Luật sư của bị cáo Hoàng Công Lương: Bộ Y tế vẫn chưa hiểu tiêu chuẩn AAMI

Pháp luậtThứ Hai, 28/05/2018 13:50:00 +07:00

Bào chữa cho bác sĩ Hoàng Công Lương sáng nay, luật sư Hồng Phúc nói: "Bộ Y tế trả lời bắt buộc phải xét nghiệm tồn dư hóa chất, nhưng nghiên cứu tiêu chuẩn AAMI của Hoa Kỳ, chúng tôi thấy rằng Bộ Y tế vẫn chưa hiểu gì về tiêu chuẩn này".

Sáng nay (28/5), luật sư Trần Hồng Phúc tiếp tục bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương.

Luật sư Phúc đã nhắc đến lời của GS. Nguyễn Anh Trí – Đại biểu Quốc hội khóa 14, nguyên Viện trưởng Viện huyết học và truyền máu Trung ương trên báo chí.

Trong đó ông Trí khẳng định: “Bác sĩ Lương có trách nhiệm khám chữa bệnh, không có trách nhiệm cũng như khả năng biết hệ thống lọc nước đã đạt yêu cầu, không tồn dư hóa chất. Nếu tôi trong trường hợp của Lương, khi biết hệ thống lọc nước đã sửa chữa xong, tôi cũng sẽ làm như anh ấy là chạy thận cho bệnh nhân!”.

hong phuc 1

Luật sư Trần Hồng Phúc bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương. 

Trong phần bào chữa khoảng 4 giờ đồng hồ, luật sư Phúc tập trung vào vấn đề có hay không trách nhiệm của bác sĩ Hoàng Công Lương trong vụ việc này, đồng thời chỉ ra những thiếu sót trong việc ban hành quy trình, quy chuẩn chạy thận của Bộ Y tế.

Luật sư Trần Hồng Phúc đề cập đến công văn của Bộ Y tế trả lời Cơ quan cảnh sát điều tra (CQCSĐT) - Công an tỉnh Hòa Bình. Theo bà Phúc, trong quá trình điều tra, CQCSĐT đã gửi 6 câu hỏi lên Bộ Y tế và được phúc đáp bằng công văn 4342.

Một trong số những câu hỏi của CQCSĐT là: "Sau khi sửa chữa hệ thống nước RO số 2 có cần thiết phải xét nghiệm kiểm tra sinh hóa tiêu chuẩn nước trước khi đưa hệ thống lọc nước vào sử dụng hay không, căn cứ vào văn bản nào và hướng dẫn cụ thể nào?"

Tuy nhiên, theo bà Phúc, khi Bộ Y tế có công văn phúc đáp, đã thêm thuật ngữ "AAMI" vào câu hỏi của cơ quan điều tra, có nghĩa Bộ Y tế đã tự ý biên tập, chỉnh sửa câu hỏi gốc của cơ quan điều tra.

Theo vị luật sư này, việc chỉnh sửa này có thể do lỗi đánh máy, nhầm lẫn nhưng đã gây ra "hiểu lầm tai hại".

Bởi theo bà Phúc, trong bản luận tội của Viện Kiểm sát (VKS) đã xác định cần phải chờ kết quả xét nghiệm AMMI, nếu không chờ kết quả này sẽ phát sinh thêm trách nhiệm của các bị cáo.

Qua phân tích nêu trên, luật sư Trần Hồng Phúc cho rằng không phải VKS mà chính Bộ Y tế mới là cơ quan buộc tội các bị cáo trong vụ án này.

Luật sư Phúc cũng cho rằng, việc Bộ Y tế đã gửi công văn cho cơ quan CSĐT tự ý đưa tiêu chuẩn AAMI của Mỹ vào công văn, rất dễ gây nhầm lẫn là xét nghiệm AAMI có cần thiết hay không. Bản thân Bộ Y tế cũng chưa trả lời được là xét nghiệm AAMI có cần thiết hay không.

Luật sư Phúc nhận định: “Bộ Y tế trả lời bắt buộc phải xét nghiệm tồn dư hóa chất, nhưng nghiên cứu tiêu chuẩn AAMI của Hoa Kỳ chúng tôi thấy rằng Bộ Y tế vẫn chưa hiểu gì về tiêu chuẩn này. Xét nghiệm AAMI là xét nghiệm cho 25 chỉ số lý hóa. Tuy nhiên, hợp đồng giữa BVĐK tỉnh Hòa Bình và Công ty Thiên Sơn chưa cụ thể là xét nghiệm cái gì trong số 25 chỉ số này.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo thêm 2 xét nghiệm vi khuẩn nhưng nó là chỉ số cuối, như vậy Bộ Y tế đã bỏ qua 23 tiêu chuẩn ban đầu và chỉ khuyến cáo xét nghiệm 2 chỉ số vi sinh. Vậy 23 chỉ số lý hóa có cần thiết phải xét nghiệm hay không? Bộ Y tế cũng chỉ khuyến cáo chứ không bắt buộc".

Video: Xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương: Nữ luật sư rơi nước mắt sau nhiều tiếng bào chữa

Tại phiên tòa, ông Đỗ Đình Vận - Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hoà Bình và bác sỹ Hoàng Công Tình (Phụ trách khoa Hồi sức tích cực BVĐK tỉnh Hòa Bình) đều khẳng định không cần thiết phải xét nghiệm AAMI vì phải dừng máy trong 10-15 ngày.

Trong thời gian chờ đợi đó sẽ lại phát sinh vi khuẩn trên hệ thống và lại phải xét nghiệm tiếp. Do đó, chỉ cần xét nghiệm tồn dư hóa chất ngay tại chỗ.

Xét nghiệm tồn dư hóa chất là xét nghiệm độc lập với AAMI sau sửa chữa, nhưng chỉ đơn giản bằng que thử và chỉ mất vài phút. 

Luật sư Phúc cho rằng chính sự “non yếu về mặt kiến thức” của Bộ Y tế đã dẫn đến việc không hiểu cái gì là bắt buộc, cái gì là khuyến cáo. Do đó, nhà thầu và bệnh viện đã không có sự ràng buộc trong hợp đồng.

"Tất nhiên, không ai có thể phủ nhận giá trị của AAMI, đó là tiêu chuẩn 5 sao cho hành trình dẫn nước RO vào cơ thể người bệnh. Nhưng ở thời điểm xảy ra sự cố, chúng ta mới bừng tỉnh và bắt đầu tìm hiểu về tiêu chuẩn AAMI" - luật sư Trần Hồng Phúc nói.

Nhóm PV
Bình luận
vtcnews.vn