Lời thú tội của sát thủ vụ án Nguyễn Thanh Chấn

Pháp luậtThứ Bảy, 09/11/2013 12:50:00 +07:00

Suốt 10 năm bỏ trốn, Lý Nguyễn Chung không phút nào yên vì cứ chợp mắt, hình ảnh nạn nhân bị sát hại lại len lỏi vào đầu óc anh ta.

Suốt 10 năm bỏ trốn, Lý Nguyễn Chung không phút nào yên vì cứ chợp mắt, hình ảnh nạn nhân bị sát hại lại len lỏi vào đầu óc anh ta.

Chung nói với kiểm sát viên: “Trước đây lúc nào em cũng cảm giác đang đeo vật gì đó nặng cả tấn trên người. Giờ em đã trút được 900 cân rồi. Biết thế này, em ra đầu thú sớm hơn”.

Theo lời khai của Chung, khoảng 19h30 ngày 15/8/2003 Chung đi từ nhà đến cửa hàng của chị Hoan để mua dầu gội đầu. Thấy trong tủ kính đựng hàng có tiền, lòng tham của hắn trỗi dậy. Chung rút con dao bấm mới mua lúc nào cũng thủ ở túi sau, bước vào nhà. Thấy chị Hoan không để ý, Chung đâm chị một nhát. Bị đâm bất ngờ, chị Hoan đã chửi Chung và bỏ chạy vào trong nhà. Chung đuổi theo, trong lúc giằng co, Chung đâm nhầm hai nhát vào tay trái của mình (trên tay vẫn còn hai vết sẹo).

Sau khi giết chị Hoan, Chung mở tủ kính lấy toàn bộ số tiền bán hàng của chị (59.000 đồng) rồi quay ra chỗ chị nằm tháo hai chiếc nhẫn. Dù lúc gây án chưa đầy 15 tuổi nhưng Chung vẫn bình tĩnh tắt đèn và đóng cửa để mọi người không phát hiện. Trên đường về, Chung vứt chuôi dao gãy ở mương trước cửa nhà ông Vui, cách nhà chị Hoan vài chục mét. Về đến nhà, Chung tắm rửa và ngâm bộ quần áo dính đầy máu.

 Biết bị công an truy tìm, Chung đã dùng khoảng 100 sim điện thoại trong 2 tháng lẩn trốn.
Biết bị công an truy tìm, Chung đã dùng khoảng 100 sim điện thoại trong 2 tháng lẩn trốn. 
Nghe hàng xóm náo loạn về tin chị Hoan bị giết, nhìn thấy chậu quần áo của con có máu, Lý Văn Chúc đoán được sự việc nhưng thay vì động viên con ra đầu thú thì ông này bảo Chung lên Lạng Sơn - quê gốc của ông, có mấy người con vợ trước đang ở.

Lên đến Lạng Sơn, Chung kể toàn bộ sự việc với anh trai là Lý Văn Phúc và đưa hai chiếc nhẫn cho Phúc. Phúc vay tiền đưa Chung làm lộ phí vào Đăk Lăk. Năm 2005, Phúc bị một đám côn đồ chém chết.

Những lời khai này của Chung đã được các kiểm sát viên xác minh. Lời khai của những người liên quan trùng khớp với lời khai của Chung.

Về nguồn gốc con dao gây án, anh Nguyễn Hữu Thanh, trú cùng thôn với Chung cho biết, trước khi xảy ra vụ án, anh cùng Chung lên chợ Đồng Đăng, Lạng Sơn mua hai con dao bấm của Trung Quốc.

Chị Hoàng Thị Xướng, vợ của Phúc, cũng thừa nhận cuối năm 2003, Chung đến nhà chị. Hai anh em nói chuyện một lúc rồi ôm nhau khóc. 
Đêm hôm đó, Phúc kể với vợ: “Bây giờ khổ rồi, chú Chung đánh chết người có con nhỏ ở Bắc Giang”. Thấy chồng có hai chiếc nhẫn, chị Xướng hỏi thì được biết đây là nhẫn của người bị giết nên chị bắt chồng mang hai cái nhẫn đó đi.

Chị Xướng cũng nhìn thấy Chung băng bó ở tay. Hôm sau, Chung vào Đăk Lăk và lang bạt ở nhiều nơi để trốn. Có thời điểm, Chung sang Trung Quốc làm thuê hai năm. Vài năm gần đây, Chung về Việt Nam lấy vợ và trú tại thôn Đoàn Kết, Eakamut, huyện Eaka, tỉnh Đăk Lăk.


Người nhà nạn nhân lúc tham gia khám nghiệm cũng phát hiện vết đeo nhẫn trên tay chị Hoan và đề nghị cơ quan điều tra làm rõ tài sản bị mất, nhưng không được xem xét.

Sự thật bị bưng bít như thế nào?


10 năm gửi đơn thư cho rằng chồng là Nguyễn Thanh Chấn bị bắt oan trong vụ giết người do Chung gây ra, bà Nguyễn Thị Chiến đã thu được những chứng cứ quan trọng. Bà tự điều tra, thu thập và có trong tay nhiều đoạn ghi âm một số cuộc nói chuyện, khẳng định Chung chính là thủ phạm.

Theo đơn của bà Chiến, các kiểm sát viên đã làm việc với bà Lành, mẹ kế của Chung. Bà Lành cho biết, từ khi VKSND Tối cao vào cuộc điều tra vụ giết chị Hoan, ông Chúc thường xuyên bóng gió, đe dọa vợ vì cho rằng bà Lành đã làm lộ vụ Chung giết người. Một ngày đầu tháng 10, ông Chúc vơ quần áo ra đốt tại đống rơm trước nhà, bà Lành can ngăn thì bị đẩy vào đống lửa đang cháy. Rất may bà  kịp thoát. “Ông Chúc còn tuyên bố nếu thằng Chung bị bắt thì ông sẽ tự vẫn và trước khi chết sẽ phải cho tôi chết theo”, bà Lành kể.

Trước đó, do áp lực, có lần ông Chúc dùng dây thừng định tự tử nhưng được con trai phát hiện. Không tự vẫn được, ông Chúc đào huyệt sẵn ở vườn vải sau nhà nuôi ý định tự vẫn.

Được các kiểm sát viên động viên và phân tích về luật, cuối cùng Chúc cũng tỉnh ngộ và bước đầu khai nhận. Ông thừa nhận năm 2005, khi vào Đắk Lắk thăm con thì Chung cho biết đã giết chị Hoan. Khi thấy cơ quan điều tra lật lại vụ án, ông Chúc tâm sự với một người họ hàng là Chung giết người và tỏ ra rất giận bà Lành.

Theo đánh giá của cơ quan công tố, hành vi che giấu tội phạm của ông Chúc diễn ra trong một thời gian dài. Tuy ông Chúc đã bước đầu khai nhận nhưng chưa thực sự thành khẩn. Ông Chúc còn có hành vi đe dọa giết bà Lành. Ngày 3/11, Cục Điều tra VKSND Tối cao đã bắt tạm giam ông Chúc về hành vi che giấu tội phạm.

10 năm trước, ngày 29/8/2003, ông Chấn bị bắt, khởi tố về tội Giết người do bị nghi là thủ phạm gây ra cái chết của chị Nguyễn Thị Hoan. Tại phiên sơ thẩm, phúc thẩm, ông Chấn không nhận tội và bị tuyên án tù chung thân.
10 năm sau, ngày 6/11/2013, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao đã hủy 2 bản án hình sự sơ thẩm và phúc thẩm đối với ông Chấn để điều tra lại. Trước đó, ông Chấn được tạm đình chỉ thi hành bản án, rời trại giam về nhà. Còn Lý Nguyễn Chung, người cùng làng với ông Chấn, đã ra đầu thú, nhận là thủ phạm của vụ án.





Theo Công an TP HCM
Bình luận
vtcnews.vn