Lửa đàm

Tổng hợpThứ Năm, 23/06/2011 04:28:00 +07:00

Khởi nguồn từ sức mạnh của ngọn lửa hữu hình, con người lãng mạn hơn đã biết tạo ra nhiều phiên bản lửa vô hình: Lửa trái tim, lửa trong mắt, lửa cách mạng...

 
    Lửa xuất hiện đánh dấu bước ngoặt quan trọng bậc nhất của loài người. Từ trong đêm đen lạnh lẽo của thuở hồng hoang trời đất, lửa đã vô tình đem đến cho con người những dạ tiệc và cái ấm áp dễ chịu. Những lớp tro tàn của hàng triệu năm địa chất đã minh chứng điều đó. Theo thần thoại Hy Lạp, khi thấy trần gian sống trong tăm tối và giá lạnh, thần Prômêtê nhân hậu đã đánh cắp lửa trên đỉnh Ôlempơ đem đến cho con người. Hành động vì con người đó của Prômêtê đã làm cho thần Zớt tức giận và kết quả là Prômêtê đã bị trừng phạt.

 Prômêtê bị xiềng và chịu nhục hình trên vách núi cao. Mỗi một ngày thần Zớt sai một con đại bàng đến moi tim của Prômêtê để ăn. Song thần Prômêtê bất tử, nên quả tim này mất đi, quả tim khác được tái sinh. Đó là câu chuyện với sự tưởng tượng tuyệt vời nhất của con người, để nói rằng có được ngọn lửa, có được ánh sáng là một sự đánh đổi.

 Trong truyện ngắn “ Bà lão Izecghin”, M. Goorki bằng bút pháp lãng mạn đã khắc hoạ một Đankô quả cảm, thông minh, biết làm cho trái tim mình biến thành ngọn lửa lộng lẫy soi đường cho mọi người. Trái tim Đankô của M. Goorki đã làm say mê hàng triệu độc giả vì vẻ đẹp lung linh, kỳ ảo của nó.

 Từ ngọn lửa của những đêm dài mông muội và thần thoại ta lại nghĩ về cuộc đời. Con người có nhiều ước mơ, con người luôn có khát vọng khám phá những chân trời xa lạ. Nhưng để làm được những điều không giản đơn ấy, con người cần phải tự mình thắp lên ngọn lửa trong trái tim mình. Đó là ngọn lửa đam mê, sáng tạo, ngọn lửa của lòng nhiệt tình, nhẫn nại để vượt qua những thách thức đầy rẫy trước mắt. Nếu như không có ngọn lửa ấy trong cuộc sống thì sự lười biếng, dối trá, vị kỷ sẽ xuất hiện và thiêu cháy đi những ước mơ bé nhỏ nhất.

 
Bởi vậy nên không phải ngẫu nhiên loài người suy tôn lửa như một năng lượng nghị lực đầy tiềm năng, và Thế vận hội Olympic đã rước đuốc lửa từ ngọn núi Olympia – nơi có ngọn lửa thiêng – tiếp lửa qua các quốc gia khắp Châu lục, để tới quốc gia tổ chức Thế vân hội như một nghi lễ.

Và cũng từ sức mạnh của ngọn lửa hữu hình, con người lãng mạn hơn đã biết tạo ra nhiều phiên bản lửa vô hình, có sức mạnh không kém gì sức mạnh của ngọn lửa hữu hình, có khi còn hơn thế nữa: Lửa trái tim, lửa trong mắt, lửa lòng, lửa cách mạng…

    Khởi đầu lửa trái tim xuất hiện trong thi ca. Con người có tâm hồn nghệ sĩ đã đưa lửa vào tác phẩm như một sức mạnh tinh thần mà trước nhất là trong tình yêu. Thế giới có tình yêu cháy bỏng “Romeo và Juliet”, Việt Nam có “Lửa Đamsan”. Sau này thì “Mắt em nhìn thiêu đốt trái tim tôi”, để khi thất vọng phải “Tắt lửa lòng”. Trong ca khúc “Nhớ” của Nguyễn Đình Thi có ca từ “Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh”, và “Bước chân trên dải Trường Sơn” của nhạc sĩ Vũ Trọng Hối lại có câu “Ta đi trong ánh lửa từ trái tim mình”. Các chính trị gia cũng đưa lửa vô hình tạo hình tượng “Lửa cách mạng”. Phân loại chiến tranh thành chiến tranh “nóng” (có máu lửa) và chiến tranh “lạnh” (đòn tâm lý). Thời sự nhất về địa chính trị hiện giờ có các điểm “nóng” về quyền lực và sắc tộc như Bắc Phi, Trung Đông ngày nào cũng có lửa và máu đổ.

  Khi vợ Lão Tử chết, ông không khóc. Bạn hỏi: “Vợ chết mà sao ông cười?” Lão Tử cười to hơn: “Phút lâm chung bà ấy nói: Tình yêu anh dành cho em bấy nay nồng nàn như lửa. Vậy là em chết trong hạnh phúc. Đừng khóc. Làm em không siêu thoát!”

  Một nhà nghiên cứu mỹ thuật thế giới cho rằng, năm 1911 danh họa Picasso gặp cô Eva Gouel ở quán café Hermitage – Paris là một cuộc gặp gỡ định mệnh, đã thắp sáng ngọn lửa sáng tạo nghệ thuật của họa sĩ thiên tài này. Năng lượng tình yêu đã thắp sáng tài năng ông!”

  Bạn tôi, trong bốn năm liền anh ta viết như điên ra tới bốn tập sách. Hỏi, anh nói: Viết được như thế là bởi được rọi lửa từ… một người con gái. Anh  còn mượn lời thơ Xuân Diệu khoe rằng “Cục ta cục tác. Ta đẻ trứng này ta có trứng khác!”

  Nhưng không phải tất thảy con người đều có được sự sáng tạo từ lửa trong phân khúc tình yêu. Mà còn có ngọn lửa thuộc phân khúc trách nhiệm phản thân (không ai giao phó). Đó là ngọn lửa của hào quang nghề nghiệp, ngọn lửa của sự cống hiến vô điều kiện cho nhân loại.

  Suốt cuộc đời ông bà Marie Curie chỉ tập trung nghiên cứu Vật lý nguyên tử với một chất radium duy nhất, để rồi nhân loại vinh danh ông bà bằng Giải thưởng Nobel vào năm 1935. Nhà văn Nga L.Tolstoi thì để lại cho nhân loại bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ “Chiến tranh và hòa bình”, mà trong đó có số phận tới 650 nhân vật, mang lại cho ông niềm vinh quang lớn và danh tiếng trên toàn thế giới. Nhà sinh vật học Nga Mitsurin toàn tâm toàn sức cho việc lai tạo trái lê mang mùi táo và trái táo mang mùi lê, khẳng định ưu thế lai: “Hai giống khác nhau phối với nhau sẽ cho giống con trội hơn giống bố”. Nhà văn Hoàng Quốc Hải năm ngoái cho ra đời bộ tiểu thuyết lịch sử “Tám triều Vua Lý” bốn tập mỗi tập gần 700 trang, mà anh đã phải vật vã viết ròng rã suốt hơn hai chục năm trời. Mà trước đó cũng đã phải vật vã như thế với bộ tiểu thuyết lịch sử sáu tập “Bão táp triều Trần”. Và một tuần lễ trước trong chương trình VIPTALK kênh VTC HDVIP tôi giật mình nhận ra Nhà văn hóa – Nhà phê bình Mỹ thuật – Họa sĩ Phan Cẩm Thượng đã sang chùa Bút Tháp “ở ẩn” để có điều kiện ngủ ít làm việc nhiều, viết cuốn “Văn minh vật chất người Việt” già 600 trang. Tất nhiên là anh cũng phải dành thời gian vẽ tranh bán mới có “lửa” nuôi sống mình sưu tầm tư liệu, nghiên cứu và viết sách.

  Ngọn lửa được thắp sáng bằng niềm tin trong trẻo và khát vọng trong trái tim nhân hậu sẽ giúp cho con người đến được bến bờ vinh quang và hạnh phúc. Cuộc sống dường như đã có những bài học về sự trả giá cho những gì thuộc về con người. Vì vậy, “Đi trên chính đôi chân của mình”, “Hãy tự mình thắp lửa mà đi” không phải là những ngôn từ sáo rỗng trong khi con người đã dần quen dựa dẫm, ỷ lại và đi trên đôi chân của người khác. Những ngẫu tượng trong cuộc sống khi đã trở nên phổ biến thì sự đánh thức ngọn lửa trong lòng mỗi một con người là rất cần trước khi nó bị lụi tàn.

Khiếu Quang Bảo – Đinh Lăng

Bình luận
vtcnews.vn