạng này do động vật tự tiết ra.

Có điều, khi đã qua chế biến với nhiệt độ trên 70 độ C thì các hoóc môn đó sẽ bị oxy hóa, phân cắt, biến tính,... dẫn đến bất hoạt, mất đi hoạt tính sinh học.


Theo thạc sỹ Nguyễn Thức Tuấn về việc cho lươn dùng thuốc tránh thai cần phải xác định loại thuốc tránh thai, cách thức sử dụng và hàm lượng tồn dư trong lương thành phẩm mới có thể đánh giá tác động của thực phẩm đến sức khỏe người tiêu dùng.

Ông Tuấn cũng khẳng định rằng việc sử dụng thuốc tránh thai trong trường hợp này là biện pháp sai trái, không được phép trong nghề nuôi lươn hiện nay. Do đó phải kiên quyết ngăn chặn, tránh để dư luận ảnh hưởng xấu đến các hộ nuôi khác tại Nghệ An, cũng như nghề nuôi lươn nói chung trong cả nước.

Trên thực tế, các loại thuốc tránh thai vốn không bền với nhiệt độ, nên luôn được khuyến cáo phải bảo quản trong điều kiện nhiệt độ phòng (15-30 độ C). Mặt khác, không như việc uống thuốc trực tiếp hoặc sử dụng các sản phẩm tươi sống như sushi, sữa,..., khi thưởng thức các món lươn đã nấu chín, những lo ngại do thuốc tránh thai là hoóc môn gây ra đều đã được loại trừ, không nên quá hoang mang”, thạc sỹ Nguyễn Thức Tuấn cho biết.

» Bổ gan với món ếch xào lá cách thơm ngon, lạ miệng
» Cách làm món lươn nướng lá nghệ tuyệt ngon
» Loại giun kí sinh người Việt dễ mắc và cách phòng tránh
» Ngán ngẩm những 'con lươn' khổng lồ trên quốc lộ


Tổng hợp


Bình luận
vtcnews.vn