Lùm xùm tranh cãi slot tại sân bay: Chuyên gia cảnh báo nguy cơ 'vỡ trận'

Đầu TưThứ Hai, 26/04/2021 07:01:00 +07:00
(VTC News) -

Thị trường hàng không đang "nóng"những tranh cãi về giờ hạ, cất cánh (slot) tại sân bay, sau khi Bamboo Airways gửi văn bản khiếu kiện tới Thủ tướng.

Bamboo Airways gửi văn bản tới Thủ tướng đề nghị chỉ đạo giải quyết việc quản lý, sử dụng slot (cất, hạ cánh) tại sân bay. Văn bản của Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) được gửi đi không lâu sau khi hãng bị Cục Hàng không khuyến cáo về việc bán vé gấp đôi slot (cất, hạ cánh) được cấp. Từ vụ ‘lùm xùm” mới này, một số chuyên gia chỉ ra nguy cơ ‘vỡ trận’.

Bamboo khiếu kiện, Cục Hàng không nói gì?

Trong văn bản ngày 20/4 gửi Thủ tướng, Bamboo "tố" Cục Hàng không để lãng phí 30 slot/ngày tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Trong khi các hãng hàng không, trong đó có Bamboo, có nhu cầu nhưng lại không được cấp thêm slot. "Nguyên nhân của tình trạng này là do cơ chế điều phối slot hiện hành chưa phát huy hiệu quả, dẫn tới một số hãng hàng không chiếm giữ quỹ slot nhưng không khai thác’’, Bamboo khẳng định.

Chính vì vậy, Bamboo đề nghị Thủ tướng sớm có ý kiến chỉ đạo các cơ quan chức năng nói trên có giải pháp khắc phục tình trạng lãng phí slot tại các cảng hàng không. Cùng với đó, Bamboo gửi Thủ tướng 2 văn bản hãng này đã báo cáo, đề xuất trong tháng 4 lên Bộ GTVT và Cục Hàng không. Theo thống kê của Bamboo tại kiến nghị này, từ ngày 28/3 đến 4/4/2021, các hãng hàng không khác đã không sử dụng hết hàng trăm slot được cấp.

Lùm xùm tranh cãi slot tại sân bay: Chuyên gia cảnh báo nguy cơ 'vỡ trận' - 1

Bamboo Airway vừa gửi văn bản tới Thủ tướng đề nghị chỉ đạo giải quyết việc quản lý, sử dụng slot (cất, hạ cánh) tại sân bay.

Tuy nhiên, sau văn bản nói trên của Bamboo, ngày 22/4, Cục hàng không đã có văn bản báo cáo Bộ GTVT, cho thấy vấn đề và số liệu mà Bamboo nêu là không chính xác. Thực tế, Cục "đã triển khai các giải pháp giám sát chặt chẽ tình hình sử dụng đúng slot, các slot không sử dụng của các hãng hàng không và có các chế tài đối với các hãng sử dụng không hiệu quả".

Theo Cục Hàng không, hàng tuần, cơ quan này thống kê, công bố kết quả giám sát, hãng có tỷ lệ sử dụng đúng slot trên 80% để xem xét cấp slot bổ sung. Trong 2 tuần đầu tiên sử dụng slot bay mùa hè (28/3 đến 31/10), tỷ lệ sử dụng slot của các hãng đạt tới 94,5% tại Nội Bài và 85,3% tại Tân Sơn Nhất.

Trước đó, Cục đã yêu cầu các hãng nâng cao tỷ lệ sử dụng slot và trả sớm trước 7 ngày các slot không sử dụng để cho các hãng khác có nhu cầu, sử dụng. Từ đó, tỷ lệ sử dụng slot tuần từ 12 đến 18/4 đã tăng lên 90,5% tại TSN và 95% tại Nội Bài. Qua đó, đã nâng cao hiệu quả sử dụng slot và tạo cơ hội cho các hãng hàng không có nhu cầu có thể tiếp cận, tận dụng thêm slot do các hãng khác trả lại.

Theo báo cáo của Cục Hàng không trong giai đoạn này ngay cả Bamboo cũng không sử dụng hết slot được cấp (có 3 trên 4 tuần Bamboo không sử dụng 100% slot được cấp ở Nội Bài và Tân Sơn Nhất). Về cáo buộc để lãng phí slot, theo Cục Hàng không, phần lớn các slot không sử dụng là slot ban đêm (từ 23 – 5h). Bên cạnh đó, để tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước tăng slot, Cục đã cấp slot ở các sân bay trong nước của hãng bay nước ngoài không sử dụng (do dịch COVID-19) để cấp cho hãng bay trong nước.

Nguyên nhân do tăng trưởng nóng?

Bình luận về những lùm xùm cáo buộc quanh chuyện slot, chuyên gia hàng không - PGS, TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng, nguyên nhân trước tiên do Bamboo tăng trưởng nóng.Theo quyết định của Thủ tướng khi cấp phép vận chuyển hàng không cho Bamboo, hãng này chỉ được phát triển đội tàu bay hàng năm và lên đến 10 chiếc vào năm 2023. Tuy nhiên, chỉ hơn 6 tháng sau khi hoạt động, vào tháng 7/2019, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã cấp phép cho Bamboo phát triển đội tàu bay lên đến 30 chiếc vào năm 2023.

