Lười quá chế ra máy đánh suốt

Khoa học - Công nghệThứ Ba, 12/12/2017 11:18:00 +07:00

Anh Trần Huy Quang - tác giả của hàng loạt máy móc dùng trong nghề dệt vải tại xóm 6, xã Hòa Hậu, Lý Nhân, Hà Nam đã sáng chế ra một chiếc máy đánh suốt chỉ vì anh… lười.

anh4.1

Anh trần Huy Quang giới thiệu về sản phẩm của mình 

Trần Huy Quang chia sẻ, chiếc máy đánh suốt đầu tiên được anh chế tạo khi còn là học sinh phổ thông với số vốn “khởi nghiệp” là 300.000 đồng và mớ máy bơm cũ, xích, líp… mà anh gom nhặt được. “Lần đầu ấy đã không thành công, sợi vải đánh ra bị xù. Máy bị đem bỏ xó. Lúc đó thực sự tôi rất nản” - Trần Huy Quang cho biết. Qua cơn nản, chàng trai lại miệt mài tìm tòi cách khắc phục và sản phẩm thứ hai ra đời khi anh đang học chuyên ngành sửa chữa ôtô tại Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định. Chiếc máy này hoạt động khá hơn, nhưng vì được làm bằng gỗ nên khá nhanh hỏng.

“Trải qua hai lần thất bại trong khi hoàn cảnh kinh tế chật vật, nhiều người xung quanh khuyên tôi dừng để giảm thiểu thiệt hại. Ngay cả bố mẹ cũng không tin vào lựa chọn của tôi” - Quang tâm sự. Nhưng anh đã thành công ở lần cố gắng thứ ba, khi tốt nghiệp hệ công nhân kỹ thuật. Chiếc máy đó ban đầu chỉ được sử dụng trong gia đình, rồi người làng biết và đến đặt anh làm. Năm 2006, Trần Huy Quang bán chiếc máy đánh suốt vải đầu tiên với giá 1,1 triệu đồng, tính ra lãi khoảng 300.000 đồng - bằng đúng số vốn anh bỏ ra cho lần thử nghiệm bất thành thời học sinh.

Sau đó, với sản phẩm máy đánh suốt, anh nhận giải khuyến khích giải thưởng Sáng tạo khoa học và công nghệ Việt Nam (Vifotec) năm 2011 và bằng khen giải thưởng Sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn quốc năm 2010. Mới đây nhất, Trần Huy Quang nhận giải khuyến tài - Nhân tài Đất Việt năm 2016.

Trần Huy Quang cũng chia sẻ, ngoài các sản phẩm sẵn có, anh cũng vừa mới chế tạo thành công máy xe sợi liên hoàn tự động, giúp mỗi lao động có thể xe đến hơn 100kg sợi trong một ngày, thay vì chỉ 10-15kg như khi xe thủ công hoặc dùng môtơ quay tay.

Nói về dự định tương lai, Trần Huy Quang hào hứng cho biết, anh đang ấp ủ kế hoạch tạo ra các loại máy móc hỗ trợ dùng trong nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng cho các loại quả đặc sản như chuối, nhãn, thanh long... “Thực tế hiện nay, việc trồng cấy của bà con nông dân Việt Nam vẫn phụ thuộc vào thời tiết. Năm nào thời tiết không thuận lợi thì mất mùa. Nếu đưa được những cây đấy vào trồng và chăm sóc trong nhà kính, tỷ lệ đậu quả sẽ cao hơn rất nhiều, đến khi thu hoạch sẽ có máy móc hỗ trợ. Tôi muốn chế tạo loại nhà kính có thể tự tháo lắp với giá thành rẻ, phù hợp với đa số bà con” - nhà chế tạo máy tâm sự.

Lệ Chi
Bình luận
vtcnews.vn