Loại rau nhà nghèo lên sàn thương mại điện tử, bán cả trăm suất mỗi ngày

Thị trườngThứ Hai, 02/05/2022 17:31:00 +07:00
(VTC News) -

Trước đây, rau sắn chỉ là món ăn dân dã nhưng ngày nay lại mặt hầu như có mặt khắp các sàn thương mại điện tử (TMĐT) và rất hút khách.

Rau sắn được coi là món ăn đặc sản ở Phú Thọ. Bất kỳ ai chỉ cần ăn một lần là sẽ nhớ mãi hương vị chua chua, hơi chát và mùi thơm đặc trưng.

Chị Hoàng Thị Tươi, 35 tuổi (Cẩm Khê, Phú Thọ) ban đầu đơn giản chỉ là muốn giới thiệu món ăn đặc sản của quê mình đến bạn bè ở Hà Nội. Sau đó, nhiều người ăn thấy ngon và hỏi mua nên chị đã quyết định bán loại rau này qua mạng xã hội.

Đến năm 2019, chị Tươi kết hợp cùng gia đình mở một thương hiệu rau sắn Phú Thọ. Sau đó 1 năm, chị bắt đầu bán rau sắn thông qua sàn thương mại điện tử và còn mở riêng một website để bán rau sắn cùng các món đặc sản Phú Thọ.

Loại rau nhà nghèo lên sàn thương mại điện tử, bán cả trăm suất mỗi ngày - 1

Rau sắn Phú Thọ có website riêng, thậm chí thâm nhập vào hầu hết các sàn TMĐT. (Ảnh chụp màn hình)

Nhờ tận dụng được các nền tảng công nghệ, tập khách hàng của gia đình chị Tươi giờ đây chủ yếu là khách hàng online và đã lan rộng ra khắp các tỉnh thành trên cả nước. Cứ lúc vào mùa (khoảng từ tháng Tư đến tháng Chín hàng năm), mỗi tháng gia đình chị bán được trên 1,5 tấn rau sắn muối chua.

Chị Tươi cho biết, công nghệ số đã làm thay đổi hoàn toàn cách kinh doanh của một số gia đình ở quê chị. Trước đây, rau sắn muối chua sẽ theo người bán rong, len lỏi vào các ngõ phố ở Phú Thọ, Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Nhưng giờ đây, nhiều gia đình đã hình thành cả xưởng sản xuất rau sắn muối chua với quy mô cả chục nhân công để phục vụ bán hàng online.

"Ở Phú Thọ, sắn được trồng lấy củ để chăn nuôi hoặc vì mục đích kinh tế. Người nông dân thường chỉ lấy củ còn thân lá thì thường là phế phẩm, dùng làm phân bón ngược trở lại cho đất. Thấy tiếc, người nông dân đã tận dụng những búp non của cây sắn chế biến thành món đặc sản bình dị nhưng rất lạ và ngon", chị Tươi nói.

Rau sắn non sau khi được hái về, làm sạch vò nát sẽ được muối chua giống như các loại dưa khác. Sau khi đã thành phẩm, loại rau này sẽ được đóng bịch nặng khoảng 1,5kg và bán với giá khoảng 75.000 đồng/bịch chưa kể tiền ship. Mỗi ngày, chị Tươi bán được khoảng 100 bịch, tương đương với doanh thu 7,5 triệu đồng/ngày.

Loại rau nhà nghèo lên sàn thương mại điện tử, bán cả trăm suất mỗi ngày - 2
Loại rau nhà nghèo lên sàn thương mại điện tử, bán cả trăm suất mỗi ngày - 3

 Rau sắn lúc còn tươi (bên trái) và sau khi đã muối chua (bên phải). (Ảnh nhân vật cung cấp)

Chị Hải Yến (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết: “Tôi nghiện món này lắm, trước đây cứ mỗi lần đến mùa rau sắn là tôi lại nhờ đồng nghiệp quê ở Phú Thọ về quê thì mang cho tôi một ít. Nhưng giờ thì tiện hơn rất nhiều, không phải chờ đến lúc đồng nghiệp về quê nữa mà có thể đặt mua luôn trên sàn thương mại điện tử rất nhanh gọn".

Chị Yến cho biết thêm, cả chồng và con chị đều rất thích ăn món này: “Cứ thấy có rau sắn là chồng tôi lập tức đi mua cá về nấu cùng. Sự kết hợp này quả là không chê vào đâu được, rau sắn thì thơm ngậy còn cá thì tuyệt nhiên không còn chút vị tanh nào".

Loại rau nhà nghèo lên sàn thương mại điện tử, bán cả trăm suất mỗi ngày - 4
Loại rau nhà nghèo lên sàn thương mại điện tử, bán cả trăm suất mỗi ngày - 5

Rau sắn được nấu với nhiều loại thịt, cá khác nhau. (Ảnh: Rau sắn bà Quy)

CÔNG HIẾU
Bình luận
vtcnews.vn