Lùi thi hành Bộ Luật Hình sự 2015: Ai phải chịu trách nhiệm?

Thời sựThứ Năm, 30/06/2016 07:23:00 +07:00

Luật sư cho rằng việc phải lùi thi hành Bộ Luật Hình sự 2015 là trách nhiệm của từng đại biểu Quốc hội khóa XIII đã bấm nút thông qua.

Ngày 27/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp với các trưởng đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố khóa XIII. Đây là cuộc họp bất thường, để trao đổi, thống nhất một số vấn đề liên quan đến những sai sót phát hiện được trong Bộ luật Hình sự 2015 khi chỉ còn chưa đầy một tuần nữa là đến hạn thi hành (ngày 1/7/2016).

Chiều 29/6, đa số đại biểu Quốc hội khóa XIII đã bỏ phiếu tán thành thông qua Nghị quyết về việc lùi hiệu lực thi hành của Bộ luật hình sự 2015, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự và Luật thi hành tạm giữ, tạm giam.

Các đại biểu cũng tán thành bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và trình Quốc hội khóa 14 tại kỳ họp thứ hai (dự kiến tháng 10/2016).

bieu quyet thong qua-4

Các đại biểu biểu quyết thông qua các dự án luật (Ảnh: VPQH)

Xung quanh vấn đề này, PV Báo điện tử VTC News đã có cuộc phỏng vấn luật sư Trương Anh Tú (Trưởng Văn phòng luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội).

- Tại sao trước đó các chuyên gia của liên đoàn Luật sư Việt Nam, Hội luật gia Việt Nam không chỉ ra các lỗi sai trong Bộ Luật Hình sự 2015, thưa ông?

Lúc đưa dự thảo ra lấy ý kiến, các luật sư chúng tôi được tham gia đóng góp ý kiến. Tuy nhiên, sau có dự thảo thì chúng tôi không được biết để đóng góp ý kiến.

Có thể nói là việc lấy ý kiến của các luật sư, luật gia chưa thực sự thực chất nên kết quả đóng góp của các đối tượng này cho một dự thảo luật không nhiều.

- Những lỗi sai sót được các luật sư chỉ ra đến thời điểm này là gì, thưa ông?

Các luật sư đã chỉ ra phần lớn lỗi đã thông tin trong Bộ luật hình sự 2015. Đó là nội dung tại các Điều 249, 250, 252.

Tiếp nối sau đó, các luật sư đã có ý kiến về sai sót ở các Điều 233, 304, 305, 370, 292, mâu thuẫn giữa Điều 12 với các Điều luật khác, Điều 175… và nhiều sai sót khác được các luật sư phát hiện báo chí đã đăng tải.

luat-su-truong-anh-tu-3

Luật sư Trương Anh Tú

- Những sai sót có nghiêm trọng không?

Bộ Luật Hình sự là một văn bản luật quan trọng, nhưng có đến hơn 90 lỗi sai sót. Như chúng ta đã biết có nhiều sai sót về mặt nội dung dẫn tới khó khăn cho việc áp dụng hoặc không áp dụng được, thông qua đó kéo theo ba văn bản luật khác có liên quan phải xem xét hoãn ngày có hiệu lực thi hành nên tôi đánh giá là nghiêm trọng.

- Dự kiến, việc để sang Quốc hội XIV sửa Bộ luật Hình sự 2015 liệu có hợp lý không, thưa ông?

Theo quy định tại khoản 1 điều 9 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định: “Văn bản quy phạm pháp luật chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ hoặc bãi bỏ bằng văn bản quy phạm pháp luật của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó hoặc bị đình chỉ việc thi hành, hủy bỏ hoặc bãi bỏ bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

Khoản 2 điều 9 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định: “Khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan ban hành văn bản phải sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, bãi bỏ văn bản, điều, khoản, điểm của văn bản quy phạm pháp luật do mình đã ban hành trái với quy định của văn bản mới ngay trong văn bản mới đó; trong trường hợp chưa thể sửa đổi, bổ sung ngay thì phải xác định rõ trong văn bản đó danh mục văn bản, điều, khoản, điểm của văn bản quy phạm pháp luật do mình đã ban hành trái với quy định của văn bản quy phạm pháp luật mới và có trách nhiệm sửa đổi, bổ sung trước khi văn bản quy phạm pháp luật mới có hiệu lực.”

Như vậy nếu có sai sót trong việc thông qua và ban hành văn bản Bộ Luật Hình sự 2015 thì Quốc hội phải có trách nhiệm sửa đổi, bổ sung, giải thích rõ trước khi Bộ Luật Hình sự có hiệu lực vào 1/7/2016 theo đúng thẩm quyền trong Luật tổ chức Quốc hội.

