Loài gà đã chinh phục cả Trái đất thế nào?

Thế giớiThứ Tư, 01/02/2017 07:26:00 +07:00

Từ thời cổ đại, gà là loài vật linh thiêng gắn với nhiều hệ thống tín ngưỡng và thờ cúng tôn giáo, nhưng tại sao loài gà có mặt trên hầu khắp các châu lục?

Gà là vật nuôi được thuần hóa từ lâu đời, gắn bó mật thiết với con người và hiện diện nhiều trong nền văn hóa phương Đông và phương Tây.

Từ thời cổ đại, gà là loài vật linh thiêng gắn với nhiều hệ thống tín ngưỡng và thờ cúng tôn giáo. Trong văn hóa phương Đông, gà là một trong 12 con giáp và cũng nằm trong lục súc.

Andrew Lawler, đến từ North Carolina, Mỹ là tác giả của “Why Did the Chicken Cross the World: The Epic Saga of the Bird That Powers Civilization” (Tạm dịch: “Tại sao loài gà có mặt trên khắp thế giới: Chuyện về loài chim làm giàu cho nền văn minh nhân loại”). Do ông có hiểu biết sâu rộng về loài gà nên tờ National Geographical đã có bài báo phỏng vấn ông để tìm hiểu thêm về loài vật này.

1

 Andrew Lawler là tác giả của “Why Did the Chicken Cross the World: The Epic Saga of the Bird That Powers Civilization”

- Tại sao loài gà có mặt trên khắp hành tinh?

Gà là thức ăn phổ biến của con người, khi con người di cư đến những vùng đất mới, họ lại nuôi gà để làm nguồn thực phẩm. Dần dần, khi con người có mặt trên hầu khắp các châu lục thì gà cũng vậy.

Hiện nay, gà là loại thịt phổ biến nhất trên thế giới. Trung bình, mỗi người Mỹ ăn hơn 36 kg thịt gà mỗi năm.

5

 Gà là loài động vật gắn bó lâu đời với con người.

Gà nhà có nguồn gốc là gà rừng lông đỏ (Gallus gallus). Đây là loài chim rừng nhút nhát sống ở phía Nam Châu Á, Pakistan, Sumatra và Indonesia. Chúng nhát đến nỗi nếu bị săn bắt ở ngoài tự nhiên, chúng có thể chết vì đau tim do quá sợ hãi con người.

- Tại sao sự tiến hoá của loài gà làm giàu cho nền văn minh nhân loại?

Khi nghĩ đến gà, người ta không nghĩ gì nhiều ngoài việc cung cấp trứng và thịt. Nhưng lịch sử cho thấy, gà đóng nhiều vai trò trong cộng đồng người hơn những động vật thuần chủng khác như chó, mèo hay trâu, bò.

Từ thời cổ đại, gà là loài vật linh thiêng trong một số nền văn hóa và gắn chặt với nhiều hệ thống tín ngưỡng và thờ cúng tôn giáo.

Người Hy Lạp sau khi tiếp xúc với văn hóa Ba Tư đã dùng thuật ngữ "chim Ba Tư" để chỉ gà trống "do tầm quan trọng to lớn và công năng tôn giáo của gà trống trong xã hội Ba Tư".

Những người theo Hỏa Giáo (Zoroastrians) coi gà là linh vật bởi nó thức dậy trước bình minh, trước khi ánh sáng xuất hiện. Người Hoả Giáo coi dấu hiệu của ánh sáng là dấu hiệu tốt lành. Vì vậy, gà trở nên gắn liền với tinh thần và thể chất con người.

- Tại sao người Mỹ Gốc Phi là những người đi đầu trong nền công nghiệp nuôi gà ở Mỹ?

Khi những nô lệ Tây Phi được đưa đến Châu Mỹ, họ có nhiều am hiểu về loài gà bởi gà được nuôi nhiều ở Tây Phi và được coi là linh vật.

Trong thời kỳ thuộc địa ở Mỹ, gà không phải là món ăn ưa thích vì người da trắng không coi trọng gà và họ chỉ cho phép nô lệ nuôi gà ở một số khu vực nhất định như Virginia và Nam Carolina.

4

Từ thời cổ đại, gà là loài vật linh thiêng gắn chặt với nhiều hệ thống tín ngưỡng và thờ cúng tôn giáo.

Với những kiến thức có sẵn, những người nô lệ có nguồn gốc từ Tây Phi nuôi gà rất tốt. Họ nuôi gà và bán cho các thương nhân. Từ đó, ngành công nghiệp gà bắt đầu phát triển và những người đặt nền móng đầu tiên chính là người Mỹ gốc Phi.

- Ngoài cung cấp thực phẩm cho con người, gà còn có lợi ích gì?

Trước khi gà được đưa vào nuôi tại các trang trại, gà thường được nuôi tại các hộ gia đình. Chúng ăn thức ăn thừa mà các bà nội trợ vứt ra từ nhà bếp sau mỗi bữa tối. Như vậy, thức ăn không bị lãng phí mà trở thành có ích.

Ngoài ra, chúng còn thích đi nhặt nhạnh thức ăn quanh nhà, ăn côn trùng như ruồi muỗi hay các loại sâu bọ. Vì thế mà các hộ gia đình nuôi nhiều gà thường không có nhiều muỗi và côn trùng khác.

Ở vùng Trung Đông, các nhà khảo cổ cũng phát hiện xương gà ngay trong khu vực sinh sống của con người cổ đại. Điều đó cho thấy gà gắn bó với con người từ rất lâu đời.

Video: Ghé thăm trang trại "gà vũ công" ngàn đô của tỷ phú trẻ Hà thành

Nguyễn Ly (Nguồn: National Geographic)
Bình luận
vtcnews.vn