Luân chuyển ông Nguyễn Thiện Nhân có 'lãng phí' không?

Thời sựThứ Hai, 02/12/2013 02:09:00 +07:00

(VTC News)- Câu hỏi thẳng thắn về việc luân chuyển Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân sang MTTQ được cử tri nêu ra tại buổi tiếp xúc cử tri TP.HCM sáng nay (2/12).

(VTC News) - Câu hỏi thẳng thắn về việc luân chuyển Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân sang MTTQ được cử tri nêu ra trong buổi tiếp xúc sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII sáng ngày 2/12 tại TP. HCM.

Sáng 2/12, ngay sau kì họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các thành viên tổ đại biểu Quốc hội đơn vị số 1 – đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã có buổi tiếp xúc với các cử tri Q.1, TP.HCM.

Tại buổi tiếp xúc, sau khi nghe báo cáo về kết quả của kỳ họp Quốc hội vừa qua, cử tri Q.1 đã liên tục đăng ký phát biểu đến những vấn đề thiết yếu, liên quan đến cuộc sống hằng ngày của người dân.

Cử tri Nguyễn Đình Tuấn nói về tiêu cực, nhũng nhiễu trong bộ máy, chính quyền: Lãnh đạo không nên dừng lại ở sự cảm thông, chia sẻ với những bức xúc đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ với người dân, mà cần phải có thêm nhiều hành động quyết liệt nhiều hơn nữa.

“Những ngôn từ mạnh mẽ cần phải được áp dụng vào thực tế, chứ không phải chỉ đánh bóng cho các bài phát biểu của lãnh đạo. Đừng để tới lúc lãnh đạo ‘quyết’ rồi sau đó là ‘liệt’ luôn, chẳng thấy đâu nữa” – ông Tuấn thẳng thắn nêu.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, cử tri, Q.1.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trò chuyện với các cử tri Q.1, TP.HCM sáng 2/12 (Ảnh: N.D) 
Việc tranh chấp biển đảo giữa Việt Nam và các nước vẫn tiếp tục là đề tài ‘nóng’, thu hút sự quan tâm của cử tri TP.HCM.

Cử tri Phạm Đức Hùng cho rằng, biển đảo của chúng ta đã có từ trước, chẳng có ‘tranh chấp’ với ai, mà là tài sản của chúng ta bị kẻ khác lẻn vào nhà lấy đi mất. Do đó, việc dùng từ ‘tranh chấp’ khi nói về một số khu vực tại biển Đông giữa nước ta và các nước khác, có thể sẽ gây ra ngộ nhận cho nhân dân.

Vấn đề nhân sự, lãnh đạo cấp cao vừa được bầu tại kỳ họp lần thứ 6 vừa qua cũng được cử tri Q.1 bày tỏ nhiều ý kiến băn khoăn.

Về trường hợp của Uỷ viên Bộ Chính trị - nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân luân chuyển sang làm Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam (MTTQ VN), cử tri Nguyễn Hữu Mỹ nêu quan điểm: “Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân là người đã từng kinh qua rất nhiều các chức vụ, có trình độ cao, am hiểu khoa học kỹ thuật, nhưng nay được chuyển sang MTTQ VN công tác thì liệu có ‘lãng phí’ cán bộ hay không?”

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã trả lời: Việc chuyển nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân sang làm công tác mặt trận đã được cân nhắc rất kĩ. Thêm nữa, lãnh đạo mặt trận cũng có đề nghị cần có một người trong Bộ Chính trị chuyển qua công tác.

“Đây là nguyện vọng không phải của cục bộ, mà là của tuyệt đại đa số các thành viên trong mặt trận. Chúng ta cần phải ngày càng coi trọng hơn công tác của mặt trận. Cần phải thay đổi ngay suy nghĩ mặt trận chỉ quan trọng trước bầu cử, còn sau đó thì không”. – Chủ tịch nước giải thích tiếp.

Về vụ án oan chấn động ở Bắc Giang, cử tri Lê Đình Cang thẳng thắn cho rằng: Vấn đề án oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn được trả lời trước kỳ họp Quốc hội vừa qua là chưa nhìn thẳng vào lỗi của các cơ quan phụ trách, mà còn đổ lỗi cho chỗ này, chỗ kia.

Cao ốc, làng mạc đan xen của hai quận mới ở Hà Nội
Cử tri Q.1, TP.HCM phát biểu tại buổi tiếp xúc với đại biểu Quốc hội (Ảnh: N.D) 
Song song với đó, các cử tri ở Q.1 – TP.HCM cũng đề nghị Quốc hội cần phải giám sát, quan tâm nhiều hơn nữa đến vấn đề bội chi ngân sách, tình hình y đức của ngành y tế, quan tâm đến đồng bào lũ lụt tại miền Trung, trái phiếu Chính Phủ…

Chủ tịch nước cũng hoan nghênh, đánh giá cao, tiếp thu những ý kiến đóng góp, chia sẻ thẳng thắn của các cử tri trong buổi tiếp xúc với đại biểu Quốc hội. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đề nghị trong những lần tiếp xúc cử tri tới, Q.1 cần chuẩn bị trước hội trường rộng hơn để đông đảo người dân có thể đến, gặp đại biểu Quốc hội để bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình.

Đối với bản Hiến pháp không được 100% đại biểu Quốc hội tán thành, bấm nút thông qua, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng, do tình hình dân chủ trong Đảng, trong xã hội ngày càng phát triển, nên ngày càng sẽ có nhiều cách tiếp cận, và ‘chúng ta cần phải tôn trọng những ý kiến khác nhau, cần phải tập thói quen này’.

Việt Dũng

Bình luận
vtcnews.vn