Luật sư trong phiên tòa xử thảm án Bình Phước: Tôi nhìn thấy Thoại có khả năng bị oan

Pháp luậtThứ Tư, 23/12/2015 07:24:00 +07:00

Luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Đình Thoại trong vụ thảm sát Bình Phước - ông Phạm Quốc Hưng đã trả lời một số vấn đề liên quan đến bản án.

(VTC News) – Luật sư bào chữa cho bị cáo Trần Đình Thoại trong vụ thảm sát Bình Phước - ông Phạm Quốc Hưng đã trả lời một số vấn đề liên quan đến bản án.

Luật sư Phạm Quốc Hưng (đoàn Luật sư TP.HCM) là người bào chữa cho bị cáo Trần Đình Thoại, cho rằng, lúc đợi HĐXX nghị án quá lâu khoảng 2 tiếng đồng hồ (trong phiên tòa xét xử 12 giờ/ngày), đến tối, có luật sư muốn ra về trước vì mệt mỏi, có người bận việc nhưng vẫn cố gắng ngồi nán lại tại tòa vì... tôn trọng. 

“Các luật sư có thể ra về bởi họ đã xong phần bào chữa, còn ngồi lại nghe tuyên án thì pháp luật không bắt buộc, có mặt hay không có mặt không thành vấn đề” – LS Hưng nói.
 LS Phạm Quốc Hưng trả lời báo chí. Ảnh: Phan Cường 
LS Hưng nói tiếp, sau khi tòa tuyên án, ông có đến dặn dò 3 bị cáo là Nguyễn Hải Dương (24 tuổi, quê An Giang), Vũ Văn Tiến (24 tuổi, ngụ Bình Phước) và Trần Đình Thoại (27 tuổi, quê Vĩnh Long) nếu tòa xét xử đúng người, đúng tội thì cố gắng thi hành; còn nếu thấy chưa đúng tội, xử nặng, xử oan thì làm đơn kháng cáo. Và nếu làm đơn kháng cáo thì tòa ở trên sẽ xử bằng hoặc giảm thôi. Các bị cáo suy nghĩ mà tự thực hiện quyền của mình. 

Muốn kháng cáo phải làm đơn từ trong trại giam gửi ra, thời hạn tính từ lúc án đã tuyên đến 15 ngày sau. Cộng thêm 15 ngày tòa cấp trên xem xét kháng cáo, kháng nghị. Như vậy, có ít nhất 30 ngày đơn của các bị cáo mới được tòa chuyển lên cấp trên.

“Bây giờ, muốn biết tình hình các bị cáo thế nào, chỉ có cách liên hệ trại giam hoặc tòa án còn các luật sư thì không thể biết được. Kể từ sau khi bản án đã tuyên, các luật sư không còn quyền hạn. Chỉ sau này, các bị cáo kháng cáo phúc thẩm có yêu cầu mời các luật sư tham gia bào chữa thì lúc này luật sư mới có quyền và nghĩa vụ” – LS Hưng chia sẻ.
 Mức án dành cho bị cáo Thoại vẫn còn nhiều tranh cãi. Ảnh: Phan Cường
Nói về vấn đề tranh luận tội đồng phạm giết người của Thoại, LS Hưng cho rằng, trong bản điều tra không hề thể hiện Thoại là đồng phạm giết người. Điều đó thể hiện tại tòa, mỗi lần Dương đề cập đến chuyện giết người thì Thoại luôn hỏi lại “tại sao?”. Thoại hỏi: “có cách nào cướp mà không giết không?”. Dương đáp: ”nếu anh không giết thì em giết”. Cuộc trao đổi đó, không có nghĩa Thoại đồng ý.

Mức cao nhất thể hiện sự không đồng ý đó là Thoại dừng hành động và không đi. VKS suy đoán cho rằng Thoại đồng ý thì đó là suy đoán có tội, suy đoán bất lợi cho bị cáo vì vậy ngược lại nguyên tắc tố tụng tiến bộ thế giới và ngược lại với Điều 10 của Bộ Luật Tố tụng Hình sự Việt Nam. 

Điều 10, trách nhiệm buộc có tội hay không có tội thuộc về cơ quan tố tụng. Anh bảo bị cáo đó đồng phạm, nghĩa là cùng ý chí thì anh phải chứng minh chỗ nào? Trong đối thoại, Thoại  im lặng thì sao phải nói Thoại là đồng phạm.

Khi kết tội mà không có chứng cứ thì trái nguyên tắc suy đoán vô tội. Nguyên tắc suy đoán vô tội không phải nguyên tắc của Việt Nam, nguyên tắc đó là nguyên tắc tiến bộ của thế giới. Ở Việt Nam có Điều 10 giống như vậy, nó không mang tên là “suy đoán vô tội” nhưng nó cũng giống vậy. 

