Lựa chọn các doanh nghiệp ‘đầu tàu’ giúp ‘lột xác’ nông sản Việt

Kinh tếThứ Sáu, 21/02/2020 09:40:00 +07:00
(VTC News) -

Công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản Việt Nam đặt mục tiêu “đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới”, là trung tâm chế biến sâu và logistics nông sản toàn cầu vào 2030.

 

Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết như trên tại Hội nghị trực tuyến “4.0 thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản, cơ giới hóa nông nghiệp” ngày 21/2.

Đây là hội nghị do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì. Hội nghị có sự tham dự của gần 500 đại biểu đại diện cho các bộ, ban, ngành, UBND các tỉnh, thành phố và đại diện một số viện, trường, hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu biểu trong lĩnh vực nông nghiệp.

Lựa chọn các doanh nghiệp ‘đầu tàu’ giúp ‘lột xác’ nông sản Việt - 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến sáng 21/2. (Ảnh: T.Đ)

Ông Cường cho biết, 10 năm qua, công nghiệp nông nghiệp phát triển mạnh, áp dụng trong nhiều khâu của chuỗi sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, công nghiệp chế biến nông sản làm nền nông nghiệp thay đổi nhanh từ tự cung tự cấp sang xuất khẩu.

Nhiều địa phương đã hình thành và phát triển hệ thống công nghiệp chế biến nông sản có công suất thiết kế đảm bảo chế biến khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu nông sản/năm, có trên 7.500 doanh nghiệp quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu.

Cơ giới hóa trong nông nghiệp ngày càng được áp dụng rộng rãi, tỷ lệ cơ giới hóa khâu làm đất cây nông nghiệp đạt 94%, khâu gieo, trồng đạt 42%, các khâu chăm sóc đạt 77%, khâu thu hoạch lúa đạt 65%...

Kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng mạnh, bình quân 8-10% trong nhiều năm qua (năm 2019 đạt mức kỷ lục 41,3 tỷ USD).

Lựa chọn các doanh nghiệp ‘đầu tàu’ giúp ‘lột xác’ nông sản Việt - 2

Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường. (Ảnh: T.Đ)

Tuy nhiên ngành nông nghiệp cũng đang đối mặt những thách thức về hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và tác động của biến đổi khí hậu, đe dọa trực tiếp tới sản xuất nông nghiệp, nhất là nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp chế biến nông sản và trình độ công nghệ thích ứng ngày càng cao của lĩnh vực cơ giới hóa nông nghiệp.

Do đó ông Cường nhấn mạnh nâng cao năng lực công nghiệp chế biến và thúc đẩy cơ giới hóa trong nông nghiệp là nội dung căn bản góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cho nông sản.

“Chỉ có đầu tư phát triển công nghiệp chế tạo máy, thiết bị nông nghiệp theo hướng chuyên sâu cho những sản phẩm ngành hàng chủ lực mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh cao mới đáp ứng được nhu cầu của nền sản xuất hàng hóa lớn và yêu cầu của thị trường tiêu thụ”, ông Cường phân tích.

Bên cạnh đó, áp dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ 4.0 và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp sẽ đảm bảo kiểm soát được chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường tiêu thụ, bảo vệ tốt môi trường.

Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng cho rằng cần chú trọng tập trung phát triển các cụm liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ nông sản tại các địa phương, các vùng có sản lượng nông sản lớn, thuận lợi giao thông, lao động, logistics, có tiềm năng trở thành động lực tăng trưởng cho cả khu vực.

Đồng thời, lựa chọn các doanh nghiệp “đầu tàu” có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ và thị trường để dẫn dắt chuỗi giá trị, vận hành một cách thông suốt, hiệu quả các cụm liên kết trồng lúa, cụm liên kết trồng rau và cây ăn quả, cụm liên kết trồng cây công nghiệp, cụm liên kết chế biến gỗ, cụm liên kết vùng sản xuất - chế biến và tiêu thụ trong nội bộ của các tỉnh có các mặt hàng nông sản chủ lực và đặc sản của địa phương.

Cùng đó là đầu tư phát triển công nghiệp chế tạo máy và thiết bị phụ trợ cho ngành nông nghiệp theo hướng chuyên sâu. Hình thành và phát triển hệ thống logistics đồng bộ gắn với việc phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng các nhà máy chế biến để giảm chi phí sản xuất cho những sản phẩm ngành hàng chủ lực mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh cao.

Đầu tư đổi mới công nghệ, hiện đại hóa trang thiết bị cơ giới hóa trong nông nghiệp và chế biến nông sản, thực hiện áp dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ 4.0 và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp để đảm bảo kiểm soát được chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng tốt các yêu cầu của thị trường tiêu thụ, bảo vệ tốt môi trường.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho chế biến nông sản và cơ giới hóa nông nghiệp theo hướng đào tạo và nâng cao trình độ quản trị doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh, hội nhập quốc tế.

Người đứng đầu ngành nông nghiệp cho biết năm 2030, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản Việt Nam đặt mục tiêu “đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới”, là trung tâm chế biến sâu và logistics nông sản toàn cầu và có đủ năng lực chế biến, đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp với tốc độ tăng giá trị hàng nông sản qua chế biến sâu đạt 7-8%/năm.

“Việt Nam phải đẩy mạnh nâng cao năng lực công nghiệp chế biến nông sản và thúc đẩy cơ giới hóa trong nông nghiệp. Đây xác định là nội dung căn bản góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cho nông sản”, ông Cường cho hay.

Hòa Bình
Bình luận
vtcnews.vn