Lời khai cuối cùng của kẻ tử tội hay cười

Pháp luậtThứ Sáu, 26/02/2010 07:56:00 +07:00

Ngỡ như tất cả các cuộc thi hành án tử hình khác, sẽ kết thúc vào lúc mặt trời mọc, nhưng không, đã có điều bất thường xảy ra.

Ngỡ như tất cả các cuộc thi hành án tử hình khác, sẽ kết thúc vào lúc mặt trời mọc, nhưng không, đã có điều bất thường xảy ra.

Dù thời điểm làm vụ án Vũ Xuân Trường cách đây khá xa, dù ở cương vị Giám đốc Công an TP Hà Nội bây giờ, hàng ngày Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh phải xử lý bộn bề thông tin, nhưng vụ án Vũ Xuân Trường, trong ông vẫn là một trong những ký ức khó quên.

Đó là buổi sáng mùa hè, cuối tháng 6 -1996, nóng hầm hập từ khi mặt trời còn chưa lên. Lúc đó, đeo hàm Trung tá, đang là trưởng phòng cảnh sát điều tra của Công an TP Hà Nội, là thành viên của hội đồng thì hành án tử hình Xiêng Phênh, ông có mặt tại trại giam Hà Nội từ lúc mờ sáng.

Ngỡ như tất cả các cuộc thi hành án tử hình khác, sẽ kết thúc vào lúc mặt trời mọc, nhưng không, đã có điều bất thường xảy ra. Và ông, như một định mệnh phải gắn với vụ án này, ông đã là người đầu tiên lấy khẩu cung Xiêng Phênh ngay trong trại giam Hà Nội, vào cái giờ phút đặc biệt khi bản án tử hình được hoãn thi hành và cũng là người đeo đuổi quá trình điều tra cho đến giờ phút cuối cùng…

Xiêng Phênh – kẻ tử tội hay cười

Xiêng Phênh bây giờ vẫn đang cải tạo ở Trại giam Thanh Xuân, một trại giam nằm cách Hà Nội chừng 20 cây số, nơi có rất đông các phạm nhân là người nước ngoài. Sinh năm 1959, năm nay 51 tuổi, Xiêng Phênh đã ở tù tại Việt Nam15 năm. Thượng tá Nguyễn Trần Giang, người tham gia chuyên án Vũ Xuân Trường ngày xưa, người đã từng hỏi cung Xiêng Phênh nhiều lần cách đây 14 năm, bây giờ thi thoảng vẫn gặp lại Xiêng Phênh ở trại giam Thanh Xuân mỗi khi Thượng tá Giang tới đây công tác.

Xiêng Phênh (bên trái), con gái Xiêng Phênh tại trại giam Phônthăn (tháng 3 - 2009) (phải) 
Kỳ lạ là ngần ấy năm trôi qua, Xiêng Phênh vẫn còn nhớ tới nhiều cán bộ điều tra trong vụ án Vũ Xuân Trường, chứ không chỉ riêng Thượng tá Giang. Gặp Thượng tá Giang, không cần nhắc tên, Xiêng Phênh vẫn gọi đúng và lúc nào cũng luôn miệng cảm ơn, cảm ơn cán bộ.

Xiêng Phênh vẫn không khác xưa là mấy, chỉ có điều là gầy hơn nhưng nhanh nhẹn hơn chứ không béo tròn, chậm chạp như hồi xưa. Trình độ tiếng Việt của Xiêng Phênh, hồi xưa chỉ nghe tốt còn nói thì vẫn lơ lớ nhưng bây giờ thì đã đạt tới trình độ cao. Bây giờ nếu không nhìn mặt Xiêng Phênh mà chỉ nghe anh ta nói, không ai có thể biết đó là giọng của một người Lào chính gốc nói tiếng Việt.

Xiêng Phênh vẫn hay cười, y như ngày xưa. Anh ta có nụ cười đặc trưng mà bất kỳ ai khi tiếp xúc cũng phải nhớ. Nụ cười thật lành hiền, vô tư, đôi lúc thật thà đến ngây thơ. Còn nhớ, khi xét xử vụ án Vũ Xuân Trường, Xiêng Phênh bị dẫn giải tới với vai trò là nhân chứng. Lúc ấy, Xiêng Phênh vẫn mang án tử hình chứ chưa được ân giảm xuống chung thân. Thế mà, cứ bước xuống khỏi xe tù là y rằng anh ta… cười, lành hiền, thơ ngây như một đứa trẻ. Thậm chí, Xiêng Phênh còn vô tư đến độ, tranh thủ trong lúc chờ đến lượt thẩm vấn tại Tòa, anh ta nằm duỗi dài trên ghế băng trong phòng chờ của các bị cáo ở ngay kề bên phòng xử, vô tư đánh một giấc ngon lành, ngáy vang như sấm. Kể ra như thế có vẻ khó tin nhưng xin thưa đó hoàn toàn là sự thật. Nhà báo Nguyễn Như Phong của An ninh thế giới đã chụp được tấm ảnh này, bây giờ vẫn còn lưu giữ.

Cha truyền con nối, con gái Xiêng Phênh cũng buôn ma túy như cha và có nụ cười rất vô tư, ngây thơ y hệt như cha. Đầu năm ngoái, khi sang Lào để thực hiện loạt bài “Cận cảnh Tam Giác Vàng”, nhà báo Nguyễn Như Phong đã tình cờ gặp con gái Xiêng Phênh là Chăn Tha Lay trong trại giam Phônthăn cách trung tâm Viêng Chăn 5 km. Ông kể lại rằng, khi cảnh sát dẫn Chăn Tha Lay ra, ông sững sờ như gặp lại Xiêng Phênh vì cô ta giống cha như đúc.

Giống như cha, Chăn Tha Lay cũng bị bắt về tội buôn ma tý và cũng giống như cha, cô có nụ cười vô tư quá thể. Dù đang bị bắt giam nhưng trong suốt cuộc trò chuyện với nhà báo Nguyễn Như Phong, Chăn Tha Lay lúc nào cũng… cười. Kể cả lúc dặn nhà báo Nguyễn Như Phong rằng, về Việt Nam đùng có nói cho Xiêng Phênh biết con gái đã bị bắt vì sợ Xiêng Phênh buồn, cô cũng… cười. Cô ta còn bảo, sau khi bị tù ở Việt Nam, cha cô đã viết thư cho mẹ cô bảo rằng mẹ cô cứ vô tư mà đi bước nữa bởi ngày trở về còn rất xa.

Nhưng hình như vợ Xiêng Phênh vẫn ở vậy. Anh ta đã ở tù 15 năm nhưng vẫn nhận được tiền tiếp tế đều đều của gia đình. Cái thông tin mà cô con gái Chăn Tha Lay cứ dặn đi dặn lại nhà báo Nguyễn Như Phong rằng phải giấu thì Xiêng Phênh đã biết cả. Cha tù, con tù, hẳn đương nhiên là bi kịch. Nhưng Xiêng Phênh bây giờ vẫn cười, vô tư y như hồi xưa…

Thì Xiêng Phênh là vậy. Vô tư trong cả những tình huống tưởng như cam ga nhất. Nhưng mà, dù vô tư thế thì Xiêng Phênh vẫn còn nhớ rất nhiều về vụ án Vũ Xuân Trường. Không thể và không bao giờ quên được. Anh ta nhớ rõ buổi sáng ngày 18 – 1- 1995 anh ta đã bị bắt ra sao, bị tuyên án tử hình như thế nào. Nhưng nhớ nhất có lẽ là buổi sáng thi hành án khi mà chỉ còn ít phúc nữa thôi là cuộc thi hành án sẽ bắt đầu, súng sẽ nổ, Xiêng Phênh đã hoảng sợ ra sao. Và cũng chính vào thời khắc kinh hoàng đó,  Xiêng Phênh đã quyết định phơi bày toàn bộ sự thật về Vũ Xuân Trường. Sự thật ấy, đã cứu mạng sống cho Xiêng Phênh. Những lời khai có giá trị của anh ta đã là lý do khiến bản án tử hình được an giảm xuống chung thân. Ký ức, khi được gợi lại bắt đầu được tái hiện qua những lời kể. Không còn thấy nụ cười vô tư của Xiêng Phênh ở đâu nữa, trong những ký ức này bởi nó quá căng thẳng và nhiều kịch tính…

Chuyên án 195 T và bí ẩn trong chiếc ô tô 0054

Sáng sớm ngày 18 – 1 – 1995, trên đường Giảng Võ – Hà Nội, một chiếc xe Toyota biển kiểm soát của Lào 0054 đang chạy vun vút trên đường thì bất ngờ bị Cảnh sát Giao thông (CSGT) chặn lại bởi lỗi đi vào đường cấm ô tô. Hai người đàn ông trên xe, một người cao to chừng ngoài 30 tuổi và một trẻ hơn, chỉ ngoài 20 tuổi, bước xuống xe, mặt mũi bỗng trở lên nhợt nhạt. Lập cập, loay hoay một hồi họ mới lấy được giấy tờ xe ra khỏi ví để CSGT kiểm tra. Cả hai đều là người Lào nhưng khả năng nghe, nói tiếng Việt khá tốt.

Chiếc xe vi phạm cùng hai người Lào sau đó đã được đưa về một bãi xe của CSGT ở khu vực Thanh Xuân để kiểm tra. Trên đường đi, hai người Lào trở nên hoảng hốt thật sự. Cuối mùa đông, Hà Nội rét căm căm mà họ, mồ hôi vẫn túa ra, đầm đìa trên khuôn mặt tái nhợt.

Thì ra, trên xe có ma túy. 21,5 cặp heroin (trọng lượng 15,05kg) dù được giấu khá kỹ càng tại bầu lọc gió, hai cánh cửa xe và phía sau đệm ghế ngồi nhưng đã bị cảnh sát phát hiện. Lai lịch của hai người đàn ông này cũng đã được làm rõ. Người đàn ông cao to, khuôn mặt đầy đặn là Xiêng Phênh, sinh năm 1959, trú tại bản Xốp Nạo, Mường Này, tỉnh Phong Sa Lỳ. Còn người kia là Xiêng Nhông, sinh năm 1973, cùng trú tại đây và là em họ vợ của Xiêng Phênh.

Chiếc xe ô tô 0054 là xe của Xiêng Phênh. Cả hai sau đó đều đã bị bắt giữ vì hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép ma túy mà không hề biết rằng đây là mẻ lưới duy nhất và cũng là cuối cùng của một chuyên án mang bí số 195T do một số đơn vị nghiệp vụ của Tổng cục cảnh sát tiến hành. Chuyên án này từ nguồn tin của Vũ Xuân Trường (lúc đó đang là Đại  úy, công tác tại Cục Cảnh sát hình sự cũ) cung cấp cho Vũ Hữu Chỉnh (lúc đó là Thiếu tá, Phó phòng 8 Cục cảnh sát kinh tế cũ) về một nhóm đối tượng người Lào đưa hêrôin vào thị trường Hà Nội tiêu thụ để Chỉnh lập án. Án lập ngày 9 – 1 – 1995 (có lẽ vì thế mà mang bí danh 195T chăng) thì sáng sớm ngày 18 – 1 bắt được Xiêng Phênh, Xiêng Nhông với chiếc xe 0054 có 21,5 cặp hêrôin như đã kể trên.

Nhưng sau 7 tháng điều tra, chuyên án này chỉ còn lại duy nhất một bị can là Xiêng Phênh. Trong nhiều lời khai của Xiêng Phênh sau đó, trong quá trình giam giữ tại trại giam T16 Bộ Công an, đều thể hiện rằng, số hêrôin trên xe là của một mình Xiêng Phênh. Xiêng Nhông chỉ là người lái xe, được Xiêng Phênh thuê từ Lào sang Hà Nội với tiền công theo thỏa thuận là 700 kíp Lào. Vì vậy, ngày 15 – 7 – 1995, Xiêng Nhông đã được Viện kiểm soát trả tự do vì không đủ căn cứ kết tội. Nhưng, một tháng rưỡi sau đó, ngày 31 – 8 – 1995 Xiêng Nhông lại bị bắt giữ tại Cửa khẩu PaThơm (Lai Châu) cũng vì tội buôn bán hêrôin và bị Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Lai Châu tuyên án tử hình. Còn Xiêng Phênh sau đó đã bị đưa ra xét xử tại Hà Nội và cùng chung số phận với người bà con Xiêng Nhông, ở cả phiên tòa sơ thẩm lẫn phúc thẩm cùng đều bị tuyên án tử hình.

Bản án đã có hiệu lực pháp luật. Đơn tha tội chết của Xiêng Phênh cũng đã bị Chủ tịch nước bác. Vì vậy, theo đúng các quy định của pháp luật, ngày 15 – 4 – 1995 Chánh án TAND TP Hà Nội đã có quyết định thi hành bán án tử hình đối với Xiêng Phênh. Hội đồng thi hành án tử hình quyết định bản án sẽ được thi hành vào sáng ngày 21 – 6 – 1996. Và, đúng 5h sáng ngày 21 – 6 – 1996, Xiêng Phênh đã được lực lượng dẫn giải đưa từ nơi giam giữ là trại giam T16 Bộ Công an về Trại giam Hà Nội để thi hành bản án tử hình đối với y tại Trường bắn Cầu Ngà.

Cũng giống như tất thảy các tử tù khác, dù là người nước ngoài, bản án tử hình đối với Xiêng Phênh được thi hành theo đúng thủ tục chung đã được pháp luật Việt Nam quy định. Trước giờ thi hành án, Xiêng Phênh cũng được thay quần áo mới, được viết thư cho gia đình, được ăn một bữa ăn thịnh soạn cuối cùng do Trại giam chuẩn bị. Mọi thủ tục diễn ra suôn sẻ và không giống với đa số các tử tù khác, Xiêng Phênh giường như thoát khỏi thực tại để hoàn toàn giữ được thái độ bình thản trong suốt những giây phút được coi là kinh hoàng nhất khi mà cái chết đang đến rất gần này…

Nhưng bất ngờ xảy ra vào phút chót. Khi Chủ tịch hội đồng Thi hành án công bố Lệnh bác bỏ đơn xin tha tội chết của Chủ tịch nước và Quyết định thi hành án tử hình đối với Xiêng Phênh thì Xiêng Phênh bỗng như choàng tỉnh. Chỉ trong chớp mắt, khuôn mặt đang hồng hào bỗng trở nên trắng bệch. Toàn thân run lên cầm cập, Xiêng Phênh há miệng, lắp bắp mãi mới nói được thành lời: “Tôi… tôi… xin khai thêm… có được không?”.

 

Đây là một đoạn trích trong cuộc hỏi cung đầu tiên của Xiêng Phênh tại Trại giam Hà Nội ngay trong buổi sáng 21 - 6 - 1996. Những người tiến hành lấy lời khai của Xiêng Phênh gồm: Đặng Minh Ngọc (Chánh án TAND TP Hà Nội), Nguyễn Đức Nhanh (Trưởng phòng Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội), Đỗ Sỹ Tuấn  (Trưởng phòng Kiểm soát thi hành án Viện Kiểm sát nhân dân Tp Hà Nội) và phiên dịch tiếng Lào là ông Phan Thanh Tuấn:

Hỏi: Hội đồng thi hành án của Tòa án Hà Nội đưa bản án ra thi hành, anh thấy có oan ức?

Đáp: Muốn có thêm thời gian để khai thêm một số người buôn bán.

...

Tôi đã nhận 15kg trước đó. Bây giờ... tôi xin khai báo các người cùng buôn bán.

Hỏi: Anh khai rõ địa chỉ, tên người

Đáp: Có 3 xe đi cùng đưa hàng sang. Xe của tôi bị bắt còn 2 xe kia đã bán cho ai tôi biết.

...

Hỏi: Anh mang sang bán cho ai? Có địa chỉ?

Đáp: Bán cho cô Vui và cô Hiển.

Cô Vui ở Giảng Võ (biết nhà nhưng không biết rõ số nhà). Cô Hiển cũng ở Giảng Võ (biết nhà nhưng không biết rõ số nhà).

Hỏi: Cô Vui và cô Hiển khoảng bao nhiêu tuổi, làm gì?

Đáp: Cô Vui khoảng 30 tuổi. Cô Hiển cũng khoảng 30 tuổi và hai cô đều đã có chồng. Cô Vui có 3 con. Cô Hiển có 2 con.

Hỏi: Anh quan hệ với cô Vui và cô Hiển từ bao giờ?

Đáp: Biết hai cô trên Điện Biên và từ thời gian buôn bán mì chính và dép tông ở Viêng Chăn.

Theo An ninh thế giới

Bình luận
vtcnews.vn