Lợi nhuận khổng lồ từ kinh doanh bỏng ngô, kẹo ngọt

Kinh tếThứ Bảy, 06/10/2012 12:31:00 +07:00

(VTC News) - Những sản phẩm như bỏng ngô, nước uống đóng chai... đã giúp các công ty thu về lợi nhuận khổng lồ nhờ việc đội giá cao ngất trời.

(VTC News) - Chính nhờ giá bán cao gấp nhiều lần so với chi phí sản xuất của những sản phẩm như bỏng ngô, nước uống đóng chai... mà các công ty thu về lợi nhuận khổng lồ.


Nếu bạn kinh doanh và dĩ nhiên luôn hướng tới mục tiêu lợi nhuận, cách duy nhất để bạn đạt mục tiêu là: phải bán sản phẩm với giá cao hơn so với những gì bạn bỏ ra để làm sản phẩm đó. Nhưng mức độ chênh lệch hợp lý là bao nhiêu? 50% hay 100% hay cả hai? Câu trả lời còn phụ thuộc vào cả sản phẩm lẫn ngành kinh doanh nhưng một điều chắc chắn - nhiều công ty lãi lớn là do giá thành sản phẩm cao hơn nhiều so với chi phí sản xuất.

Khi bạn nhâm nhi một ly martini tại quầy bar hay nước uống đóng chai mua từ cửa hàng thực phẩm, bạn chắc chắn đang "hưởng thụ" một mức chênh lệch giá thành - chi phí trên trời.

1. Kẹo ngọt/Bỏng ngô tại các rạp chiếu phim

Với hệ số chênh lệch giữa chi phí sản xuất và giá bán lên tới 1.275%, không hề khó hiểu khi tại nhiều rạp chiếu phim luôn có quy định, khán giả xem phim không được mang đồ ăn từ ngoài vào. Họ buộc phải mua bỏng ngô/nước uống/kẹo ngọt tại các gian hàng của rạp chiếu phim với mức giá cao hơn hẳn so với bên ngoài mặc dù chất lượng chẳng khác gì nhau.


2. Thuốc kê đơn

Với sản phẩm đặc biệt này, bệnh nhân chẳng bao giờ có suy nghĩ mặc cả giá khi biết nó có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của mình. Do đó, mức chênh lệch chi phí - giá thành của thuốc kê đơn cũng đạt ngưỡng cao kỷ lục: từ 200 đến 3.000% - con số đủ khiến bất cứ bệnh nhân bình thường nào cũng phải đau đầu. Để tránh mua thuốc với đơn giá quá cao, bạn chỉ còn cách tham khảo nhiều hiệu thuốc để tìm ra mức giá phù hợp nhất cho mình.


3. Kim cương

Những người có ý định mua sắm kim cương có thể phải chuẩn bị tinh thần để trả tiền với mức cao hơn giá bán buôn từ 50 đến 200%. Theo thông tin trên mạng thì mức chênh lệch chi phí - giá thành của kim cương là 50-400%. Với những hàng hóa giá trị như kim cương, chỉ có kinh nghiệm qua nhiều lần mua sắm mới giúp bạn xác định thứ mà mình sở hữu có đáng "đồng tiền bát gạo" hay không.

4. Nước uống đóng chai

Một số người khẳng định mức giá chênh lệch giữa chi phí sản xuất và giá bán lẻ sản phẩm nước uống đóng chai có thể đạt tới 4.000% - đắt hơn cả xăng dầu. Giải pháp tiết kiệm là uống nước đun sôi để nguội. Nếu bạn vẫn còn lo ngại chất lượng hay mùi vị của nước, có thể sử dụng bình lọc nước chuyên dụng.

5. Quầy bán salad

Một số nguyên liệu tại quầy bán salad ở nhà hàng hay tiệm thực phẩm có thể đội giá lên hơn 350%. Ví dụ, củ cải đường có chênh lệch chi phí và giá thành là 302%, ngô non: 227%.

6. Gọng kính

Bạn đã bao giờ bỏ 450 USD để mua gọng kính hiệu Armani? Các nhà sản xuất kiếm lời ở mức chênh lệch 1.000% giữa chi phí sản xuất gọng kính và giá bán lẻ trên thị trường. Để tiết kiệm, bạn có thể dạo qua nhiều gian hàng bán đồ gia dụng trên mạng để tìm kiếm các khuyến mại kèm theo.


7. Soda

Gọi một cốc Coca-Cola khi ăn tối ở nhà hàng, bạn có thể phải trả mức cao hơn giá trị thật của sản phẩm là 300-600%. Dĩ nhiên, bạn có thể chọn cách tiết kiệm hơn là uống nước khoáng thay vì nước ngọt có ga.

8. Tin nhắn trên di động

Phí một tin nhắn di động có thể chẳng đáng là bao nhưng bạn sẽ không ngờ tới, đây cũng là một trong những dịch vụ có mức giá trội hơn hẳn so với chi phí: hệ số chênh lệch lên tới 6.000%. Nếu bạn thường xuyên nhắn tin, hãy lựa chọn kiểu ngôn ngữ (có dấu hay không dấu) hay đơn giản là gọi một cuộc điện thoại, có khi còn tiết kiệm hơn.


9. Rượu/Sâm panh

Không hề là chuyện xa lạ khi các nhà hàng thường tính giá tiền cao gấp 2-3 lần so với giá bán bên ngoài một loại đồ uống nào đó. Khi gọi một ly vang, bạn có thể phải trả mức phí chênh lệch giá thành - chi phí sản xuất là 400%.

10. Tiệm bán hàng mini trong khách sạn

Cũng giống như đồ uống phục vụ tại nhà hàng, nếu nghỉ lại khách sạn và muốn mua một bộ kem - bàn chải đánh răng, một đôi tất, bạn có thể phải trả giá cao hơn nhiều so với mua lẻ bên ngoài. Mức chênh lệch với đồ dùng bán tại khách sạn có thể là 400%. Giải pháp thật đơn giản: Thay vì mua trong khách sạn, bạn hãy chịu khó cuốc bộ ra tiệm tạp hóa gần đó.

11. Trà và cà phê

Chênh lệch chi phí sản xuất và giá thành của hai loại đồ uống được nhiều người yêu thích này là 300%. Chỉ bằng cách hạn chế uống chúng, bạn mới có thể tiết kiệm được tiền thôi.

12. Túi xách

Hẳn bạn từng nghe tới những chiếc túi xách đắt nhất thế giới: Ví nạm 4.000 viên kim cương không màu của The House of Mouawad ở Dubai có giá 3,8 triệu USD; còn 1,9 triệu USD là giá của một chiếc túi xách Hermes Birkin. Theo số liệu thống kê, phụ nữ trung bình sở hữu khoảng 10 chiếc túi và chi khoảng 148 USD cho món đồ yêu thích này dù trên thực tế, chúng không hề đắt như chi phí bỏ ra để sản xuất.

13. Quần jeans thiết kế

Một chiếc quần jeans Gucci có thể được bán với giá 665 USD, còn sản phẩm tương tự của Sevens có giá 225 USD. Những con số này cho thấy quần jeans cũng là một trong những sản phẩm được đội giá lên cao ngất trời so với chi phí sản xuất. Theo Thời báo Phố Wall, mất khoảng 50 USD để làm ra một chiếc quần jeans ăn khách hiệu True Religion - Super T Jeans, nhưng giá bán buôn của nó lên tới 152 USD và giá bán lẻ là 335 USD.

14. Các loại bánh ngọt

Với những loại dễ dàng làm tại nhà, mức đội giá có thể lên tới 100%. Nhưng đa phần, nhiều người chọn mua tại hiệu bánh hơn là lọ mọ nướng bánh tại nhà.

15. Các loại thiệp

Chỉ là những khuôn giấy đơn giản với một số họa tiết trang trí và lời chúc kèm theo nhưng các tấm thiệp có thể được bán với giá cao hơn chi phí sản xuất 200%. Nếu bạn muốn tiết kiệm, hãy tự mình làm thiếp hoặc đề nghị con cái bạn thiết kế một tấm. Việc này không chỉ giúp bạn bớt một khoản chi kha khá mà còn tạo được ấn tượng lâu dài với người nhận về tình cảm mà bạn gửi gắm trong đó.

16. Giáo trình đại học

Những cuốn sách không thể thiếu khi bạn ngồi trên ghế giảng đường có thể khiến bạn phải trả khoản tiền không nhỏ. Ai cũng biết, đa phần trong số giáo trình đó đều có mức chênh lệch giá và chi phí lên tới nhiều trăm %.


17. Hoa

Mỗi nhánh lan có thể được bán với giá 25 USD. Vào ngày Lễ tình nhân 14/2 hay dịp đặc biệt nào đó, dĩ nhiên, giá có thể còn tăng cao hơn nữa. Nhưng vì đây là một trong những quà tặng phổ biến nhất, người ta vẫn không thể cầm lòng mà bỏ tiền ra mua hoa dù giá của nó cao hơn nhiều chi phí vun trồng.


18. Nông sản

Mức chênh lệch giữa giá bán và chi phí sản xuất của mặt hàng thiết yếu này rơi vào khoảng 75%. Mua rau củ quả theo mùa là một cách tốt để tìm kiếm mức giá hợp lý. Nếu bạn lười trong việc nhặt rau, gọt củ, dĩ nhiên, bạn chớ phàn nàn mà thêm ngay tiền vào chi phí mua rau củ hàng ngày.

19. Đồ nội thất

Với mức chênh lệch 80%, thật dễ hiểu vì sao các cửa hàng đồ nội thất có thể kiếm bộn tiền. Đừng ngại mặc cả để có mức giá tốt khi bạn đi mua sắm đồ nội thất và nếu có thể, tham khảo giá trên mạng trước khi mua.


20. Mỹ phẩm

Mức chênh lệch thường thấy ở các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp này là 78%. Bởi vì phần lớn mỹ phẩm được làm từ nhiều thành phần khác nhau như dầu, sáp, hương vị, thật ngạc nhiên khi biết người mua phải trả khoản tiền lớn tới vậy. Nhưng nhờ có những quảng cáo về tác dụng chống lão hóa cũng như sự tuyên truyền tích cực từ các ngôi sao ca nhạc - phim ảnh trên nhiều phương tiện truyền thông, lượng bán mỹ phẩm vẫn không ngừng tăng.

Huyền Trang (theo Money Talks News)

Bình luận
vtcnews.vn