Nếu như không kịp thời, bắt buộc phải do chính Quốc hội sửa đổi vào kỳ họp thường kỳ của mình. Như vậy, chỉ có Quốc Hội có thẩm quyền sửa đổi, hủy bỏ, đình chỉ thi hành, bổ sung, thay thế quy định của luật đã ban hành gặp sai sót.

bieu quyet thong qua-2

 

- Ông đánh giá thế nào về việc Thường vụ phát phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về việc tạm hoãn thi hành Bộ Luật hình sự 2015?

Xin ý kiến toàn thể đại biểu Quốc hội để hoãn thời điểm có hiệu lực của Bộ luật hình sự và các luật khác có liên quan là phù hợp với Hiến pháp và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, vì Ủy ban Thường vụ Quốc hội không có thẩm quyền quyết định.

Việc phát phiếu là để giảm tải chi phí, vì Quốc hội khóa XIII sắp hết nhiệm kỳ, triệu tập một cuộc họp toàn thể bất thường vào lúc này là tốn kém cho ngân sách.

- Bộ Luật Hình sự 2015 chuẩn bị được thi hành thì lại phát hiện ra hơn 90 lỗi khác nhau. Vậy trách nhiệm vấn đề này thuộc về ai, thưa ông?

 
Trách nhiệm là của từng đại biểu Quốc hội khóa XIII đã bấm nút thông qua, còn về cụ thể thì hiện nay, chưa có quy định về việc trách nhiệm của đại biểu khi thông qua một văn bản luật chứa lỗi cần phải hoãn để sửa

Luật sư Trương Anh Tú

Trách nhiệm là của từng đại biểu Quốc hội khóa XIII đã bấm nút thông qua, còn về cụ thể thì hiện nay, chưa có quy định về việc trách nhiệm của đại biểu khi thông qua một văn bản luật chứa lỗi cần phải hoãn để sửa.

Tuy nhiên, uy tín của Quốc hội sẽ giảm sút nhiều thông qua những vụ việc như thế này, đòi hỏi phải có biện pháp thay đổi thực trạng ban hành văn bản như thời gian qua.

Các đại biểu bấm nút thông qua khi ban soạn thảo trình ra Quốc hội, thời gian thảo luận để thông qua rất ít, trong khi Quốc hội XIII đã thông qua hơn 100 luật và bộ luật là một con số rất lớn.

- Đây là lần thứ hai việc Luật chưa được thi hành đã phải sửa. Ông nghĩ gì về công tác làm luật ở Quốc hội hiện nay?

Chúng ta quá thiếu các đại biểu thực sự có chuyên môn trong lĩnh vực pháp luật trong Quốc hội. Trong khi Quốc hội là nơi ban hành các luật và bộ luật. Do đó, chất lượng của Đại biểu là chất lượng của Quốc hội và thông qua đó là chất lượng các văn bản luật được ban hành.

Khi không có nhiều đại biểu am hiểu pháp luật thì việc thông qua chỉ là bấm nút cho đúng quy trình, còn không thể soi xét nội dung nếu như không có chuyên môn.

Và một vấn đề nữa cần phải thay đổi là hiện nay khi xây dựng các dự thảo luật thì Ban soạn thảo thường nằm ở các khối cơ quan thuộc Chính phủ, rồi sau đó trình Quốc hội thông qua.

Thực trạng này gây ra việc người thực thi pháp luật đi soạn thảo luật để quản lý việc thực thi của mình, còn Quốc hội chỉ bấm nút thông qua khi dự thảo được trình, thời gian để thảo luận như đã nói là quá ít.

- Rõ ràng, công tác làm luật đang có những hạn chế nhất định?

Chính xác là như vậy. Chất lượng đại biểu sẽ quyết định chất lượng công việc của Quốc hội. Nơi lập pháp thì phần lớn đại biểu phải là chuyên gia pháp luật.

-Để giảm thiểu những sai sót trong quá trình làm luật, ông có đề xuất gì ?

Trước tiên là nâng cao chất lượng đại biểu, tăng số lượng người có kiến thức pháp luật ứng cử vào Quốc hội;

Thứ hai, giao quyền soạn thảo các dự thảo luật về các ban chuyên môn của Quốc hội (chưa có thì cần thành lập mới) để các đại biểu chuyên trách thực hiện đúng chức năng của mình. Tránh tình trạng đại biểu chỉ thảo luận một vài hôm là bấm nút thông qua như hiện nay;

Và cuối cùng là công khai dự thảo trên các trang thông tin điện tử để những người có chuyên môn rà soát, đóng góp ý kiến, trên cơ sở đó để Ban soạn thảo tham khảo để hoàn thiện.

Xin cảm ơn ông!

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn