Lôm nhôm trang phục bảo vệ dân phố Hà Nội

Thời sựThứ Hai, 18/07/2011 06:30:00 +07:00

(VTC News) – Bảo vệ dân phố Q.Ba Đình được trang bị bộ đồ đen, ở Q.Hoàn Kiếm họ lại được mặc bộ xanh nhạt, riêng Q.Cầu giấy thì mỗi phường một kiểu...

(VTC News) – Bảo vệ dân phố Q.Ba Đình được trang bị bộ đồ đen, ở Q.Hoàn Kiếm họ lại được mặc bộ xanh nhạt, riêng Q.Cầu giấy thì mỗi phường một kiểu...

Mỗi nơi mỗi kiểu

Tại quận Ba Đình (Hà Nội) bảo vệ dân phố các phường được trang bị bộ đồ đen từ đầu tới chân: quần, áo, mũ đều có màu đen tím than. Những người này cho biết, cấp trên phát cho họ thế nào thì họ mặc vậy.

Trang phục màu đen của bảo vệ dân phố quận Ba Đình

Nhưng tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), lực lượng bảo vệ dân phố (dân phòng, tự quản phường) lại mặc quần áo xanh nhạt, đeo “phù hiệu” màu đen như những nhân viên hải quan.

Khi được hỏi, nguyên tắc “đánh vạch” trên cầu vai thì một bảo vệ dân phố phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm cho hay: “Ai mới vào được 1 vạch, làm lâu hơn được 2 vạch và làm lâu nhất thì được gắn 3 vạch”.

Trang phục màu xanh, vai đeo cầu vai có vạch của bảo vệ dân phố phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm. 
Còn ở phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, nhiều dân phòng lại mặc quần áo giống kiểu của quân đội khi chưa thay mới, đầu đội “mũ phớt”. Có người thì đeo băng đỏ, có người thì không.

Riêng quận Cầu Giấy, mỗi phường lại có một kiểu trang phục cho bảo vệ dân phố. Trong ảnh dưới là quần áo của bảo vệ dân phố phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy. Có người đeo cầu vai có vạch, có người thì không đeo. Họ bảo, những trang phục này địa phương mua cho, lấy từ phố Lê Duẩn, là nơi hay bán các đồ quân trang cũ.

Quần áo của bảo vệ dân phố phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy. 
Nhưng “chơi trội” nhất phải kể đến phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy. Theo ông Nguyễn Thành Duy, Phó Ban Bảo vệ dân phố ở đây, do không mua đủ được “quân hàm” đeo ở ve áo nên ông dùng tạm các “quân hàm” màu đỏ để đeo cho anh em bảo vệ dân phố.

Điều nguy hiểm là màu này khiến nhiều người dân tưởng nhầm đó là lực lượng vũ trang như quân đội hoặc công an...

Nên thống nhất trang phục chung trong Thành phố

Khi chúng tôi phản ánh sự việc, Trưởng Ban bảo vệ dân phố phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, ông Phạm Đức Bình cho biết sẽ bỏ ngay “quân hàm” màu đỏ đeo ở ve áo bảo vệ dân phố. Ông cũng giải thích, hiện nay chưa có quy định phải mặc trang phục như thế nào “nên anh em nhiều khi còn tự phát”.

Theo ông Bình, trước kia, TP Hà Nội cũng phát quần áo cho lực lượng này nhưng cách đây đã hơn 10 năm và trang phục đó cũng không hợp vóc dáng của nhiều người. Vì thế, nhiều năm nay, các địa phương như phường này phải tự “thiết kế” đồng phục cho mình.

Ông Bình mong muốn TP Hà Nội sớm có 1 kiểu quần áo chung cho lực lượng bảo vệ dân phố, tránh ăn mặc “lôm côm”, mất đi tính trang nghiêm của lực lượng này.

Bảo vệ dân phố phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa lại mặc quần áo giống kiểu của quân đội khi chưa thay mới
Theo Trung tá Lê Văn Linh, Phó Trưởng Công an phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, trong Nghị định 38/2006/NĐ-CP của Chính phủ về bảo vệ dân phố và Thông tư liên tịch 02/2007, chưa thấy nói đến trang phục chung cho lực lượng này.

Ông Linh cũng nêu mong muốn Thành phố quy định quần áo, biển hiệu, băng đeo… thống nhất chung, để thuận lợi cho hoạt động của lực lượng này, cũng như thuận tiện cho người dân giám sát họ.

Đồng tình với mong muốn đó, Trung tá Nguyễn Tuấn Khiên, Phó Trưởng Công an phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm phân tích thêm, nếu mặc trang phục chung mà bên ngoài không có cơ quan nào bán thì sẽ tránh được chuyện kẻ xấu giả danh bảo vệ dân phố để làm chuyện xấu.

“Nên may cho mỗi người 3 bộ/ 1 năm. Quần áo phải được là ủi cẩn thận, tạo sự trang trọng. Những ai thôi không làm dân phòng thì phải nộp lại quần áo cho địa phương. Kinh phí cho việc may mặc này chắc chắn các địa phương có thể đảm đương được” – Đại biểu HĐND quận Ba Đình, ông Quang Khánh cho biết.

Sẽ xem xét thống nhất trang phục cho bảo vệ dân phố Hà Nội

Bên lề phiên họp ngày 14/7 của HĐND TP Hà Nội, trao đổi với VTC News, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo cho hay, TP đang xem xét việc quy định trang phục chung cho lực lượng bảo vệ dân phố, cũng như việc thành lập các chốt trực cho lực lượng này làm việc. 

Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi còn có một bài điều tra, phản ánh về thị trường bán quân trang, quân phục giả tràn lan ở Hà Nội, tạo điều kiện cho nhiều thành phần xấu tự "hô biến" mình để giả danh lực lượng công an, cảnh sát cơ động, quân đội nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản nhân dân. Bài viết sẽ được đăng tải vào sáng ngày mai, 19/7.

Hoàng Lan


Bình luận
vtcnews.vn