Hiện nay, Bamboo đang có 30 tàu bay, chúng ta đã làm thủ tục xin giấy phép đầu tư mới. Dự kiến trong quý II này, Bamboo sẽ được cấp phép khai thác trên 30 tàu, có thể là 50 hoặc 100 tàu tùy chúng ta.

Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Bamboo

Tháng 4 này, Bamboo đã tăng đội tàu bay lên 30 chiếc, sớm hơn quy định gần 2 năm. Mới đây, ông Trịnh Văn Quyết tuyên bố với các nhà đầu tư FLC: "Hiện nay, Bamboo đang có 30 tàu bay, chúng ta đã làm thủ tục xin giấy phép đầu tư mới. Dự kiến trong quý II này, Bamboo sẽ được cấp phép khai thác trên 30 tàu, có thể là 50 hoặc 100 tàu tùy chúng ta".

Điều này, theo TS Tống là gây áp lực rất lớn đến việc phân bổ slot bay của Cục Hàng không, đến việc nâng cấp hạ tầng hàng không của Bộ GTVT và ảnh hưởng đến kế hoạch tăng thêm tàu bay hàng năm của các hãng khác. Bởi hàng không là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Căn cứ vào nhu cầu và tốc độ phát triển của thị trường; vào khả năng chịu đựng của hạ tầng hàng không (vốn đã quá tải từ lâu, đặc biệt là ở Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng) và vào năng lực điều hành bay, cất hạ cánh của Tổng công ty Quản lý bay, Chính phủ, Bộ GTVT mới duyệt số lượng tàu bay và kiểm soát kế hoạch tăng thêm tàu bay hàng năm của các hãng. Bamboo tăng dồn dập tàu bay không theo lộ trình thì Bamboo phải chịu trách nhiệm nếu không đủ slot.

Trước đây, theo giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không được cấp, Bamboo đã được chấp thuận với căn cứ khai thác ở sân bay Phù Cát , Bình Định, do các sân bay lớn đều đã quá tải nên không được đặt tại Tân Sơn Nhất, Nội Bài hoặc Đà Nẵng. Tuy nhiên, khi đi vào hoạt động, hầu hết tàu bay của Bamboo đỗ qua đêm ở Tân Sơn Nhất và Nội Bài. Điều này khiến phải bổ sung slot cất hạ cánh cho Bamboo ở 2 sân bay này. Như vậy, Bamboo đã vi phạm nội dung giấy phép đã cấp cho hãng này.

Không chỉ ‘vượt đèn đỏ’ về số lượng tàu bay, về sân đỗ qua đêm, mới đây Bamboo đã bán vé vượt gấp đôi slot đã cấp cho hãng này ở Nội Bài và bị Cục Hàng không khuyến cáo, tuýt còi. "Trong giai đoạn thấp điểm, lượng khách chưa nhiều, các hãng chưa sử dụng hết slot và tàu bay, việc Bamboo bán vé vượt slot một mặt giành khách của hãng khác, làm giảm tỷ lệ sử dụng ghế mỗi chuyến bay của đối thủ, mặt khác tiếp tục gây áp lực lên Cục Hàng không", ông Tống nói.

Trong khi đó, theo chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc NXB Giao thông, các hãng hàng không đang trong giai đoạn mong manh, rất khó khăn vì dịch COVID-19 nên Bộ GTVT và Cục Hàng không cần xuất phát từ lợi ích chung của ngành để kịp thời đề xuất, hỗ trợ cho các hãng và đặc biệt là cần hết sức thận trọng trong việc cho phép tăng tàu bay, cấp slot cho từng hãng.

Trong điều kiện hạ tầng quá tải, năng lực điều hành cất hạ cánh có hạn như hiện nay, Bộ GTVT cũng cần xem lại quy định trong 5 phút, mỗi hãng chỉ được phép cất cánh 1 tàu bay. Vì quy định sử dụng slot trên 80% và quy định 5 phút như vậy sẽ quá khắt khe so với thông lệ, quy định chung của hàng không quốc tế (Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế IATA quy định hãng sử dụng chuỗi slot liên tiếp trong 5 tuần của mùa trước sẽ được cấp slot bay mùa tới) và gây bất hợp lý, bất bình đẳng cho các hãng bay lớn, vòng quay sử dụng tàu bay nhiều trong ngày, đặc biệt là vào các giờ cao điểm.  

Theo các chuyên gia, hàng không là lĩnh vực đòi hỏi vốn đầu tư lớn, có vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế và xã hội. Nếu để "vỡ trận", không chỉ gây lãng phí nguồn lực của doanh nghiệp, xã hội, gây thất thu cho ngân sách mà còn ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh và nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế.

Lê Hiếu
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp