Luật sư Phan Trung Hoài bào chữa song song cho Đinh La Thăng, Phạm Công Danh ở hai phiên tòa

Pháp luậtThứ Bảy, 06/01/2018 17:43:00 +07:00

Luật sư Phan Trung Hoài khẳng định sẽ bào chữa song song cho cả ông Đinh La Thăng và Phạm Công Danh ở hai phiên tòa.

Theo dự kiến, ngày 8/1, TAND TP.HCM sẽ tiến hành phiên xét xử đối với Phạm Công Danh (53 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng (VNCB), Tổng Giám đốc Tập đoàn Thiên Thanh) và Trầm Bê (59 tuổi, nguyên Phó chủ tịch thường trực HĐQT Sacombank) cùng 44 đồng phạm cùng về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Phiên xét xử do thẩm phán Phạm Lương Toản (Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM) làm chủ tọa cùng thẩm phán Huỳnh Thị Việt Tiên và 3 hội thẩm, 2 thư ký và 2 thẩm phán dự khuyết.

Đại diện VKS tham gia phiên tòa là ông Trần Quỳnh Lan và bà Nguyễn Việt Liên. Phiên xét xử dự kiến sẽ kéo dài tới ngày 7/2.

Phạm Công Danh,Trầm Bê,Sacombank,ngân hàng xây dựng

Phạm Công Danh và Trầm Bê.

Hiện có tới 70 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo. Riêng Phạm Công Danh mời 7 luật sư bào chữa cho mình, trong đó có luật sư Phan Trung Hoài (Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, thành viên Đoàn Luật sư TP.HCM).

Đáng nói, luật sư Phan Trung Hoài còn tham gia bào chữa cho ông Đinh La Thăng, phiên xét xử vụ án của ông Đinh La Thăng cũng được xét xử vào ngày 8/1.

Trao đổi nhanh với VietNamNet qua điện thoại khi đang làm việc với ông Đinh La Thăng trong trại giam, luật sư Hoài khẳng định, ông vẫn tham gia bào chữa song song cho cả hai bị cáo ở hai vụ án khác nhau, dù khoảng cách tới gần 2.000 km.

“Tôi vẫn tham gia bào chữa song song, điều này không ảnh hưởng gì cả”, luật sư Hoài khẳng định.

Phiên tòa sẽ triệu tập khoảng 200 người tham gia với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng. Trong đó có bà Hứa Thị Phấn (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Tín).

Trước đó, tháng 8/2017, khi bị đưa ra xét xử trong đại án OceanBank bà Phấn đã có đơn xin vắng mặt với lý do bệnh nặng, bị mất tới 93% sức khỏe. Trong lần triệu tập này, nhiều khả năng bà Phấn sẽ tiếp tục xin vắng mặt.

Ngoài đại gia Hứa Thị Phấn, một loạt các đại gia khác cũng được triệu tập là ông Trần Quý Thanh (Tập đoàn Tân Hiệp Phát), bà Trần Ngọc Bích (con gái ông Trần Quý Thanh), ông Trần Bắc Hà (nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV), bà Vũ Bạch Yến (Chủ tịch HĐQT Ngân hàng CBBank)...

7 ngân hàng liên quan tới vụ án cũng được mời tới tòa gồm: Ngân hàng Xây dựng (VNCB nay là CBBank), Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh Tân Phú và Láng Hạ, Ngân hàng Bản Việt, Ngân hàng Đại Dương và Đoàn giám định Ngân hàng Nhà nước gồm 8 người (có trụ sở TP Hà Nội) cũng được triệu tập tham gia tố tụng.

Ngoài ra còn có 39 công ty, tập đoàn cũng được mời tới tòa với tư cách là “Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan”.

Theo điều tra, từ năm 2013 - 2014, Phạm Công Danh cần tiền để sử dụng mục đích riêng nhưng không thể vay trực tiếp tại VNCB.

Do vậy, Danh đã chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên VNCB và Tập đoàn Thiên Thanh sử dụng 29 lượt công ty do Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân, lập 29 bộ hồ sơ khống đứng tên các công ty đó vay vốn tại Sacombank, TPBank, BIDV.

Ngoài ra, Danh đã chỉ đạo việc lập khống hồ sơ vay, gửi hơn 6.600 tỷ đồng của VNCB sang 3 ngân hàng này rồi dùng số tiền đó cầm cố, bảo lãnh, trả nợ thay cho các công ty do Danh thành lập hoặc mượn pháp nhân.

Do các công ty này chỉ làm hồ sơ vay khống, không thực hiện kinh doanh theo phương án đã cam kết trong hợp đồng tín dụng nên không có tiền trả nợ; VNCB thực hiện bảo lãnh nhưng không yêu cầu cầm cố, thế chấp tài sản nên đến nay không thu hồi được tiền bảo lãnh từ các công ty trên. Hành vi này của Phạm Công Danh đã khiến VNCB bị thiệt hại hơn 6.100 tỉ đồng.

Video: Ông Đinh La Thăng đối diện án 10-20 năm tù

Đặc biệt, thời điểm Phạm Công Danh là Chủ tịch HĐQT VNCB dù không thuộc đối tượng được vay vốn tại VNCB và cũng không thuộc đối tượng được VNCB cấp tín dụng nhưng đã cố tình chỉ đạo việc ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết về việc dùng tiền của VNCB gửi liên ngân hàng với Sacombank, TPBank, BIDV; dùng tiền gửi này để cầm cố, bảo lãnh cho chính các công ty của Danh vay vốn.

Ngoài ra, Phạm Công Danh còn dùng tiền gửi VNCB bảo lãnh cho các công ty vay vốn tại ngân hàng nhưng không hạch toán ghi nợ cho bên được bảo lãnh và không yêu cầu bên được bảo lãnh hoàn trả ngay trong ngày số tiền gửi và VNCB đã phải tất toán trước hạn để trả nợ thay cho các Công ty của Danh.

Tháng 4/2013, Phạm Công Danh đã đến gặp ông Trầm Bê đề nghị ông Bê cho vay tiền do cả hai có quen biết từ trước.

Biết ông Danh là chủ tịch HĐQT của VNCB, không thể vay tiền của chính VNCB nên Trầm Bê đã đồng ý cho Danh vay tiền tại Sacombank với tài sản đảm bảo là tiền gửi của VNCB tại Sacombank.

Ông Trầm Bê đã trực tiếp dẫn Phạm Công Danh đi gặp tổng giám đốc Sacombank Phan Huy Khang và chỉ đạo ông Khang cho Danh vay 1.800 tỉ đồng. Sau đó Phạm Công Danh đã chuyển số tiền trên để trả nợ cho BIDV.

Theo điều tra, tổng số tiền Phạm Công Danh cùng đồng phạm gây thiệt hại trong cả 2 giai đoạn của vụ án là hơn 15.000 tỷ đồng.

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn