Lớp học 'đặc biệt' cho phạm nhân ở trại giam lớn nhất nước

Pháp luậtThứ Sáu, 26/08/2016 12:44:00 +07:00

Lớp học “đặc biệt” không phân biệt tuổi tác dành cho những phạm nhân mù chữ trong trại giam có gần 8.000 phạm nhân.

Trại giam Thủ Đức (huyện Hàm Tân, Bình Thuận) là trại giam lớn nhất nước có gần 8.000 phạm nhân đang thụ án đủ loại án hình sự. Trại là một vùng đồng bằng rộng trên 16.000 hec ta nằm dưới chân núi Mây Tàu.

Không biết chữ dễ bị rủ rê phạm tội

Lớp học xóa mù cho trại viên có gần 20 người. Tóc xanh, tóc bạc ngồi xen kẽ nhau. Tất cả chăm chú nghe cô giáo, Đại úy Trần Thị Diễm Thi, phát âm những chữ cái. Rồi đồng thanh đọc to.

Những ánh mắt nhìn lên bục giảng chăm chú. Ánh mắt chứa đầy sắc thái hiền lương của những người từng lầm lạc đang đi tìm đường sáng cho đời mình.

Có người đầu đã nhuốm bạc cúi mặt xuống trang vở, tay ghì những nét bút, thi thoảng mắt lại nhìn lên bảng để xem lại chữ.

Cô giáo Thi bước xuống dãy ghế của phạm nhân, cầm tay sửa từng nét chữ cho “học trò” mình.

hinh-6-1604

 Đại úy Trần Thị Diễm Thi hướng dẫn các "học sinh" đặc biệt 

Nắng xuyên từng tia qua khung cửa sổ, sáng sủa và ấm áp nhảy múa trên bốn bức tường, trên từng khuôn mặt những con người đã từng lầm lạc.

Thất học dẫn đến con đường phạm tội của nhiều phạm nhân. Những người đang học lớp xóa mù chữ đều than hai chữ “giá như…”.

Chính cuộc sống khó khăn cũng như mù chữ đã xô đẩy họ sa vào cạm bẫy của đường đời.

Phạm nhân H.Q.D, Ban tự quản Phân trại 1, nói không biết chữ thì cũng chẳng hiểu hoặc không hiểu nội quy trại giam dễ dẫn đến sai phạm. Cũng không xem được sách, báo nên hạn chế về kiến thức, khó tiếp thu điều hay lẽ phải. Theo D., những phạm nhân này thường sống mặc cảm, tự ti, giữ khoảng cách với những người xung quanh.

Đa số phạm nhân đã lớn tuổi nên ngại đi học. Nhưng với những người chịu khó đi học thì nhận thức đều nâng cao hơn trước. Phạm nhân tiếp thu kém sẽ được kèm riêng, ngồi xen kẽ với phạm nhân học khá, hoặc được giao cho trực buồng giúp đỡ.

Phạm nhân P.H.M.Tr, 30 tuổi, tâm sự: "Hồi nhỏ gia đình nghèo nên không biết mặt chữ. Vào trại được biết có lớp xóa mù chữ, tôi xin đi học. Đến nay đã được 3 tháng. Nay cũng rành chữ viết rồi.”

Tr. nói: “Các thầy cô đều giảng dạy về đạo đức, tình người thông qua những bài tập đọc. Những bài học giúp chúng tôi hướng thiện hơn. Khi mãn hạn tù, biết chữ có thể giúp ích trong công việc, dạy dỗ con cái”.

Có một bài học về chữ hiếu ghi đậm dấu ấn trong lòng Tr. Qua câu chuyện đó, Tr, thấy mình có lỗi với bố mẹ nên lần thăm gặp sau, Tr., đã chủ động xin lỗi cha mẹ.

Phạm nhân B.T.K.L, (31 tuổi), cũng mù chữ do gia đình nghèo khó. Rồi sa vào con đường buôn bán ma túy.

“Vào trại được học hành, tôi mới nhận thức ra lỗi lầm của mình”, L., tâm sự mà những giọt nước mắt lăn dài trên má.

hinh-4-1605

  Mỗi năm trại giam Thủ Đức dạy xóa mù chữ cho khoảng 200 phạm nhân

Phạm nhân N.T.N.L., đã hoàn thành khóa học, cho biết: “Đi học được thầy cô tận tình chỉ bảo nên chỉ sau vài tháng là viết chữ rành rọt, đọc rõ ràng. Phân trại có thư viện có nhiều sách về Hạt giống tâm hồn, bọn em đọc để rút kinh nghiệm trong cách sống và không tái phạm hành vi phạm tội”.

Đưa phạm nhân tìm về nẻo thiện

Trung úy Hồ Trang Nhung cho biết đa số phạm nhân khó tiếp thu, phải dạy từng ly, từng tí. Chưa kể nhiều phạm nhân không chịu học, họ muốn đi ra ngoài lao động cho thoải mái và có tâm lý bất cần “học cũng chả để làm gì”.

“Lúc đầu đi dạy mình cũng sợ vì phạm nhân toàn tiền án, tiền sự, bị nhiễm HIV... Nhưng dạy một thời gian thấy phạm nhân cũng có tình cảm. Mình toàn tâm, toàn ý dạy thì họ quý mến mình”, Nhung chia sẻ.

Hinh 5

 Các phạm nhân luôn chăm chỉ học bài để hoàn thiện nhân cách

Hiện Đội giáo dục và hồ sơ có bảy giáo viên, trong đó có 2 giáo viên nam nhận nhiệm vụ dạy các phân trại xa 10 km -15 km, tính từ trung tâm trại giam Thủ Đức (chưa kể quãng đường từ nhà đến trung tâm). Mỗi tuần giáo viên dạy hai ngày cho mỗi lớp của từng phân trại.

Không chỉ đứng lớp giảng dạy, giờ giải lao, Nhung còn lắng nghe phạm nhân tâm sự chuyện gia đình, con đường phạm tội của các phạm nhân và động viên họ.

Đại úy Trần Thị Diễm Thi thì dùng phương pháp “mưa dầm thấm lâu” để khuyên bảo phạm nhân. Có một phạm nhân nữ có “số má”, rất ương ngạnh. Nhưng sau thời gian quan tâm, phạm nhân này đã thay đổi thái độ. Khi Thi nghỉ sinh, cô ấy viết thư hỏi thăm và cảm ơn cô giáo đã dạy dỗ thời gian qua.

“Ngày 20-11, họ cắt chai nước suối rồi hái hoa xung quanh trại cắm vào để trên bàn tặng cô giáo. Mình rất bất ngờ và xúc động”, Thi nhớ lại.  

Thi tâm niệm công việc của giáo viên ở ngoài đời là trách nhiệm. Nhưng ở trong trại giam, mặc sắc phục công an, nghề giáo viên có trách nhiệm cao hơn vì phải dạy phạm nhân tìm về nẻo thiện, khơi nguồn thiện lương trong mỗi phạm nhân.

Thượng úy Nguyễn Thị Thúy Vui, cán bộ giáo dục Khu giam giữ 2, cho biết trước khi thi tốt nghiệp khóa học, thầy cô cho đề thi viết về gia đình. Nhiều phạm nhân vừa viết vừa khóc nức nở. "Đó là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời họ khi lần đầu tiên thể hiện tình cảm bằng những dòng chữ. Vụng về nhưng xúc động lắm”, chị Vui kể.

Từ khoảng thời gian này đến cuối năm, hơi gió, màu nắng đều như kêu gọi người ta về với gia đình. Giữa trại tù, tiếng phát âm đồng thanh “yêu thương”, “gia đình” của những con người đang đền bù cho tội lỗi đã phạm văng vẳng giữa núi đồi như những tia nắng lạ.

Đường về nay mai của những con người này sẽ có thêm hành trang kiến thức, sự hiểu biết và phẩm hạnh để làm người thiện lương. Điều đó có công không nhỏ của những thầy cô giáo mang sắc phục công an của Trại giam Thủ Đức.

Trung tá Vũ Hồng Kiên, đội trưởng Đội giáo dục & hồ sơ, cho biết Luật Thi hành án hình sự năm 2010 quy định dạy chương trình xóa mù chữ cho phạm nhân chưa biết chữ hoặc tái mù chữ. 

Năm 2011, trại tổ chức xóa mù chữ theo quy củ, tuyển các giáo viên tốt nghiệp ngành sư phạm. Trước đó trại cũng đã tổ chức hoạt động này nhưng chủ yếu phân công cán bộ quản giáo hoặc phạm nhân có trình độ dạy. 

Hiện mỗi năm trại mở 8 lớp dạy chữ với gần 200 phạm nhân. Sau khi hoàn thành khóa học 9 tháng, trại phối hợp với phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Hàm Tân tổ chức thi và cấp chứng chỉ xóa mù chữ cho phạm nhân. Theo đánh giá chung, sau khi được xóa mù chữ, nhận thức của phạm nhân trong sinh hoạt, lao động đều nâng cao.

Video: Bắt kẻ giả danh công an

Trung Cường
Bình luận
vtcnews.vn