Lòng đất Quảng Nam nổ lạ: Do động đất kích thích

Thời sựThứ Hai, 05/12/2011 08:07:00 +07:00

(VTC News) - Động đất kích thích thường xảy ra vào giai đoạn đầu tiên khi lòng hồ được tích nước và sẽ dần đi vào ổn định khoảng 1 năm sau đó.

(VTC News) - "Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 cần phải có giải pháp vận hành hồ chứa hợp lý, như không thay đổi mực nước đột ngột, dẫn đến độ chênh lệch áp suất hồ chứa quá lớn".

Thời gian gần đây người dân sống ở địa bàn tỉnh Quảng Nam hoan mang, lo lắng trước thông tin vùng hạ lưu của thủy điện Sông Tranh 2 liên tục phát ra tiếng nổ, cùng với đó là hiện tượng động đất nhẹ.

Để tìm hiểu rõ hơn về câu chuyện này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Cao Đình Triều - Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Khoa học kỹ thuật Địa chất vật lý Việt Nam.
- Thưa ông, thời gian gần đây dư luận xôn xao về hiện tượng xung quanh khu vực nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 liên tục phát ra tiếng nổ lạ. Theo ông đâu là nguyên nhân của hiện tượng này và chúng ta nên làm gì trước tiên?
Trước hết, nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 cần phải có giải pháp vận hành hồ chứa hợp lý, như không thay đổi mực nước đột ngột, dẫn đến độ chênh lệch áp suất hồ chứa quá lớn. Nếu áp suất hồ chứa bị thay đổi đột ngột sẽ dẫn đến hiện tượng động đất kích thích như đã từng xảy ra trước đó.
 
 PGS.TS Cao Đình Triều

Chính quyền địa phương cũng nên thông báo cho người dân biết về hiện tượng động đất kích thích, để người dân hiểu và có những ứng phó hợp lý, tránh hoang mang.
Về phía chuyên môn, chúng tôi đã cử người đến địa phương để nghiên cứu cụ thể. Tuy nhiên, để đánh giá lại khả năng động đất kích thích tối đa như thế nào, có gây hiện tượng sụt lở, vỡ đập hay không? Hay xu thế của động đất ở đó sẽ đi đến đâu... thì cần phải có đề tài nghiên cứu cụ thể.
Ông có thể nói rõ hơn về hiện tượng động đất kích thích? Trước nhà máy thủy điện Sông Tranh 2, Việt Nam đã từng ghi nhận có động đất kích thích chưa?
- Động đất kích thích là hiện tượng phổ biến trên thế giới. Ở Việt Nam cũng đã ghi nhận có động đất kích thích. Nguyên nhân là do khối lượng nước trong hồ chứa gây ứng suất gia tăng. Với áp lực của cột nước, làm nước thẩm thấu xuống sâu khiến áp suất lỗ rỗng bị thay đổi, giảm ma sát ở các mặt trượt, làm xảy ra động đất ở trạng thái tự nhiên.
Trên thế giới, hiện tượng động đất kích thích đã từng xảy ra ở nhiều vùng hồ, nhiều trường hợp xảy ra động đất kích thích mạnh gây hư hỏng đập, phá hoại nhà cửa, công trình, gây thiệt hại lớn về người và của.
Riêng tại Việt Nam, đã từng ghi nhận có động đất kích thích tại thủy điện Hòa Bình năm 1989, thủy điện Bản Vẽ và mới đây là thủy điện Sông Tranh 2. Dư chấn của những trận động đất này là không lớn, nên không gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân.

- Làm thế nào để có thể nhận biết đó là hiện tượng động đất kích thích, thưa ông? Chúng ta có thể đánh giá mức độ nguy hiểm của nó như thế nào?
Động đất kích thích thường xảy ra vào giai đoạn đầu tiên khi lòng hồ được tích nước và sẽ dần đi vào ổn định khoảng 1 năm sau đó.

Thủy điện Hòa Bình tích nước năm 1988 thì đến năm 1989 xảy ra hiện tượng động đất kích thích. Thủy điện Sông Tranh 2 có công suất 190kW, mới tích nước tháng 12.2010 nhưng đến nay đã xảy ra hiện tượng động đất kích thích.

Đây là điều đáng quan tâm. Thông thường, những nhà máy thủy điện có công suất trung bình, từ 190kW trở xuống người ta không quan tấm đến nghiên cứu động đất kích thích.
 Những vết nứt chạy dài ở xung quanh khu vực thủy điện sông Tranh khiến người dân Quảng Nam lo lắng (Ảnh: VTC News)
Có ba yếu tố cơ bản để xác định mức độ của động đất kích thích, đó là độ cao của đập xả nước (từ 100 mét trở lên), dung tích hồ chứa và hoạt động của đới đứt gãy trong lòng đất.

Tại thủy điện Sông Tranh 2, dù công suất nhỏ, độ cao của đập không lớn, nhưng dựa vào bản vẽ địa chất đo đạc được ở huyện bắc Trà My trong thời gian gần đây, thì đới đứt gãy tại địa phương này đang hoạt động khá mạnh.

- Theo ông, để tránh hiện tượng này xảy ra trong thời gian tới, khi tiến hành xây dựng các nhà máy thủy điện chúng ta nên lưu ý đến những vấn đề nào?
Thông thường, khi xây dựng các nhà máy thủy điện, người ta chỉ quan tâm đến dung tích hồ chứa cũng như công suất của nhà máy, để từ đó mới đặt ra vấn đề có nghiên cứu đến động đất kích thích hay không. Điều này hoàn toàn sai lầm. 
Dù công suất nhỏ, dung tích hồ chứa không lớn, nhưng hồ chứa nằm đúng vị trí của đới đứt gãy hoạt động mạnh thì sẽ xảy ra hiện tượng động đất kích thích. Và khi đã không được nghiên cứu trước thì hậu quả sẽ khó lường.
Trong trường hợp nhiều nhà máy thủy điện nhỏ tập trung, thì phải nghiên cứu toàn hệ thống, với quy mô rộng. Có như vậy, mới đánh giá hết tác động của tự nhiên đến các công trình thủy điện.
Xin cảm ơn ông!

Như VTC News đã đưa tin, từ đầu tháng 11/2011 ở khu vực huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam đã xảy ra 4 trận động đất. Các trận động đất này đã gây ra rung động nền đất kèm theo tiếng nổ ở khu vực gần chấn tâm. Rất nhiều người dân đã cảm nhận được dao động do động đất gây ra. Nhà cửa và các đồ vật treo đung đưa mạnh.

Trước tình hình này, chiều 30/11, Đoàn công tác gồm các nhà khoa học thuộc Viện Địa chất và Viện Vật lý địa cầu (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã đến khu vực này tiến hành khảo sát và nghiên cứu để sớm đưa ra kết luận cụ thể. Đoàn kiểm tra đã có buổi làm việc với UBND huyện Bắc Trà My và đi thực địa tại vùng đập nước nhà máy Thủy điện sông Tranh 2.

Từ ngày 1 đến 10/12, Đoàn sẽ tiến hành khảo sát toàn bộ khu vực Bắc Trà My và Nam Trà My nhằm xác định vùng tâm chấn của các vụ động đất vừa qua. Trên cơ sở đó, đoàn sẽ kiến nghị Viện Khoa học và Công nghệ lắp đặt các máy, trạm ghi nhận chấn động trên địa bàn, tiến hành nghiên cứu cụ thể từng nguyên nhân dẫn đến các vụ động đất.


Phong Vân - Lê Phương (thực hiện)


Bình luận
vtcnews.vn