Lộ trình triển khai 4G: Không nên đốt cháy giai đoạn

Kinh tếThứ Ba, 08/11/2016 16:12:00 +07:00

Phát triển 4G là cần thiết, tuy nhiên cần phải có lộ trình để phù hợp tại thị trường Việt Nam, trong đó muốn triển khai 4G hiệu quả đòi hỏi các doanh nghiệp viễn thông phải đáp ứng các “điều kiện cần” theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ký giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng và giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông 4G cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty viễn thông MobiFone và Công ty Cổ phần Dịch vụ viễn thông Toàn cầu (Gtel Mobile), chính thức mở ra cuộc đua 4G của các nhà mạng viễn thông tại thị trường Việt Nam.

IMG_1514

 

Tuy nhiên, theo phần lớn ý kiến của các doanh nghiệp viễn thông, phát triển 4G là cần thiết nhưng cần có lộ trình để dung hoà nhu cầu của thị trường. Mặt khác, để triển khai 4G tại Việt Nam phải đạt các “điều kiện cần” để đảm bảo chất lượng và phạm vi triển khai đáp ứng các tiêu chuẩn đề ra.

IMG_1531

 

Cụ thể, theo quy định tại phụ lục 3 trong giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng vừa cấp yêu cầu các nhà mạng phải cam kết số lượng trạm triển khai dịch vụ 4G. Trên thực tế, MobiFone hiện đã xây dựng 4.500 trạm phát sóng 4G và dự kiến con số này sẽ là 30.000 trạm phát sóng 4G giai đoạn 2017 - 2018, trong khi đó Vinaphone cam kết quý I/2017 sẽ phát triển 10.000 trạm và 21.000 trạm trong năm 2017.

Kèm theo đó, tỷ lệ phần trăm dân số có khả năng tiếp cận dịch vụ dự kiến tại thời điểm chính thức cung cấp dịch vụ theo từng khu vực cũng như việc công bố chất lượng dịch vụ trên trang web và tại các điểm cung cấp dịch vụ, trong đó có bản đồ phủ sóng và các chỉ tiêu chất lượng dịch vụ quy định tại Quy chuẩn quốc gia QCVN 36:2015/BTTT (quy chuẩn dịch vụ thoại) và Quy chuẩn 81:2014/BTTT (quy chuẩn chất lượng dịch vụ Internet trên mạng IMT2000) cũng là hai yếu tố bắt buộc cần đưa ra khi các nhà mạng chính thức cung cấp dịch vụ 4G rộng rãi trên thị trường.

IMG_1539

 

Theo đó, tại cùng một khu vực, số lượng người dùng và số trạm thu phát sóng ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sử dụng mạng trên từng thiết bị. Bởi vậy, nhiều chuyên gia cho rằng chất lượng 4G trong thời gian đầu khi đưa vào sử dụng rộng rãi có tốc độ khá nhanh, nhưng về lâu dài sẽ phụ thuộc nhiều vào sự đầu tư của các nhà mạng cũng như tốc độ phát triển của thiết bị hỗ trợ 4G. 

IMG_1631

 

Ngày 3/11 vừa qua, Vinaphone vừa chính thức khai trương cung cấp dịch vụ 4G trên băng tầng 1800MHz tại Phú Quốc, khu vực Vinaphone đã triển khai thử nghiệm dịch vụ trong thời gian trước, đánh dấu bước đi đầu tiên trong cuộc đua 4G của các nhà mạng. Trong khi đó, Viettel và MobiFone cũng đang gấp rút chuẩn bị để cung cấp dịch vụ 4G trên phạm vi rộng hơn, trong đó đặc biệt, MobiFone sẽ cung cấp chính thức tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng. Cuộc chơi 4G mới chỉ bắt đầu, tuy nhiên thành công hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào những nỗ lực của doanh nghiệp. Nhưng có một điều chắc chắn rằng để đạt được các yêu cầu như đã qui định của Bộ TT&TT trong giấy phép cấp cho các Doanh nghiệp Viễn Thông để công bố đủ điều kiện chính thức cung cấp dịch vụ 4G còn là một chặng đường dài cần nhiều nỗ lực của các nhà mạng mới có thể hoàn thành. 

Nhã Phương
Bình luận
vtcnews.vn