'Lột xác' ngoạn mục từ kẻ thân tàn ma dại thành giám đốc bưu điện

Thời sựThứ Năm, 01/05/2014 11:11:00 +07:00

Từng là “kẻ nghiện”, thân tàn ma dại, tự tử không chết, ông Nguyễn Trọng Hải đã "lột xác" và hiện nay ông đang là Giám đốc Bưu điện huyện Mường Nhé.

Từng là “kẻ nghiện”, thân tàn ma dại, tự tử không chết, ông Nguyễn Trọng Hải đã "lột xác" từ bỏ ma túy và hiện nay ông đang đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Bưu điện huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.

Từng tự tử... nhưng không chết
Nhìn dáng vẻ nhiệt tình, thân thiện, ít ai có thể tin rằng cách đây chừng 15 năm, ông Giám đốc bưu điện huyện ấy đã từng là “một người nghiện”. Một người đã từng đánh đổi cuộc sống hạnh phúc của mình để chìm đắm trong cơn vật thuốc, chìm đắm trong những phút hoan lạc của ma túy.
Đó ông Nguyễn Trọng Hải, sinh năm 1960, Giám đốc Bưu điện huyện Mường Nhé, kiêm phụ trách huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên).
Giám đốc Bưu điện huyện Mường Nhé- ông Nguyễn Trọng Hải.
Trước khi nghiện, “ông bưu tá” Nguyễn Trọng Hải có một cuộc sống khá vàng son với công việc ổn định, thu nhập vào loại tốt. Nhưng cũng chỉ vì đua đòi, muốn thử, mà ông đã nghiện ma túy từ lúc nào không rõ. Thế rồi, cơn nghiện cướp đi của ông tất cả. Tài sản trong nhà không cánh mà bay.

Gia đình không hạnh phúc, đúng lúc đó, con trai lớn của ông ốm bỏ ông mà đi. Vợ ông không chịu được cảnh “làm vợ người nghiện” cũng đã đi tìm hạnh phúc mới.
Vì nghiện, công việc tại cơ quan bê trễ, cơ quan thương tình vẫn chưa đuổi việc ông nhưng với ông tất cả đã là dấu chấm hết. Bằng giọng xúc động, ông kể: “Lúc đấy thấy đời chẳng còn gì để mất, vợ bỏ, con chết, mình nghiện, công việc bi bét, năm 1994, tôi đã uống thuốc ngủ tự tử, nhưng không chết”.
Ngừng một lát ông tiếp: “Lúc đó uống thuốc quá liều, mình ngủ một mạch 3 ngày tỉnh dậy thì vẫn còn sống... nhưng tỉnh dậy lại chích thuốc tiếp, lại rơi vào cảnh nghiện ngập”.
Ông Phạm Thành Trung, Phó phòng Kỹ thuật Nghiệp vụ Bưu điện tỉnh Điện Biên, người đã dẫn đường cho chúng tôi từ Điện Biên Phủ lên Nậm Pồ nói thêm: “Ngày đấy, ông Hải người chẳng ra người, sống vật vờ, người thì tong teo, đen đúa, công việc suốt năm loại C, hàng chục năm không nâng được lương. May Bưu điện tỉnh Điện Biên cũng tình nghĩa không nỡ đuổi việc”.
Ông Trung cũng nói thêm: “ông Hải nghiện đến mức, trong ngày cưới của mình, đang đi đón dâu, chú rể còn dừng lại tìm chỗ chích thuốc”.
Hành trình trở lại làm... giám đốc
Ông Trung cho biết: “Tôi đã có thời gian công tác, ở cùng ông Hải, chứng kiến từ đầu đến cuối quá trình cai nghiện của ông Hải. Đấy là quá trình vật vã, rất lâu”.
Ngày đó, không năm nào ông Hải không nghỉ làm để đi cai nghiện, nhưng cứ cai rồi lại nghiện lại. Nghiện lại rồi lại cai. Cuộc sống cứ luẩn quẩn như vậy.

Thấy cuộc đời bị coi thường, ghẻ lạnh, ông quyết tâm cai bằng được, đến năm 1999, ông Hải đoạn tuyệt được với ma túy.

Khi được hỏi, phải có động lực, cú huých nào mãnh liệt lắm ông mới có thể từ giã nghiện ngập chứ, ông cười hồn hậu: “Cũng chẳng có gì ngoài cảm thấy nhục quá mà cai được”
Cai nghiện xong, ông Hải trở thành người khác hẳn, cơ quan giao việc gì cũng làm và hoàn thành xuất sắc với trách nhiệm cao. Ông nghĩ, cai nghiện được đã là một may mắn và cũng nhờ sự giúp đỡ của nhiều người nên ông thấy như có nghĩa vụ phải trả nợ, cứ cố gắng làm việc mà không nghĩ gì đến quyền lợi.

Ông tâm sự: “Mình có được ngày hôm nay là nhờ Bưu điện, mình phải làm để trả cái ân cái nghĩa này”.
Và cũng may mắn cho ông, khi ông Hà Văn Vỹ lên làm Giám đốc Bưu điện tỉnh Điện Biên, ông Vỹ đã nhìn thấy sự miệt mài, cố gắng và năng lực của ông nên đã cất nhắc ông Hải lên Giám đốc Bưu điện huyện Mường Nhé.
Giám đốc Bưu điện huyện Mường Nhé Nguyễn Trọng Hải cùng phóng viên đi thực tế tại huyện Nậm Pồ.
Từ khi đảm nhận vị trí này, ông đã phát huy khả năng của mình, luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao. Mặc dù, huyện Mường Nhé là huyện có điều kiện kinh tế khó khăn với đường biên giới giáp Lào và Trung Quốc dài, nhưng ông Hải đã cùng cán bộ công nhân viên Bưu điện Mường Nhé thực hiện tốt nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ bưu chính, phát hành báo chí. Huyện có 14/16 điểm bưu điện văn hóa xã cách trung tâm huyện từ 18 - 145km.

Đường giao thông đi lại khó khăn, thường bị chia cắt vào mùa lũ, nền kinh tế chậm phát triển, chủ yếu là nông nghiệp, trình độ dân trí thấp nên ảnh hưởng đến nhiệm vụ kinh doanh, phục vụ và vận chuyển thư báo phục vụ cấp ủy đảng, chính quyền nhân dân...
Khi huyện Nậm Pồ mới thành lập, chưa có trụ sở, chưa có trung tâm bưu điện tại huyện, ông Hải đã nhận nhiệm vụ từ Ban giám đốc phụ trách quản lý luôn khu vực huyện Nậm Pồ. Lúc đầu điều kiện đi lại khó khăn, quy định ngành Bưu điện chi phí cho cộng tác viên bưu chính chỉ có 1.700 đồng/km.

Với giá quy định, điều kiện đường rừng núi mùa mưa, không ai dám nhận. Để đảm bảo nhiệu vụ chuyển công văn, thư từ, báo chí đến chính quyền nhân dân các xã miền núi, ông Hải đã mạnh dạn đề xuất ban Giám đốc Bưu điện tỉnh Điện Biên tăng lên 5000 đồng/km trong thời điểm mưa gió và cân đối trong thời điểm mùa khô. Đồng thời với việc tăng thù lao vận chuyển, ông Hải còn tìm những cán bộ tại các xã có điều kiện công tác đi lại từ xã lên huyện thường xuyên để làm cộng tác viên cho Bưu điện huyện.

Nhờ sáng kiến, quyết định mạnh dạn này nên mặc dù khó khăn nhưng giấy tờ, công văn, báo chí đến với chính quyền cấp xã và người dân kịp thời, nhanh chóng, không để xảy ra mất mát.
Vậy là sau nhiều năm nghiện ngập đến năm 1999, ông Hải đã từ bỏ được ma túy trở thành một công dân tốt, một nhân viên bưu điện mẫu mực có nhiều thành tích trong hoạt động, nhiều lần được đơn vị khen thưởng. Sau khi cai nghiện thành công, một cô giáo đã đem lòng yêu ông, chấp nhận quá khứ để vun vén gia đình cùng với ông.  Ông đã có một gia đình hạnh phúc với con ngoan, vợ hiền đảm.
Chia tay chúng tôi, ông Hải vẫn không quên nhắc lại: “Tôi có ngày hôm nay là do Bưu điện tỉnh luôn bao dung che chở, cho tôi cơ hội để sửa chữa lỗi lầm. Đặc biệt, là sự nhìn nhận của  ông Hà Văn Vỹ - Giám đốc Bưu điện tỉnh Điện Biên”.

Theo infonet
Bình luận
vtcnews.vn