Loại ‘con ông cháu cha’ yếu kém: Đại biểu Quốc hội 'hiến kế'

Thời sựThứ Bảy, 29/11/2014 11:34:00 +07:00

(VTC News) - Ủy viên Ủy ban Ngân sách của Quốc hội Bùi Đức Thụ ‘hiến kế’ tinh giản biên chế, giải bài toán tăng lương cho người lao động.

(VTC News) - Ủy viên Ủy ban Ngân sách của Quốc hội Bùi Đức Thụ ‘hiến kế’ tinh giản biên chế, giải bài toán tăng lương cho người lao động.

Tinh giản biên chế là vấn đề được nhắc đến nhiều trong thời gian qua, tuy nhiên thực tế, việc giảm biên chế không đơn giản, đặc biệt khi chúng ta đang chi ngân sách theo kiểu đầu vào, càng nhiều biên chế, số tiền ngân sách rót về càng lớn.

Theo ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên Ủy ban Ngân sách của Quốc hội, chính cách chi ngân sách kiểu này đã khiến việc tinh giản biên chế rất khó khăn. Đây cũng là lý do khiến việc cải cách tiền lương diễn ra chậm chạp.

Bên cạnh đó, ông Thụ cho rằng, do công tác cán bộ của chúng ta hiện nay đang có nhiều vấn đề, cần phải đánh giá sát mới có thể thấy cần giảm ai, tăng ai, nếu không khó có đủ ngân sách để chi cho việc tăng lương theo đúng lộ trình.
Hàng ngàn người chen nhau xếp hàng nộp hồ sơ thi công chức ngành thuế  

- Có ý kiến cho rằng, Bộ Nội vụ chưa làm hết vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác quản lý, đánh giá cán bộ, nên mới để xảy ra tình trạng bộ máy ngày càng phình to nhưng chất lượng ngày càng đi xuống. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Theo tôi, để đánh giá sát thì phải phụ thuộc chính vào người sử dụng lao động trực tiếp, chứ Bộ Nội vụ chỉ là cơ quan giúp Chính phủ tổng hợp các đầu mối của các bộ ngành, các địa phương nên dù biết là số liệu bất cập nhưng cũng không sửa được và cũng không đề xuất được.

Hiện nay biên chế của chúng ta quá phình to, dẫn đến hạn chế lớn là khi Quốc hội về vấn đề tăng lương thì còn rất nhiều ý kiến khác nhau.

Việc tăng lương cho cán bộ công nhân nhân viên là rất cần thiết, bởi vì mức lương của cán bộ viên chức hiện nay mới đáp ứng được 60% mức tối thiểu.

Tuy nhiên, để tăng lương thì thực sự cân đối ngân sách của chúng ta đang hết sức khó khăn. Nợ công hiện đã tiến sát trần, tới 64,5% GDP. Đỉnh cao dự kiến sẽ vào năm 2016, nợ công lên tới 64,9% GDP, ngay cả áp lực trả nợ hàng năm rất lớn, ngân sách không thể kham được. 

Câu hỏi đặt ra là bối cảnh ngân sách khó khăn như vậy thì có giải quyết vấn đề tiền lương hay không. Đây là một trong những vấn đề mà chúng tôi hết sức trăn trở.

- Việc tăng lương đã quyết định thực hiện theo đúng lộ trình, nhưng giờ chúng ta đành giãn, không triển khai đúng như kế hoạch. Lý do tại sao lại vậy thưa ông?

Ông Bùi Đức Thụ: 'Để giảm được biên chế, cần bố trí chi ngân sách theo đầu ra chứ không phải theo đầu vào như hiện nay'  
Hiện nay việc cải cách tiền lương của chúng ta đang đứng trước một áp lực. Khu vực cán bộ công chức nhà nước của chúng ta không nhiều, khoảng trên dưới 700 ngàn người thôi. Trong khi đó đối tượng hưởng lương của chúng ta nếu tính cả lực lượng vũ trang đã đến hơn 8 triệu  người. Nên gánh nặng của ngân sách phải lo là rất lớn.

Nếu giải quyết tăng lương cho tất cả các đối tượng theo đúng lộ trình thì dẫn đến thực tế là cái bánh ngân sách chỉ có vậy, nếu tăng chi cái này thì phải giảm chi trả nợ, cũng như chi các khoản khác. Do vậy chúng tôi cũng đề nghị tiếp thu một phần ý kiến ĐBQH là xử lý một phần tăng lương cho những người nghỉ hưu, cho những người có lương thấp dưới 2,34.

- Vậy theo ông, trong thời gian tới chúng ta cần phải có giải pháp như thế nào để giải quyết vấn đề cải cách tiền lương vốn đang là vấn đề rất nan giải hiện nay?

Theo tôi, vấn đề đầu tiên là phải tinh giản biên chế. Ngoài những người về hưu ra còn một bộ phận cán bộ công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ buộc chúng ta cũng phải thực hiện việc đào thải, cái đó lại liên quan đến vấn đề đánh giá cán bộ.

Việc đánh giá cán bộ hiện nay, như nhiều người nói, nó còn liên quan đến các mối quan hệ, con ông cháu cha, rồi tiêu chí đánh giá của chúng ta nặng về định tính, thiếu về định lượng, dẫn đến nhiều cái đánh giá chưa thật sát. 

Từ thực tế này, ngoài cái việc xử lý về định lượng, đối với tiêu chuẩn đánh giá cán bộ thì tôi cho đó là cần phải thực hiện việc khoán biên chế, thực hiện bố trí ngân sách theo đầu ra.

Hiện tại, việc bố trí ngân sách của chúng ta đối với lĩnh vực quản lý hành chính nhà nước đang là theo đầu vào. Cứ mỗi một người hoạt động, ví dụ đối với một tỉnh là khoảng 30 triệu người thì cứ biên chế càng nhiều, các bộ ngành càng nhiều thì tiền ngân sách phải cấp để giải quyết vấn đề tiền lương và kinh phí hoạt động càng lớn, 

Với cơ chế phân bổ ngân sách như vậy thì vô hình chung chúng ta khuyến khích việc tăng biên chế chứ không khuyến khích cái việc giảm biên chế. 

Ở nhiều nước họ bố trí ngân sách theo đầu ra, lấy nhiệm vụ khoán biên chế theo nhiệm vụ chức năng của bộ này, của ngành này địa phương này, của sở này… làm căn cứ nhiệm vụ, căn cứ vị trí việc làm thì nó tính thành bao nhiêu biên chế và tính thành quỹ lương khoán cho người thủ trưởng đó. Anh mà giảm được nhân sự thì chính là điều kiện tăng thu nhập cho những người trong đơn vị đó. Tôi cho đó là giải pháp hay.

Ngoài việc khoán biên chế, thì ngay cả các cơ chế chính sách hỗ trợ, thì bố trí ngân sách nhà nước thì cũng nên chuyển dần từ việc bố trí ngân sách theo đầu vào, thành cái bố trí ngân sách theo cái kết quả đầu ra. 

 

Với cơ chế phân bổ ngân sách theo đầu vào hiện nay thì vô hình chung chúng ta khuyến khích việc tăng biên chế chứ không khuyến khích việc giảm biên chế.
 
Nếu như chúng ta thực hiện đồng bộ giải pháp ở tất cả các lĩnh vực thì vấn đề đánh giá cán bộ, vấn đề tinh giản biên chế của chúng ta mới thực hiện được, và mới thực hiện đúng được cần giảm những người cần giảm, cần sử dụng những người mà có trình độ, có đạo đức, có năng suất lao động có chất lượng động tốt.

- Để làm được những điều như ông vừa nói thì có lẽ không thể chỉ trông chờ vào Bộ Nội vụ, mà cần có sự thay đổi căn bản chính sách đánh giá cán bộ từ cơ sở?

Cái thứ nhất, như tôi đã nói, việc đánh giá cán bộ, đánh giá hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan công quyền là vấn đề lớn đang đặt lên. Muốn hiểu chính sách gì thì chính sách, nhưng mà chúng ta phải nhận dạng cho đúng thực trạng tình hình. Nếu nhận dạng đúng những điểm tích cực những vấn đề còn bất cập, và nguyên nhân của nó thì chúng ta mới đề ra giải pháp để khắc phục được.

Vậy thì nhiệm vụ đánh giá đối với hệ thống cán bộ, đầu mối mà Chính phủ phân công nhiệm vụ cho Bộ Nội vụ, nhưng mà Bộ Nội vụ cũng chỉ là cái cơ quan quản lý nhà nước, giúp Chính phủ, giúp Thủ tướng Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý công chức nhà nước thôi. 

Chứ còn việc đánh giá cán bộ không ai rõ hơn là từ chính các đơn vị, từ chính người sử dụng lao động đó. Nếu chúng ta không đánh giá đúng từ cơ sở thì ngay cả Bộ Nội vụ hay Chính Phủ cũng không thể sát được.

- Cụ thể, theo ông cần có chính sách gì để khắc phục được những bất cập trong công tác đánh giá cán bộ hiện nay?

Để khắc phục tình trạng này tôi cho rằng, vấn đề đầu tiên là phải làm rõ các nguyên tắc, tiêu chí quy trình tổ chức thực hiện, ví dụ cái tiêu chí đánh giá không chỉ là đánh giá chung chung, không chỉ định tính, mà quan trọng chúng ta còn phải định lượng về từng hoạt động một, lượng hóa thành số điểm, thì tôi cho nó sẽ khách quan hóa việc đánh giá đối với sự cống hiến, chất lượng cán bộ của chúng ta. 

Thứ hai nữa là chúng ta cũng tham chiếu thêm các ý kiến đánh giá của các tổ chức, cá nhân theo chức năng nhiệm vụ được phân công, đó cũng là một tiếng nói độc lập, khách quan.

Lan Uyên
Bình luận
vtcnews.vn