Lớp tôi thời ấy

Tổng hợpThứ Bảy, 18/12/2010 01:12:00 +07:00

(VTC News) - Cứ mỗi lần gặp một biến cố nào đó trong cuộc đời tôi lại nhớ về nước Nga, về cái lớp học nhỏ của mình thời ấy...

(VTC News) - Lớp tôi dạo ấy có 7 người: Nguyễn Văn Tình (chúng tôi hay gọi là Mr Tình) là lớp trưởng; Võ Tá Lương, Nguyễn Văn Thuận, Trần Văn Mậu, tôi và hai thiếu nữ: Nguyễn Thị Việt và Phạm Thị Thu (ông thầy dạy môn ngữ pháp tiếng Anh hay gọi là Thị Việt, Thị Thu. Mặc dù hai Thị luôn phản đối một cách gay gắt: “Ở VN chỉ có khi ra Tòa người ta mới gọi là Thị”).

 
Khi ấy chúng tôi mới ở tuổi 17-18 cả. Chỉ có 7 con người ấy mà mỗi người một nết. Mr Tình thì không bao giờ giữ được cái gì lâu. Chuyện qua anh thì cả làng đều biết, cho dù có dặn đi dặn lại: “Tuyệt đối không được nói với ai đấy nhá!”. Võ Tá Lương thì dối thầy như Cuội. Học hành không bao giờ ghi chép. Vì vậy hai Thị lớp tôi gọi là Lương “chay”. Cứ hôm nào thầy kiểm tra vở là Lương lại đưa ra một quyển mới tinh: “Thưa thầy hôm nay em sang vở mới”.

Quen đến mức mỗi lần kiểm tra xong cả lớp thầy chủ nhiệm Leonhid Hichikich Ixaev bao giờ cũng quay lại phía Lương: “Lư-o-ong, hôm nay lại vở mới?”. Cả lớp cùng cười. Thầy cũng cười. Thằng Mậu là đứa trắng trẻo, thư sinh, chu đáo không kém gì Thị Thu và Thị Việt. Sách vở chỉn chu, chỉ có điều nói và diễn giải hơi chậm, lừa thầy bằng cách dán bài lên lưng áo hoặc là Thị Thu, hoặc là Thị Việt (ngồi bàn trên) để đọc. Ai cũng hiểu là thầy biết nhưng không bao giờ bắt chẹt Mậu. Còn ông Thuận (chúng tôi đều gọi là ông, chị em gọi là anh, vì anh lớn tuổi nhất, từng phục vụ trong quân đội 3 năm) thì ngơ ngơ ngác ngác.

Thầy gọi lên chủ yếu nói bằng… tay, chúng tôi phiên dịch hộ. Tôi là đứa được thầy chiều nhất, vì hay hầu cờ thầy, mặc dù chưa bao giờ thầy thắng được tôi. Tôi biết tính từng thầy cô. Tôi biết thầy chủ nhiệm Ixaev thích khúc côn cầu (Hokkey), tôi học thuộc lòng tên từng cầu thủ của các đội mạnh nhất thế giới như Nga, Canada, Tiệp Khắc, Thụy Điển, lại còn nhại giọng bình luận của BLV truyền hình Ogierov. Vào giờ, thầy kiểm tra, không ai học bài, Mr Tình nháy mắt cho tôi, thế là tôi và thầy cãi nhau cả giờ đồng hồ về trận đấu tối qua.

Còn hai Thị lớp tôi thì bài gì thầy ra họ đều làm chu đáo, thuộc làu làu. Không hiểu họ học vào lúc nào. Đối với tôi, Mr Tình, Lương bóng đá là số 1, học là số 2. Hễ ra sân mà ba chúng tôi trong cùng một đội thì không đội nào thắng nổi, kể cả đó là đội tuyển sinh viên Braxin hay Đức. Được cái trời cho cả ba thằng đều học rất nhanh. Võ Tá Lương chỉ ngồi nghe người khác trả lời rồi tóm tắt lại, thêm pha vào, thậm chí bịa thêm ra. Mr Tình có khả năng đọc thuộc một bài khóa (Text) hai ngàn từ trong vòng…15 phút. Tôi có khả năng đọc làu làu trường ca Maiacovxki một mạch cả tiếng đồng hồ. Thầy thừa biết chúng tôi là những thằng láu cá, nhưng luôn tha vì “chúng nó qúa thông minh”. Trần Văn Mậu chơi bóng chuyền như cầu thủ chuyên nghiệp, còn ông Thuận thì được cái hiền lành, ai bảo gì cũng nghe, không bao giờ tranh chấp với ai cái gì. Vì thế thầy cũng thương mà bạn bè thì quý.

Cuộc sống, học tập của chúng tôi cứ thế trôi đi. Tốt nghiệp, về nước, mỗi người một phương. Thị Việt, Thị Thu lấy chồng. Người thì về Trường Đại học Luật HN làm giáo sư, thị kia về Bộ LĐTB&XH làm công chức mẫn cán. Trần Văn Mậu trở thành quan chức ngành công an và hiện đang ở TP.HCM. Mr Tình giờ thành Cục trưởng một Cục của ngành văn hóa. Võ Tá Lương làm Tham tán thương mại chu du khắp thiên hạ. Tôi (làm thì kém, nói thì hay) nên thành nhà báo. Còn ông Thuận về quê Thanh Hóa làm ông giáo làng và biệt tăm từ đó.

Thỉnh thoảng có dịp chúng tôi lại tụ tập nhau. Tao, mày, cãi nhau loạn xị. Rồi lại chia tay mỗi người một ngã. Duy chỉ có ông Thuận là không ai biết ở đâu.

Cứ mỗi lần gặp một biến cố nào đó trong cuộc đời tôi lại nhớ về nước Nga, về cái lớp học nhỏ của mình, ở đó có Mr Tình, Lương, Mậu, anh Thuận và hai Thị: Việt-Thu!

Lê Thọ Bình cựu sinh viên Trường ĐHSP Pyatigorskơ (LB Nga)

 

Bình luận
vtcnews.vn