Lớp học đạt điểm trung bình bài thi đánh giá năng lực là 940,6

Tuyển sinhChủ Nhật, 08/05/2022 11:47:07 +07:00

Trong kỳ thi đánh giá năng lực đợt 1 do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức, lớp 12A2 trường THPT Nguyễn Khuyến (tỉnh Bình Dương) đã đạt kết quả trung bình 940,6/1.200 điểm.

Nhận thông báo kết quả thi đánh giá năng lực đợt 1 của ĐH Quốc gia TP.HCM, 37 học sinh lớp 12A2 trường THPT Nguyễn Khuyến (tỉnh Bình Dương) vui mừng về thành tích đạt được.

Tất cả học sinh trong lớp đều có kết quả thi đánh giá năng lực trên 800 điểm. Trong đó, 5 học sinh của lớp đạt điểm thi trên 1.000. Hai học sinh có điểm thi đánh giá năng lực cao nhất lớp là Lê Thị Ánh Dương và Mai Thanh Nhật Quang đạt 1.017 điểm.

Lớp học đạt điểm trung bình bài thi đánh giá năng lực là 940,6 - 1

Hai học sinh đạt điểm thi đánh giá năng lực cao nhất của lớp 12A2, trường THPT Nguyễn Khuyến (tỉnh Bình Dương).

Luyện 25 đề thi thử đánh giá năng lực trong 3 tháng

Chia sẻ với Zing, Ánh Dương cho biết quá trình ôn tập thi đánh giá năng lực của lớp 12A2 bắt đầu từ 3 tháng trước. Các thành viên trong lớp đã làm thử 25 đề thi đánh giá năng lực.

"Lớp rất nghiêm túc ôn luyện để chuẩn bị cho kỳ thi này. Chúng em xem đây là một trong những kỳ thi quan trọng của mình. Ngoài những lúc ôn tập cùng thầy, cô giáo, các thành viên trong lớp sẽ dành thêm thời gian để trao đổi, giúp đỡ nhau tiến bộ. Lớp chúng em chuyên về tổ hợp môn xét tuyển A1 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh) nhưng thích tất cả môn học và không học lệch", Dương nói.

Lớp học đạt điểm trung bình bài thi đánh giá năng lực là 940,6 - 2

Lớp 12A2 trong giờ học ở trường THPT Nguyễn Khuyến (tỉnh Bình Dương).

Ngay từ đầu năm học, Ánh Dương và các học sinh trường THPT Nguyễn Khuyến (tỉnh Bình Dương) đã được thông báo các phương thức xét tuyển đại học năm 2022. Trong đó, nhà trường nhấn mạnh vai trò và cơ hội của kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức. Vì vậy, gần 100% học sinh của trường đã đăng ký tham dự kỳ thi này.

Thầy Nguyễn Văn Tây - quản nhiệm của lớp 12A2, chia sẻ để chuẩn bị cho kỳ thi đánh giá năng lực, các giáo viên trong trường đã cùng nhau lên kế hoạch ôn luyện cho học sinh. Nhà trường cũng tổ chức 4 kỳ thi thử đánh giá năng lực, trước kỳ thi thật một tháng, để học sinh tích lũy kinh nghiệm và xác định năng lực của bản thân.

"Ngoài việc ôn tập kiến thức luyện thi tốt nghiệp THPT, ở trên lớp, các giáo viên cũng ôn tập cho thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực bằng các đề thi thử bám sát cấu trúc đề minh họa. Thầy, cô đã mở rộng và nâng cao kiến thức giảng dạy trực quan sinh động để học sinh nắm bắt kiến thức một cách chủ động, nhớ bài ngay tại chỗ và có thể nắm được những ý quan trọng trong đề thi", thầy Tây nói.

Theo thầy Tây, chiến lược làm bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM là trong thời gian 150 phút, thí sinh phải trả lời trước các câu hỏi thuộc thế mạnh của bản thân, những câu hỏi khó sẽ trả lời sau cùng.

