Luật sư tiếp tục khẳng định bầu Kiên không có tội

Pháp luậtThứ Tư, 28/05/2014 11:21:00 +07:00

(VTC News) – Các luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên tiếp tục khẳng định thân chủ mình không có tội trong phần tranh tụng sáng 28/5.

(VTC News) – Các luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Kiên tiếp tục khẳng định thân chủ mình không có tội trong phần tranh tụng sáng 28/5.

Sáng 28/5, phiên xử sơ thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm về các tội danh "Kinh doanh trái phép", "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Trốn thuế" tiếp tục diễn ra với phần bào chữa của các Luật sư.


Để bào chữa về hành vi “Kinh doanh trái phép”, Luật sư Hoàng Đôn Hùng (bào chữa cho bị cáo Kiên) trình chứng cứ là đăng ký kinh doanh của một số doanh nghiệp nhằm bảo vệ quan điểm rằng nhiều doanh nghiệp trong đăng ký kinh doanh không có nội dung đầu tư tài chính nhưng thực tế có hoạt động góp vốn, mua bán cổ phần.

Về hành vi “trốn thuế”, luật sư đưa ra một số văn bản do B&B gửi cơ quan Thuế để tìm hướng dẫn về việc thực hiện pháp luật về thuế.

Các bị cáo trước tòa. Ảnh: TTXVN

Về chủ trương cấp hạn mức 700 tỷ đồng để đầu tư cổ phiếu tại ACB, luật sư cho rằng quyết định của Thường trực Hội đồng Quản trị ACB là một quyết định bình thường, không nêu về chủ trương mua cổ phiếu của ACB.

Mối quan hệ hợp tác giữa ACBS và ACI, ACI-HN phù hợp với pháp luật, ACBS không thực sự mua cổ phiếu của ACB. Cơ quan kiểm toán PwC cũng cho rằng không có dấu hiệu bất hợp pháp trong các hợp đồng hợp tác này. Mối quan hệ giữa các ngân hàng liên quan là quan hệ liên ngân hàng bình thường.

Cũng theo luật sư Hùng, nếu truy tố các hoạt động này thành tội danh “Cố ý làm trái” là can thiệp vào công việc kinh doanh bình thường, gây rối loạn môi trường hoạt động của các doanh nghiệp.

Người bào chữa cho bị cáo Kiên nói, tài sản mà VKS cho rằng đã mất thì ACB, ACBS vẫn đang sở hữu và thụ hưởng. Đại diện ACB cũng xác định là ngân hàng này không có thiệt hại gì trong việc ACBS hợp tác với ACI, ACI-HN.

Về việc ACB ủy thác cho nhân viên gửi tiền cho ngân hàng khác, luật sư Hoàng Đôn Hùng cho rằng không vi phạm Điều 106 Luật các tổ chức tín dụng 2010 vì không có văn bản nào cho rằng điều luật này phải thực hiện sau khi có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.

Về khoản tiền bị Huyền Như chiếm đoạt, luật sư nêu quan điểm cho rằng đó là số tiền của VietinBank, do các cá nhân gửi tại VietinBank chứ không phải Huyền Như chiếm đoạt của ACB.

Việc VietinBank không chịu trách nhiệm về số tiền bị chiếm đoạt gây mất lòng tin của người gửi tiền. Luật sư cáo buộc cách thức quản lý của VietinBank quá sơ hở nên để Huyền Như chiếm đoạt tiền. Sai phạm của VietinBank là nguyên nhân trực tiếp để Huyền Như phạm tội.


Kết thúc phần bào chữa của mình, luật sư Hoàng Đôn Hùng kiến nghị tuyên Nguyễn Đức Kiên vô tội.

Tiếp tục bào chữa cho bị cáo Kiên, luật sư Vũ Xuân Nam cho rằng, nội dung cơ quan điều tra cho rằng ông Kiên có vai trò chính trong việc điều hành ACB, cụ thể là việc ủy thác nhân viên gửi tiền và việc ACBS hợp tác mua cổ phiếu của ACB, tuy nhiên từ năm 2008, ông Kiên đã chủ động rút lui khỏi HĐQT ACB. Hội đồng sáng lập (Nguyễn Đức Kiên là Phó Chủ tịch) có nhiệm vụ tư vấn.

Việc thành lập Hội đồng sáng lập là đúng pháp luật, điều lệ của ACB về bộ máy giúp việc. Không có chứng cứ nào về việc bị cáo Kiên gây sức ép thành lập Hội đồng sáng lập và gây sức ép với HĐQT.

Hội đồng sáng lập và hội đồng đầu tư không phải là thành phần trong bộ máy pháp định của ngân hàng nên bị cáo Nguyễn Đức Kiên không phải là chủ thể hành vi “cố ý làm trái”. Việc Nguyễn Đức Kiên nêu ý kiến, ý tưởng không thể coi là hành vi vi phạm pháp luật…


Về chủ trương ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các ngân hàng khác, cơ quan điều tra cho rằng bị cáo Kiên gây sức ép với lãnh đạo ACB thực hiện hoạt động này và cho rằng hoạt động này là vi phạm pháp luật, nhưng Luật sư Vũ Xuân Nam cho rằng việc ủy thác này đã được ACB thực hiện từ năm 2005.

Phiên tòa tiếp tục diễn ra với phần tranh tụng.

Nguyễn Dũng

Bình luận
vtcnews.vn