Luật sư: 'Vụ học sinh trường Gateway chết do bị bỏ quên trên ô tô có dấu hiệu tội hình sự'

Thời sựThứ Tư, 07/08/2019 06:38:00 +07:00

Luật sư Trần Tuấn Anh cho rằng, vụ việc học sinh chết do bị bỏ quên trên xe ô tô có dấu hiệu hình sự của tội vô ý làm chết người.

Liên qua đến thông tin học sinh lớp 1 Trường Quốc tế Gateway chết thương tâm do bị “bỏ quên” trên ô tô đưa đón, trả lời VTC News, Luật sư Trần Tuấn Anh (đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội) cho biết, vụ việc có dấu hiệu hình sự, đồng thời phải giải quyết cả theo pháp luật dân sự.

anh 4

Vụ học sinh chết do bị bỏ quên trên xe đưa đón ở Hà Nội gây rúng động dư luận.

Theo Luật sư Trần Tuấn Anh, hành vi bỏ quên học sinh dẫn đến việc cháu bé chết trên xe được xem là lỗi vô ý, có dấu hiệu hình sự. Do đó, cơ quan điều tra phải vào cuộc để xác định trách nhiệm thuộc về ai, ai là người vô ý làm chết người.

“Trong trường hợp này, lỗi chính thuộc về người lái xe và nếu có thì sẽ thêm người đi cùng giám sát (một xe đưa đón học sinh thông thường có 2 người, một người phụ trách công tác đưa đón học sinh ở trường và một người lái xe).

Tội vô ý làm chết người được quy định tại điều 128 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, với nội dung: “1. Người nào vô ý làm chết người thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. 2. Phạm tội làm chết 2 người trở lên, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm”.

Ngoài việc xem xét xử lý về trách nhiệm hình sự, vụ việc này còn phải xem xét để xử lý về mặt pháp luật dân sự.

“Về mặt dân sự, gia đình học sinh đã giao cho nhà trường Gateway, do đó nhà trường phải có trách nhiệm bồi thường về mặt dân sự đối với bố mẹ của học sinh này. Việc bồi thường như thế nào, mức độ bồi thường bao nhiêu thì trước hết pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận giữa các bên.

Trong trường hợp một trong hai bên không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu tòa án giải quyết việc bồi thường. Lúc này, tòa án sẽ áp dụng các quy định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng để quyết định mức bồi thường trong trường hợp này”, luật sư phân tích.

Video: Khoảnh khắc bé 6 tuổi trường Gateway chết thương tâm được bế ra khỏi xe ô tô

Trong khi đó, Luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng văn phòng luật sư Tinh thông Luật) cho rằng, trách nhiệm trực tiếp và đầu tiên ở đây là cô giáo, người đã trực tiếp đón nhận cháu bé.

Với trách nhiệm của mình cô giáo đón cháu buộc phải nhớ và bàn giao cháu bé cho cô giáo chủ nhiệm và kiểm tra phát hiện trên xe có cháu nào chưa xuống hay không. Trong khi đó, cô giáo chủ nhiệm cũng đáng lên án, bởi cả một ngày trời cô giáo đã làm gì mà không điểm danh và liên hệ với phụ huynh khi thấy học sinh vắng mặt bất thường?

"Cho dù với lý do gì thì hành động bỏ quên, không kiểm tra của cô giáo phải chịu trách nhiệm hình sự là đúng. Trong trường hợp này cô giáo đưa đón phải chịu trách nhiệm với hành vi vô ý làm chết người do mình gây ra", Luật sư Bình nói.

Vô ý làm chết người là trường hợp người phạm tội tuy thấy chính hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra, còn có thể ngăn ngừa được. Hoặc người phạm tội không thấy hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó.

Hành vi vô ý làm chết người được thể hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động. Hậu quả chết người xảy ra là dấu hiệu bắt buộc đối với tội phạm này. Nếu hậu quả chết người chưa xảy ra, thì không thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi vô ý.

Trong trường hợp này, mối quan hệ ràng buộc giữa hành vi vô ý và hậu quả chết người quá rõ ràng. Hậu quả của hành vi là nạn nhân chết xuất phát từ hành vi vô ý của người phạm tội gây ra. Ý thức của cô giáo là lỗi vô ý do cẩu thả và vô ý do quá tự tin, thiếu cẩn trọng gây ra hậu quả chết người mặc dù phải thấy trước hoặc có thể thấy trước.

gia-dinh-nan-nhan

Người nhà cháu L. đau đớn khi nghe tin cháu bé đã qua đời.

Theo quan điểm của Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, đây là sự việc hết sức đáng tiếc, chỉ vì sự bất cẩn của một vài cá nhân mà gây ra cái chết thương tâm cho cháu bé.

Vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, do đó, cần xem xét trách nhiệm hình sự đối với cá nhân có liên quan.

"Cụ thể cô giáo phụ trách đưa đón các bé lên xe và tài xế có thể bị khởi tố về tội “Vô ý làm chết người” theo Điều 128, Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017: 1. Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm", luật sư Tiền nhận định.

Sự việc kinh hoàng xảy ra vào chiều tối 6/8, vợ chồng anh Lê Văn Sơn (Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) bàng hoàng khi nhận hung tin nhà trường báo con trai mình phải đưa đi cấp cứu.

Sáng nay, 7h vợ chồng anh đưa con trai là L.H.L (6 tuổi) đến điểm đón xe ở phố Yên Hòa để tới Trường Quốc tế Gateway (Cầu Giấy, Hà Nội) học tập. Đây là buổi thứ hai bé L học tại ngôi trường này. Sau khi giáo viên của Trường Gateway đón bé L lên xe, vợ chồng anh Sơn yên tâm đi làm như mọi ngày.

Tuy nhiên, đến 16h ngày, vợ anh Sơn nhận được tin báo của giáo viên chủ nhiệm lớp của con nói rằng không thấy con đâu. Từ chỗ làm tức tốc đến trường, vợ chồng anh Sơn nhận được những câu trả lời quanh co của giáo viên: "Hôm nay bé không đến lớp"; "Không biết bé L đi đâu"... Sau khi vợ chồng anh Sơn tức tốc vào viện thì nhà trường báo là con ngủ quên trên xe ôtô và đang được cấp cứu tại Bệnh viện E. Vợ chồng anh Sơn vào đến nơi thì con đã tử vong rồi.

Phụ huynh của bé L.H.L cho biết, sau nhiều lần gặng hỏi giáo viên chủ nhiệm, thì mỗi lúc cô nói một khác. Sau đó mới thừa nhận là bé L  đã bị bỏ quên trên xe ô tô.

Kông Anh - Mạnh Đoàn
Bình luận
vtcnews.vn