"Để hoàn thành 120 câu hỏi, tôi đã định hướng chiến thuật làm bài cho lớp là giải các câu hỏi thuộc bộ môn Toán đầu tiên. Tiếp đó, các em sẽ trả lời các câu hỏi Tiếng Anh, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý. Các câu hỏi khó, cần tư duy thời gian dài hơn thì sẽ làm cuối cùng", thầy Tây nói.

Làm bài thi phải có chiến thuật

Chiến thuật làm bài thi đánh giá năng lực của thầy Tây đã được học sinh lớp 12A2 thực hiện trong các kỳ thi thử do nhà trường tổ chức. Theo thầy Tây, việc làm quen với cấu trúc của đề thi từ sớm và luyện tập nhiều lần đã giúp học sinh lớp 12A2 đạt được kết quả cao.

"Theo tôi, thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM không cần luyện nhiều đề nhưng phải thông hiểu cấu trúc của đề thi và xác định chiến thuật làm bài phù hợp với khả năng của mình", thầy Tây nói.

Lớp học đạt điểm trung bình bài thi đánh giá năng lực là 940,6 - 3

Thầy Nguyễn Văn Tây (đứng ở giữa, phía bên trái), quản nhiệm của lớp 12A2.

Nam giáo viên nhận định kỳ thi đánh giá năng lực đòi hỏi thí sinh phải ôn luyện trong một quá trình lâu dài vì kiến thức của đề thi bao quát ở nhiều môn học. Thí sinh nên tập trung ôn tập các kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, đặc biệt là nội dung chương trình lớp 12, trước khi học các kiến thức nâng cao. Sau khi nắm vững kiến thức cơ bản, thí sinh cần làm thử một số đề minh họa để thông hiểu cấu trúc đề thi.

Trong chiến thuật làm bài thi đánh giá năng lực của mình, Ánh Dương khuyên thí sinh cần chú ý quan sát các dấu hiệu ở từng câu hỏi của đề bài. Nữ sinh tập trung khoanh tròn các dấu hiệu đó trước khi đưa ra đáp án.

"Nếu các bạn phân tích câu hỏi trong đề không đúng thì sẽ giải quyết đề bài sai hướng, gây tốn thời gian. Các bạn cần xây dựng chiến thuật làm bài hợp lý vì thời gian thi rất ngắn", Ánh Dương nói.

Mai Thanh Nhật Quang khuyên các thí sinh tham dự kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2 nên chú ý thực hiện thao tác "làm tới đâu, tô đáp án vào phiếu trả lời ngay tới đó". Thí sinh cần đặt mục tiêu điểm số phù hợp với năng lực của bản thân, canh thời gian làm bài và cẩn thận trả lời từng câu hỏi.

"Sắp tới, kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2 sẽ được tổ chức. Em nghĩ, các thí sinh đã ôn tập cho kỳ thi này trong một khoảng thời gian dài nên có thể làm bài trong phòng thi rồi. Khoảng thời gian còn lại, các bạn nên ổn định tinh thần, chăm lo sức khỏe, tập trung, bình tĩnh để phát huy khả năng của bản thân", Dương nói.

Sau khi có kết quả bài thi đánh giá năng lực đợt 1, các học sinh trong lớp 12A2 đang tiếp tục luyện thi tốt nghiệp THPT. 8 học sinh trong lớp dự định đăng ký thi đánh giá năng lực đợt 2 để cải thiện điểm số.

Ngày 22/5, kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2 của ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ được tổ chức ở 4 tỉnh, thành là TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, An Giang. Ngày 29/5, thí sinh nhận kết quả thi.

Bài thi của ĐH Quốc gia TP.HCM đánh giá các năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh như sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề.

Bài thi gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm khách quan đa lựa chọn với thời gian làm bài 150 phút. Đề thi cung cấp số liệu, dữ kiện và các công thức cơ bản nhằm đánh giá khả năng suy luận, giải quyết vấn đề, không đánh giá khả năng học thuộc lòng.

Năm 2022, dự kiến, gần 80 trường đăng ký sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức. Việc tham dự kỳ thi này giúp thí sinh có thêm cơ hội trúng tuyển vào ngành và trường phù hợp với lựa chọn của bản thân.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp