Lựa chọn báo chí đưa tin họp Thường vụ Quốc hội: Quan chức sao phải sợ 'lỡ miệng'?

Thời sựThứ Năm, 10/08/2017 17:44:00 +07:00

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng việc lựa chọn báo chí đưa tin họp Thường vụ Quốc hội chỉ vì quan chức sợ "lỡ miệng" là lý do không thể chấp nhận được với một người đại biểu của nhân dân.

Vừa qua, quy định lựa chọn báo chí để đưa tin họp Thường vụ Quốc hội đã gây xôn xao dư luận. Trả lời VTC News, luật sư Trần Quốc Thuận (Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) cho rằng người dân sẽ rất thiệt thòi nếu báo chí bị hạn chế đưa tin các phiên họp của Thường vụ Quốc hội.

tran quoc thuan

 Luật sư Trần Quốc Thuận (Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội).

- Văn phòng Quốc hội vừa ra thông báo về việc sẽ lựa chọn báo chí để đưa tin các phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dựa vào tôn chỉ mục đích của các báo. Ông có bình luận gì về vấn đề này?

Luật quy định Quốc hội họp công khai nên nếu không đủ chỗ ngồi cho phóng viên thì phải truyền hình, phát thanh trực tiếp để cho nhân dân được theo dõi.

Do không có quy định cụ thể cho hoạt động của Thường vụ Quốc hội nên vấn đề này do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tự đặt và tự quy định.

Việc này không phù hợp với xu thế công khai, minh bạch. Hiện nay, cơ quan dân cử là đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân của cả nước.

Người dân cũng không biết người đại diện cho mình làm cái gì, hoạt động ra sao, quan điểm của đại biểu ra sao trước sự việc này, sự việc kia xảy ra trong nước và thế giới. Đó là việc thiệt thòi cho cử tri và người dân.

Cử tri cử người đại diện của mình trong Quốc hội nhưng lại không biết rằng các vị Chủ nhiệm các uỷ ban, Hội đồng dân tộc, các Uỷ viên Thường vụ Quốc hội làm cái gì.

Vì vậy, tôi cho rằng phải công khai minh bạch hoạt động của Thường vụ Quốc hội trên các trang mạng để cho cử tri và nhân dân nắm được các vị đại biểu đang làm cái gì.

- Có ý kiến cho rằng ở Việt Nam có quá nhiều báo và tạp chí nên không thể mời đồng thời đưa tin họp Thường vụ Quốc hội được, thưa ông?

Ý kiến cho rằng Việt Nam có hơn 700 tờ báo, tạp chí thì vào Quốc hội không có chỗ ngồi nhưng nói như thế thì để lựa chọn những tờ báo được vào đưa tin phiên họp Thường vụ Quốc hội thì lựa chọn theo tiêu chí gì.

Có những tờ báo thông tin rộng rãi nhưng cũng có tờ báo đại diện cho ngành. Nhưng dù là giới nào, ngành nào thì cũng cần biết thông tin của Quốc hội đang làm gì.

Vậy Uỷ ban Thường vụ Quốc hội căn cứ vào tiêu chí số lượng độc giả, hay số lượng phát hành. Tôi nghĩ tiêu chí như thế nào để lựa chọn báo cần phải làm sáng tỏ.

Còn những cơ quan khác, số lượng độc giả ít nhưng họ cũng có quan tâm và cũng cần có thông tin. Rõ ràng, nếu không cho họ đưa tin thì thế nào.

Tôi cho rằng hoạt động của Thường vụ Quốc hội phải công khai, minh bạch.

Video: Quốc hội nên "đóng cửa" hay "mở cửa" với báo chí

- Trả lời báo chí, một vị Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ví dụ đối với chuyên đề về pháp luật mời các báo thiên về pháp luật thì có hợp lý không, thưa ông?

Họ nói như thế là sai. Sai cơ bản. Vì pháp luật để điều chỉnh các mối quan hệ trong xã hội. Các điều chỉnh đó tác động lên nhiều lĩnh vực. Có khi lĩnh vực điều chỉnh đó lên tất cả mọi người dân.

Nhiều bộ luật tác động lên tất cả mọi người như Bộ luật Hình sự, Bộ luật dân sự, Luật giao thông. Mọi người dân đều chịu điều chỉnh bởi các điều luật đó cả.

Tờ báo về pháp luật chỉ biết về kỹ thuật xây dựng pháp luật thôi.

thuong vu 13 3

 Phiên họp thứ 13 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. 

- Lựa chọn báo chí đưa tin họp Thường vụ Quốc hội dựa trên tôn chỉ mục đích có hợp lý không, thưa ông?

Tôi cho rằng điều đó không hợp lý. Vì những vấn đề bàn luận của Quốc hội tác động đến rất nhiều về kinh tế xã hội. Vì vậy, rất nhiều người muốn đóng góp ý kiến từ khi còn chưa thành luật.

Luật của mình mới ra đời đã phải sửa vì khi làm luật không xin ý kiến rộng rãi tất cả các đối tượng chịu tự tác động của luật đó điều chỉnh. Khi đã thành luật rồi thì họ mới biết và cho ý kiến.

Điều đó chứng tỏ luật của mình không được làm đúng theo quy trình trong luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã đặt ra. Tức là luật điều chỉnh đối tượng nào thì trước khi ban hành phải xin ý kiến đối tượng đó.

Cũng như vậy, làm gì có tờ báo nào mà đại diện cho tất cả các đối tượng. Như vậy, xác định tiêu chí lựa chọn báo chí dựa vào tôn chỉ mục đích của tờ báo là rất khó.

- Giải quyết vấn đề “chỗ ngồi không đủ” cho tất cả các cơ quan báo chí thì thế nào, thưa ông?

Vậy thì phải có một trang mạng để báo chí không vào được nhưng cũng nắm được thông tin.

Văn phòng Quốc hội phải thiết kế một mạng để phát những nội dung này. Có thể phát trên website của Quốc hội.

Phải tạo điều kiện tối đa cho báo chí, người dân tiếp cận xem Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đang làm cái gì, bàn cái gì.

- Những nội dung liên quan đến an ninh quốc gia, quốc phòng nhưng các vị quan chức Quốc hội lỡ "tiết lộ" thì sao, thưa ông?

Cái đó thì có quy định rồi, không chỉ Thường vụ Quốc hội mà ngay cả khi Quốc hội bàn những vấn đề liên quan đến an ninh quốc phòng thì đã có những luật riêng để xử lý.

 
tran quoc thuan 4

 

Có những tờ báo thông tin rộng rãi nhưng cũng có tờ báo đại diện cho ngành. Nhưng dù là giới nào, ngành nào thì cũng cần biết thông tin của Quốc hội đang làm gì.

Ông Trần Quốc Thuận

Quốc hội sẽ có những quy định riêng và báo chí cũng không được đưa tin.

Nếu mà Thường vụ Quốc hội đưa lý do đó ra để hạn chế báo chí thì nghe không có lý.

- Vậy còn những nội dung khác mà các vị Uỷ viên Thường vụ Quốc hội “lỡ miệng” thì sao, thưa ông?

Nói như thế sao được. Làm sao lúc nào cũng nói là bí mật, an ninh hay sợ vạ miệng được. Những người lãnh đạo thì trước khi nói vấn đề gì thì phải uốn lưỡi trước khi nói. Miệng nhà quan có gang có thép mà.

Các đại biểu cũng phải cân nhắc trước khi nói và nêu ra được chính kiến của mình. Điều đó phụ thuộc vào năng lực, trình độ của từng quan chức Quốc hội.

- Đối với các báo không được mời họp, nhưng tiếp cận được các tài liệu của họp báo thì có được phép đăng tải không, thưa ông?

Tôi cho không có vấn đề gì. Nếu có cấm thì Quốc hội phải có nghị quyết quy định. Không thể nói kiểu nào cũng được.

Pháp luật phải công khai, minh bạch, rõ ràng. Pháp luật không thể tuỳ tiện.

Nếu tài liệu ở Quốc hội không đóng dấu mật thì hoàn toàn có thể làm tin được. Báo chí được đưa những thông tin mà pháp luật không cấm.

- Qua sự việc này, theo ông Văn phòng Quốc hội cần rút ra bài học gì ?

Đại biểu Quốc hội là đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri cả nước. Người đại biểu phải thể hiện được chính kiến, nói gì, làm gì trước nhân dân. Nếu không thể hiện được thì rõ ràng người đó không xứng đáng là đại biểu.

Ở các nước, người đại biểu cho dân thường có các blog, các trang mạng xã hội để phát đi liên tục các thông điệp của mình, việc làm của mình.

- Xin cảm ơn ông!

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn