Lược bỏ nhiều nội dung môn Ngữ văn bậc THCS, có đảm bảo kết quả năm học?

Tin tức - Sự kiệnThứ Sáu, 03/04/2020 07:22:59 +07:00
(VTC News) -

Việc tinh giản một số nội dung, kĩ năng trong môn Ngữ văn cơ bản không ảnh hưởng đến yêu cầu của kết quả đầu ra và tính hệ thống của chương trình.

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Trưởng tiểu ban rà soát tinh giản nội dung chương trình môn Ngữ văn, Bộ GD&ĐT có những chia sẻ về việc tinh giản nội dung dạy học học kỳ II bậc trung học cơ sở với môn Ngữ văn.

Tinh giản theo 3 hướng

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho biết, việc chỉnh lí, tinh giản, hướng dẫn điều chỉnh chương trình môn Ngữ văn trong nhà trường phổ thông các cấp được Bộ GD&ĐT thực hiện nhiều lần.

Lần này xuất phát từ bối cảnh dịch bệnh Covid 19 diễn ra phức tạp, học sinh các trường nghỉ học quá dài để tránh dịch, đảm bảo an toàn. Trong điều kiện và thời gian dạy học eo hẹp cần xem xét giảm nhẹ, tinh giản một số nội dung dạy học cho phù hợp với bối cảnh năm học 2019-2020.

Có 3 hình thức tinh giản là không dạy; khuyến khích học sinh tự học và tự học có hướng dẫn.

Cụ thể, “không dạy” là một số nội dung Tiếng Việt, tập làm văn mang tính lí thuyết được giảm hẳn không thực hiện trên lớp; “khuyến khích học sinh tự đọc” là không dạy trên lớp nhưng giáo viên nên khuyến khích học sinh đọc thêm, thường là các văn bản đọc hiểu (truyện, thơ, kí , kịch...)

Đáng chú ý là yêu cầu “tự học có hướng dẫn” là một số nội dung giáo viên hướng dẫn học sinh tự học trên lớp. Hình thức này bao gồm hướng dẫn tích hợp, kết hợp các bài có cùng nội dung và giảm nội dung trong 1 bài để giảm thời lượng.

Lí do chính của việc tinh giản chương trình là do quỹ thời gian học kì 2 eo hẹp, vì thế cần giảm nhẹ chương trình, bớt các nội dung không ảnh hướng lớn đến mục tiêu môn học là dạy cách đọc, đọc hiểu và cách viết, cách tạo lập văn bản.

Yêu cầu của dạy học phát triển năng lực hướng tới dạy cho học sinh cách đọc hiểu văn bản theo thể loại, vì thế giáo viên khá giỏi có thể tổ chức dạy đọc hiểu theo chuyên đề thể loại như: dạy cụm truyện, thơ, kí, kịch bản văn học, văn nghị luận... Ở mỗi cụm không cần thiết phải dạy nhiều văn bản mà tập trung dạy kĩ một vài văn bản, sau đó hướng dẫn cho học sinh thực hành đọc hiểu các văn bản tương tự cùng thể loại.

Theo cách này, giáo viên sẽ bớt được một lượng thời gian đáng kể mà lại thực hiện được yêu cầu dạy học theo hướng phát triển năng lực, học sinh phải đọc trực tiếp văn bản và thực hành là chính.

Lược bỏ nhiều nội dung môn Ngữ văn bậc THCS, có đảm bảo kết quả năm học? - 1

Việc tinh giản một số nội dung, kĩ năng trong môn Ngữ văn cơ bản không ảnh hưởng đến yêu cầu của kết quả đầu ra và tính hệ thống của chương trình.

Không ảnh hưởng tới yêu cầu cần đạt

Bên cạnh lí do chính là dịch bệnh kéo dài, thời gian năm học rút ngắn thì theo PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, đây còn là dịp rà soát phát triển chương trình, nên cần kết hợp xem xét, tinh giản những nội dung chưa hợp lí hoặc trùng lặp; những nội dung không tập trung cho phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh.

Chẳng hạn bài “Các thành phần chính của câu” (lớp 6), nội dung này học nhiều ở cấp tiểu học. Hay bài “Thực hành về hàm ý” (lớp 12) đã học khá kĩ ở lớp 9. Rất nhiều bài lí thuyết về làm văn các lớp trùng lặp về nội dung và yêu cầu. 

Ví dụ “Văn thuyết minh” đã học rất kĩ ở lớp 8 và lớp 9 nhưng đến lớp 10 học lặp lại khá nhiều, dùng tới 7 bài của lí thuyết lẫn thực hành ở đầu học kì 2. Cùng loại này là bài về tác giả Nguyễn Du đã học kĩ ở lớp 9 nay lên lớp 10 lặp lại các thông tin về tác giả này là không cần thiết.

Một số bài có dung lượng kiến thức và câu hỏi bài tập quá nhiều cần giảm bớt. Chẳng hạn các bài như “Chuyển đổi câu chủ động thành câu bị động” (lớp 7) hoặc “Hội thoại” (lớp 8); các bài ôn tập, tổng kết ở tất cả các lớp....

Nhiều bài đọc hiểu Tiếng Việt, làm văn được giảm tải trong các lần trước, nhất là năm 2011 với CV 5842/BGDĐT-VP của Bộ GD&ĐT. Ví dụ các bài sử kí (lớp 10): Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (trích Đại Việt sử kí toàn thư); Thái sư Trần Thủ Độ (trích Đại Việt sử kí toàn thư) hoặc kịch bản văn học Tôi và chúng ta (lớp 9)... là những văn bản năm 2011 đã chuyển sang đọc thêm.

Một số nội dung học sinh hoàn toàn có thể tự học và không ảnh hưởng nhiều đến yêu cầu chính (đọc hiểu và viết) là các nội dung địa phương về văn học, Tiếng Việt và làm văn ở tất cả các lớp đều có thể giảm nhẹ bằng cách chuyển sang yêu cầu học sinh tự học, tự thực hiện.

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống cho hay, do chương trình hiện hành được thiết kế theo cấu trúc đồng tâm nâng cao dần (xoáy ốc) nên nhiều đề tài, chủ đề, nội dung và hình thức thể loại, kiểu văn bản và hệ thống các kĩ năng (đọc và viết) được lặp lại khá nhiều.

Vì thế việc giảm nhẹ, tinh giản một số nội dung gần nhau và các kĩ năng cơ bản không ảnh hưởng lớn đến yêu cầu của kết quả đầu ra và cũng không ảnh hưởng tới tính hệ thống của chương trình.

"Việc tinh giản, giảm nhẹ các nội dung dạy học của môn Ngữ văn là hoàn toàn phù hợp và xuất phát từ bối cảnh thực tiễn", PGS Thống cho biết thêm.

Video: Bộ GD&ĐT tinh giản nội dung học kỳ II năm hoc 2019-2020.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn