'Lùm xùm' Grab tăng giá cước: Khách hàng chê xe công nghệ ở điểm gì?

Thị trườngThứ Năm, 10/12/2020 15:24:00 +07:00
(VTC News) -

Trước khi Grab tăng cước đột ngột từ 5/12, nhiều khách hàng đã bức xúc việc hãng thường xuyên áp phụ phí, thay đổi giá không công khai khiến người dùng khó nắm bắt.

Grab tăng giá cước từ ngày 5/12, sau khi nghị định 126 có hiệu lực, được nhiều người coi là "giọt nước tràn ly" khiến người tiêu dùng có thể "quay lưng" với thương hiệu này. Bản thân Grab cũng lo lắng nguy cơ khách hàng rời ứng dụng sau khi thực hiện chính sách mới. Sáng nay 10/12, trong cuộc gặp gỡ với một số tài xế, đại diện Grab Việt Nam lý giải việc không áp toàn bộ thuế GTGT lên khách vì nguy cơ mất thị phần.

Tuy vậy, việc tăng giá cước cũng đủ khiến phần lớn khách hàng không đồng tình, nhất là những khách sử dụng GrabCar. Không ít người đã so sánh dịch vụ này với taxi truyền thống và khẳng định GrabCar không hề rẻ hơn, sau mỗi lần ứng dụng này tăng cước và thu phụ phí.

'Lùm xùm' Grab tăng giá cước: Khách hàng chê xe công nghệ ở điểm gì? - 1

Grab tăng giá cước đột ngột khiến nhiều khách hàng không đồng tình. (Ảnh minh họa: Zing)

Chị Thùy Trang ở Ba Đình (Hà Nội) cho biết, từ 5/12, giá cước tối thiểu của GrabCar tại Hà Nội tăng thêm 2.000 đồng, từ 25.000 đồng lên 27.000 đồng cho 2km đầu và tăng từ thêm 1.000 đồng (từ 8.500 đồng lên 9.500 đồng cho mỗi km tiếp theo). Tương tự, GrabCar 7 chỗ tăng từ 30.000 đồng lên 32.000 đồng cho 2km đầu và từ 10.000 lên 11.000 đồng cho mỗi km tiếp theo.

Trong chuyến đi thử nghiệm, với chiều dài 12 km, chị Trang mất thêm 14.000 đồng so với trước kia. "Số tiền tăng lên không nhiều nhưng nếu sử dụng thường xuyên thì lại không phải là chuyện đơn giản. Từ khi có dịch vụ xe công nghệ, tôi đã chuyển hẳn việc đi lại sang phương thức này vì tính tiện lợi và giá thành khá rẻ. Tuy vậy, từ giờ tôi phải tính toán lại. Vì ngoài số tiền phải trả cho việc sử dụng GrabCar, tôi còn phải mất thêm khoản tiền chênh lệch so với trước kia. Nếu tính cả tháng, đây là khoản tiền khá lớn. Thời buổi kinh tế khó khăn này, việc chi tiêu cũng cần được tối giản", chị Trang nói.

Tương tự, anh Hoàng Minh (ở Đống Đa, Hà Nội) - một khách hàng thường xuyên sử dụng GrabCar - cũng lên tiếng sau ít ngày Grab áp dụng mức phí mới. Anh Minh còn so sánh với dịch vụ taxi truyền thống: Với taxi, giá mở cửa là hơn 5.000 đồng/km đầu tiên, km tiếp theo sẽ có giá 14.000 - 15.000 đồng tùy hãng và giảm còn 12.000 đồng từ 26km trở đi. Trong khi đó, giá cước cố định 2km đầu mà Grab áp dụng là 27.000 đồng. Nếu chia bình quân thì giá là 13.500 đồng/km, cao hơn so với taxi.

Một tài xế taxi phân tích, hành khách nhìn giá cước Grab niêm yết có vẻ là rất rẻ nhưng Grab lại tính cả phí thời gian di chuyển (400 đồng/phút) vào giá cước thì lại không hề rẻ. Trong khi taxi chỉ tính giá cước cho quãng đường di chuyển thì Grab lại tính cả cước thời gian cho khách. Khoản tiền vài trăm đồng trên mỗi cuốc xe này được lý giải là "thời gian di chuyển".

Không chỉ GrabCar mà dịch vụ GrabBike cũng đang bị nhiều khách hàng chê đắt. Từ ngày 2/12, mức giá cho 2km đầu vẫn giữ nguyên 12.000 đồng, nhưng giá tính trên mỗi km tiếp theo tăng từ 3.500 đồng lên 4.000 đồng ở các địa phương như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc,Thanh Hóa, Bắc Ninh, Hà Nội. Mức tăng tại một số địa phương như TP.HCM, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Cần Thơ… từ 3.400 đồng lên cùng mức 4.000 đồng và từ 300 đồng/phút (sau 2km đầu) lên 350 đồng/phút sau 2km đầu.

Đáng chú ý, dù không tăng phụ phí của các cuốc xe nhưng thời gian tính phụ phí cũng nới rộng ra, từ 11 giờ tối đến 6 giờ sáng, với mức thu 10.000 đồng cho các cuốc xe phát sinh.

Với một quãng đường 11 km, khách đi GrabBike sẽ phải trả 48.000 đồng (chưa tính các phụ phí khác), thay vì 42.600 đồng như trước đây, tương đương tăng 12,7%. Hơn nữa, nếu di chuyển quãng đường càng xa đồng nghĩa với việc mức tăng càng lớn.

"Dù mức tăng nghe thì không có gì nhiều và đáng để tính toán song nếu làm phép tính cộng dồn sẽ thấy khách hàng phải trả thêm nhiều cho các cuốc xe", chị Thanh Lan ở Hà Đông, Hà Nội nhận xét.

Ngoài việc chê Grab ngày càng đắt đỏ, nhiều khách hàng còn thể hiện sự bức xúc với hàng loạt phụ phí mà hãng xe công nghệ này đang áp dụng. Cụ thể, thời gian tính phụ phí của Grab từ 11h tối đến 6h sáng là 10.000 đồng/cuốc xe. Chưa kể khách sẽ bị trừ 3.000 - 10.000 đồng nếu đến điểm đặt xe muộn quá 5 phút. Các loại phí nền tảng, Grab, Be, Gojek áp dụng từ 1.000 - 3.000 đồng/cuốc xe.

Chưa kểm nhiều khách hàng cho biết từ lâu Grab có cách tính giá cước rất khó hiểu, nhiều lúc trong ngày giá tăng khá đột ngột. "Khách hàng vẫn thường hiểu việc Grab tăng giá trong ngày đó là do ứng vào những khung giờ cao điểm. Tuy nhiên, thế nào là khung giờ cao điểm thì chỉ mình Grab quyết định, do đó, khách hàng rất khó nắm bắt số tiền phải trả sau mỗi chuyến đi, dù cung đường là như nhau. Đó là chưa kể nhiều lúc giá thay đổi dù cùng khung giờ", chị Mai, một khách hàng thường xuyên dùng GrabBike thắc mắc.

Anh Hoàng nói thêm, trước kia mọi người vẫn phàn nàn vì taxi, xe ôm truyền thống chỉ khi đến nơi mới biết giá tiền bao nhiêu còn xe công nghệ như Grab gọi xe người đi đã biết lộ trình, giá tiền, lái xe nên tạo cho khách hàng tâm lý thoải mái, an tâm. Nhưng từ lâu Grab cách tính giá cước và phụ thu vô lý, không báo trước cho khách hàng đã khiến dịch vụ này ngày càng "mất điểm".

Thậm chí nhiều khi khách hàng còn bị trừ tiền với lý do quá 5 phút không tới điểm đến gọi xe, dù đứng đúng điểm đã gọi xe.

"Có lúc gọi xe tự dưng thấy ví điện tử bị trừ tiền với lý do quá 5 phút không tới điểm gọi xe trong khi hoàn toàn không có tình trạng đứng một nơi gọi một nẻo. Tôi không tiếc vài nghìn đồng nhưng thấy vô lý quá. Chưa kể các khoản phí nền tảng hãng thu của khách hàng là 3.000 đồng mỗi cuốc xe mà không hề thông báo, cũng không hiển thị trên màn hình", chị Thanh Nhàn ở Hoàng Mai, Hà Nội bức xúc nói.

Trước những chính sách mới của Grab, nhiều chuyên gia nhận định, việc tăng cước đột ngột cùng mâu thuẫn với tài xế do tăng mức chiết khấu dễ khiến khách "quay lưng" với Grab và đây hoàn toàn có thể là cơ hội để taxi truyền thống trở lại trong cuộc đua giành thị phần. 

Sáng 10/12, cuộc đối thoại trực tuyến giữa ban giám đốc Grab và đại diện các tài xế về việc thực hiện Nghị định 126 diễn ra tại Hà Nội.

Bà Nguyễn Thái Hải Vân, Tổng giám đốc Grab Việt Nam, khẳng định đang làm đủ mọi cách để giải quyết vụ việc êm thấm và duy trì hoạt động của nền tảng. Tuy nhiên, hãng tiếp tục tuân thủ Nghị định 126 vì đang hoạt động theo pháp luật Việt Nam. Theo đó, vẫn giữ nguyên tỷ lệ khấu trừ 27,273% (áp dụng từ ngày 5/12) đối với tài xế GrabBike trên mỗi cuốc xe. Grab sẽ hoàn trả VAT cho tài xế nếu cơ quan chức năng có văn bản hướng dẫn chính thức, điều chỉnh hợp lý hơn.

Minh Anh
Bình luận
vtcnews.vn