LS Hưng tâm sự, ông nhận bào chữa cho Thoại là do gia đình Thoại nhờ (anh Thoại và chị họ), chứ không phải được chỉ định. Thoại mồ côi cha, còn mẹ làm ruộng, đau yếu; anh của Thoại làm công nhân.

“Kinh phí gia đình Thoại đưa chủ yếu là hỗ trợ việc đi lại của tôi. Tôi nhận lời bào chữa cho Thoại vì thấy gia cảnh của Thoại nghèo khó và nhìn thấy Thoại có khả năng bị oan uổng. Mong tòa cấp cao sẽ xem xét lại bản án, đặc biệt trường hợp Thoại, kết tội Thoại là đồng phạm giết người theo tôi là chưa đạt về mặt pháp lý” - LS Hưng nói.
 Đại diện gia đình bị hại. Ảnh: Phan Cường

Gia đình nạn nhân hài lòng với bản án:

Đại diện gia đình nạn nhân: “Khi nghe các luật sư bào chữa cho các bị cáo chúng tôi không hài lòng lắm. Bởi vì gia đình, người thân chúng tôi đã gánh chịu mất mát quá lớn, 6 người bị giết, con cháu tôi bị giết gần hết, chỉ còn mỗi bé Na. Chẳng qua be Na còn quá nhỏ không biết gì nên bọn chúng không giết, chứ cháu mà biết nói, hiểu biết thì chưa chắc còn sống đến nay. Khi VKS đề nghị mức án, chúng tôi thấy cũng phù hợp mức án. 

Đến khi HĐXX nghị án chúng tôi hồi hộp lắm, chờ tuyên án thế nào. Khi chủ tọa đọc bản án và tuyên án lúc đó mọi người trong gia đình mới thở phào nhẹ nhõm, một bản án làm tương xứng với hành vi giết người không còn lời nào để diễn tả của Dương, Tiến và Thoại. Tuy phiên tòa kéo dài 12 tiếng trong ngày, mọi người có vẻ mệt mỏi, đuối sức nhưng cũng đã giải quyết phần nào mong muốn không những của gia đình chúng tôi mà còn của xã hội, dư luận quan tâm”.

Tòa không vi phạm pháp luật:

Thẩm phán TAND tỉnh Bình Phước Nguyễn Hữu Trí - Chủ tọa phiên sơ thẩm: Phiên tòa kéo dài 12 tiếng đồng hồ trong ngày không vi phạm pháp luật. Nhờ chuẩn bị tốt từ trước nên phiên tòa cũng không có gì quá căng thẳng. Về vấn đề phiên tòa có cần xử lưu động hay không cái đó hãy để dư luận xem xét, đánh giá. Trường hợp bản án sơ thẩm tuyên có nặng hay nhẹ với bị cáo nào thì hãy để cho tòa cấp trên xem xét tiếp, nếu có kháng cáo.

Chưa vụ án nào tàn độc như thế:

Ông Lê Đức Xuân - Viện trưởng VKSND tỉnh Bình Phước: Có thể nói, trong 10 năm nghiên cứu 12.301 vụ phạm pháp hình sự, chưa thấy vụ nào tàn độc như hành vi của các bị cáo này gây ra. Mất hết tính người và không còn khả năng cải tạo, giáo dục để trở thành con người có ích cho xã hội, chính vì vậy, cần thiết loại 2 bị cáo Dương và Tiến ra khỏi đời sống xã hội, Thoại lãnh mức án tương xứng. Bản án sơ thẩm đã xét xử đúng người, đúng tội. Phiên tòa kéo dài thời gian khiến mọi người có mệt mỏi đôi chút nhưng cũng đã thỏa mãn, hài lòng vì cái chung nhất.

LS Phạm Quốc Hưng là người khiến cả phiên tòa, người theo dõi ngạc nhiên, ngơ ngác vì “dám” cắt ngang lời một thẩm phán (ngồi kế bên chủ tọa, đang đặt câu hỏi với bị cáo Thoại): “Đề nghị phiên tòa lưu ý, việc thẩm phán hỏi như vậy là mớn cung”. 

Lý giải vấn đề này, LS Hưng cho rằng, sở dĩ ông cắt ngang lời thẩm phán là vì, đặt câu hỏi trước rồi hỏi phải không, phải không, là cách hỏi mớm cung, là vi phạm luật Tố tụng, không xác định đúng sư thật khách quan của vụ án. 

“Trong các bài giảng của tôi cho các luật sư, tôi cũng hay nhắc đến chuyện đó, hỏi theo cách mớm cung của tòa nhằm buộc tội, hỏi mớn cung của luật sư là nhằm gỡ tội, trong khi thực ra hỏi là để xác định bản chất thật, làm sáng tỏ vụ án chứ không nhằm buộc tội hay gỡ tội” – LS Hưng phân tích.

Phan Cường
Bình luận
vtcnews.vn