Loạn sách tham khảo Ngữ văn 12, học sinh cần tỉnh táo ôn thi có trọng tâm

Giáo dụcThứ Sáu, 25/05/2018 13:59:00 +07:00

Bài viết chỉ ra một số điểm hạn chế của sách tham khảo và giúp các em khắc sâu kiến thức trọng tâm của phần nghị luận văn học, không bị hoang mang, lúng túng trước thị trường hỗn loạn với cả trăm đầu sách luyện thi Ngữ văn 12.

Loạn sách tham khảo

Để có thêm tài liệu tham khảo là điều nhiều học sinh quan tâm với mong muốn giúp cho mình bổ sung, mở rộng kiến thức. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường xuất hiện cả trăm đầu sách luyện thi Ngữ văn 12 của hàng chục tác giả, nhà xuất bản khiến học sinh không khỏi hoang mang, lúng túng.

Trước hết, đập vào mắt học sinh là bìa sách tham khảo được thiết kế đẹp, với nhiều màu sắc bắt mắt. Tuy nhiên, hầu như chất lượng giấy kém nên sách khó được bảo quan lâu bền.

Tiếp đến, tựa sách được đặt bằng những cái tên mang đậm chất “quảng cáo” mà nhiều lúc chẳng ăn nhập gì với nội dung.

1_64812

 Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, sách tham khảo ít có tính mới mẻ vì được bán theo “mùa vụ” và nội dung sách có nhiều sao chép, vay mượn lẫn nhau.

Và sách tham khảo thường có giá trên trời nhưng chưa tương xứng với chất lượng nội dung. Sách tham khảo Ngữ văn 12 hiện có giá không dưới 100.000 đồng.

Học sinh cần ôn thi trọng tâm theo chủ đề

Kì thi THPT Quốc gia năm nay, bên cạnh chương trình Ngữ văn lớp 12 hiện hành, còn có thêm cả kiến thức Ngữ văn lớp 11. Và để ghi nhớ hết dung lượng kiến thức của cả hai khối lớp thực sự là một điều không mấy dễ dàng, nhất là đối với học sinh thi tổ hợp Khoa học tự nhiên. Chính vì vậy, học sinh phải biết ôn tập có trọng tâm để khắc sâu kiến thức bài học.

Phần nghị luận văn học chiếm 50% điềm số trên toàn bài thi. Và đây cũng chính là phần vận dụng cao để phân loại thí sinh cho việc xét vào các trường đại học, cao đẳng.

Chương trình Ngữ văn lớp 11 và 12 có thể chia thành 7 chủ đề như sau:

1. Chuyên đề thơ lãng mạn: “Vội vàng” (Xuân Diệu), “Tràng giang” (Huy Cận), “Đây thôn Vĩ Dạ” (Hàn Mặc Tử).

2. Chuyên đề tình yêu đất nước: “Việt Bắc” (Tố Hữu),”Đất Nước” (Nguyễn Khoa Điềm).

3. Chuyên đề người chiến sĩ: “Từ ấy” (Tố Hữu), “Chiều tối” (Hồ Chí Minh), “Tây Tiến” (Quang Dũng), “Rừng xà nu” (Nguyễn Trung Thành), “Những đứa con trong gia đình” (Nguyễn Thi).

4. Chuyên đề giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo: “Hai đứa trẻ” (Thạch Lam), “Chí Phèo” (Nam Cao), “Vợ chồng A Phủ” (Tô Hoài), “Vợ nhặt” (Kim Lân), “Chiếc thuyền ngoài xa” (Nguyễn Minh Châu”).

5. Chuyên đề tùy bút hiện đại: “Người lái đò Sông Đà” (Nguyễn Tuân), “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” (Hoàng Phủ Ngọc Tường).

6. Chuyên đề giá trị thẩm mỹ và nhân văn: “Chữ người tử tù” (Nguyễn Tuân), “Đàn ghi ta của Lorca” (Thanh thảo), “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài” (Nguyễn Huy Tưởng”, “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” (Lưu Quang Vũ), “Sóng” (Xuân Quỳnh), “Hạnh phúc của một tang gia (Vũ Trọng Phụng).

7. Chuyên đề văn nghị luận: “Tuyên ngôn độc lập” (Hồ Chí Minh), “Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc” (Phạm Văn Đồng).

Gợi ý liên hệ tác phẩm lớp 12 và lớp 11.

Đề thi Ngữ văn minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố từ tháng 1/2017 có một phần kiến thức của lớp 11. Để làm tốt yêu cầu này, thí sinh tham khảo đề liên hệ sau:

Cảm nhận của Anh/Chị về cảnh đêm đông Mị cởi trói cho A Phủ trích trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” (Tô Hoài). Từ đó liên hệ với đoạn kết của tác phẩm “Chí Phèo” (Nam Cao) để thấy được giá trị nhân đạo mới trong văn học cách mạng.

* Mở bài.

- Tô Hoài là một nhà văn lớn của nền văn học hiện đại Việt Nam với số lượng tác phẩm đồ sộ. Văn của ông hấp dẫn bởi lối trần thuật hóm hỉnh, sinh động, có vốn hiểu biết phong phú về phong tục tập quán của nhiều vùng miền. Năm 1952, Tô Hoài cùng bộ đội vào giải phóng Tây Bắc, chuyến đi đem lại cảm hứng để ông sáng tác truyện “Vợ chồng A Phủ”, in trong tập “Truyện Tây Bắc”.

- Thông qua cuộc đời và số phận của Mị và A Phủ, tác phẩm phản ánh cuộc sống lầm than tủi nhục, khát vọng tự do và sự phản kháng mạnh mẽ của người dân nghèo miền núi dưới ách thống trị tàn bạo của chế độ phong kiến. Sức sống tiềm tàng, sự phản kháng mạnh mẽ của Mị được thể hiện rõ nét trong đêm đông cởi trói cứu A Phủ.

* Thân bài.

- Trước khi về làm dâu gạt nợ nhà thống lí Pá Tra, Mị là một thiếu nữ xinh đẹp, có tài thổi sao, thổi lá giỏi, nhiều người theo, với nhiều phẩm chất đáng quý: chăm chỉ, hiếu thảo, tự trọng.

- Từ khi bị bắt về làm dâu gạt nợ nhà thống lí Pá Tra, Mị bị đày đọa về thể xác, áp chế về tinh thần, dần trở nên vô cảm, chai sạn, chấp nhận cuộc sống đau khổ, tủi nhục “lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa, ở lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi”.

- Nhưng trong Mị vẫn tiềm tàng sức sống mãnh liệt, trong đêm tình mùa xuân năm trước, sức sống ấy đã từng trỗi dậy nhưng bị A Sử dập tắt khi trói đứng Mị vào cột nhà, không cho đi chơi.

- Diễn biến tâm trạng và hành động trong đêm đông:

+ A Phủ đánh A Sử nên phải làm nô lệ trả nợ cho thống lí Pá Tra. Do sơ ý để hổ bắt mất một con bò nên anh bị thống lí Pá Tra trói đứng, bỏ mặc cho đói rét suốt mấy đêm liền giữa kì sương muối khắc nghiệt ở Hồng Ngài.

+ Lúc đầu, Mị vô cảm “thản nhiên thổi lửa, hơ tay. Nếu A Phủ là cái xác chết đứng đấy, cũng thế thôi. Mị vẫn trở dậy, vẫn sưởi, chỉ biết chỉ còn ở với ngọn lửa.” Từ mùa xuân năm trước, khi bị trói đứng, Mị đã trở lại con người trước kia chai sạn, vô cảm, cam chịu. Cô đã không còn quan tâm đến chính cuộc sống của mình huống gì là người khác.

+ Nhưng sau đó, khi nhìn thấy “dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại” của A Phủ, Mị đồng cảm với nỗi đơn độc và tuyệt vọng của anh ta. Mị nhớ lại tình cảnh của mình năm trước khi bị trói đứng “nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không biết lau đi được.” Sự đồng cảm bắt nguồn từ sự thương cảm bởi có thương mình thì mới thương người “thương người như thể thương thân.” Mị nhận ra nỗi đau đớn của mình năm trước trong nỗi đau của A Phủ. Tô Hoài miêu tả diễn biến tâm lí rất tự nhiên, phù hợp.

+ Mị tỉnh táo nhận ra sự độc ác của cha con nhà thống lí, của bọn chúa đất phong kiến “chúng nó thật độc ác”, thấy lo A Phủ sẽ chết “chết đau, chết đói, chết rét, phải chết.”

+ Lòng trắc ẩn của người đàn bà đau khổ trỗi dậy đã đem lại sức mạnh cho Mị hành động: táo bạo, dũng cảm.

+ Mị cắt dây trói, cứu A Phủ “rón rén bước lại, rút con dao nhỏ cắt lúa, cắt nút dây mây”, nhưng Mị không cảm thấy sợ, lúc này tình thương mạnh hơn nỗi sợ. Mị giục A Phủ chạy trốn.

+ Mị “đứng lặng trong bóng tối” giằng xé, suy nghĩ đi hay ở. Ở lại thì chỉ có con đường duy nhất là chết thay A Phủ, còn bỏ trốn thì may ra tìm được một con đường sống.

+ Nhìn thấy hình ảnh A Phủ dù đã kiệt sức nhưng vẫn vùng lên chạy, Mị như được tiếp thêm sức mạnh và cô “vụt chạy ra, băng đi, đuổi kịp” A Phủ.

- Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế, sắc sảo, chọn lọc chi tiết đặc sắc.

-> Mị cứu A Phủ vì thương người cùng cảnh ngộ với mình, cắt dây trói cứu A Phủ cũng chính là cắt đứt sợi dây trói đời mình với nhà thống lí Pá Tra. Mị cũng tự cứu đời mình vì khát vọng sống, khát vọng tự do, hạnh phúc. Qua đó cũng cho thấy tinh thần phản kháng mạnh mẽ của Mị, cũng là của người dân lao dộng bị áp bức ở vùng núi Tây Bắc.

- Kết thúc truyện ngắn “Chí Phèo”, Nam Cao viết: “Đột nhiên chị thấy thoáng hiện ra một cái lò gạch cũ bỏ không, xa nhà cửa và vắng người lại qua”.

+ Trước hết, kết thúc này cho thấy tư tưởng của nhà văn Nam Cao về hiện thực xã hội. Số phận của người Việt Nam trong xã hội thực dân phong kiến trước Cách mạng tháng Tám bị bần cùng hoá, lưu manh hoá. Chí Phèo từ một chàng thanh niên khoẻ mạnh, có nhân cách, bị Bá Kiến biến thành một con vật người, một công cụ thực hiện những âm mưu thâm độc.

+ Chí Phèo đã đâm chết Bá Kiến và tự kết liễu sự sống của mình. Tưởng như đây là một cách giải quyết mâu thuẫn xã hội. Không còn Bá Kiến, không còn Chí Phèo, xã hội sẽ hết bi kịch. Nhưng không, với kết truyện này, Nam Cao cho thấy tương lai: một Chí Phèo con sắp ra đời và lại lặp lại vòng đời của Chí Phèo bố. Bá Kiến đã chết, nhưng còn đó con trai hắn – Lý Cường. Và rất có thể, Lý Cường lại biến Chí Phèo con thành một thằng lưu manh như cách bố hắn đã làm với Chí Phèo.

+ Kết thúc này do đó cho thấy tư tưởng nghệ thuật sâu sắc của nhà văn Nam Cao về cuộc đời. Xã hội muốn tốt đẹp hơn, công bằng hơn, không thể hành động một cách manh động như Chí Phèo từng làm với Bá Kiến. Cần hành động một cách quyết liệt, dứt điểm để quét sạch những Bá Kiến, Lý Cường ra khỏi xã hội. Người dân làng Vũ Đại cần biết xoá bỏ những định kiến xã hội, đón nhận sự hoàn lương của những con người như Chí Phèo, thì mới có thể có được một xã hội tốt đẹp hơn.

=> Như vậy, kết thúc cùa “Vợ chồng A Phủ” thể hiện giá trị nhân đạo mới của văn học cách mạng. Nếu không có chi tiết Mị cởi trói cho A Phủ thì cuộc đời của họ vẫn trong tăm tối của kiếp sống nô lệ, cuộc sống của người nông dân vẫn mãi cam chịu và sáng tác của Tô Hoài vẫn là sự bế tắc. Chính ánh sáng của cách mạng đã giúp nhà văn hướng cho nhân vật của mình đến một hướng giải thoát.

* Kết bài.

- Với màu sắc dân tộc đậm đà, chất trữ tình thấm đượm, ngôn ngữ giàu tính tạo hình, nghệ thuật miêu tả nội tam nhân vật tinh tế, sắc sảo, đoạn trích cho thấy sức sống tiềm tàng và sức mạnh phản kháng mãnh liệt của Mị khi cởi trói cứu A Phủ, đó cũng chính là khát vọng sống, tinh thần vùng dậy của nhân dân laoo động nghèo khổ dưới ách thống trị của bọn chúa đất phong kiến.

- Hai đoạn trích của hai tác phẩm đã thực sự để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn đọc bởi những giá trị nghệ thuật, giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc. 

Video: Ra mắt cuốn sách luyện thi THPT quốc gia tiếng Anh

PHAN THẾ HOÀI
Bình luận
vtcnews.vn