Lời nguyền quỷ ám đối với những kẻ phụ tá của Sir Alex Ferguson

Thể thaoThứ Năm, 05/01/2017 16:07:00 +07:00

Suốt 27 năm trị vì ở Old Trafford, tuyệt nhiên Fergie không có nổi một học trò hay một tay phụ tá đủ xuất chúng nối nghiệp

So bó đũa không chọn được cột cờ

Ngày hôm kia, Mike Phelan lĩnh trát sa thải từ BLĐ Hull City. Đó là kết quả của hơn 5 tháng bi kịch. Hull chết dí ở vị trí bét bảng, giành được vỏn vẹn 3 chiến thắng sau 20 vòng đấu, ghi bàn cũng ít nhất (17) trong khi hàng thủ tệ thứ hai giải đấu. Tóm lại, Phelan từ lâu đã sống thoi thóp dưới giá treo cổ, và quyết định xuống tay của giới chủ chỉ như một lẽ tất yếu.

Sẽ không có gì đáng nói nếu như Phelan không phải người có đến 14 năm làm công tác huấn luyện tại Man Utd, trong đó có 5 năm trực tiếp làm phó tướng cho Ông già gân. Sau ngày Fegie “quy ẩn”, Mike tiết lộ rằng trong những năm tháng cuối cùng ở Old Trafford, Sir Alex hoàn toàn trao quyền chỉ đạo về chiến thuật cho mình và người đồng sự Rene Meulensteen.

Mike Phelan (trái) vừa bị BLĐ Hull sa thải

Mike Phelan (trái) vừa bị BLĐ Hull sa thải 

Từ ngày Sir Alex nghỉ hưu, cuộc đời Phelan là những tháng ngày chìm nổi. Sau khi bị “Người được chọn” David Moyes đá bay khỏi Carrington, Phelan đến Norwich làm trợ lý. Sau đó, khi Neil Adams biến Những chú chim hoàng yến thành con tàu đắm, Phelan sắm vai tạm quyền một thời gian. Hết mùa, ông đến Hull, cũng trong vai trợ lý trước khi được bổ nhiệm làm HLV trưởng.

Mike Phelan không phải vị trợ lý duy nhất lâm vào tình cảnh khốn khổ khi không còn sự bao bọc của Sir Alex. Nếu Phelan là cánh tay phải, thì Meulensteen là cánh tay trái của Fergie. Năm 2013, Rene đến Nga trong vai một trợ lý của Guus Hiddink, rồi sau khi “Phù thuỷ” người Hà Lan ra đi, thì cờ đến tay Meulensteen.

Xong ngay cả một môi trường thiếu sự cạnh tranh như bóng đá Nga, vị trợ lý quen mặt ở Man Utd cũng thất bại. Thêm 1 năm trở lại Anh, Meulensteen giờ đang chìm nổi ở giải VĐQG Israel, dẫn dắt CLB Maccabi Haifa.

Ryan Giggs từng được “quy hoạch” cho chiếc ghế của Man Utd sau thời Sir Alex. Nhưng đã 8 tháng kể từ khi rời đội bóng, Giggsy vẫn chưa tìm được một bến đỗ phù hợp và từng có thời gian lang thang đến Ấn Độ đá futsal.

Khoảng thời gian ngắn ngủi thay thế David Moyes, với Giggs không quá tệ song cũng không đủ tốt để BLĐ Man Utd trao cả cơ nghiệp vào tay huyền thoại người xứ Wales. Quỷ đỏ chơi 4 trận, thắng 2, hoà 1 và thua 1 trước các đội “làng nhàng” như Norwich, Sunderland, Hull hay Southampton.

Bi thảm như Queiroz hay Steve McClaren

Học trò của Johan Cruyff ngày nay là những nhà cầm quân đại tài. Trợ lý của Louis van Gaal hôm nay là một Jose Mourinho kiệt xuất. Zinedine Zidane chỉ 1 năm làm phụ tá cho Carlo Ancelotti đã lập tức giành được những thành công vang dội. Trong khi đó, thật kỳ lạ là các trợ lý của Fergie, kẻ làm nhỏ thì thua nhỏ, kẻ làm lớn thì thất bại thảm hại.

Sau gần một thập kỷ, cả nước Anh vẫn bị ám ảnh với hình ảnh Steve McClaren tay cầm chiếc ô xanh-đỏ, mặt thất thần đứng giữa Wembley trong một ngày mưa như trút nước. Ngày 28/11/2007, ĐT Anh khi đó được dẫn dắt bởi McClaren, chơi trận “chung kết” vòng loại EURO 2008 với Croatia trên sân nhà.

Hình ảnh McClaren gắn chặt với một ngày mưa tầm tã ở Wembley

Hình ảnh McClaren gắn chặt với một ngày mưa tầm tã ở Wembley 

Đó là trận đấu mà Tam sư chỉ cần hoà là giành vé đến Áo và Thuỵ Sỹ mùa hè năm sau. Nhưng đó là ngày đi vào lịch sử bóng đá Anh như một vết nhơ khôn bề gột rửa. Pau Robinson mắc một lỗi “để đời” khi trái bóng anh phát hụt vì vấp mô cỏ từ từ bay vào lưới, còn hàng thủ tuyển Anh thì thủng đến 3 lần.

Kết quả, Tam sư thúc thủ 2-3 và trở thành khán giả của giải đấu. Cho đến nay, đây vẫn là một trong những hành trình tồi tệ nhất vòng loại EURO của xứ sở sương mù.

Và đừng quên, McClaren từng là một trợ lý trẻ đầy triển vọng của Sir Alex, người được dự báo sẽ nắm giữ tương lai của bóng đá Anh trong giai đoạn 1999 – 2001, là thành phần huấn luyện của cú ăn ba vô tiền khoáng hậu của Quỷ đỏ. McClaren từng có thời được truyền thông mô tả là người có con mắt chiến thuật sắc sảo, sử dụng các phương pháp huấn luyện hiện đại tại thời điểm đó như phân tích chiến thuật bằng video hay kích thích tinh thần thi đấu cho toàn đội thông qua các nhà tâm lý học.

Sau Steve McClaren, Sir Alex còn có một vị trợ lý được đánh giá là xuất sắc nữa, đó là Carlos Queiroz. Ông được xem là “người cha tinh thần” của Cristiano Ronaldo những ngày tháng đầu của CR7 ở Old Trafford. Queiroz làm trợ lý cho Fergie trong mùa giải 2002/03, rồi ngay sau đó tách ra “làm ăn lớn”.

Carlos Queiroz (ngoài cùng bên phải) chỉ thành công trên cương vị trợ lý của Sir Alex

Carlos Queiroz (ngoài cùng bên phải) chỉ thành công trên cương vị trợ lý của Sir Alex 

Ông được bổ nhiệm làm HLV trưởng của Real Madrid, dẫn dắt trọn vẹn đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha mùa 2003/04. Trong tay Queiroz là Dải ngân hà 1.0 với những Zidane, Figo, Ronaldo “béo”, Raul, Roberto Carlos, Beckham, Guti…

Nhưng đó là một trong những mùa giải thảm hoạ nhất lịch sử Real Madrid, trực tiếp dẫn đến sự tan rã của Dải ngân hà 1.0. Ở La Liga, Kền kền trắng chỉ về thứ 4. Tại các đấu trường cúp khác, đội quân áo trắng cũng ở hoàn cảnh tương tự, đặc biệt là thất bại 2-3 vô cùng đau đớn trong trận chung kết Cúp nhà vua dưới tay Real Zaragoza. Đặc biệt ở Champions League, Real sau 4 năm liên tiếp tiến ít nhất đến vòng bán kết, thì với Queiroz, họ chỉ vào đến tứ kết trước khi bị đánh bại bởi AS Monaco.

Một trong những sai lầm tai hại của Queiroz trong mùa giải duy nhất ở Bernabeu là để Fernando Morientes đến Monaco dưới dạng cho mượn. Morientes sau đó đã ghi bàn trong cả 2 lượt trận đi và về khi Monaco đụng đầu Real ở tứ kết Champions League, đồng thời ẵm giải Vua phá lưới với 9 pha lập công, là nhân tố then chốt đưa Monaco đi đến trận chung kết.

Thất bại thảm hại ở Bernabeu, Carlos Queiroz trở lại Old Trafford và lập tức được Sir Alex tin dùng, được mệnh danh là cha đẻ của cuộc cách mạng chiến thuật của Quỷ đỏ những năm sau đó. Đến năm 2008, sau khi đăng quang Champions League, Queiroz hồi hương dẫn dắt ĐT Bồ Đào Nha.

Nhưng thêm một thế hệ bóng đá tài năng của Seleccao bị huỷ hoại, những Ronaldo, Deco, Tiago, Simao… đã phải dừng bước ngay từ vòng knock-out đầu tiên. Và giờ, Carlos Queiroz đành an phận với năm thứ 5 dẫn dắt ĐT Iran.

(Nguồn: Bóng đá và cuộc sống)
Bình luận
vtcnews.vn