Lực lượng đặc nhiệm Triều Tiên mạnh cỡ nào?

Thế giớiThứ Năm, 04/05/2017 07:08:00 +07:00

Theo tạp chí quân sự National Interest (NI), một trong những tiềm lực quân sự của Triều Tiên là sức mạnh người lính và lực lượng đặc nhiệm của nước này vẫn được đánh giá cao.

Theo NI, Triều Tiên có lực lượng đặc nhiệm quy mô nhất thế giới với quân số lên đến 200.000 người, bao gồm cả nam và nữ, được đào tạo trong điều kiện đặc biệt. Lực lượng này được huấn luyện để có thể hoạt động trên khắp bán đảo Triều Tiên và bên ngoài để tấn công các đối thủ của Bình Nhưỡng.

Trong nhiều thập kỷ của thế kỷ 20, quân đội Triều Tiên luôn duy trì sức mạnh ấn tượng của mình trên khắp các binh chủng, từ xe tăng, pháo binh, không quân cho đến lực lượng đặc nhiệm.

Hinh anh Luc luong dac nhiem Trieu Tien dang so co nao?

 Một trong số các lực lượng đặc biệt của Triều Tiên.

Tuy nhiên, sau Chiến tranh lạnh, các lực lượng vũ trang thông thường của Triều Tiên rơi vào tình trạng thiếu hụt vũ khí, họ chỉ sở hữu số ít xe tăng T-72 của Liên Xô, còn lại là các xe tăng T-62 từ thập niên 60 của thế kỷ trước.

Các đơn vị thiết giáp còn lại cũng rơi vào tình trạng tương tự khiến sức mạnh quân sự Triều Tiên tụt lại so với Mỹ và Hàn Quốc, NI nhận định.

Số lượng lớn

Theo tình hình đó, Triều Tiên quyết định đẩy mạnh đào tạo đặc nhiệm. Theo NI, Bình Nhưỡng phát triển 25 lữ đoàn đặc nhiệm và 5 tiểu đoàn đặc nhiệm chuyên làm nhiệm vụ tấn công ở vùng phi quân sự - DMZ hoặc đổ bộ bằng dù và ám sát.

Cục huấn luyện bộ binh hạng nhẹ, thuộc Quân đội Triều Tiên có chức năng tương đương với Bộ Tư lệnh tác chiến đặc biệt Mỹ, chuyên điều phối các lực lượng đặc biệt của quân đội, từ không quân cho đến hải quân.

Hinh anh Luc luong dac nhiem Trieu Tien dang so co nao? 3

 Quân đội Triều Tiên.

Trong số 200.000 đặc nhiệm Triều Tiên, có 150.000 thuộc đơn vị bộ binh hạng nhẹ. Họ di chuyển đường bộ, nhiệm vụ trực tiếp là thâm nhập hoặc đánh thọc sườn đối phương để phủ đầu hoặc kết nối các cuộc tấn công đợt sau vào lực lượng địch.

Theo NI, địa hình đồi núi của Triều Tiên thích hợp với lối tấn công này, ngoài ra, họ còn sở hữu hệ thống đường hầm chằng chịt, phức tạp quanh khu vực DMZ.

Trong số đặc nhiệm Triều Tiên, có 8 lữ đoàn bắn tỉa, 3 cho lục quân, 3 cho không quân và 2 cho hải quân. Mỗi lữ đoàn có khoảng 3.500 binh sỹ, được chia thành 7-10 tiểu đoàn. Những đơn vị này có các nhiệm vụ khác nhau nhưng tương đối giống Ranger, Đặc nhiệm và SEAL của quân đội Mỹ.

NI cho biết, các lữ đoàn bắn tỉa này được huấn luyện để làm nhiệm vụ thám sát chiến lược và các nhiệm vụ trực tiếp như ám sát, tấn công mục tiêu cao cấp, mục tiêu kinh tế, phá hủy vũ khí hoặc ngăn chặn các cuộc tấn công của đối phương.

Video: Đặc nhiệm Triều Tiên luyện tập

Tạp chí quân sự này nói thêm, các đặc nhiệm Triều Tiên thường mặc thường phục hoặc thậm chí là đồng phục của quân đội Mỹ hay Hàn Quốc. Trong mỗi lữ đoàn bắn tỉa lại có một trung đội từ 30-40 nữ quân nhân, được đào tạo để chiến đấu trong trang phục của dân thường.

Nằm trong lực lượng đặc nhiệm Triều Tiên có 4 tiểu đoàn trinh sát độc lập. Đây là lực lượng được đào tạo đặc biệt, mỗi tiểu đoàn này có khoảng 500 quân nhân, có khả năng chỉ huy các đơn vị quân đội hành quân qua vùng DMZ.

Các binh sỹ này được trang bị kiến thức cấp cao, hiểu biết về cả bạn và thù trong vùng DMZ. Ngoài ra, tiểu đoàn trinh sát số 5 được cho là chỉ nhận nhiệm vụ hoạt động bên ngoài biên giới.

Hoạt động

Vì là lực lượng đặc biệt, các binh sỹ này thường hoạt động sau chiến tuyến, bên phía đối phương. Triều Tiên được cho là có khả năng triển khai quân tốt mặc dù các phương tiện của họ có thể lỗi thời.

Theo NI, đặc nhiệm trên bộ có thể xâm nhập qua hệ thống đường hầm bí mật. Trong khi đó, trên biển, mỗi lần triển khai Bình Nhưỡng có thể di chuyển được tới 3.000 quân, sử dụng các loại tàu đổ bộ, tàu đổ bộ đệm khí, tàu ngầm duyên hải và tàu ngầm mini.

Video: Binh sỹ Triều Tiên khoe kỹ năng "mình đồng da sắt"

Trên không, đặc nhiệm Triều Tiên thường được triển khai bằng 200 máy bay vận tải cất, hạ cánh đường băng ngắn An-2 Colt, có khả năng bay thấp và chậm để tránh radar. Mỗi chiếc máy bay này có thể mang được 12 binh sỹ, có khả năng trên địa hình hiểm trở hoặc hỗ trợ nhảy dù.

Bên cạnh đó, Bình Nhưỡng còn có khả năng triển khai quân bằng trực thăng hoặc một số máy bay vận tải đường dài khác.

Theo NI, hiện nay, lực lượng đặc nhiệm Triều Tiên đã phát triển và nguy hiểm hơn nhiều. Họ có thể phát động các cuộc tấn công hóa học, sinh học hay thậm chí là hạt nhân để gây thiệt hại nặng nề cho đối phương.

Chưa kể đến, lực lượng này từng được cho là luyện tập tấn công Nhà Xanh, nơi ở của Tổng thống Hàn Quốc với mô hình tỷ lệ 1:1.

Tạp chí quân sự Mỹ cho rằng, có thể trên đường làm nhiệm vụ sẽ có các binh sỹ đặc nhiệm Triều Tiên hy sinh nhưng sự rèn luyện bài bản, khắc nghiệt cùng với tư tưởng khiến họ trở thành những đối thủ đáng gờm.

Tùng Đinh (Nguồn: National Interest)
Bình luận
vtcnews.vn