Lượn “chợ” laptop cuối năm

Tổng hợpThứ Hai, 22/11/2010 04:17:00 +07:00

...Vừa mừng, vừa lo, nhưng dấu đỏ đã cộp, quyết định đã ban hành. Tôi đành dành trọn một ngày nghỉ cuối tuần duy nhất, vòng vèo lượn “chợ” laptop cuối năm...

Lượn “chợ” laptop cuối năm

  Để phù hợp với môi trường làm việc công sở hiện đại, lãnh đạo công ty tôi vừa quyết định hỗ trợ kinh phí hàng tháng để cán bộ công nhân viên tự trang bị máy tính cá nhân. Vừa mừng, vừa lo, nhưng dấu đỏ đã cộp, quyết định đã ban hành. Tôi đành dành trọn một ngày nghỉ cuối tuần duy nhất, vòng vèo lượn “chợ” laptop cuối năm tính kiếm cho mình một “con” laptop phù hợp nhất….

 

Các siêu thị đồng loạt khuyến mại giảm giá

Theo quy định mà công ty đưa ra, thì Laptop của một nhân viên văn phòng như tôi phải đảm bảo cấu hình tối thiểu là CPU 1,6 GHz với Core 2, không giới hạn tốc độ với Core 4 trở lên; Ram 2GB; HDD 120 GB; VGA 128MB; Cache 1MB; Network 802.11 và phải có ổ CD. Với ngần ấy điều kiện cộng với việc mỗi tháng công ty sẽ hỗ trợ 400 nghìn, việc đầu tiên mà tôi nghĩ tới là “tậu” một chiếc Laptop với tầm tiền từ 8 đến 13 triệu.

 

Từ “chợ” Laptop chính hãng…

Vốn vẫn được coi là “gà” công nghệ, nên để chắc ăn, tôi tìm tới những nhà phân phối Laptop lớn, có tiếng ở trong nội thành Hà Nội: Pico Plaza, Trần Anh, Đăng Khoa, Hà Nội Computer, Bảo An, FPT Shop… Có “lượn” mới biết, “chợ” laptop cuối năm phong phú, đa dạng và sôi động như thế nào. Từ những nhà cung cấp có tiếng: Dell, HP, Acer, Asus, Sony, Lenovo… cho đến những nhà cung cấp mới: Samsung, MSI, Axioo… Cạnh tranh nhau cả về chủng loại, cấu hình, mẫu mã và giá cả. Sau khi liệt kê một loạt những yêu cầu về cấu hình cho chiếc latop mình cần mua, cô bán hàng tại Trần Anh (Tây Sơn) niềm nở tư vấn: ngoại trừ dòng máy Sony Vaio (thường có giá từ 15 triệu trở lên) và Apple (thường có giá từ 20 triệu trở lên), còn lại tất cả các dòng khác trên thị trường đều có rất nhiều loại máy phù hợp về yêu cầu kỹ thuật và giới hạn số tiền từ 8 đến 13 triệu mà tôi đưa ra. Acer có Acer Aspire 5541 301G25Mn giá khoảng 8 triệu, Acer Aspire 4741-352G32Mn giá khoảng 10,5 triệu,  Acer Aspire Timeline 4810T – 352G25Mn giá khoảng 11,2 triệu…; HP có Compaq CQ42-354TU-XT841PA giá 10,5 triệu, HP ProBook 4410s-WC585PA(PCDos) giá khoảng 11,5 triệu, HP ProBook 4410s-WJ529PA giá khoảng 13 triệu … Cao cấp hơn là Dell có Dell Inspiron 14R(4010)-T560806 P6100 (Dos) giá khoảng 11,6 triệu, Dell Inspiron 13R-T560822 giá khoảng 13,7 triệu… Giá niêm yết các sản phẩm tại các nhà phân phối khác nhau dao động không đáng kể, chỉ chênh lệch từ 100 đến 200 nghìn.

Nhân viên bán hàng tại Siêu thị Máy tính Đăng Khoa (29 Ngọc Khánh) cũng cho biết: 70% lượng laptop bán ra là dành cho giới văn phòng, có mức giá tầm trung. Chính vì vậy các hãng cung cấp đều đầu tư khá nhiều cho các dòng máy này từ hình thức, kiểu dáng, cấu hình… đến tính năng, tiện ích. Thông thường laptop dành cho dân văn phòng yêu cầu có độ bền, tính năng bảo mật tốt hơn các dòng dân dụng, kích thước màn hình phù hợp từ 12 tới 13 inch cho những người thường phải đi công tác, 14 đến 15 inch cho những người ít đi, màn hình có độ phân giải cao tương ứng 1.280x800 hay 1.440x900, tích hợp giải trí đa phương tiện… và tất nhiên, hình thức phải đẹp. Bộ ba thương hiệu sản phẩm đang được khách hàng ưa chuộng nhất trên thị trường tầm trung hiện nay là: HP-Compaq, Acer và Dell.

Phần lớn các sản phẩm laptop trên thị trường vào thời điểm này đều có khuyến mãi khá hấp dẫn. Hệ thống siệu thị máy tính Đăng Khoa có chương trình “Mỗi tháng xả láng 2 lần”, giảm giá từ 1 triệu đến 5 triệu cho dòng MTXT Acer; giảm từ 500 nghìn tới 2 triệu cho các dòng Laptop khác… TranAnh Computer nhộn nhịp không kém với khuyến mãi giảm giá từ 500 nghìn tới 1 triệu cho nhiều dòng laptop của HP, Acer, Asus…  ; Bảo An và DigiWorld cũng “tặng lại khách hàng” từ 500 nghìn tới 2 triệu đồng cho một loạt các sản phẩm.

Ông Nguyễn Tùng, giám đốc DigiWorld cho rằng khoảng thời gian cuối năm sẽ là thời điểm tốt cho thị trường Laptop, các hãng và các nhà phân phối sẽ thường xuyên có chính sách khuyến mãi để thu hút khách hàng, và đương nhiên khách hàng sẽ được làm chủ những chiếc laptop với mức giá hợp lý nhất trong  năm.

Chưa thể đưa ra một kế hoạch cụ thể, chắc chắn vào thời điểm này, nhưng đại diện bán hàng của Hệ thống siêu thị máy tính Đăng Khoa cũng khẳng định Đăng Khoa sẽ có nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá đợt cuối năm, đặc biệt sẽ hướng tới đối tượng sinh viên và giới văn phòng. Đây cũng sẽ là khoảng thời gian khách hàng có thêm nhiều lựa chọn vì thị trường sẽ xuất hiện nhiều loại máy model mới do các hãng tung ra.

Sở hữu một chiếc laptop nhưng ngay lập tức phải bỏ ra 8 đến 13 triệu, so với mức thu nhập hàng tháng của mình cũng là điều khiến tôi… băn khoăn. Tôi quyết định tìm hiểu mua laptop theo phương thức… trả góp xem sao.

 

Khách hàng lựa chọn mua laptop

… Tới thị trường trả góp….

Điều khiến tôi bất ngờ nhất là các “đại gia” máy tính tại Hà Nội như: Trần Anh, Bảo An… lại không áp dụng hình thức bán laptop… trả góp. Tôi chỉ có thể mua được những chiếc máy tính xách tay theo phương thức trả tiền nhiều lần tại một số địa điểm như: Hệ thống siêu thị máy tính Đăng Khoa, FPT Shop, Bách Khoa Computer, Gia Long…

So với những chiếc Latop mua theo hình thức trả tiền một lần, giá của những chiếc Laptop trả sau thường cao hơn từ 500 nghìn tới gần chục triệu, tùy theo loại hình trả góp. Ví dụ: Acer Aspire 5541 301G25MN trả tiền một lần giá niêm yết là gần 7,9 triệu, giá trả góp là 8,5 triệu; Dell Inspriron 14N4030 T560803 trả tiền một lần giá niêm yết là 11,2 triệu, giá trả góp là 12,5 triệu… Phần lớn các sản phẩm được tính lãi với tỉ lệ lãi suất từ 1,5 đến 3,5% /tháng, thời gian trả hết tiền từ 6 tháng tới 24 tháng và thường chênh từ 3 đến 8 triệu so với giá sản phẩm bán trực tiếp. Hiện nay, mỗi nhà phân phối thường đưa ra từ 3 đến 5 sản phẩm mua trả góp với lãi suất 0% để thu hút khách hàng, giá chênh so với sản phẩm bán trực tiếp từ 1 đến 2 triệu. Tuy nhiên thời gian thanh toán hết tiền cho những sản phẩm không lãi suất này chỉ kéo dài từ 6 đến 12 tháng, đồng nghĩa với việc số tiền phải trả hàng tháng sẽ nhiều hơn.

Trong cuộc chạy đua giành thị phần hiện nay, các nhà phân phối có uy tín và tên tuổi trên thị trường luôn thỏa thuận với các ngân hàng đối tác để tìm kiếm cho mình những mức lãi suất hấp dẫn, cũng như thủ tục mua đơn giản để cạnh tranh với đối thủ. Chính vì vậy, ở mỗi nhà phân phối lại có một chính sách mua trả góp laptop khác nhau: Tại Đăng Khoa, khách hàng có thể mua trả góp với tất cả các dòng máy, thậm chí cả MacBook.  Trên 10 triệu phải có chứng minh thu nhập và bắt buộc phải có Hộ khẩu ở Hà Nội hoặc KT3, lãi suất hàng tháng là 2,74%; Tại Bách Khoa Computer, khách hàng trả trước từ 20% tới 80% giá trị sản phẩm, lãi suất duy trì ở mức 1,8%, trả trong vòng 6 đến 12 tháng với những người ở khu vực Hà Nội, trả trong vòng 6 đến 24 tháng với những khách hàng ngoại tỉnh và không bắt buộc phải có hộ khẩu Hà Nội; Tại FPTshop, khách hàng trả trước từ 30% tới 60% giá trị sản phẩm, số tiền còn lại trả trong vòng từ 6 tới 12 tháng với lãi suất 2,5% đến 3,5%, với những khách hàng trả trước 50% giá trị sản phẩm và cung cấp thêm hợp đồng lao động cùng bảng lương của 1 trong 3 tháng gần nhất sẽ được hưởng mức lãi suất ưu đãi 1,71%. Việc đóng tiền trả góp và lãi suất của khách hàng đều thông qua các ngân hàng đối tác. Nhìn chung, điều kiện cho vay càng khó thì khách hàng càng được hưởng mức lãi suất thấp hơn.

So với trước, thủ tục mua trả góp của các nhà phân phối đã được tối giản về mặt thủ tục giấy tờ, thời gian xử lý hồ sơ… nhằm thu hút người mua. Các chính sách về bảo hành, bảo trì… không khác gì so với hàng trả tiền một lần. Một số nhà phân phối còn cho phép khách hàng chọn mẫu, chọn hình thức và thời gian trả góp, dowload mẫu hồ sơ online qua trang web, giấy photo không cần công chứng… như Gia Long, Bách Khoa Computer…

Ngoài ra, khách hàng cũng có thể tự vay trực tiếp ngân hàng với mức lãi suất chỉ từ 0,5 đến 0,7% để mua laptop. Nhưng với phương án này, điều kiện thế chấp tài sản sẽ là một rào cản… không nhỏ.

Việc phải mua sản phẩm với mức giá chênh khá cao so với phương thức mua trả tiền một lần khiến tôi vẫn chưa thực sự… ưng ý.

 

Lựa chọn mua laptop

… Và “chợ” laptop xách tay…

So với hàng phân phối chính hãng, thị trường hàng xách tay đa dạng và sôi động không kém, nếu không nói là phong phú hơn với sự xuất hiện của những sản phẩm không nằm trong chính sách phân phối hàng tại Việt Nam của các hãng sản xuất. Nhiều người tìm mua hàng xách tay để có thể sở hữu được những chiếc laptop “độc” theo sở thích của mình. Số khác tìm đến vì các sản phẩm này “né” thuế nên giá niêm yết thường thấp hơn giá các sản phẩm phân phối chính hãng.

Lượn một vòng qua các cửa hàng iLap, Dmart, iShop, Litek, OrderLaptop, Rauvang, ComputerUSD, HitechUSD… điều dễ nhận thấy là giá niêm yết sản phẩm tại các cửa hàng này thường thấp hơn từ 500 nghìn tới 1 triệu, thậm chí có sản phẩm thấp hơn đến 2 triệu so với giá niêm yết của hàng chính hãng: Acer Aspire 5745G-372G32Mn chính hãng niêm yết giá khoảng 13 triệu, hàng xách tay là 12 triệu; Dell Inspiron N4030-T560803 P1600 chính hãng niêm yết giá 11,3 triệu, hàng xách tay là 10,2 triệu… Laptop giá trị càng cao thì giá niêm yết lại chênh lệch càng lớn.

Phúc Kiệt, một nhân viên bán máy tính lâu năm chia sẻ kinh nghiệm: “Hàng chính hãng đắt một tí nhưng đảm bảo nhập về sao là bán ra như vậy. Còn xài hàng ngoài thì phải chấp nhận… hên xui. Cấu hình ghi như vậy nhưng ruột bên trong thì không ai chắc chắn. Họ có thể lấy hàng lỗi về, thay ruột bên trong và bán vẫn được như giá hàng mới. Linh kiện lành hay hư, nguyên vẹn hay thay thế chỉ có… trời mới biết. Trường hợp hỏng hóc cũng không được hãng bảo hành mà chỉ có thể bảo hành tại cửa hàng. Nếu tính ra còn … đắt hơn cả hàng chính hãng”.

Trên thực tế, rất nhiều cửa hàng phân phối laptop nhỏ lẻ treo biển “Bán hàng chính hãng” nhưng lại kinh doanh theo hình thức “treo đầu dê bán thịt chó”, bán lẫn hàng xách tay. Nhiều khách hàng không cập nhật thông tin đầy đủ, và không thạo về máy tính đã mua phải hàng xách tay mà không biết. Trên Diễn đàn tin học Việt Nam, nickname Ngodung1280 bày tỏ bức xúc khi mua tặng vợ chiếc laptop MacBook Pro giá xấp xỉ 26 triệu. Khi mang về, người nhà xem kĩ mới biết đó là sản phẩm xách tay, không có chế độ bảo hành của hãng mà chỉ có phiếu bảo hành tại… cửa hàng.

Hiện nay, tại một số cửa hàng phân phối laptop hàng xách tay như: Litek, Phúc Anh… khách hàng cũng có thể mua hàng theo phương thức trả góp cho cả hai dòng máy: xách tay và chính hãng. Chính vì thế, người tiêu dùng nếu không cẩn thận càng dễ “vô tình” mua phải hàng xách tay không bảo hành chính hãng. Chị Nhung (công ty Prudential) cho biết các ngân hàng chỉ là người đứng ra cho vay tiền, còn lựa chọn sản phẩm nào là do người tiêu dùng, chất lượng sản phẩm sẽ do cửa hàng chịu trách nhiệm. Đây chính là lỗ hổng khiến nhiều khách hàng nhầm lẫn.

Theo gợi ý của nhân viên bán hàng tại FPT Shop, khi mua laptop tại các cửa hàng không chính hãng, cửa hàng nhỏ lẻ, ngoại trừ những sản phẩm niêm yết giá rõ ràng giữa hàng Brandnew (mới 100%) và Refurbished (những sản phẩm không đáp ứng tuyệt đối các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của nhà sản xuất, nhưng vẫn nằm trong biên độ lỗi cho phép xuất xưởng, giá thường rẻ hơn từ 10% đến 30%), khách hàng cần kiểm chứng sản phẩm bằng số serial (part Nyumber, service tag) của máy. Khách hàng cũng có thể kiểm tra trên các website của nhà sản xuất hay một số quy ước của chính hãng. Và tất nhiên, không nên quên việc giao kèo cặn kẽ chế độ bảo hành.

Lượn một vòng “chợ” laptop cuối năm, suy đi tính lại, tôi quyết định mua hàng… chính hãng. Chỉ là băn khoăn nên mua trả góp hay hàng khuyến mãi trả tiền một lần mà thôi… Hiển nhiên, khi đã chấp nhận mua laptop theo mô hình trả góp, tôi sẽ phải chịu một mức giá cao hơn khá nhiều so với mua trực tiếp, nhưng đổi lại việc sở hữu ngay tức thì sản phẩm cũng là một lợi ích không thể bỏ qua… Giá như, công ty hỗ trợ nhiều tiền hơn vào mỗi tháng!

Tiến Toàn

Bình luận
vtcnews.vn