Loay hoay quản lý quyền lực của trưởng đặc khu: Đại biểu Quốc hội lý giải

Thời sựThứ Năm, 24/05/2018 13:31:00 +07:00

Đại biểu Quốc hội phân tích nguyên nhân phải tìm cách quản lý quyền lực của người đứng đầu các đặc khu.

Bên hành lang Quốc hội, trả lời VTC News, PGS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội cho rằng nếu không cẩn thận thì lợi chưa thấy đâu nhưng lại dễ biến đặc khu trở thành một khu cực kì phức tạp. 

hoang-van-cuong

PGS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội.

- Trước đây phương án đưa ra không tổ chức HĐND và người đứng đầu được gọi là trưởng đặc khu nhưng dự thảo Luật mới nhất lại đưa vào UBND đặc khu, HĐND đặc khu. Phải chăng điều đó không có gì đổi mới?

Trước đây chúng ta có đề xuất không có HĐND mà chỉ có trưởng đặc khu, và như vậy chúng ta tạo ra mô hình tổ chức hoàn toàn khác biệt. Đây có thể là một mô hình tạo ra sự năng động cho riêng đặc khu đó.

Nhưng có nếu thành công, có thử nghiệm đại trà trên toàn quốc hay không thì việc đó chỉ có ý nghĩa ở riêng cái đặc khu ấy thôi vì không đúng với Hiến pháp. Còn nếu chúng ta thử nghiệm có HĐND và UBND thay đổi cơ cấu tổ chức gọn nhẹ thành công thì chúng ta có thể áp dụng trên toàn quốc được.

Một trong những mục tiêu phát triển các đặc khu không phải chỉ là phát triển các đặc khu ấy, mà đặc khu là nơi thử nghiệm các mô hình các chính sách. Khi thành công rồi thì chúng ta áp dụng đại trà, trên toàn quốc.

- Nhiều chuyên gia lo lắng và cho rằng chúng ta đang phải loay hoay quản lý quyền hạn của người đứng đầu đặc khu?

Cái bản thảo đầu tiên và cái bản dự thảo luật hiện nay đã thay đổi rất nhiều. Có thể thấy rằng có một điều đáng mừng là ban soạn thảo rất lắng nghe các ý kiến đóng góp. Lần đầu tiên đặc khu được thành lập vì vậy ban soạn thảo phải nghe rất nhiều chiều.

Mô hình đặc khu là mới và nằm trong những khu vực như Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong là những khu vực có điều kiện khả năng. Nhưng mà điều đó thực sự là nhạy cảm. Chúng ta nếu không cẩn thận thì lợi chưa thấy đâu nhưng lại dễ biến đặc khu trở thành một khu cực kì phức tạp. Vì vậy việc thận trọng trong dự thảo luật rõ ràng là cần thiết.

Chúng ta có nhiều hướng. Nếu như chúng ta làm ngay từ ban đầu không có UBND và HĐND mà chỉ có trưởng đặc khu thì có thể giải quyết được vấn đề như chúng ta vừa nói thì nó cũng không có ý nghĩa gì áp dụng rộng rãi trong toàn quốc.

Nếu bây giờ chúng ta tổ chức UBND đặc khu gọn nhẹ, quyền của Chủ tịch UBND đặc khu cũng cao hơn rất nhiều so với UBND hiện tại và thủ tục hành chính của đặc khu được đơn giản đi thì khi đó áp dụng thành công, chúng ta có thể áp dụng trên toàn quốc.

- Nếu quản lý chặt như trong dự thảo Luật thì người đứng đầu đặc khu khác gì so với Chủ tịch UBND huyện, thưa ông?

Chúng ta có thể nhìn thấy cái khác ở đây là trong cái mô hình mới, quyền hạn của Chủ tịch UBND đăc khu khác với Chủ tịch UBND huyện khác.

Dự thảo luật chúng ta cho rất nhiều quyền hạn cho Chủ tịch UBND đặc khu, buộc ông ta phải có trách nhiệm làm việc. Ví dụ, Chủ tịch UBND đặc khu phải như là đưa ra vấn đề cải cách thủ tục hành chính.

Nếu mà không làm được việc thì chính người dân, doanh nghiệp người ta sẽ nói ông này không hoàn thành. Cho nên vai trò giám sát ở đây là người dân và doanh nghiệp sẽ tạo ra sức ép cho người đứng đầu.

- Như ông vừa nói là Chủ tịch UBND đặc khu sẽ có rất nhiều quyền hạn. Như vậy, việc kiểm soát quyền lực sẽ thực hiện thế nào?

Đấy chính là thí nghiệm, nếu như ta mà không thí nghiệm giao quyền và trách nhiệm mà xây dựng UBND và HĐND có rất nhiều ban bệ, rồi trách nhiệm lại là tập thể thì giống như các tổ chức thông thường trong nước. 

Chúng ta đều biết rằng cách gọi như các nước là thị trưởng - tức là có quyền rất lớn nhưng cũng có cách kiểm soát để không xảy ra tình trạng đó. Chứ không phải là cứ giao quyền thì không kiểm soát được.

Vậy vấn đề đặt ra ở đây là làm sao chúng ta có biện pháp kiểm soát chứ không phải là không kiểm soát được, sợ không giao quyền. Nếu chúng ta không giao quyền thì không còn ý nghĩa gì nữa cho việc tăng quyền của người đứng đầu.

HĐND của đặc khu này là các đại biểu chuyên trách, làm vấn đề là kiểm soát xem ông trưởng đặc khu này có vấn đề gì hay không. Rõ ràng đó là cơ quan kiểm soát trực tiếp.

Cái thứ hai là tỉnh vẫn có quyền giám sát, rồi các bộ nghành trung ương, có rất nhiều các cấp ngành để giám sát.

Cái quan trọng hơn là giám sát thông qua người dân. Mọi thông tin của đặc khu này đều phải minh bạch vì mọi vấn đề đều do đặc khu này tự quyết. Chính cái sự công khai minh bạch ấy là cách để người dân giám sát.

Nếu chúng ta không thực hiện được cái công khai minh bạch để cho người dân cho cộng đồng giám sát thì sẽ xảy ra vấn đề tình trạng gọi là lạm quyền.

- Ba đặc khu này có vị trí nhạy cảm về an ninh quốc phòng nên việc giao đất lâu năm cho doanh nghiệp cần phải lưu ý gì, thưa ông?

Không có nghĩa là việc giao đất cho doanh nghiệp dài năm là bị ảnh hưởng về an ninh quốc phòng. Chúng ta có thể biết rằng trong những cái quy định về nhà ở của đặc khu nó vẫn phải tuân thủ sở hữu nhà ở của luật nhà ở.

Việc giao đất cho doanh nghiệp 70 năm, 90 năm thì anh sử dụng đất với mục đích kinh doanh như thế nào. Không phải là đất giao xong là họ giữ đất trong thời gian đó. Ngay như bản thân các nhà đầu tư chiến lược không đảm được vai trò nhà đầu tư thì khi đó mất đi sẽ gây thiệt hại về tài chính.

Ở đây, tôi cho rằng chúng ta phải có sự sàng lọc, làm kĩ hơn trong việc quản lí đất đai.

- Nhiều ý kiến lo ngại các nhà đầu tư kinh doanh những dịch vụ nhạy cảm như casino ở đặc khu sẽ kéo theo những hệ luỵ về xã hội?

Theo tôi đặc khu là nơi thử nghiệm những thể chế chính sách đặc biệt thì đặc khu không nên phải quá cân nhắc cái chuyện đó. Trong đặc khu có những khu chức năng, những dịch vụ kinh doanh nhạy cảm sẽ hoạt động trong những khu chức năng nhất định.

Và trong cái thời gian hoạt động ở khu chức năng đấy thì chúng ta có thể thử nghiệm được cái hoạt động của nó ra làm sao, cái gì cần phải thay đổi, cần phải điều chỉnh.

- Và đã đến lúc bắt buộc phải thành lập đặc khu chưa, thưa ông?

Đặc khu là có đặc biệt về chính sách kinh tế và đặc biệt thể chế hành chính. Bây giờ áp dụng đại trà trên toàn quốc không được thì rất cần áp dụng ở một khu nào đó mà có thể tạo ra được cái đặc biệt về chính sách kinh tế và thể chế chính trị tổ chức bộ máy thủ tục hành chính.

Chính vì vậy, chúng ta lựa chọn ba khu vực Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong trở thành những khu vực đặc biệt.

Một số người có hỏi là tại sao không thành lập ở khu công nghệ cao ở Hà Nội và TP.HCM, nhưng mà hai khu công nghệ cao không phải đơn vị chính, rõ ràng nó chỉ là  đặc khu kinh tế.

Rõ ràng ở đây chúng ta phải tạo ra hai điều kiện về cả kinh tế và hành chính. Về mặt chính sách kinh tế, ưu đãi thuế thì chúng ta đang nói quá nhiều, chứng tỏ có đặc biệt về kinh tế.

Thứ hai là bộ máy hành chính của đặc khu này có sự thay đổi đặc biệt và vẫn đang duy trì bộ máy như là Uỷ ban nhân dân (UBND), Hội đồng nhân dân (HĐND).

Chức năng của UBND và HĐND cũng thay đổi chứ không phải mang tính chất kiêm nhiệm theo nhiệm kì. Bởi đây hoạt động toàn bộ thời gian. Rõ ràng, chúng ta còn nhìn thấy có một sự khác biệt, nó tương đồng với bộ máy tổ chức hiện có nhưng cơ cấu bộ máy tổ chức nó khác.

Và đấy là một cơ hội giúp cho chúng ta thử nghiệm cái mô hình ở ba cái khu vực này, khi mà thành công, chúng ta áp dụng bộ máy hành chính, thể chế hành chính vào.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn